Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Chủ nghĩa vô thần ‘thực dụng’ là một hiện tượng nguy hại cho đức tin”

Thánh Augustinô từng nói: “Chân lý cư ngụ trong trái tim con người”. Theo ĐTC, “đây là một khía cạnh khác, ngày nay trong một thế giới ồn ào, làm chúng ta bị phân tâm, chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng dừng lại và nhìn sâu vào nội tâm mình”...

 

 

 

“Chủ nghĩa vô thần ‘thực dụng’ là một hiện tượng nguy hại cho đức tin”

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung ngày 14-11-2012. “Con người đã bị giản lược chỉ còn một chiều kích là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chủ nghĩa toàn trị”.

Chủ nghĩa vô thần đã từng là một chọn lựa mạnh mẽ của giới trí thức, được biện minh và thuyết phục bằng những lập luận xác tín. Thế giới phương Tây, nơi đức Tin Kitô giáo đã từng là “môi trường chúng ta hoạt động”, nay đã khoác hình thức mới của chủ nghĩa vô thần “thực dụng” đang lan tràn rộng rãi. Chủ nghĩa này không phủ nhận những chân lý đức Tin, nhưng đơn giản cho rằng những chân lý này “chẳng liên quan” gì đến cuộc sống hằng ngày của con người.

Theo quan điểm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hình thức mới của chủ nghĩa vô thần này “là một hiện tượng đặc biệt nguy hại cho đức tin”. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14-11-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Tuần trước, ĐTC đã gợi những suy tư về lòng khát khao Chúa mà mỗi người cưu mang trong tâm hồn. Hôm nay, ĐTC mô tả về ba con đường nhận biết Thiên Chúa, đó là: thế giới, con người và đức tin.

Mở đầu bài giảng, ĐTC điểm qua những khó khăn ngày nay đức tin đang phải đối diện, đó là “ít hiểu biết về đức tin, đức tin bị thử thách và chối từ đức tin”. ĐTC nhắc lại: “Trong quá khứ, tại phương Tây, trong một xã hội được coi là Kitô giáo, chúng ta hoạt động trong môi trường đức tin”. Tuy nhiên “từ khi thời đại Khai Sáng xuất hiện, những chỉ trích về tôn giáo ngày càng gia tăng, lịch sử mang dấu ấn sự hiện diện của các hệ thống vô thần, trong đó Thiên Chúa chỉ là do đầu óc con người nghĩ ra, một ảo tưởng, và là sản phẩm của một xã hội đã bị quá trình tha hóa làm cho méo mó”. Thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh và phát triển của chủ nghĩa tục hóa, nhân danh con người có quyền tự chủ tuyệt đối, coi tục hóa là một giải pháp và sự sáng tạo đối với hiện thực”.

ĐTC Bênêđictô XVI nói quá trình này đã làm cho con người trở nên nghèo nàn bởi “ngăn cản mối liên hệ với Thiên Chúa, lại còn che khuất tầm nhìn đạo đức và nhường chỗ cho chủ nghĩa tương đối”. “Thực sự con người đã bị tách ra khỏi Thiên Chúa, bị giản lược chỉ còn một chiều kích, đó là chiều ngang”. ĐTC cho rằng: “Chủ nghĩa giản lược hóa đích thực này là một trong những nguyên nhân chủ yếu phát sinh chủ nghĩa toàn trị vốn để lại những hậu quả bi thảm trong thế kỷ qua cũng như sự khủng hoảng các giá trị hiện nay chúng ta đang chứng kiến”.

Đối với ĐTC, để thay đổi được tiến trình này, cần phải “mềm mỏng” và “tôn trọng”, dựa trên ba từ: từ thứ nhất là ‘thế giới’, liên quan đến việc “giúp con người ngày nay phục hồi khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cấu trúc của công trình sáng thế. Thế giới này không phải là một khối hỗn mang không có hình dạng, nhưng càng tìm hiểu, càng khám phá cơ chế lý thú của nó, càng ngắm kỹ một mẫu hình, chúng ta càng thấy đó là cả một trí tuệ sáng tạo”.

Từ thứ hai là ‘con người’. Thánh Augustinô từng nói: “Chân lý cư ngụ trong trái tim con người”. Theo ĐTC, “đây là một khía cạnh khác, ngày nay trong một thế giới ồn ào, làm chúng ta bị phân tâm, chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng dừng lại và nhìn sâu vào nội tâm mình”.

Cuối cùng là ‘đức tin’: đây không chỉ đơn giản là một “hệ thống những giá trị, những lựa chọn và hành động”, nhưng “là sự gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang nói và hành động trong lịch sử, Đấng biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta, biến đổi suy nghĩ, các giá trị, những lựa chọn và hành động của chúng ta”. ĐTC Bênêđictô XVI kết luận: “Đức tin không phải ảo tưởng, là trốn chạy cuộc sống, là nơi tạm trú đủ tiện nghi, là cảm xúc; nhưng là sự dấn thân vào mọi khía cạnh của cuộc sống và loan báo Tin Mừng, Tin Vui đem lại giải thoát mọi điều thuộc về con người”.

Nguồn WHĐ