CẦU NGUYỆN VÀ SỰ THƯƠNG CẢM

Cầu nguyện là từ bỏ cái an toàn giả tạo không tìm kiếm lý chứng bênh vực bạn nếu bạn bị đẩy vào một góc, không còn đặt hi vọng trong vài phút sáng láng phù du mà cuộc sống còn dành cho bạn. Cầu nguyện có nghĩa thôi chờ đợi Thiên Chúa cái thiển cận bạn thấy nơi mình. Cầu nguyện là đi trong ánh sáng tràn đầy của Thiên Chúa và chỉ cần nói lên không rút lời: "Con là con người và Chúa là Chúa". Lúc đó sự trở lại xảy ra, sự tái tạo mối liên hệ mới...

CẦU NGUYỆN VÀ SỰ THƯƠNG CẢM

Nếu bạn có tương lai, sẽ là tương lai với người khác.  Lời cầu nguyện hi vọng là lời cầu nguyện giải giúp bạn và cho bạn đi xa khỏi biên giới của những gì thuộc về bạn.  Vì thế không thể nói đến cầu nguyện bao lâu cầu nguyện được coi như hành động trục xuất đồng loại.  Thánh Gioan nói: "Ai nói 'Tôi yêu Chúa' và ghét anh em mình là kẻ nói dối" (1 Gioan 4:20).  Và Chúa Giêsu phán: "Không phải kẻ nói với ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa' sẽ vào nước Trời nhưng người làm theo ý Cha ta trên trời" (Matthêu 7:21).

Cầu nguyện không bao giờ có tính cách phản xã hội hay phi xã hội.  Bất cứ khi nào bạn cầu nguyện và không để ý đến đồng loại, lời cầu nguyện của bạn không còn là lời nguyện đích thực.  Nhưng điều này không dứt khoát là như thế.  Có nhiều người nói: "Ði ra ngoài và làm gì cho đồng loại thay vì cầu nguyện cho họ."  Bây giờ hơi phóng đại khi giả thiết rằng điều này chút ít có lý vì người ta dùng nhiều thời gian cầu nguyện cho người khác.  Nhưng rõ ràng là lời cầu nguyện không phải là vô hiệu quả và câu nói "Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn" thường là lời nói vô nghĩa hơn là dấu hiện lưu ý đến nhau thật sự.

Prayer 1Trong ý nghĩ của người thời nay, người hoạt động và có nghị lực cầu nguyện và sống đã phân ly rõ ràng nên liên kết hai ý niệm lại là điều không thể được.  Vấn đề chính ở đây là: làm sao lời cầu của bạn thực sự cần thiết cho sự phúc lợi của đồng loại.  Làm sao bạn có thể cầu nguyện luôn và cầu nguyện thực sự cần thiết?  Vấn đề chỉ quan trọng khi được đặt ra trong hình thái chính xác của nó.  Câu hỏi cầu nguyện khi nào và thế nào không phải là câu hỏi quan trọng nhất.  Câu hỏi chính yếu là bạn có cầu nguyện luôn không và lời cầu nguyện có cần thiết không.  Ðây là đầu mối hay không là gì cả.  Nếu ai nói hướng về Chúa trong lời cầu nguyện trong những phút rỗi rảnh là tốt, hay nếu họ công nhận ai có vấn đề dựa cậy vào lời cầu nguyện là tốt thì họ công nhận là cầu nguyện chỉ ở bên lề cuộc sống và điều đó không quan trọng.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy lời cầu nguyện nhỏ không làm hại gì thì bạn cũng thấy là nó cũng không làm cho ta nhiều điều tốt lành.  Cầu nguyện chỉ có ý nghĩa khi cần thiết và không thể không có.  Cầu nguyện chỉ là cầu nguyện khi ta có thể nói nếu không có cầu nguyện con người không thể sống.  Làm sao điều này có thể đúng và trở thành đúng?  Từ ngữ làm cho ta gần đến câu trả lời là từ ngữ thương cảm.  Trước hết bạn phải xét xem điều gì xảy ra cho một người khi họ cầu nguyện bạn mới hiểu được điều đó.  Rồi bạn mới có thể hiểu làm sao bạn có thể gặp đồng loại trong lời cầu nguyện.

