Chiều như những buổi chiều của cuộc đời, con người rồi cũng tới lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, cũng có lúc nhận ra mình giữa chiều buồn, một thoáng nghĩ buồn về lối nghĩa trang.
Bao nhiêu năm sống, bao nhiêu tranh giành, giật dọc, bon chen, khúm núm để ngoi lên. Nhiều người đã tiếc nuối thời trai trẻ và hăng say đã trôi mất vì bao nhiêu ích kỷ tìm vui thú riêng cho mình. Chiều buồn nghĩ lại, trên con đường về nghĩa trang, đã mang theo được gì, chỉ là những ngày tháng hối tiếc, chỉ là những xót xa để lại cho con cháu những gia tài tiếp tục chúng giành giật lẫn nhau, những địa vị chúng lại tiếp tục bon chen, chỉ là những con đường tiếp tục cúi mặt để kiếm chút danh lợi. Chỉ mang theo được gì những buồn tủi của trần gian. Chiều về trong nghĩa trang buồn mang theo được gì?
Con đường ai quan quyền cũng phải đi đến, nghĩa trang buồn cho một cuộc đời. Những vòng hoa tang, những điếu văn ca ngợi, cố tô vẽ cho lối về nghĩa trang của đời người có một ý nghĩa. Nhưng làm sao trang sức nổi cho một xác chết, khi còn sống đã đẩy bao người đến chỗ không thể sống. Làm sao có thể có dầu thơm nào cho một thân xác đang hư hoại, khi còn sống chẳng bao giờ nghĩ đến điều lành làm cho những anh chị em nhỏ bé nhất chung quanh mình. Vòng hoa, tang lễ, điếu văn, hộ tống… tất cả là lễ nghi dành cho những con người sống tiếp tục bị ru ngủ vào trong cõi hưởng thụ, bon chen, tiếp tục tranh giành, đạp lên người khác mà xây vinh hoa phú quý.
Chiều buồn cho những cuộc đời, bao nhiêu năm gian tham chỉ một kết cục buồn thôi sao! Làm sao hơn được, khi không dùng thời gian sống đổi lấy đức hạnh, dùng tiền của mua lấy nhân nghĩa, dùng quyền được trao để phục vụ sự sống cho người khác. Thời gian đã lỡ, thân này đã hư, làm sao có thể trở lại một khi thời gian đã khép. Cuộc đời đáng buồn chỉ mấy hội kèn mua vui, chỉ mấy người buồn vì hết chỗ dựa dẫm, chỉ thấy mình cô đơn một cõi buồn tủi đi về.
Buồn của những nỗi buồn, khi sống không là niềm vui của người khác. Chỉ biết đến quyền lợi mình mà bao lần dối lừa, bao nhiêu lần độc ác với người, bao nhiêu lần sống không ra người trong bộ áo của mình thể hiện. Sống mà như đã hư hoại, sống mà như đã rã rời, được vài tiếng khen nịnh hót, vài lời chúc tụng sáo ngữ không thật lòng. Con người rồi cũng tàn phai; biệt thự, tài sản trở thành mối tranh giành, rồi cũng một lồi về trong nghĩa trang buồn thiên thu.
Sao không biết nghĩ khi còn có thể, sao không biết sửa khi còn có thời gian? Hay cũng lại một kiếp buồn của Chí Phèo khi than thở: “Tôi muốn lương thiện, ai cho tôi lương thiện”. Trong một tập thể giả dối thật khó. Khó vì sợ mất tất cả, vì sợ rời bỏ chức vụ, sợ mất quyền lợi… Bao nhiêu thứ sợ nên vẫn trong nỗi buồn gào thét: “ai cho tôi sống lương thiện”. Lương thiện chẳng phải đợi ai cho mà hãy tự sửa đổi để sống lương thiện, đó là đường về chân lý, ra khỏi nỗi buồn.
Chiều buồn qua nghĩa trang, tôi ước ao nhiều người đừng về lối nghĩa trang buồn một mình, nhìn lại đời đã mốc meo, nhìn lại con cháu nhiều xót xa, nhìn lại người còn nhiều điều tủi hổ.
