TẢN MẠN VỀ CÁI “TÔI”!

Hiểu được cái tôi. Ý thức được cái tôi. Và làm chủ được cái tôi... Như vậy là bạn làm chủ được bạn, và bạn là người. Chỉ sau khi đã là người rồi, bạn mới hy vọng có thể trở thành người hữu ích cho nhân loại, và mới thực sự bước vào hành trình “thánh nhân hóa” con người cũng như cuộc đời của bạn.

TẢN MẠN VỀ CÁI “TÔI”!

Theo lối nhìn của tâm lý giáo dục và tâm lý đạo đức.

Trần Mỹ Duyệt

Mỗi lần suy nghĩ về “cái tôi”, tôi lại nhớ lời của một vị thánh nhân:

Muốn làm thánh phải làm người trước đã” (St. Gioan Boscô).

Tôi rất tâm đắc với tư tưởng này, đặc biệt trong cái nhìn của tâm lý giáo dục và tâm lý đạo đức. Một tư tưởng mà nếu suy nghĩ một cách chín chắn ta sẽ thấy nó hiện ra con người thực của mình, hoặc nói một cách nôm na là “cái tôi” của  mỗi người.

Ở đây ta hãy gác chuyện làm thánh nhân, vì theo Gioan Boscô, muốn được như vậy, trước hết ta phải làm “người” cái đã. Nhưng người ở đây là gì? Phải chăng là trở thành “cái tôi’ như chính tôi phải có và muốn có. Bởi vì không ai có thể là người được, nếu thiếu đi cái tôi thật sự của chính mình. Vậy làm người là làm gì? Làm sao? Và làm như thế nào? Tại sao cần phải là người trước khi là bất cứ cái gì kể cả việc trở thành một thánh nhân.

Nếu nhìn vào thực tế, ta sẽ thấy được điều này là có nhiều người nếu cho họ không phải là người thì tội nghiệp cho “cái người” của họ. Xem ra như họ bị kinh bỉ, coi thường, và bị coi nhẹ. Nhưng nếu bảo họ là người thì lại tội cho “cái người” của chung chúng ta. Thật sự, để tìm được một từ ngữ thích hợp cho những con người ấy theo như cái nhìn của Gioan Boscô quả thật là khó khăn. Gọi họ là người cũng không đúng, mà gọi họ là cái gì khác với người cũng không được. Bởi một lẽ rất dễ hiểu vì họ là người nhưng tư tưởng, lời nói và hành động không lột tả được hình ảnh và thực chất cao quí của “con người”.

Bạn gọi một người xách dao, súng vào nhà người khác đâm, chém, và bắn chết chủ nhà để lấy tiền là gì? Là đứa ăn cướp hay quân ăn cướp phải không?! Bởi vì không một con người nào có lương tri, hiểu biết, và ý thức là người lại làm chuyện rồ rại, gây đau khổ cho người khác như vậy.

Bạn gọi những cô gái, những thiếu nữ xinh xắn nhưng khiêu gợi trong các quán bar, các phòng trà, hay tại những xó xỉnh đâu đó chào mời và mua bán dục vọng với khách qua đường là gì? Nhẹ nhàng thì bạn gọi là các cô gái ăn sương, phường buôn phấn bán hoa. Nặng nề hơn là bọn đĩ điếm.

Bạn gọi một người con để có mấy trăm đồng đi nhậu với bạn bè, hút sách, hoặc cờ bạc đem dao đâm bố chết là gì? Chắc chắn cái từ “con” dễ thương và đầy cảm xúc sẽ không bao giờ được dùng cho hạng con này, ngược lại, bạn sẽ gọi đó là “thằng bất hiếu”. Đứa con trời đánh.

Bạn gọi một người dùng quyền bính, dùng bằng cấp, dùng địa vị của mình để ăn chặn, ăn cướp tài sản và đất đai người khác là gì?

Chắc chắn không gọi họ là những bộ trưởng, chủ tịch, hay chánh án…, mà bạn dùng một từ chung là phường ăn cướp. Những kẻ hối mại quyền thế. Bọn bất nhân và vô lương tâm.