Người nhìn vào thế giới với tinh thần cầu nguyện là người không chờ đợi hạnh phúc do chính mình, nhưng nhìn tới người khác đang đến.  Người ta thường nói là người cầu nguyện ý thức sự tùy thuộc của mình và khi cầu nguyện họ cho thấy họ không được ai giúp đỡ.  Ðiều này có thể dễ bị hiểu lầm. Người cầu nguyện không chỉ nói "tôi không thể làm điều ấy và tôi không hiểu điều ấy" nhưng cũng nói "tự tôi, tôi không thể làm chuyện ấy và tự tôi, tôi không cần phải hiểu điều đó."  Khi bạn dừng lại ở câu thứ nhất bạn thường cầu nguyện trong lẫn lộn và thất vọng nhưng khi bạn thêm vào câu thứ hai, sự tùy thuộc của bạn không còn là vô phương cứu chữa nhưng là sự cởi mở hạnh phúc nhìn tới phía trước để được canh tân.

Nếu bạn nhìn sự yếu đuối như là bất hạnh, bạn chỉ dựa vào lời cầu nguyện khi bạn thật cần thiết và bạn sẽ đi đến chỗ coi cầu nguyện như là lời thú tội miễn cưỡng về sự bất lực của bạn.  Nhưng nếu bạn thấy sự yếu đuối như là điều làm cho bạn đáng yêu, và nếu bạn luôn sẵn sàng bị bất ngờ vì năng lực người khác ban cho bạn, bạn sẽ khám phá qua lời cầu nguyện là sống có nghĩa là sống với nhau.

Một lời cầu nguyện làm cho bạn nản lòng khó có thể được coi là lời cầu nguyện.  Vì bạn chỉ nản lòng khi bạn giả thiết mình có thể làm mọi sự, và mọi ơn bạn nhận được nơi người khác là bằng chứng rõ ràng cho thấy bạn kém họ, và bạn chỉ là người tràn đầy khi bạn không còn cần người khác.

Mỗi lần người thất vọng khám phá ra cách đau đớn là họ thất bại, họ bị xấu hổ và cúi đầu.  Cuối cùng họ mệt nhọc và kiệt lực vì sự căng thẳng khi cố gắng chứng tỏ họ có thể một mình làm điều đó.  Họ mất vẻ linh hoạt trong cuộc sống và trở nên chua cay.  Họ kết luận là đồng loại thành kẻ thù và đối thủ đã hạ họ.  Sự căng thẳng này lên án họ phải cô đơn vì mỗi bàn tay giơ ra cho họ được coi như là mối đe dọa cho danh dự của họ.

Nếu trong lời cầu nguyện với Chúa như người khác hoàn toàn, bạn đang tìm kiếm sự bình an đích thực trong cuộc sống.  Khi Chúa hỏi Adam, con người là: "Ngươi ở đâu?" Adam trả lời "Tôi đang trú ẩn" (Genesis 3,9-10) và lúc này ông xưng thú tình trạng thật của mình.  Nhưng xưng thú như thế dẫn ông đến Chúa.  Người cầu nguyện là người đi ra khỏi chỗ trú ẩn và không những có can đảm nhìn thấy sự nghèo khó của mình nhưng cũng thấy mình không cần phải chạy trốn kẻ thù, chỉ có người bạn không muốn gì tốt hơn là mặc áo cho họ.

Chắc chắn cầu nguyện đòi phải công nhận, nghĩa là nhận ra tình trạng con người.  Nhưng công nhận như thế không có gì là xấu hổ, làm cho cảm thấy vô ích hay thất vọng, nhưng là khám phá ra mình là con người và Chúa là Chúa.  Nếu bạn để ý đến cái yếu đuối của mình, lỗi lầm của mình, cái thiển cận và quá khứ đảo điên, đến mọi biến cố sự kiện hay hoàn cảnh mà bạn thích loại ra khỏi lịch sử quá khứ của bạn, bạn chỉ dấu ẩn sau hàng rào mà mọi người có thể nhìn ra bạn.  Ðiều bạn làm chỉ là thu hẹp thế giới của bạn thành một nơi trú ẩn nơi bạn đang trốn, trong lúc khốn khổ nghi ngờ mọi người đang nhìn bạn rõ ràng.

