SỰ CỐ GẮNG TUYỆT VỜI
TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN
“Cầu nguyện hằng ngày cần phải cố gắng”. Câu nói này của Antoine de St-Exupéry chắc sẽ làm ngạc nhiên những ai nhận định rằng cầu nguyện là thuộc lĩnh vực thèm khát, nhu cầu hay ứơc muốn, ngay cả là một hoạt động tự nhiên của tâm hồn. Nhưng chắc hẳn không làm ngạc nhiên những người như thánh Phao-lô, vị thánh đã nhận ra cầu nguyện là như một cuộc chiến: "Hãy chiến đấu với tôi trong kinh nguyện” (Rm 15,30). Người đã viết như thế cho các Ki-tô hữu ở Rô-ma. Điều này phản ánh trong truyền thống cổ xưa của đan tu. Viện phụ Agathon viết: "Theo tôi nghĩ, không có gì đòi phải làm nhiều cho bằng cầu nguyện với Thiên Chúa… kinh nguyện đòi hỏi phải khổ cực chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng" (Châm ngôn của các Tổ phụ sa mạc. Solesmes 1966, tr. 183). Quả vậy, cầu nguyện không phải là một điều tự phát, nhưng phải quyết định, phải dấn thân, phải kiên trì. Để cầu nguyện, cần có tâm huyết của một chiến binh. cầu nguyện thuộc lãnh vực tình yêu nên đòi hỏi phải có đam mê và chính vì thế cầu nguyện là một cuộc tử đạo ngấm ngầm .
Tuy nhiên phải nói ngay rằng, cầu nguyện không chỉ là cố gắng của ý chí. Cầu nguyện cũng chính là một tiếp nhận, một khước từ bản thân, một phó thác vì chính Thánh Linh Thiên Chúa cầu nguyện trong chúng ta: "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Aùp-ba, Cha ơi!” (Gl 4, 6).
Đi vào trong cầu nguyện
Đi vào trong cầu nguyện là tác động đầu tiên của cuộc sống này. Trước hết bởi vì chúng ta luôn luôn có cả ngàn thứ phải làm, mà chúng lại hấp dẫn và cấp thiết hơn là cầu nguyện. Thứ đến, - xin thứ lỗi cho tôi phải dùng đến cách so sánh này – phải máy móc hơn: khởi đầu người ta bơm lấy bơm để nước vẫn không chảy, chỉ sau khi đã bơm hết khí lúc đó nước mới lên. Lúc đó mới bớt được cố gắng và nước phun vọt lênh láng. Không khí mà người ta phải bơm ra trước hết đó là tính kiêu căng, hão huyền, hời hợt. Phải trút bỏ hết mọi phù vân hư ảo này để Đức Ki-tô có thể đi lên từ vùng sâu thẳm, đến cư ngụ và chiếm hữu mọi chỗ trong lòng người cầu nguyện.
Tác động tiên khởi này đòi hỏi một quyết định, đôi khi thật khó khăn. Đó chính là phải quyết định rời bỏ những gì khiến tôi lo lắng, làm cho tâm trí tôi chao động để có thể gặp được Đấng "luôn mật thiết với tôi hơn là chính tôi" theo lời thánh Augustin. Trong kinh nguyện tôi luôn mãi là người đi sau; tôi cần phải hiện diện với Đấng đã đến tìm gặp tôi trước. "Nếu một đan sĩ muốn cầu nguyện trong kín đáo thì cứ vào đó (nhà nguyện) mà cầu nguyện", thánh Biển Đức đã nói về nhà nguyện của đan viện như thế (Tu luật BĐ 52,4). Công việc của Thiên Chúa rất đơn giản: cầu nguyện, đó là con cái nói với cha mình. Sự đơn sơ của kinh nguyện hệ tại ở việc quyết định đi vào cầu nguyện mà không cần phải rầy rà nhiều chuyện gì khác. Đi vào trong sự tĩnh không của giây phút này mà không sợ trống rỗng, nhờ một tác động phó thác, để Thánh Linh Thiên Chúa đến cầu nguyện trong mình.
Chú tâm
Nếu cội rễ của tội lỗi là quên Thiên Chúa thì cội rễ của cầu nguyện được tìm gặp trong tình yêu và sự chú tâm. Chú tâm là khởi điểm của chiêm niệm. Trước khi chữa lành người bị què ở cửa Đẹp, thánh Phê-rô và thánh Gio-an chăm chú nhìn anh ta và yêu cầu anh ta nhìn các ngài: “Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: Anh nhìn chúng tôi đây” (Cv 3,4). Chính trong sự trao đổi cái nhìn này, trong sự chú tâm lưu ý đến nhau mà việc chữa lành đã được thực hiện. Kinh nguyện đòi hỏi chú tâm, vì Thiên Chúa chỉ ban mình cho ai hiện diện với Người.
