Cô giáo của tôi

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm...

 

Cô giáo của tôi

co giao Cô giáo của tôi

Trong suốt 15 năm đi học, tôi đều được các cô giáo yêu thương, trong khi các thầy giáo ít ai có thiện cảm với tôi. Bút phê trong học bạ mỗi năm học, nếu là cô giáo chủ nhiệm, luôn luôn có câu: “Có chí tiến thủ”. Nếu là thầy giáo chủ nhiệm, thế nào cũng có câu: “cần ngăn ngừa tính tự phụ”.

Cô giáo yêu thương tôi nhất, coi tôi như con, như em là cô Hoàng Thị Lệ Thi, cô ruột của Hoàng Hiếu Nhân, hồi chiến tranh được coi là thần đồng thơ của Quảng Bình.

Nhân chỉ làm có 33 bài thơ, in thành tập Đi nữa chú ơi, nổi tiếng như cồn, so với Trần Đăng Khoa không hề kém cạnh. Thơ Nhân thua thơ Khoa về độ tinh tế nhưng sâu hơn, có “tầm” hơn. Chuyện Hoàng Hiếu Nhân sẽ kể một dịp khác.

Những năm 1965-1968 chiến tranh phá hoại rất ác liệt, dân Quảng Bình thường chia con ra mỗi đứa mỗi nơi, nhỡ chết đứa này còn đứa khác, tôi theo ba tôi lên thung lũng Cao Mại miền tây Quảng Bình, cách nhà chừng 30 km, trường trung cấp sư phạm của ba tôi sơ tán ở đó.

Cô Thi hồi đó chừng 20 tuổi, xinh đẹp nhất trường, da trắng mịn, tóc dài quá gối, mắt bồ câu long lanh… đẹp lắm. Cô là học trò của ba tôi. Năm đó tôi học lớp 5, hôm nhập trường ba tôi dắt tay đến tận cửa lớp bàn giao cho cô, nói thầy trăm sự nhờ em. Cô nhìn qua học bạ, cười với ba tôi, nói chà cu Lập học giỏi ri thầy còn lo chi. Ba tôi nói nó dại lắm, lại yếu, thầy thì công tác luôn, có gì em trông nom giùm.

Từ đó tôi được cô chăm sóc hết sức tận tình, cái cúc đứt, cái áo rách cô đều khâu vá cho cả. Nhiều khi ba tôi đi công tác vắng, tôi ăn ngủ tại nhà cô luôn.

Cô kể chuyện vô cùng hay, toàn kể những tiểu thuyết lớn của Nga, Pháp. Tối nào cứ học xong, cô nằm giữa, tôi nằm một bên, cháu cô là thằng Nhơn ( sau này là nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn) nằm một bên nghe cô kể. Cô kể Những người khốn khổ hay đến nỗi sau này tôi đọc lại cuốn ấy thấy không hay như cô kể. Hễ nghe cô nói thôi ngủ là cả tôi và thằng Nhơn đều réo không không, kể nữa kể nữa.

Ỷ thế được cô thương, lại là con của thầy cô, tôi sinh ra chủ quan, nghĩ bụng mình làm gì cô cũng cho qua. Nhưng không. Một lần tôi bắt con chuột con thả vào cặp con Lê, nó hét vang. Cô hỏi ai bày trò, con Lê chỉ tôi, cô đã bắt tôi đứng úp mặt vào tường đúng hai tiếng. Sau biết tôi đứng đúng ổ kiến lửa, kiến cắn đỏ chân, cô vừa xoa dầu cho tôi vừa khóc.

Một hôm cô bảo nộp vở soạn văn để chấm. Từ đầu học kì tôi chẳng soạn bài nào, vội vàng soạn hai bài rồi đưa vở nộp cô, nói thưa cô em thay vở mới. Cô bảo đem vở cũ đây cô xem, tôi tịt câm. Cô cho 2 điểm, sau xoá đi cho 0 điểm, nói soạn bài không đầy đủ là 2 điểm, nói dối trừ 2 điểm còn 0. Đó là điểm 0 duy nhất trong suốt thời đi học của tôi.

Thời đó học trò luôn phải đi lao động, gọi là vừa học vừa hành, con nít chẳng làm gì nhiều, chủ yếu nhổ sắn, trồng khoai… đại loại thế. Nhưng ba tôi lo tôi mất sức, viết cái thư gửi cô, xin cho tôi được miễn lao động. Tôi nhớ mãi cái thư cô gửi cho ba tôi bảo tôi cầm về: Thưa thầy, học sinh của em không ai có ngoại lệ. Em xin lỗi vì đã không vâng lời thầy.

Hết lớp 5 tôi về lại Ba Đồn, cô đạp xe đạp đưa tôi đi gần 30 chục cây số đường rừng về tận bến đò Phù Trịch. Dọc đường cô cứ hỏi giận cô chuyện gì không, ghét cô chuyện gì không. Cô còn hát, nói cô hát mấy bài cho em nhớ. Đường rừng gập ghềnh, lồi lõm, đạp xe đã mệt, cô vửa thở vừa hát, có câu ngắt nhịp hai ba lần cô vẫn cứ hát.

Tới bến đò, đò chưa đi cô vẫn nói nói cười cười, nhưng đò vừa đi cô đã khóc oà, gọi với Lập ơi viết thư cho cô nha, Lập ơi viết thư cho cô nha. Ra đến nửa sông vẫn còn nghe tiếng cô gọi.

Khi đó tôi cũng khóc, nghĩ bụng về nhà cái là viết thư cho cô ngay. Nhưng rồi mải chơi, khi viết nửa thư thì bỏ, khi viết xong thư thì không kiếm ra tem, khi dán xong thư nhưng không đi gửi… tóm lại ba chục năm tôi không hề gửi cô một bức thư.

Vẫn nghe thông tin về cô, lấy chồng được hai đứa con, chồng bỏ, một mình nuôi hai đứa con cực khổ vô cùng ở Ba Trại, lúc nào cũng định bụng gửi cho cô ít tiền, tóm lại có cả nghìn lý do để suốt 30 năm tôi không gửi cho cô xu nào. Có xa xôi gì đâu, từ Ba Đồn lên Ba Trại không đầy 20 cây số.

Nghĩ mình còn quá một thằng khốn nạn, tết vừa rồi tôi quyết định nhờ thằng Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) lái xe đi thăm cô. Dọc đường cứ đinh ninh gặp mình cô sẽ giận lắm, nhất định cô sẽ nói ờ các anh bây giờ nổi tiếng rồi, giàu có rồi, có nhớ đến ai nữa. Nhưng không. Cô ôm lấy mình hôn như hôn đứa con nít, khóc nấc lên, nói Lập ơi cô nhớ em lắm, Lập ơi cô nhớ em lắm...

Nguyễn Quang Lập

Bản chất của thành công

success target Bản chất của thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Hà Minh Ngọc

Cuộc đời và tô hủ tiếu

Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí teo nào đâu.

Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghiã sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã “giới hạn” sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!

Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.

Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.

Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.

Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc “hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo…”. gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.

Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.

hu tieu go Cuộc đời và tô hủ tiếu

Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:
“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi…”

Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có “sự kích thích” nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, “cung” và “cầu” thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.

Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: “Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?”. À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên “Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!” nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: “Hủ tiếu là cuộc đời!”.

Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.

o O o

Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.

Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…

Sưu tầm