Cầu nguyện là từ bỏ cái an toàn giả tạo không tìm kiếm lý chứng bênh vực bạn nếu bạn bị đẩy vào một góc, không còn đặt hi vọng trong vài phút sáng láng phù du mà cuộc sống còn dành cho bạn.  Cầu nguyện có nghĩa thôi chờ đợi Thiên Chúa cái thiển cận bạn thấy nơi mình.  Cầu nguyện là đi trong ánh sáng tràn đầy của Thiên Chúa và chỉ cần nói lên không rút lời: "Con là con người và Chúa là Chúa". Lúc đó sự trở lại xảy ra, sự tái tạo mối liên hệ mới.  Con người không còn phải là có lần lỗi lầm, và Thiên Chúa không còn là người đôi khi tha thứ.  Không, con người là tội nhân và Chúa là tình yêu.  Sự trở lại làm cho điều đó thành hiển nhiên với vẻ đơn giản lạ lùng và sự sáng sủa làm cho ta phải chịu thua.

Việc trở lại này sẽ cho bạn xả hơi cho bạn thở lại và nghỉ ngơi trong vòng tay Thiên Chúa.  Kinh nghiệm đó làm cho bạn vui tươi và bình tĩnh.  Vì lúc đó bạn có thể nói: "Tôi không biết câu trả lời và tôi không thể làm chuyện đó, nhưng tôi không cần biết chuyện đó và tôi không cần phải có khả năng làm chuyện đó." Nhận thức mới này là một sự giải thoát sẽ cho bạn tự do đi tới mọi thụ tạo và cho bạn vui chơi trong vườn trước mặt bạn.

Người cầu nguyện không chỉ khám phá mình và Thiên Chúa nhưng khi gặp gỡ như thế họ biết người bên cạnh là ai.  Vì khi cầu nguyện bạn không tuyên xưng người là người, Chúa là Chúa mà cũng tuyên xưng người bên cạnh là đồng bào, nghĩa là một người như bạn.  Vì nếu sự trở lại mang bạn xuống đáy sâu của bản tính nhân loại, bạn nhận ra là bạn không cô đơn:  Làm người có nghĩa là sống với người khác.

Chính ở chỗ này phát sinh sự thương cảm.  Sự thương cảm này không được bao bọc bằng sự thương xót hay do tiếng cảm tình.  Thương xót có vẻ xa xôi.  Cảm tình cho ta cảm tưởng gần gũi nhưng không chấp nhận người khác.  Thương cảm không có vẻ xa xôi và không có vẻ không chấp nhận.

Thương cảm gồm nhiều giai đoạn khác nhau.  Trước hết cho bạn thấy người bên cạnh có bản tính nhân loại như bạn.  Việc đồng cảnh ngộ này phá tan bức tường làm cho xa nhau.  Ta vẫn đồng nhất dù cho chướng ngại lãnh thổ ngôn ngữ giàu nghèo khôn ngu, vì ta được dựng nên do cùng bụi đất chịu chi phối, do cùng luật lệ và có cùng mục đích.  Với sự thương cảm bạn có thể nói "Nơi vẻ mặt kẻ bị áp bức tôi nhận ra bộ mặt của tôi, và nơi tay người bị áp bức tôi nhận ra tay tôi, nói lên bất lực và vô phương giúp đỡ.  Thịt họ là thịt tôi, máu họ là máu tôi, đau đớn của họ là đớn đau của tôi, và nụ cười của họ là nụ cười của tôi.  Không có gì trong tôi họ thấy là xa lạ, và không có gì trong họ mà tôi không nhận ra. Nơi mắt họ, tôi thấy lời van xin tha thứ và trong vầng trán cau có của họ, tôi thấy sự từ chối của mình. Khi họ giết người, tôi biết tôi cũng có thể làm chuyện đó, và khi họ sinh ra tôi biết tôi cũng có khả năng sinh ra.  Trong thẳm cung của hữu thể tôi, tôi gặp đồng loại đối với họ không có gì xa lạ dù cho yêu ghét, sống hay chết."