Tôi ước ao, nhiều cuộc đời sống lương thiện, để đường về hoa tang mang niềm vui rạng rỡ, để những chiếc khăn tang trên những mái đầu tiếp tục sống yêu thương, để những người ở lại ghi lòng nhớ ơn, lưu luyến một hình ảnh đã khuất, để nhiều người còn thương khóc một người đã hết sức cố gắng canh tân, nói tiếng nói thay cho con người nhỏ bé trong xã hội.
Tôi chắc chắn là chúng ta ai cũng đã từng đau khổ. Đau khổ tinh thần, đau khổ thân xác; đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói; đau khổ vì chiến tranh, chết chóc; đau khổ vì những bất công xã hội, vì bạo hành, áp bức; đau khổ vì hận thù, ghen ghét, vì những điêu ngoa, dối gian, lừa đảo… Ôi, quả là đời đầy đau khổ! Vì đời đầy đau khổ nên tôi chắc là ai trong chúng ta cũng đã từng đặt hỏi câu hỏi trên. Tôi cũng chắc là những ai đã hỏi tại sao chúng ta phải chịu khổ đều đã tìm được câu trả lời, nhưng có ai đã hài lòng, đã đồng ý với những câu trả lời mà mình tìm được chưa? Tôi nghĩ là chưa! Tại sao vậy? Thưa bởi vì...
Có ai thích bị đau khổ không? Thưa không! Không ai thích bị đau khổ hết. Có thể là bạn đã tình nguyện chịu đau khổ cho người nào hay cho một mục đích nào, nhưng cho dù là bạn có tình nguyện chịu đau khổ thì đau khổ vẫn là đau khổ và không có ai thích bị đau khổ hết. Chúa Giêsu có thích bị đau khổ không? Thưa không! Vì nếu thích thì Ngài đã không lo sợ đến phải đổ mồ hôi máu trong vườn Gethsemani. Nếu thích bị đau khổ thì Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất chén đắng cho mình. Sách Công vụ Tông đồ chương 5 câu 40 và 41 ghi: 40 "Sau khi gọi các Tông đồ vào, họ đánh đòn các ngài, ra lệnh cho các ngài không được rao giảng nhân danh Chúa Giêsu nữa, rồi thả các ngài. 41 Vừa ra khỏi công nghị Sanhedrin là các ngài vui mừng vì thấy mình xứng đáng được chịu xỉ nhục vì danh Đức Kitô." Trong trường hợp này, các Tông đồ vui mừng vì thấy mình xứng đáng được chịu sỉ nhục vì danh Đức Kitô, chứ không phải các ngài vui mừng vì bị đánh đòn. Tôi chưa tìm được một người nào thích bị đau khổ; mà tôi cũng không tin là có ai lại thích bị đau khổ hết. Vậy thưa bạn, điều thứ nhất mà tôi muốn chia sẻ với bạn trong lá thư này là - không ai thích bị đau khổ hết.
Điều thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với bạn là - Thiên Chúa không hề tạo ra bất cứ một đau khổ nào. Tôi khẳng định như vậy vì ngay từ khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã không tạo dựng bất cứ một cái gì, một sự gì là xấu. Tất cả mọi loài, mọi sự mà Thiên Chúa tạo dựng đều là tốt lành. Thiên Chúa phán như vậy trong Sách Sáng Thế chương I, và Giáo hội Công giáo cũng tuyên xưng điều này cách rõ ràng trong Kinh nguyện Thánh Thể II: "Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện." Nguồn mọi sự thánh thiện là những nguồn nào? Thưa là nguồn sự sáng, nguồn sự sống, nguồn chân lý, nguồn tình yêu, nguồn hạnh phúc, và còn nhiều nữa, nhưng nhất định là từ Thiên Chúa không có nguồn đau khổ.
