Suy gẫm những ngày cuối tháng 11. . .

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế. Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng Kitô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết...

SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT                

Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống.  Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết.  Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông.  Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta.  Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều.

Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự mưu sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết.  Chỉ cần nói đến sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta.  Như một hoa trái đang chín dần, mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta.  Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi.  Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ.  Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít.  Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy.  Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau.  Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương.  Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều.  Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta?  Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, bằng chứng là chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.

Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết.  Đó là định luật chung của con người.  Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy.  Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình.  Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.  Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc. 

Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ.  Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: Cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta?  Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta?  Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.

Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiện tại.  Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế. 

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế.  Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng Kitô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết.  Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới.  Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có được một đời sống tương đối xứng đáng với phẩm giá con người hơn.

Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi.  Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.

Trong chuyến du hành sang Hy Lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:

Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara.  Như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ.  Hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh.  Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế.  Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời.  Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng.  Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy.  Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút.  Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi.  Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.

Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích.  Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bởi một tảng đá to rơi xuống.  Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không.  Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.

Tôi lại nằm xuống.  Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng.  Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi.  Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy.  Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được.  Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi.  Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông.  Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông.  Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được.  Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc.  Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ và hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.

Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu?

Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá khổng lồ ấy?  Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn.  Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.

Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống.  Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.

Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì?  Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta.  Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không?  Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi.  Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta. 

Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.

LM Lê Văn Quảng

Peter Pham Manh Tri
Sacramento, California USA