Sự Chết

Suy nghĩ về cái chết dù của người hay của mình, con người tôi như bị lột trần. Nhờ sự trần trụi ấy mà tôi được một lần nhìn thấy những ý hướng ẩn kín đang chuyển động ngổn ngang nơi lòng mình. Sự chết cũng nhắc nhớ tôi về ý nghĩa cuộc hiện sinh này. Thấy mình, nhận ra ý nghĩa, tôi phải thay đổi để sự chết không còn là nỗi sợ trong tôi. Sợ vì mình chưa yêu đủ. Sợ vì mình chưa làm hòa với chính mình. Sợ vì mình còn mê lầm. Sợ vì mình chưa một lần sống có ý nghĩa...

 


Sự Chết 
 
Sống trong truyền thống Công giáo, tháng 11 nhắc nhớ tôi về mầu nhiệm sự chết. Trí nhớ tôi như bị hút về bao phản ứng khác nhau của những người ở lại trước cái chết của người thân. Khóc. Cười. Cãi vã. Hối tiếc. Cảm xúc. Suy tư. Những phản ứng ấy của người cũng đang ẩn hiện trong tôi khi tưởng nghĩ về cái chết.
 
Đối diện với sự ra đi của người thân, tuy có nhiều tâm tình khác nhau nhưng phần nhiều vẫn là một cảm giác hối tiếc. Cái chết của người nhắc nhở tôi về trách nhiệm yêu thương và quan tâm mà tôi dành cho họ. Thường thường tôi hối tiếc vì chưa quan tâm đủ. Có những niềm thương sâu kín muốn sẻ chia, mà sao sự hiện diện hữu hình của người đôi khi làm tôi ngập ngừng. Có những mong mỏi người tiến bộ hơn, thành nhân hơn mà tôi không tiện nói. Cũng có những oán hờn, ghen tương đang đào sâu hố tương quan giữa tôi với người. Và thậm chí có cả những ác ý trả thù nếu người lỡ gây cho tôi những niềm đau. Những bức tường vô hình và cả hữu hình kia cứ làm cho tình yêu tôi dành cho người vơi dần… vơi dần. 

Cái chết của người lại là thời điểm để những niềm đau chôn giấu và những niềm yêu ẩn sâu nơi tôi vùng sống dậy. Giờ đây những rào cản kia đã mất, chỉ còn lòng tôi đối diện với hồn người. Tôi thấy như người nhìn rõ tôi hơn, hiểu tôi hơn. Vậy còn gì nữa để mà che giấu? Hãy để cho những nỗi niềm ẩn kín trong tôi được đối diện với vong linh người. Nước mắt. Tôi khóc buồn tiễn đưa người hay khóc vui vì người đã giúp tôi sống thật với chính mình? Cười. Tôi cười mừng cho người vì đã được giải thoát nơi cõi thiên đường hay cười sầu cho tôi vì còn bị giam hãm nơi thế gian này?

Quay về với thực tại, ước muốn sống thật với chính mình của tôi lại gặp những trở ngăn của kiếp người hữu hạn. Tôi giới hạn ngay cả trong cách nắm bắt mình, diễn tả mình. Người giới hạn vì chỉ có thể hiểu tôi một phần. Trách ai? Đòi hỏi gì hơn? Ngày nào còn ở trong phận người tôi vẫn còn cô đơn. Tập sống với những nghèo nàn kia tôi sẽ bình an hơn. Vậy hóa ra, sự ra đi của người là cơ hội để tôi chiêm nghiệm cuộc sống này thêm sâu lắng. 

Chiêm nghiệm để sống. Tôi cũng cần lắm những cái chết để sống thật, sống đúng. Bám vào danh dự, chức vụ, lợi lộc của đời làm tôi nhìn người cũng bằng những tiêu chuẩn ấy. Tôi đeo mặt nạ và tôi cũng tưởng người đeo mặt nạ như tôi. Tương quan giữa tôi và người chỉ là những chiếc mặt nạ thôi sao? Giữ chặt ý riêng, tôi nghe tâm sự của người qua một bộ lọc. Người sợ chẳng dám cởi mở lần nữa với tôi vì bộ lọc ấy vững quá, cứng quá. Còn tôi thì cho người là thiếu đối thoại, lười suy nghĩ… Chết đi cho những mặt nạ, bộ lọc ấy, tôi mới sống thật với sự nghèo nàn của mình, mới sống đúng cho một tương quan thân ái giữa tôi và người. 

 Sự chết phải chăng là tiếng chuông cảnh tỉnh của Đấng Tối Cao?  Nếu thế, xin tạ ơn Người.
  
Tác giả bài viết: Bảo Ân, SJ
 
Bên Kia Sự Chết
 
Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.

Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "các thánh thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".

Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.

Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

Nguồn: Sưu Tầm