Tin! Là đón nhận và đi vào Tình Yêu của Thiên Chúa

...Tin không phải là chỉ có chuyện đi lễ nhà thờ, đọc năm ba câu kinh, lần một vài tràng chuỗi Mân côi. Không phải chỉ có thế, mà tin ở đây còn phải là một thái độ, một hành vi lựa chọn. Tin Thiên Chúa thì cũng có nghĩa là ở lại trong Người. Ở lại trong Người là gì nếu chẳng phải là Tình yêu được nên một với Người!

 

Tin! Là đón nhận và đi vào Tình Yêu của Thiên Chúa 

Jos.Vicn. Ngọc Biển, SsP.

 

 

Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe thấy người lớn dạy con cái, cháu chắt của mình rằng: “chúng ta là con nhà có hồn có xác, phải biết phụng thờ Thiên Chúa bằng việc siêng năng đi lễ nhà thờ, chịu khó lần hạt để thể hiện niềm tin của mình vào Chúa”[1]. Khi lớn lên một chút, có dịp đi đây đó, học hỏi và từng trải trong cuộc sống, tôi mới khám phá ra rằng: tin không phải là chỉ có chuyện đi lễ nhà thờ, đọc năm ba câu kinh, lần một vài tràng chuỗi Mân côi là xong. Không phải chỉ có thế, mà tin ở đây còn phải là một thái độ, một hành vi lựa chọn. Tin Thiên Chúa thì cũng có nghĩa là ở lại trong Người. Ở lại trong Người là gì nếu chẳng phải là Tình yêu được nên một với Người! 

Đọc lại lịch sử Giáo Hội thời sơ khai ta thấy rất rõ về những hành vi sống và bảo vệ đức tin của các Tông đồ và những tín hữu tiên khởi. Khi bị truy lùng và cấm đạo suốt III thế kỷ, các ngài đã phải bới đất, đào hầm để lẩn chốn (hầm đó ngày nay người ta gọi là hang toại đạo). Chấp nhận thiếu thốn tư bề: ốm đau, bệnh tật, dơ bẩn...để bảo vệ đức tin, để trung thành phụng sự và yêu mến  Chúa, Đấng đã yêu mình trước.

Lược qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam, những thử thách đau khổ của cha ông ta cũng không kém gì các tông đồ và những tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. 300 năm bắt đạo, cũng là 300 năm tổ tiên chúng ta sống trong đau khổ liên lỉ, đôi khi sự cấm cách có trùng xuống, nhưng đấy cũng chỉ là hình thức hoãn binh để chuẩn bị cho một cuộc bắt bớ mới ác liệt, tàn khốc hơn mà thôi. Những hình khổ như: xiềng xích, gông cùm, bỏ đói, phơi nắng, đánh đòn, voi giầy, phân thây, thắt cổ, thiêu sống, trôi sông và cuối cùng là đầu rơi máu đổ...đã không làm cho các ngài sợ hãi, ngược lại, đứng trước những đau khổ dã man, các ngài được “Tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5, 14) nên đây lại là cơ hội thuận tiện để các ngài biểu lộ tình yêu tuyệt đối của mình vào Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì thế, các ngài đón nhận tất cả, đánh đổi tất cả, ngay cả cái chết để tin có Thiên Chúa và chọn Thiên Chúa là gia nghiệp của mình. Chỉ có tình yêu với Thiên Chúa và niềm tin mãnh liệt vào Người mới có thể giúp các ngài vượt qua được vũ lực, quyền bính, ma quỷ và yếu đuối của chính mình. 

Qua những hành vi lựa chọn của cha ông, chúng ta thấy toát lên một chân lý là: tin đồng nghĩa với việc đón nhận thập giá: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (Lc 14,27), tin là chấp nhận thân phận của hạt lúa gieo vào lòng đất: “Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24), tin là đi vào quỹ đạo của tình yêu, một tình yêu dẫn đến cả cái chết, chết cho người mình yêu: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”( Ga 15,13).

 

 

Hành vi đức tin đó được khởi đi và gợi hứng từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, một Đức Kitô đã được Chúa Cha đem trồng vào trong mảnh vườn Giáo Hội qua cung lòng Đức Maria: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Hạt giống đó được ví  như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, chấp  nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt khác. 

Là môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi. Con đường của hạt lúa gieo vào lòng đất. Chấp nhận mọi đau thương để đổi lấy hạnh phúc. Chấp nhận lên đồi Canvê để có Đêm Thánh Phục Sinh. Chấp nhận chén đắng cuộc đời để có mật ngọt của tình yêu là ơn cứu độ. 

Như vậy, đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa cho con người, con người phải đón nhận nó như một hồng ân. Hồng ân đó không mua được bằng tiền, không có được bằng quyền, mà phải đánh đổi bằng cả cuộc sống qua thái độ biết ơn và bằng con đường tình yêu. Tin là tin vào Thiên Chúa. Tin cũng là đi vào Tình Yêu của Người. Tin cũng có nghĩa là sống Tình Yêu đó trong cuộc đời:  “Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu” ( R.Tagore). 

Giáo Hội của Chúa luôn hướng về nội dung đức tin là Thiên Chúa, nhưng lại hiện hữu rất sống động qua hành vi đức tin được thể hiện nơi con cái của mình trong mọi thời đại. Sự kết hợp giữa hai chiều kích này đã được Đức Bênêđictô nói rõ: “Có sự hiệp nhất sâu xa giữa hành vi tin tưởng và nội dung đức tin mà chúng ta chấp nhận”[2]. Quả thật, “cũng như cái xác không hồn là cái xác chết. Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). 

Ước mong sao khi tin, chúng ta không chỉ dừng lại ở một niềm tin mang tính thụ động, nhưng niềm tin đó phải được thể hiện cách sống động trong đời thường của chúng ta, đức tin ấy: “dẫn chúng ta vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội[3]. 

Như vậy, tin có nghĩa là đi vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Đỉnh cao của Tình Yêu này chính là Thánh Giá cứu chuộc. Vì vậy, đón nhận Thánh Giá trong cuộc đời là một sự can đảm để sống đức tin và cũng là biểu hiện của người đang ở trong Tình Yêu của Thiên Chúa.


[1] Đây là lối sống và dạy đạo truyền thống tại các làng quê. Những hình thức này ngày nay không còn đáp ứng đủ cho những đòi hỏi và lối sống đạo đương thời. Nhưng lối sống đạo bình dân này đã nuôi sống đức tin của Giáo Hội Việt Nam qua bao thế kỷ. 

[2] Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa đức tin, số 10. 

[3] Ibid, số 1.