Thương cảm là dám công nhận định mệnh giống nhau để có thể cùng tiến lên đi vào vùng đất Chúa đã chỉ cho.  Thương cảm cũng có nghĩa chia xẻ niềm vui của người khác, cũng khó như chia xẻ đau khổ của họ.  Cho người khác cơ may được hạnh phúc và hoàn toàn vui mừng.  Ðôi khi ta không thể làm gì hơn là mỉm cười và nói: "Thực sự điều này thích hợp cho bạn" hay "tôi sung sướng thấy bạn đã làm điều đó."

Nhưng sự thương cảm này còn hơn là chia xẻ kiếp nô lệ cùng với sự sợ hãi, và thở phào vì thoát nạn hơn là chia xẻ niềm vui.  Vì nếu thương cảm phát xuất từ cầu nguyện, thì cũng phát xuất do việc bạn gặp Chúa cũng là Chúa của đồng loại.  Lúc mà bạn nhận Chúa là Chúa Ðấng muốn là Chúa của bạn, và khi bạn cho Ngài đến với bạn, bạn nhận ra con đường mới mở rộng cho người bên cạnh bạn.  Họ cũng không cần phải sợ gì, cũng không cần lẩn trốn sau hàng rào, họ không cần khí giới để thành con người. Khu vườn không được chăm sóc đã lâu cũng có ý nghĩa đối với bạn.

Trở lại với Chúa như thế, có nghĩa đồng thời trở lại với người khác đang sống với bạn trên trần gian. Nông dân, công nhân, sinh viên, tù nhân, người đau, da đen, da trắng, kẻ yếu, người mạnh, kẻ bị áp bức và người áp bức, bịnh nhân hay người chữa lành, người bị tra tấn hay tra tấn, ông chủ hay đầy tớ, không những họ là người giống như bạn nhưng họ được kêu gọi để mọi người nghe họ và cho Chúa cơ may là Chúa của tất cả.

Như vậy thương cảm không còn phô trương như là không còn sự khiêm tốn giả tạo.  Nó kêu mời bạn hiểu mọi sự thấy chính bạn trong ánh sáng của Chúa và vui vẻ nói cho mọi người bạn gặp là không có gì phải sợ hết; đất đai tha hồ trồng cấy và hứa hẹn mùa gặt tốt.

Tuy nhiên không đơn giản như thế.  Cũng có liều lĩnh.  Vì thương cảm là bắc cầu đến với người khác mà không biết họ muốn ta đến không.  Người đồng loại có thể chua cay nghĩ rằng họ không chờ đợi bạn điều gì.  Rồi thương cảm sẽ thành hận thù và khó mà không chua chát nói rằng: "Bạn thấy tôi đã nói với bạn chưa, không được đâu."  Tuy nhiên thương cảm có thể có qua lời cầu nguyện.  Vì khi cầu nguyện bạn không dựa trên sức mạnh của chính mình, không trên thiện chí của người khác, nhưng chỉ do tín thác vào Chúa.  Ðó là lý do tại sao cầu nguyện trước hết là lời kêu mời bạn tìm ra chỗ riêng cho bạn trên thế gian này và sống tại chỗ đó.  Ðó là bạn không những khám phá ra mình hiện hữu, nhưng gặp người bên cạnh, người sẽ cùng với bạn vun trồng và phát triển thế giới mới.

Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA

Sống nương tựa nhau

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?

Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau

Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?

Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau

Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?

Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau

Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?

Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau

Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?

Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau

Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?

Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau

Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?

Không ai trả lời

Không ai trả lời

Không ai nói gì cả

Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau

Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ

Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau

Vì người còn nặng nỗi thương đau

Vì người còn quên cách yêu nhau

Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...

Quả thực, một cuộc sống chung đòi hỏi phải đón nhận nhau trong sự tôn trọng, chia sẻ và đỡ nâng nhau. Như đất, như nước, như gió ... biết hòa tan trong nhau để bảo vệ và nâng đỡ nhau. Nếu cuộc sống chung chỉ muốn độc tôn mình và loại trừ người khác thì cuộc sống sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu và nước mắt.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

  Khổng Nhuận

Tình yêu Thiên Chúa óng ánh muôn màu kỳ diệu như một viên kim cương lấp lánh dưới ánh nắng ban mai chiếu dọi. Mỗi  người mang một ánh mắt nhìn khác nhau.