Thế nhưng Thiên Chúa lại là Đấng tạo dựng mọi sư; vậy nếu Thiên Chúa không tạo dựng đau khổ thì chúng từ đâu mà ra? Bạn hãy tưởng tượng như mình đang ở trong một căn phòng về đêm có điện sáng trưng. Nếu điện bị cúp hay bạn tắt điện đi thì tự nhiên là căn phòng phải tối. Căn phòng tối vì bị mất ánh sáng chứ không phải là do bạn đem bóng tối vào trong căn phòng, bạn đồng ý chứ? Tương tự như vậy, vì Thiên Chúa là nguồn sự sáng nên khi thiếu vắng Thiên Chúa thì âm sâu u tối liền bao phủ. Vì Thiên Chúa là nguồn sự sống nên khi thiếu vắng Thiên Chúa thì sự chết phải lan tràn. Vì Thiên Chúa là nguồn chân lý nên khi thiếu vắng Thiên Chúa thì sai lầm phải tràn ngập. Vì Thiên Chúa là nguồn tình yêu nên khi thiếu vắng Thiên Chúa thì hận thù ghen ghét phải phát sinh. Vì Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc và an vui nên khi thiếu vắng Thiên Chúa thì khóc than oán hờn phải ngự trị. Tất cả những nguồn không thuộc về Thiên Chúa này, và những gì không thuộc về Thiên Chúa khác là trái ngược với Thiên Chúa, là tội lỗi; chúng có được là vì sự thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng nguồn mọi sự thánh thiện, chứ Thiên Chúa không hề tạo dựng chúng.
Nhưng làm sao lại có thể có sự thiếu vắng Thiên Chúa khi mà Người ở khắp mọi nơi? Thưa, đúng là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nhưng khi không tin tưởng vào Thiên Chúa, khi từ chối không chịu phụng sự thờ lạy Ngài, thì đó là lúc chúng ta xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn, gia đình, tổ quốc, và ngay cả thế giới của chúng ta, để cho những gì không thuộc về Thiên Chúa tràn vào ngự trị. Chúng ta có thể làm được như vậy vì đây là sự tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và Ngài tôn trọng tự do này. Khi tạo dựng Lucifer cũng vậy, Thiên Chúa đã đổ ân sủng xuống mà làm cho Lucifer được trở nên thiên thần khôn ngoan, sáng láng, mạnh mẽ nhất. Người cũng để cho Lucifer được tự do hoàn toàn. Thế nhưng Lucifer lại chối bỏ Thiên Chúa, không tin vào Ngài, không chịu phụng sự thờ lạy Ngài; vì thế nên Lucifer mất đi mọi ân sủng, mất đi nguồn mọi sự thánh thiện mà trở nên nguồn mọi tội lỗi.
Bạn thân mến, vì sự thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng nguồn mọi sự thánh thiện là tội lỗi; mà tội lỗi lại sinh ra đau khổ, cho nên đau khổ là kết quả của tội lỗi. Có thể nói, tội lỗi là cây, đau khổ là trái. Thế nhưng, mặc dù đau khổ là do tội lỗi mà ra; người chịu đau khổ không hẳn phải là người tội tỗi. Bạn phải nhớ như vậy, và nếu bạn không đồng ý là tội lỗi sinh ra đau khổ thì xin bạn thử nghĩ, thử tìm xem, có tội nào mà không sinh ra đau khổ không? Có thể bạn sẽ đưa ra tội dâm dục và lý luận là khi hai người đồng ý với nhau mà phạm tội này thì cả hai cùng vui hưởng, không ai đau khổ hết. Lý luận như vậy là lý luận quy về mình. Người lý luận như vậy là người gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc đời họ; mà đã gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài thì chúng ta không cần phải bàn đến chuyện tội lỗi nữa. Ngược lại, nếu bạn tin vào Thiên Chúa và đặt người là cùng đích cuộc đời bạn, thì xin bạn đừng quên là không tội nào mà không làm cho Thiên Chúa phải đau lòng; vì vậy mà tội nào cũng sinh ra đau khổ hết. Giữa chúng ta với nhau, chỉ một tội bất công thôi là đã sinh ra không biết bao nhiêu đau khổ rồi. Nhưng để hiểu được mọi đau khổ do tội bất công sinh ra, bạn