Bạn gọi một người mê man cờ bạc đến bán nhà, bán đất, bán xe. Hoặc một người rượu chè, nghiện hút đến tán gia bại sản, bỏ bê con cái lây lất, vợ con nheo nhóc là gì? Là những bợm nhậu, bọn ma men, và phường đỏ đen.

Còn nhiều và nhiều nữa những hình ảnh của một người nhưng không phải là người như trên.

Đó cũng là lý do tại sao có những người được người đời kính nể và yêu mến. Và tại sao có những người mà chỉ nghe đến cái tên của họ nhiều người đã phải dội lại và nhổ nước bọt. Người ta ngại không dám thốt ra những tên tuổi đó vì “dơ” miệng của mỉnh. Và người ta sợ không dám nghĩ đến những tên tuổi đó, vì sợ “phiền” đến trí nhớ của mình. Và điều làm cho có sự cách biệt ấy là gì? Dĩ nhiên, như Gioan Boscô đã nói, đó là “làm người” hay “không làm người”.

Bạn có thể không đồng ý và cho rằng sao mà cay đắng, gay gắt, và khó khăn thế? Bộ ai mà không có lỗi lầm sao?! Việc gì phải lên án kẻ này, kẻ khác. Thật ra, mọi người nếu có một suy nghĩ và lối sống bình thường sẽ không có quyền, và không nên phê phán, chê trách ai. Chỉ là nêu lên một trong những nét tương phản, và những dữ kiện rõ ràng giữa con người biết suy nghĩ, biết nói năng, và biết sống như một người, với những con người mà lương tri và hành động của họ không có sự kiểm soát, không tự chế và không biết kìm hãm. 

Tóm lại, bề ngoài tuy họ là những người nắm giữ các chức vụ cao trong xã hội, những người có những bằng cấp và học vị, những người có nhiều quyền bính trong tay, những người giầu có, danh giá… Những người có tên tuổi trên các diễn đàn văn học, nghệ thuật, khoa học, văn hóa hay chính trị… nhưng nếu nhìn vào hành động của họ, nhìn vào cách sống và cách cử xử của họ, thật sự không dám nghĩ họ là “người”. Bởi vì không thể tìm được chất người trong những hình hài ấy, những lối sống ấy!

Napoléon đã nói: “Thắng vạn quân không bằng thắng chính mình”. Việc biết và chế ngự được cái tôi là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi tất cả sự hiểu biết, ý chí, sức mạnh, và quyết tâm của mỗi người. Như người lính khi xông pha tên đạn, khi điều binh khiển tướng phải biết dùng sự hiểu biết, ý chí, sức mạnh, quyết tâm và sự khôn ngoan mới mong thắng được kẻ địch. Khí giới tối tân, và sự tiếp tế hậu cần như những đòn bẩy tâm lý để thắng lúc ấy mới hy vọng thắng trận.

Vậy để làm người, và để có khả năng trị được cái tôi, bạn cần nhìn lại con người “tự nhiên” của mình. Con người dưới cái nhìn thực vật như một con heo, con chó chẳng hạn. Với góc nhìn này, bạn phải biết kìm hãm những đam mê của mình. Những cái thích, cái ham muốn không thuộc về mình.

Bạn phải có can đảm làm chủ nó lúc đó bạn mới có thể ngồi vào bàn ăn với bạn bè mà không ăn uống nhồm nhoàm, ngấu nghiến, chộp giật.

Và bạn không phát ngôn một cách bừa bãi, văng tục, chửi thề một cách vô tội vạ. Bạn sẽ không khua chân, múa tay, phùng mang, trợn mắt, và rút giao, rút súng với người này, người khác một cách vô lý, thiếu ý thức. Vì bạn là một người.