1.          Theo lối nhìn cũ: Chúa ở ngoài ta

Tình yêu Thiên Chúa là một trong những đề tài được nhiều tác giả sáng tác nhất với giai điệu tuyệt vời. Lời ca được dệt từ gợi hứng của Thánh vịnh xoay quanh những ý chính: Tình yêu Thiên Chúa vô biên, không bờ không bến. Tình yêu Thiên Chúa vươn lút ngàn mây, như trăng như sao, bao la như biển khơi….như mưa như mưa…

Trong cộng đoàn, anh em thường họp nhau hàng tuần hoặc hàng tháng và chia sẻ cho nhau nghe những ân huệ họ đã nhận được. Tôi đã nghe hàng trăm lời ca ngợi tình yêu Thiên Chúa đại loại như sau:

-  Đang thất nghiệp dài dài, bỗng nhận được việc làm ngon cơm do anh bạn giới thiệu.

-  Sáng nay, chỉ một ly nữa là tôi bị xe tải nghiến chết!!!

-  Chỉ còn một nửa căn nhà nữa là thần hoả đã thiêu rụi nhà tôi rồi!!!

-  Học bài chưa kỹ lắm, thế mà Chúa vẫn cho đậu!!!

-  Hôm qua, tớ chở hàng lậu, thế mà Chúa đã bịt mắt công an, nên tớ thoát nạn!!!

-  Tuần trước, gặp tai nạn ô tô, hành khách bị chết gần nửa xe, số còn lại ai cũng bị thương, trong khi tôi bị văng ra khỏi xe mà chỉ bị trầy xước sơ sơ. Tạ ơn Chúa!!!

-  Nhờ cộng đoàn cầu nguyện, chồng tôi đã bỏ được rượu.

-  Huynh trưởng bọn tôi làm luộm thuộm vậy mà Chúa vẫn cho cộng đoàn gia tăng số thành viên.

-   Thiên Chúa tốt lành quá, bao nhiêu bom đan đều rơi vào khu dân cư bên cạnh… còn xóm Công giáo chúng tôi bình an vô sự !!

Ngoài ra, Tình yêu Chúa còn được thể hiện qua biết bao cảnh đẹp thiên nhiên với muôn ngàn hoa là cỏ cây với chim bay tung tăng, bướm luợn la đà.

Hơn thế nữa, Chúa còn ban cho chúng ta bíêt bao người chung quanh dễ thương dễ mến...

Và còn 1001 chuyện kì diệu khác mà Chúa đã làm cho cá nhân và cộng đoàn….

Rất tốt, rất tốt, nhờ thế mà họ gắn bó với cộng đoàn và nhờ thế, cuộc sống của họ cũng cảm thấy đỡ khổ hơn một chút.

Nhưng… xét cho thật kỹ thì có tới 90% ân huệ đều thuộc về những chuyện trần gian. Như vậy đây chỉ là cái vỏ của tình yêu Thiên Chúa. Hay nói cách khác, đây chỉ là phần thêm vào làm cho tình yêu của Ngài có vẻ dễ cảm nhận hơn. Đức Giêsu đã khẳng định

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.( Mt 6:33).

Rõ ràng 1001 chuyện kỳ diệu trên chẳng dính dáng gì với nước Nước Thiên Chúa mà chỉ là những điều Ngài sẽ thêm Cho.

Nếu cho rằng đó là cái vỏ, là đồ thêm cho, vậy cái ruột, cốt lõi của tình yêu Thiên Chúa nằm ở chỗ nào?

 2.  Theo Kinh Thánh

Để chứng tỏ tình yêu của Ngài, Thiên Chúa làm 2 việc:

·       Món quà chúng ta có thể thấy được:

Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.(
1 Ga 4:9)

Nói có sách, mách có chứng, không phải do tôi chế ra. Tình yêu Thiên Chúa  được biểu lộ không những bằng hàng ngàn ơn phúc Ngài ban cho tôi, mà quan trọng hơn nữa là Ngài đã sai Đức Giêsu xuống trần để giới thiệu cho tôi một lối nhìn về Chúa Cha, một cuộc sống kết hiệp  nên một với Chúa Cha - một cuộc sống dồi dào, tự do, bình an và hạnh phúc đích thực.