phải biết là bất công thường được che giấu bằng những luật lệ mang những danh xưng tốt đẹp mà mục đích chỉ là để bảo vệ, để làm lợi cho một nhóm, một tầng lớp xã hội, còn những ai không thuộc về nhóm, không ở trong tầng lớp này thì phải chịu thiệt thòi. Bất công cũng không phải chỉ là lấy của người ta cách trắng trợn. Bất công còn là dùng thế lực, của cải của mình mà chèn ép người khác. Bất công là những hưởng thụ quá đáng mà lại để cho người khác phải đói khát thiếu thốn. Bất công là dùng tài năng, quyền thế hơn người của mình mà phục vụ chỉ cho quyền lợi riêng tư. Còn bao nhiêu bất công nữa, bạn thử nghĩ xem. Bạn cũng hãy nghĩ xem bao nhiêu đau khổ trên cõi đời này mà không là kết quả của tội bất công? Nếu nói đến những tội bởi tội bất công mà ra, như những cuộc chiến xâm lăng của những cường quốc, những dịch vụ mua bán vũ khí, tình dục, nô lệ, thì có thể nói, hầu hết mọi đau khổ là do tội bất công mà ra. Đây mới là những đau khổ do chúng ta gây ra cho người khác, hoặc do người khác gây ra cho chúng ta. Ngoài những đau khổ này, còn rất nhiều đau khổ khác do chúng ta gây ra cho chính mình. Những việc làm không tốt như hút thuốc cách thái quá đến bị ung thư phổi, đau tim; uống rượu nhiều đến bị viêm gan, bại thận; lái xe ẩu gây tai nạn cho mình, cho người; ham mê ăn uống đến bị mập phì sinh ra cao máu, cao mỡ, cao đường; thức khuya trác táng bị lao, bị kiệt sức; bài bạc đến phải nợ nần, thiếu thốn; tất cả những đau khổ này là những đau khổ do chúng ta tạo ra cho chính mình chứ không phải do Thiên Chúa. Chớ có trách Người!
Kế đến là những đau khổ gây ra bởi những hiện tượng mà chúng ta gọi là thiên tai. Tôi phải gạch đít 6 chữ chúng ta gọi là thiên tai vì có những đau khổ mà chúng ta cho là do thiên tai gây ra nhưng thực ra là do chính chúng ta gây ra cho nhau. Chẳng hạn khi Trung Quốc xây đập nước lớn nhất thế giới làm cho những vùng thượng lưu từ đập bị ngập lụt, còn những vùng dưới đập như Lào, Campuchia và Việt Nam thì bị thiếu nước, nguồn cung cấp lương thực từ Sông Cửu Long cho những vùng hạ lưu từ đập này bị sút giảm, gây ra biết bao đau khổ; khi các nhà máy trên toàn thế giới thải ra mỗi năm hàng trăm triệu tấn hoá chất, làm ô nhiễm bầu không khí, làm mất nguồn nước uống trong lành, làm hư hại đất đai mùa màng rồi tạo ra đói khát, ung thư, bệnh tật; khi những nhà sản xuất thực phẩm dùng các hoá chất không đúng cách mà làm cho thực phẩm bị ô nhiễm, bị phản ứng rồi trở thành độc tố mà tạo ra bệnh tật, quái thai. Tất cả những đau khổ này, nhiều người không biết nên cho là do thiên tai mà thực ra đều là do con người gây ra; Thiên Chúa không hề tạo dựng chúng. Thế còn những đau khổ gây ra bởi núi lửa, động đất, giông bão, sóng thần, hạn hán,…; những đau khổ này gây ra bởi tội lỗi của ai vậy? Thưa bạn, sau khi phạm tội thì Ông Adong và Bà Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Vùng đất mà hai ông bà phải sang sinh sống là vùng đất bị chúc dữ. Trong Sáng Thế Ký 3,17, Thiên Chúa nói với Ông Adong:
"Bởi ngươi vâng lời vợ ngươi mà ăn trái trên cây ta cấm ngươi không được ăn, (Because you listened to your wife and ate from the tree of which I had forbidden you to eat), đất đai bị mang mọi sự dữ (chúc dữ) bởi vì ngươi! (Cursed be the ground because of you!). Ngươi sẽ phải vất vả mới có miếng mà ăn (In toil shall you eat its yield) cho đến trọn cuộc đời của ngươi... (all the days of your life...).