“Yếu tố chính, không thể thiếu trong kinh nguyện chính là sự chú tâm": Trải qua nhiều thế kỷ, nhận định sau đây của nữ triết gia Simone Weil phản ánh một cách hoà hợp kỳ diệu nhận xét trên đây của Théophane le Reclus: "Sự chú tâm, ở bậc cao nhất, đã chính là cầu nguyện!" (La pesanteur de la grâce, coll. Le monde en 10/18. Paris, 1962, p.119). Cầu nguyện không phải là kết quả của một ý chí cố vươn lên, nhưng là kết quả của sự chú tâm bền bỉ như chiếc kim của la bàn bị dính chặt theo hướng từ trường. Và Simone Weil nói tiếp: “Chú tâm được kết nối với ước muốn. Không phải với ý chí, nhưng là với ước muốn, hay nói đúng hơn với thoả hiệp" (Id. p. 120). Không có chú tâm, kinh nguyện cũng như hành động mãi mãi cằn cỗi.
Thiên Chúa tìm gặp gỡ chúng ta: nếu chúng ta không có đó làm sao Người có thể đến cắm lều ở trong chúng ta? Kinh nguyện bắt đầu bằng việc chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa là hiệu quả của ước muốn gặp gỡ và thoả hiệp với thực tế: "Thi sĩ viết ra được vần thơ đẹp do chú tâm tới cái thực tế" (Id. p. 120), Simone weil còn nói như thế. Cũng vậy cái đẹp của cầu nguyện phát sinh từ sự hiện diện của người cầu nguyện trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
Kiên trì trong cầu nguyện
Thực ra đây là lời khuyên duy nhất của Chúa Giêsu liên quan đến vấn đề cầu nguyện: "Hãy xin… hãy nhìn… hãy gõ..." (Lc 11,9: " Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”) mà các tín hữu tiên khởi lưu tâm thực hành: "Tất cả đồng tâm nhất trí kiên trì cầu nguyện” (Cv 1,14). Lời khuyên nhủ ân cần của thánh Phao-lô: "Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6,18). "Về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em" (Cl 1,9). Sự trung thành trong cầu nguyện phải được coi như chìa khóa của tất cả các sự trung thành khác: Chính sự trung thành này đem lại nguồn sinh lực cho tất cả mọi tác động của đời sống; không có men của cầu nguyện, tất cả trở nên nặng nề như nắm bột không nở. Kiên trì trong cầu nguyện quả thực là một việc nặng nề, khó khăn, nhất là khi lòng cảm thấy khô khan chán nản. Cầu nguyện đôi khi chỉ là sự nhẫn nại của con người trước sự thinh lặng của Thiên Chúa. Nhưng sự kiên trì này có giá: kiên trì không phải là một việc nhỏ, vì sự nhạy cảm của chúng ta không được thoả mãn trong tình yêu đối với một Thiên Chúa mà người ta không thấy, không nghe, không đụng chạm được! Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa, còn Thiên Chúa, Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta. Cầu nguyện là đặt mình dưới cái nhìn yêu thương và đầy phấn khích này: thánh Gioan Thánh Giá cầu nguyện: "Từ khi mắt Chúa chăm chú nhìn con, Chúa đã để lại trong con ân sủng và vẻ đẹp".
Cầu nguyện là bất động, là chờ đợi, là qui phục; đó là một cách chết đi, bước vào trống rỗng, và người ta có thể cảm thấy như mình bất lực. Nhưng phải chăng như thế chính là tham dự vào cuộc vượt qua của Chúa Kitô? Mỗi ngày buông thả, từ bỏ mình, để Chúa cầm lái con tàu. Khước từ làm chúa và để cho Chúa là Chúa; đó chính là sự "cố gắng tuyệt hảo của cầu nguyện". Nếu tình cảm của tôi bị tổn thương, nếu những liên hệ của tôi trở nên rắc rối, nếu trí tưởng tượng của tôi bị gò bó,nếu công việc của tôi bị đảo lộn, nhưng tôi tìm lại được chú tâm trong cầu nguyện, thì tôi sẽ tìm lại được an bình, và tôi sống trong sự thật; đó chính là việc Chúa làm trong tôi.