·       Món quà chúng ta không dễ gì thấy được:

Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5:5)

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.( 1Ga 3 : 24)

          Thiên Chúa không  tuôn đổ tình yêu của Ngài bằng cách ban cho hết ơn này tới ơn khác,Ngài ban cho tôi Thánh Thần – hay nói cách khác – Ngài ban cho tôi chính Thần Khí của Ngài - sự sống của Ngài - để nhờ đó tôi sống bằng chính nguồn sống sung mãn của Ngài ở trong tâm tôi.

2.          Theo lối nhìn mới: Chúa ở trong ta

Theo lối nhìn mới, tình yêu Chúa trở nên quý trọng hơn nhiều, sâu thẳm hơn nhiều và đặc biệt là trọn vẹn một cách tuyệt vời.

Nói là Chúa Cha sai Đức Giêsu xuống trần để cho chúng ta được sống dồi dào, tự do, bình an. Nhưng chúng ta thử giở Kinh Thánh ra xem Đức Giêsu đã xác tín như thế nào trong lúc trao đổi với các môn đệ về Chúa Cha trong Gioan chương 14: 7 -10

 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."
 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?

Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.

Bấy lâu nay tôi cứ tin chắc như đinh đóng cột rằng: có một ông Chúa Cha râu tóc bạc phơ, sai con một của mình là Đức Giêsu xuống trần chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, còn mình cứ việc vui vẻ hạnh phúc thoải mái trên thiên đàng. Nhưng khi suy đi nghĩ lại đoạn Kinh Thánh này, tôi mới khám phá ra rằng:

Bên ngoài tôi thấy Đức Giêsu đi đứng, nói năng, làm đủ thứ phép lạ nhưng thực ra Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Đức Giêsu, chính Người làm những việc của mình.

Như vậy, theo ánh mắt tâm linh, tôi đã khám phá ra tình thương của Chúa thật bao la và sâu thẳm đến nỗi chính ngài đã xuống trần qua thân xác của Đức Giêsu, bằng chứng là chính Đức Giêsu đã quả quyết:

Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

Tình yêu Thiên Chúa đã vươn tới tuyệt đỉnh qua  mong muốn của Đức Giêsu:

Để tất cả nên một, như Cha ở trong con

và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…

để họ được nên một như chúng ta là một.

Thêm vào đó, tình yêu Thiên Chúa còn được biểu lộ trong việc Ngài ban Thánh Thần cho tôi. Trước kia, tôi cứ tưởng Chúa Cha như một ông chủ, cầm cái bình HỒNG ÂN rót vào hồn tôi từng giọt  ân huệ Thánh Thần … Như vậy, Chúa Cha vẫn ở ngoài tôi và giao tiếp với tôi qua những ân huệ Ngài ban.

Hoá ra không phải như vậy, bằng chứng là câu Kinh Thánh sau đây:

Thiên Chúa là thần khí (Ga 4:24)

Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. (2Cr 3:17)

Thánh Thần - Thần Khí - có vẻ giống như món quà Chúa ban cho tôi, nhưng qua đoạn Kinh Thánh trên, tôi mới khám phá ra người cho và món quà là một - Bởi vì  Thiên Chúa cũng chính là Thần Khí. Nói cách khác, để chứng tỏ tình yêu đối với tôi, chính Chúa Cha hiện diện trong tôi, sống với tôi, nên một với tôi, để tôi cũng được nên một với Ngài. Theo tôi cảm nghiệm, điều này mới là một minh chứng hùng hồn Chúa yêu tôi trọn vẹn, Ngài cho tôi hết – không giữ lại cho mình một chút gì.

Đền đáp tình yêu.

 Khi lãnh nhận ơn Chúa phải đền đáp sao đây trước Tình yêu Chúa bao la như vậy?

Để đáp lại muôn ngàn hồng ân của Chúa, chúng tôi chỉ còn biết dâng lời ngợi khen và cảm tạ Chúa. Chúng tôi cho rằng như vậy là đủ lắm rồi, còn hơn rất nhiều người - những giáo dân khác không bao giờ biết tạ ơn Chúa.