Bạn có thấy là Thiên Chúa không hề chúc dữ đất đai không? Người không hề chúc dữ đất đai vì động từ dùng trong câu “Cursed be the ground because of you!” là động từ được dùng trong thể bị động. Khỏi nói thì bạn cũng biết, trong thể bị động, túc từ trực tiếp là người, là lý do gây ra động tác đi trước nó. Cho nên đất đai bị mang mọi sự dữ (bị chúc dữ) là bởi vì ngươi (because of you); bởi vì Ông Adong đã phạm tội chứ Thiên Chúa không có làm cái hành động 'chúc dữ ' đất đai. Rồi vì phạm tội mà tổ phụ chúng ta bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là vùng đất đầy an lành, vùng đất không có bất cứ một sự dữ nào mà phải sang sinh sống trên vùng đất mang đầy sự dữ, đầy những tai ương như động đất, núi lửa, giông tố, bệnh tật,... Vì thế, những đau khổ mà chúng ta cho là thiên tai, thực ra không phải là thiên tai mà là do tội tổ tông mà ra. Bạn thử nghĩ xem có đúng không nhé. Ông kia trở nên giàu có nhờ ăn trộm ăn cắp. Vợ con ông được nhàn nhã, thảnh thơi chỉ là vì nhờ vào những của cải bất chính này. Nhưng rồi chuyện đổ bể, ông ta bị bắt, bị vô tù, gia tài bị tịch thu, vợ con của ông xấu hổ, nhục nhã và nghèo đói. Những đau khổ mà vợ con ông này phải chịu là do tội của ai vậy? Rõ ràng là do tội của người cha mà ra. Ông khác ăn chơi đàng điếm bị SIDA (AIDS), lây sang vợ rồi sinh con. Đứa con này hoàn toàn không có dính dáng gì đến việc ăn chơi của cha mình, cũng chẳng hưởng nhờ được gì trong việc làm sai trái này; vậy mà ngay lúc được tượng hình trong lòng mẹ, nó đã bị SIDA. Tội của ai gây ra đau khổ này? Rõ ràng là tội của cha nó. Tội tổ tông cũng vậy thôi! Ông Adong và và Bà Evà phạm tội, là con cháu, chúng ta phải chịu đau khổ, có gì là lạ đâu?
Bạn đã đồng ý là tội lỗi sinh ra đau khổ chưa? Chắc là chưa, vì có bạn sẽ hỏi, thế còn những đau khổ gây ra bởi trận hồng thuỷ, sự tận diệt hai thành phố Sodoma và Gomorrah, những tai ương xảy ra cho Ai Cập, cùng nhiều tai ương khác được ghi rõ ràng trong Cựu Ước là do chính Thiên Chúa làm thì sao? Thưa bạn, về trận đại hồng thủy Sách Sáng Thế Ký 6,5.6 ghi: 5 Khi Thiên Chúa thấy tội lỗi của con người trên mặt đất đã qúa là gớm ghê, mà thâm tâm Người thì lại không mong muốn bất cứ một sự gì là gian ác. 6 Người hối tiếc vì đã tạo dựng con người, và Người rất đau lòng. (When the Lord saw how great was man's wickedness on earth, and how no desire that his heart conceived was ever anything but evil, he regretted that he had made man on the earth, anh his heart was grieved.). Còn về sự tận diệt hai thành phố Sodoma và Gomorrah, Sách Sáng Thế Ký 18,20 ghi: 20 Rồi Thiên Chúa nói (với Abraham) : Những khóc than oán trách về Sodoma và Gomorrah thật là ghê gớm, tội lỗi của chúng rất là trầm trọng" (Then the Lord said: "The outcry against Sodom and Gomorrah is so great, and their sin is so grave"). Vậy cũng rõ ràng là dân thời Ông Noah và dân thành Sodoma và Gomorrah đã rất là tội lỗi, và những đau khổ họ phải chịu cũng là do tội lỗi mà ra. Vai trò của Thiên Chúa trong hai trường hợp này và những trường hợp tương tự khác, là Thiên Chúa dùng, Người xử dụng đau khổ chứ Người không tạo ra đau khổ. Trong quyền năng của Người, Người có thể xử dụng mọi đau khổ, ngay cả sự chết, như những phương thức sinh ơn ích cho chúng ta. Người có thể dùng sự chết vì Người có quyen cho kẻ chết được sống lại. Người có thể xử dụng đau khổ vì Người có thể biến đau khổ thành hạnh phúc như trường hợp Ông Giuse bị bán sang Ai Cập. Rõ ràng và quan trọng nhất là Thiên Chúa dùng ngay cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà cứu chuộc chúng ta. Ngay như chúng ta đây mà còn biết, còn có thể dùng đau khổ như những phương cách giáo dục hầu đem lại lợi ích cho con cái mình, thì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta, lại không làm được như vậy sao? Tóm lại, tất cả mọi tội lỗi đều sinh ra đau khổ. Đau khổ vì tội của chính chúng ta, vì tội của ngươi khác và vì tội tổ tông. Và thưa bạn, điều thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với bạn trong lá thư này là - tất cả mọi tội lỗi đều sinh ra đau khổ. Xin bạn đọc Thư Gởi Bạn Hiền V.