Và bạn phải tự chủ cảm tình của mình. Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Tự chủ những giận hờn, những xung khắc, những nóng nảy, những khó chịu, những lời dèm pha, và những lời phê phán thiếu trách nhiệm đối với những người mà bạn cho là không hợp với bạn, không cùng phe phái với bạn. Vì bạn là một người.

Sau cùng bạn phải tập ý thức trách nhiệm và bổn phận đạo đức - đạo đức xã hội, cũng như đạo đức tâm linh.

Thí dụ, bạn ra đường phải tuân thủ luật đi đường. Làm ăn, buôn bán phải thật thà, thành tín. Làm con phải hiếu thảo… Đó là những luật lệ của lương tâm của con người mà Thượng Đế đã “in” vào trong lòng, trong trí của bạn khi chào đời. Dù bạn cố tình quên hay cố tình từ chối thì những luật lệ ấy vẫn xuất hiện mỗi khi bạn toan tính hay thực hiện điều gian ác. Tiếng bình dân gọi là “tiếng nói lương tâm”. Vì bạn là một người.

Tóm lại, để là một người, bạn phải biết làm chủ bạn, làm chủ cái tôi của bạn. Cái tôi ấy là con người tự nhiên. Cái tôi ấy là những cảm tình, những đam mê đang cuồng nhiệt trong bạn. Và cái tôi ấy là những tiếng lương tâm đang nhắc nhở bạn mỗi ngày.

Hiểu được cái tôi. Ý thức được cái tôi. Và làm chủ được cái tôi như vậy là bạn làm chủ được bạn, và bạn là người. Chỉ sau khi đã là người rồi, bạn mới hy vọng có thể trở thành người hữu ích cho nhân loại, và mới thực sự bước vào hành trình “thánh nhân hóa” con người cũng như cuộc đời của bạn.  

Thức Tỉnh

1. Xin chia sẻ một thoáng nhìn về "thức tỉnh" nhân mùa Vọng : 

Tỉnh hay mê cũng thế thôi

Nửa mê nửa tỉnh là đời chúng sinh

Ai ai cũng vướng tội tình

Chỉ cầu xin Chúa Thiên Đình thứ tha

                                    Dân Ngu

2. Chuẩn bị thế nào?

Chuẩn bị sẵn sàng không có nghĩa là đã hoàn thành hết mọi việc phải làm (được như vậy thì càng tốt, nhưng ít ai được như vậy), mà là lúc nào cũng đang làm tốt việc bổn phận.

Một tu sĩ kia đang quét nhà trong tu viện. Chợt một người đến hỏi

"Nếu một giờ nữa anh phải chết thì anh sẽ làm gì?"

Vị tu sĩ trả lời "Tôi cứ tiếp tục quét nhà cho xong".

Làm tốt việc bổn phận không phải chỉ là làm cho xong việc bổn phận đó, mà còn làlàm cách vui vẻ và với lòng yêu mến.

Cựu Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, ông Dag Hammarskjold đã để lại câu sau đây :

"Có ngày nào mà niềm vui thì lớn còn nỗi buồn thì nhỏ không?"

Và chính ông trả lời : "Thưa có, ngày nào chúng ta biết sống với bổn phận và chu toàn bổn phận thì ngày đó chúng ta sẽ thấy niềm vui thật lớn và thấy những nỗi buồn thật nhỏ nhoi".

Thi hào Tagore cũng có một câu tương tự:

"Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận là niềm vui".

Cách đây vài năm, một thầy dòng Phanxicô kia phụ trách một trường giáo dục các trẻ em hư hỏng. Trong một chuyến đi vận động các nhà hảo tâm trợ giúp tài chánh cho trường, Thầy đã bị tai nạn xe và chết. Nhiều người tội nghiệp cho Thầy vì chết đột ngột quá. Nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng Thầy đã chết một cách tuyệt đẹp, bởi vì chết đang khi thi hành bổn phận mình. (FM)

3. Sẵn sàng chết

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra đóng vào được.

Khách đến chơi trông thấy cười nhạo nói rằng :

- Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?

Nhà sư trả lời :

- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.