Chúng tôi thường đồng thanh hát :

“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người”.

Phải, chỉ biết ca ngợi mà thôi. Chấm hết.

Tôi xin kể một chuyện nhỏ nhỏ.

          Sau một năm hội họp với nhau, một anh huynh trưởng đã vừa hỏi vừa như căn vặn tôi:

-         Sao em chẳng xin ơn gì cho mình vậy?

-         Thú thật với anh, từ khi khám phá ra Chúa của lòng mình, em chẳng còn cảm thấy phải xin ơn gì cho mình nữa.

-         Trong lời ngợi khen - cảm tạ, sao em lại hay dùng những lời Kinh Thánh, nghe có vẻ lý thuyết, dậy dỗ người khác và không giống như kiểu cách của cộng đoàn.

-         Lại phải thú thật với anh, đây không phải là lý thuyết mà là từ trong tâm chân thành của em. Đơn giản chỉ vì em nhận thấy những  Lời Chúa đó quả là hồng ân đích thực, sống động trong đời sống của em - chứ không lý thuyết, xa vời như ngày xưa.

Cuộc đối thoại kiểu ông nói gà, bà nói vịt giống như cuộc đàm thoại giữa Đức Giêsu và ông Philipphê.

Đức Giêsu đã nói “Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

Thế mà Philipphê vẫn còn cố nài nỉ: “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Đức Giêsu hàng ngày sống trong Chúa Cha, nên một với Chúa Cha, đó là chuyện bình thường như ăn cơm, uống nước; trong khi Philipphê tưởng sẽ được gặp một Chúa Cha oai phong lẫm liệt, tràn đầy ánh sáng và quyền uy

          Cũng vậy, có lẽ anh huynh trưởng của tôi quan niệm - với cặp mắt nhân loại:

Chúa là Cha nhân lành, Ngài ban muôn vàn hồng ân – bổn phận ta phải cảm tạ, cầu xin, nếu không sẽ là đồ vô ơn, bạc nghĩa với Chúa – nên anh hoàn toàn ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại không bao giờ xin ơn Ngài. Có lẽ anh ấy nghĩ: Tay này có vẻ kiêu ngạo đây – không cần ơn Chúa.

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của tôi là sống nên một với Ngài thì chuyện xin ơn cho mình thì có vẻ hơi thừa.

Xin ơn gì bây giờ ? trong khi chính Thánh Thần - nguồn ơn Chúa - đang hiện diện và sống trong tôi?

Hay nói cách khác: chính Chúa Cha sống trong mình thì còn ơn nào cao trọng hơn?

Không lẽ lại nghe anh huynh trưởng, tôi phải đẩy Ngài ra khỏi lòng mình, tôn Ngài lên làm vua cả nước trời - trên chín tầng mây, để rồi lại quỳ mọp xuống năn nỉ  ỉ ôi từng ơn, từng ơn theo từng hoàn cảnh - như tôi đã sống từ mấy chục năm trước?

Tại sao vậy ?

Đơn giản chỉ vì tôi xác tín rằng:

“Đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm;

nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó.

Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho”.(Lc 12:29-31)

          Tóm lại, qua tâm tình chia sẻ ngắn ngủi này, tôi chỉ muốn trình bày và xác tín rằng:

          Cốt lõi tình yêu Thiên Chúa không phải chỉ là muôn vàn hồng ân, cũng không phải chỉ là những tài năng tôi đã nhận được..

          mà chính là Chúa Cha đã ban cho tôi Đức Giêsu và Thần Khí của Ngài

          hay nói đúng hơn là chính Ngài tự hiến mình vì tôi một cách trọn vẹn với  mục đích để yêu thương và sống chung tới tôi suốt cuộc đời này và mãi mãi tới thiên thu vạn đại.

          Đó mới chính là bản chất đích thực của tình yêu Thiên Chúa.

Và để đền đáp tình yêu này,  ngoài việc dâng lên lời cảm tạ trước mặt gia đình, cộng đoàn, tôi cho rằng sống kết hợp nên một với Chúa theo Tâm niệm:

"Tôi sống, không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi.

Đó mới là cách đáp đền tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể nhất, sống động nhất và trọn vẹn nhất.

Sưu tầm