Nhưng tuy tội nào cũng sinh ra đau khổ, chúng ta không bao giờ phải chịu đau khổ nếu không có người phạm tội, không có người làm điều sai trái. Vì như tôi đã chia sẻ ở trên, tội lỗi là cây, đau khổ là trái, nên dù là cây tội lỗi có mọc ở đó, đầy dẫy những trái trông rất đẹp mắt, nhưng nếu chúng ta không ăn, thì đau khổ không thể đến với chúng ta được. Từ nguyên thuỷ cũng vậy thôi, cây biết lành biết dữ ở đó, trái cây trông rất đẹp mắt nhưng ăn vào thì phải chết, và nhất định là nếu Ông Adong và Bà Evà đã không ăn thì sự chết cũng đã không xâm nhập vào họ, rồi truyền (transmit) sang cho chúng ta được. Vậy tại sao chúng ta phải chịu đau khổ?
Thưa, lý do thứ nhất, chúng ta phải chịu đau khổ vì có người phạm tội, có người làm điều sai trái.
Lý do thứ hai chúng ta phải chịu đau khổ là để đền bù cho những đau khổ do tội lỗi của chúng ta gây ra. Thật vậy, vì tội lỗi sinh ra đau khổ, nên nếu chúng ta phạm tội gây đau khổ, gây thiệt hại cho ai, thì chúng ta phải đền bù người ấy cách cân xứng. Đức công bằng, sự công thẳng của Thiên Chúa đòi chúng ta phải làm như vậy. Trong toà cáo giải, chúng ta kết thúc Kinh Cáo Mình bằng 3 lời hứa: 1- Tôi dốc lòng chừa cải. 2- và tôi sẽ lánh xa dịp tội. 3- cùng làm việc đền tội cho xứng, Amen. Nhưng tuy hứa là sẽ làm việc đền tội cho cân xứng, chúng ta không thể nào tự mình mà đền bất cứ một tội nào cách cân xứng cho được. Bởi vì mọi tội chúng ta phạm là chúng ta phạm đến Thiên Chúa, đến tha nhân và đến chính mình. Phần phạm đến Thiên Chúa là phần mà chúng ta không thể và không có gì mà đền cách cân xứng cho được. Phần phạm đến tha nhân là phần chúng ta có thể đền bù được, nhưng cũng khó mà đền cho cân xứng lắm, vì có thể là nạn nhân đã qua đời, vì chúng ta không thể gặp lại hay vì chúng ta không có khả năng đền bù. Thêm vào những lý do này, lại còn những đau khổ liên quan đen những đau khổ do chúng ta gây ra mà chúng ta không biết nữa, nên rất khó mà đền bù cho tha nhân cách cân xứng. Phần phạm đến chính mình cũng không dễ gì mà đền bù cho cân xứng, vì những đau khổ mà chúng ta tạo ra cho chính mình bao giờ cũng có liên quan đến người khác. Vậy xin bạn ghi nhớ điều này, những đau khổ xảy đến cho chúng ta cách vô cớ, có khi lại là cơ hội tốt cho chúng ta chịu mà đền bù cho những đau khổ đáng lẽ chúng ta phải đền mà không đền được. Nhưng dù chúng ta có đền được hay không; mọi đau khổ chúng ta gây ra phải được đền bù. Nếu chúng ta không đền ở đời này thì chúng ta cũng sẽ phải đền ở đời sau. Chúa Giêsu đã phán như vậy: "Quả thật, ta nói cho các ngươi biết, các ngươi sẽ không được tha cho đến khi các ngươi trả đồng xu cuối cùng." (Amen, I say to you, you will not be released until you have paid the last penny - Matthêu 5,26).