Thật là hiếm, những con người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây. Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống, họ lo thu tích cho nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải chết. (TP)

4. Được chọn cách chết

Một tên hề kia chuyên làm trò cho nhà vua vui. Nhưng một hôm hắn lở nói một câu xúc phạm khiến nhà vua nổi giận truyền xử tử hắn. Tuy nhiên vì những công lao bấy lâu nay của hắn nên nhà vua cho hắn được chọn cách chết. Sau một hồi suy nghĩ, hắn tâu: "Xin cho hạ thần được chết già!"

Lời bàn: Tên hề này là một người may mắn vì được chọn cách chết và lúc chết của mình. Chúng ta không được may mắn như hắn đâu. Cho nên phải luôn sẵn sàng.

5. Ở với con

Một bà mẹ kể : tối đó, khi tôi đang dọn giường cho đứa con nhỏ, nó thỏ thẻ :

"Mẹ ơi, mẹ ở với con khi con ngủ nhé!"

Nghĩ đến bao việc nhà chưa làm sau một ngày ở sở, tôi đã tính ra ngoài để nó ngủ một mình. Chợt một ý tưởng nảy ra trong trí, tôi đến nằm bên con, đặt tay con trong tay mình. Và trong lúc đứa con chìm vào giấc mộng, ý tưởng đó biến thành lời nguyện:

"Lạy Chúa, xin giúp con sống thế nào để khi bước vào hoàng hôn cuộc đời, con có thể âu yếm nói với Cha trên trời:

"Cha ơi, Cha ở với con khi con ngủ nhé!"

Lời bàn thêm: "Cha ơi, Cha ở với con cả khi con thức nữa nhé!"

Chánh niệm Và Tỉnh Thức

(nghiên cứu thêm về Thức Tỉnh theo ánh mắt nhà Phật)

I. Em nghe:

Chánh là ngay thẳng, chân chính, niệm là đang nhớ, đang nghĩ tới. 
Chánh niệm là nhớ nghĩ chân chánh, là đặt những điều ngay thẳng, tốt đẹp vào trong tâm nhớ nghĩ của mình.

Tỉnh thức là biết mình đang ở trong chánh niệm hay giật mình dừng lại khi nhận ra ta đã thất niệm.

Chúng ta thường thất niệm trong khi ăn. Hương vị đến và đi thật nhanh. Vì tham muốn thưởng thức liên tục nên trong khi miệng còn đang ngậm thức ăn mà tay đã gắp miếng khác. Chúng ta chẳng biết đến tiến trình của sự ăn.  Hãy nuốt hết thức ăn trong miệng trước khi gắp miếng khác. Làm như thế chúng ta sẽ trở nên nhạy bén với cơ thể mình và biết được số lượng thực phẩm cần dùng cho cơ thể. Chúng ta sẽ không bị ăn quá độ nếu biết ăn trong chánh niệm. Chánh niệm ngay cả lúc ăn uống giúp chúng ta duy trì chánh niệm liên tục suốt ngày, không chừa một khoảng hở nào khiến phiền não có thể xen vào. 

II.  Em suy nghiệm:

Chánh niệm và tỉnh thức rất cần thiết cho chúng ta. Thế nào là đang sống trong chánh niệm (nói cách khác là sống tỉnh thức)?

Sống trong chánh niệm tỉnh thức là sống với giây phút hiện tại - bây giờ và ở đây. Ta ý thức được rõ ràng là ta đang làm gì, nghĩ gì, nói gì. Không mơ mộng về quá khứ đã qua để tiếc nuối hay về một tương lai chưa đến để bám víu, chấp chặt vào.