Kinh nguyện, môi trường hoán cải
Cuộc chiến cầu nguyện cũng chính là cuộc chiến của sự hoán cải. Khi người ta cầu nguyện, người ta không cầu nguyện để thay đổi ý muốn của Thiên Chúa – không thể được - nhưng để tháp nhập vào ý muốn của Người. Kinh nguyện tinh tuyền không còn thích muốn gì cho mình, nhưng chỉ lưu tâm tới Thiên Chúa; cũng vậy, trong lời kinh của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đã không có bất cứ cái gì là cho mình, vì con tim của Mẹ hoàn toàn tinh tuyền và kết hợp với con tim của Thiên Chúa. Ngược lại, lời kinh của người biệt phái chỉ là lời ca tụng mình, kể lể công trạng mình, và như vậy chỉ là độc thoại: “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,1-12). Ngay cả việc mình cầu nguyện, con tim thuần khiết cũng không thấy.
Thánh Biển Đức nhấn mạnh rất nhiều đến sự thuần khiết này của kinh nguyện: "Phải khẩn cầu rất mực khiêm cung, với lòng sốt sắng tinh tuyền. Vì thế, lời cầu nguyện phải ngắn gọn và tinh tuyền" (Tu Luật Biển Đức 20, 2-4). Để đạt được sự tinh tuyền này, cần phải có công việc khổ chế đồng thời tiếp nhận ơn thánh: chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể tạo một con tim tinh tuyền" như lời thánh vịnh đã cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51,22). Đó là sự tinh tuyền của mạch suối trào dâng, như lời kêu của trẻ nhỏ – "Ba ơi" - vừa kêu vừa nhảy bổ vào lòng cha. Lời kinh tinh tuyền phát xuất từ một con tim được rũ bỏ khỏi mọi vướng bận của một quá khứ phiêu bồng, từ một con tim tự do, yên lặng, chứa đầy lời Chúa. Lời kinh này có được sự chính xác và tầm bay vun vút của một mũi tên nhắm đúng và bay tới đích.
Bởi vì chỉ mình Thiên Chúa biết lòng dạ con người, không ai khác ngoài Người có thể xét đoán lời kinh của họ: không phải vì tôi nghĩ mình cầu nguyện hoặc cảm thấy mình cầu nguyện mà cho rằng là tôi cầu nguyện thật. Ngược lại, sự khô khan trong cầu nguyện không phải là một dấu chỉ kém phẩm chất. Khi Thiên Chúa nói với Mô-sê, Người dấu mặt không cho ông thấy và chỉ quay lưng lại: "Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống." Đức Chúa còn phán: "Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy" (Xh 33, 20-23). Cầu nguyện vừa đòi hỏi con người mò mẫm trong đêm tốùi của đức tin và vừa khước từ bản thân, vì người ta không là chủ của kinh nguyện của mình. Người ta lãnh nhận, người ta không tự chiếm đoạt được sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng người ta đón nhận. Phải biết khước từ mình như thế để cầu nguyện không phải vì mình thích nhưng vì đã làm hài lòng Thiên Chúa. Chỉ cần nói với Người một hai tiếng, nói với Người tình yêu và sự khốn cùng của mình rồi nín lặng làm thinh dưới chân Người, để cho Người làm trọn lời kinh mà tôi muốn theo đuổi, để cho Người có thể tạo nên lời kinh bằng cách dùng chính Ngôi Lời của Người, để cho Ngôi Lời nói tất cả với Cha Người: lúc đó kinh nguyện sẽ mang một ý hoàn toàn khác.
"Kinh nguyện của đan sĩ phải liên tục và ngắn gọn". Câu nói mâu thuẫn này của Autiochus-Đan sĩ, theo cách nói của ông, có nghiã rằng kinh nguyện là một hoạt động sẵn sàng trở thành thụ động dưới sức thúc đẩy của ơn thánh. Vừa là công việc của Thiên Chúa, vừa là công việc của con người, kinh nguyện đòi hỏi phải quyết liệt đồng thời biết buông xuôi, và theo lời khuyên của một vị trưởng lão: phải biết "ép buộc con tim đến với Chúa" và để cho Chúa đến với lòng mình tùy theo giờ và tùy sở thích của Chúa. Điều đó đòi hỏi phải kiên trì quyết tâm để mong đạt được kết quả.
Dom Etienne Ricaud o.s.b