Lý do thứ ba chúng ta chịu đau khổ là để đền bù cho những đau khổ do tội lỗi không phải của chính chúng ta. Làm sao chúng ta có thể đền bù cho những đau khổ do tội lỗi của người khác? Trong thư gởi tín hữu Côlôsê chương 1 câu 24, Thánh Phaolô viết: "Và bây giờ tôi vui mừng vì được chịu đau khổ thay cho anh em, bởi nhờ vào những đớn đau thân xác của tôi, tôi được hiệp công để làm cho nên trọn những đau khổ mà Chúa Kitô vẫn còn chịu vì thân xác của Ngài, là Hội Thánh." (And now I am happy about my sufferings for you, for by means of my physical sufferings I am helping to complete what still remains of Christ's sufferings on behalf of his body, the church). Như vậy nghĩa là thế nào? Thưa nghĩa là chúng ta, là nhiệm thể Chúa Giêsu, là Hội Thánh, vẫn còn tiếp tục phải chịu nhiều đau khổ do tội lỗi gây ra.
Chúng ta hãy vui mừng và sẵn sàng đón nhận một phần những đau khổ này để đền cho tội lỗi của anh em mình; để trở nên một Simon mới, vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu. Vậy theo Thánh Phaolô thì thật rõ ràng là chúng ta có thể chịu đau khổ thay cho anh em mình để đền bù cho những đau khổ mà họ gây ra. Nhiều thánh nhân đã làm như vậy. Điển hình và gần nhất là Thánh nữ Faustina, Mẹ Têrêsa Calcuta, Chị Lucia, Chị Jacinta, Anh Francisco,… Ở giữa chúng ta cũng có rất nhiều người đang hiến mình chịu đau khổ mà đền vì tội lỗi thiên hạ. Trong các vị này, có vị thì từ bỏ sang giàu để sống trong nghèo khó. Có vị quanh năm ăn chay nằm đất. Thậm chí có những vị tự đánh đập mình, tự giam cầm mình trong những dòng tu kín, tu khổ,… Điều quan trọng là muốn chịu đau khổ để đền thay cho tội lỗi người khác thì chúng ta phải chấp nhận mọi đau khổ cách vui vẻ. Phàn nàn rồi chửi thầm trách khéo chỉ thêm tội.
Thế nhưng, nếu chúng ta có thể chịu đau khổ để đền bù cho tội lỗi của mình và cho tội lỗi của cả người khác, thì sao chúng ta lại cần phải có sự cứu chuộc của Chúa Giêsu? Thưa, vì như tôi vừa chia sẻ, mọi tội chúng ta phạm là chúng ta phạm đến Thiên Chúa, phạm đến tha nhân và phạm đến chính mình. Muốn đền bù cho tha nhân và cho chính mình cách cân xứng thì cứ mạng đền mạng, mắt đền mắt, tay đền tay,… Có ai đen được không? Còn muốn đền bù Thiên Chúa cách cân xứng thì của lễ của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, phải thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, phải tinh tuyền như Thiên Chúa là Đấng tinh tuyền và phải toàn vẹn như Thiên Chúa là Đấng toàn vẹn. Tại sao vậy? Thưa, vì khi bạn nhận bất cứ một của lễ nào thì của lễ ấy thuộc về bạn và vì của lễ ấy thuộc về bạn nên ngay khi nhận; bạn liền trở nên có liên quan đến của lễ ấy. Vậy giả như bạn nhận một lễ vật nào mà lễ vật ấy là đồ bất chính, thì lễ vật bất chính này liền thuộc về bạn và bạn trở nên có liên quan đến chuyện bất chính tạo ra lễ vật mà bạn nhận.