Hãy lấy một ví dụ: khi nghe một câu chuyện, một bài  hát  hay  khi xem một bộ phim, nhìn  một  hình ảnh, ta nghĩ đến một tình cảm tốt đẹp, một điều thiện, lành, chính đáng. Khi nghe một tiếng chuông, ta dừng lại mọi ý nghĩ để niệm Phật. Lúc ấy là ta đang sống trong chánh niệm. Trái lại, khi đọc một quyển sách, xem phim mà ta nghĩ đến danh lợi, tài sắc, chán đời, phiền não, hay đâm ra muốn trốn tránh cuộc đời, mơ mộng vẩn vơ, không biết ta đang nghĩ gì, làm gì, thì đó là ta đang sống trong thất niệm, tà niệm. Như vậy có thể nói chánh niệm là ngọn đèn thắp sáng tâm ý chúng ta. Như một bài kệ có nói: "Chánh niệm là ánh sáng, Thất niệm là bóng tối". Thất niệm kéo ta về với quá khứ để nuối tiếc hay đẩy ta tới tương lai, đưa ta vào những lo âu, tính toán, mưu đồ, giận hờn, ganh tị, bực dọc, phiền não. Và lúc đó ta không có tự do thảnh thơi để tiếp xúc với thực tại nhiệm mầu của cuộc sống đang xảy ra quanh ta.

Trong tâm chúng ta đã sẵn có những hạt giống của chánh niệm. Tu tập chính là tưới tẩm những hạt giống chánh niệm đó. Không tu tập thì những hạt giống này bị vùi lấp trong những lớp thất niệm, khổ đau, phiền não. Chánh niệm là năng lực đem ta trở về với sự an trú trong hiện tại, và sống trọn vẹn trong hiện tại là sống tỉnh thức.

III. Em Tu Tập:

Mỗi buổi sáng thức dậy em tập thở và mỉm cười để đón một ngày mới, em đọc bài kệ:
Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi 
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Rồi em đi đánh răng và súc miệng trong ý thức giữ gìn chánh ngữ, em nhẩm trong lòng bài kệ đánh răng và súc miệng: 
Đánh răng và súc miệng,
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm.

Và mỗi khi múc nước để rửa tay, em xin nguyện cho mọi người có đôi bàn tay sạch để phụng sự chúng sanh mọi loài:
Múc nước để rửa tay,
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay sạch
Gìn giữ trái đất này.

Mục đích những bài kệ là để làm những động tác chậm lại để ta có cơ hội quan sát thấu đáo những gì đang xảy ra.

* Ngày Chủ Nhật đi sinh hoạt, khi nghe anh/chị Huynh Trưởng Trực hô "Phật Tử !", em trả lời "Tinh tấn!" Với câu khẩu hiệu này ta cũng có thể thực tập Chánh niệm. Mặc dù chỉ có 2 chữ nhưng cũng có đầy đủ ý nghĩa là: "Thưa Anh/ Chị, em đang có mặt ở đây, em biết mình là Phật Tử, em thực hành hạnh Tinh tấn của đức Bổn Sư, em luôn cố gắng hết sức mình làm điều thiện, tránh điều ác, và giữ tâm ý trong sạch. Em xin hứa với các Anh/Chị em sẽ chuyên cần đi sinh họat GĐPT, chuyên cần tu học để được an lạc và đem an lạc đến cho mọi người chung quanh." 

* Trước khi đi ngủ ta cũng thở và kiểm điểm lại xem ngày hôm nay ta đã thực tập Chánh niệm Tỉnh thức có tốt không. Ta có để cho hờn giận, buồn phiền, ganh ghét xâm chiếm ta không? Có bao nhiêu lần như vậy trong ngày hôm nay? Cuối cùng ta sám hối những sai lầm trong ngày, tự hứa là ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay.   

Tóm lại, điều quan trọng là đào luyện cho tâm mình có sự tỉnh thức đều đặn trong mọi lúc từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ. Nếu nghĩ rằng chỉ có lúc ngồi và đi mới hành thiền, lúc nghỉ không quan trọng thì ta đã làm cho việc hành thiền gián đoạn và mất trớn. Phải chánh niệm trong mọi động tác của thân và tâm. Đây là một sự tu tập đòi hỏi sự nổ lực tinh tấn nhưng phải làm với sự cân bằng thanh thản, an lạc và thảnh thơi.

tamlinhvaodoi