Vậy, Thiên Chúa là Đấng vẹn toàn, nếu Ngài nhận bất cứ một của lễ bất toàn nào, dù là sự bất toàn đó có nhỏ nhoi tới đâu, thì Ngài liền chẳng những là có liên quan đến sự bất toàn này, mà sự bất toàn này lại thuộc về Ngài. Mà nếu Thiên Chúa có liên quan đến bất cứ một sự bất toàn nào, hay nếu có một sự bất toàn nào thuộc về Ngài, thì Ngài không còn là Đấng vẹn toàn được nữa. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ nhận bất cứ một của lễ nào mà không thánh thiện, không tinh tuyền, không tuyệt hảo. Mẹ Maria là người duy nhất có của lễ thánh thiện, tinh tuyền và tuyệt hảo này; của lễ cuả Mẹ chính là Chúa Giêsu. Còn chúng ta, chúng ta làm gì có được của lễ thánh thiện, tinh tuyền, và tuyệt hảo mà dâng lên Chúa Cha để đền bù cho tội lỗi của mình? Chúng ta cần phải có sự cứu chuộc của Chúa Giêsu là vì thế. Vì khi chúng ta dâng những đau khổ mà chúng ta vui lòng chấp nhận lên cho Chúa Giêsu như một của lễ, thì Ngài thánh hoá những lễ vật bất toàn của chúng ta; rồi kết hợp tất cả những công nghiệp này với chính Ngài thành của lễ duy nhất, thánh thiện, tinh tuyền và tuyệt hảo. Của lễ này mới là của lễ đền bù cân xứng cho mọi tội lỗi mà chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ vui lòng chấp nhận. Điều quan trọng là nếu bạn muốn Chúa Giêsu thánh hoá những đau khổ của bạn, thì bạn phải dâng những đau khổ của bạn cho Ngài. Nếu bạn cứ khư khư giữ lấy những đau khổ của mình, thì ngay cả Thiên Chúa cũng không bao giờ lấy những đau khổ ấy của bạn được. Và đừng quên là bạn không thể dâng bất cứ một của lễ nào lên Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu. Nếu bạn nghĩ là Thiên Chúa đã chấp nhận nhiều của lễ dâng lên Ngài trong cựu ước thì xin bạn đọc cho kỹ. Sáng Thế Ký 4,4 ghi rõ, của lễ của Abel làm vui lòng Thiên Chúa chứ không ghi Thiên Chúa chấp nhận của lễ của Abel. Của lễ của Ông Noah cũng vậy, cũng chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Nếu có cuốn Kinh Thánh nào ghi là Thiên Chúa chấp nhận của lễ của Abel, của Noah hay của bất cứ ai khác mà không qua Chúa Giêsu thì nhất định là cuốn Kinh Thánh đó dịch sai.
Tóm lại, không ai thích bị đau khổ hết. Thiên Chúa biết như vậy, Ngài lại yêu thương chúng ta, và vì Ngài là nguồn mọi sự thánh thiện nên Ngài không tạo ra đau khổ. Thế nhưng, vì tổ phụ chúng ta từ chối Thiên Chúa, từ chối nguồn mọi sự thánh thiện, nên tội lỗi phát sinh. Tội lỗi lại sinh ra đau khổ, vì thế chúng ta phải chịu đau khổ vì có người phạm tội, có người làm điều sai trái. Khi phạm tội là lúc chúng ta tạo ra đau khổ, mà đã tạo ra đau khổ thì chúng ta phải đền bù. Ngoài đền bù cho những đau khổ do chính chúng ta gây ra, chúng ta cũng có thể chịu đau khổ để đền bù cho những đau khổ gây ra bởi tội lỗi của người khác, và nhất là chúng ta có thể vui lòng chấp nhận đau khổ để được hiệp công với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu chuộc chúng ta của Ngài. Vậy khi bị đau khổ, chúng ta nên có thái độ nào? Thưa, với một lòng thống hối ăn năn như hối nhân bị đóng đinh với Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn nhận là chúng ta bị phạt như thế này là đích đáng, vì những gì chúng ta làm xứng đáng bị phạt như vậy. Chúng ta cũng hãy vui mừng như Thánh Phaolô đã vui mừng vì được chịu đau khổ thay cho anh em của chúng ta, bởi nhờ vào những đau khổ mà chúng ta vui lòng chấp nhận, chúng ta được hiệp công để làm cho nên trọn những đau khổ mà Chúa Kitô vẫn còn chịu vì thân xác của Ngài, là Hội Thánh. Hoặc, như các Tông đồ, chúng ta cũng hãy vui mừng vì mình xứng đáng được chịu đau đớn vì danh Đức Kitô. Sau cùng, chúng ta hãy dâng lên Chúa Kitô mọi đau khổ mà chúng ta vui lòng chấp nhận như một của lễ, để Ngài thánh hoá những lễ vật bất toàn này của chúng ta, rồi kết hợp những của lễ này với chính Ngài thành một của lễ đền bù duy nhất, thánh thiện, tinh tuyền và tuyệt hảo mà Chúa Cha luôn vui lòng chấp nhận. Xin Chúa chúc lành cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.
Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria.
Theo emty.org.