Những mùa xuân dang dở

Tổng thống Siria - Assad - nhất quyết duy trì đường lối cai trị độc tài khiến cho nội chiến bùng nổ dữ dội từ hai năm qua làm cho 100.000 người chết, gần 4 triệu người phải tị nạn chiến tranh và đất nước Siria tan hoang như Libăng hồi thập niện 1970. Cộng đồng quốc tế bất lực, vì tổng thống Assad có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc và Iran. Làn gió dân chủ của cuộc cách mạng hoa lài đã thổi vào nhiều nước A rập, nhưng sau mấy năm chuyển tiếp khó khăn cho tới nay xem ra các Mùa Xuân ấy vẫn còn dang dở sau khi gây ra cái chết của hơn 150.000 dân. Và không ai biết trong tương lai sẽ còn có những gì nữa xảy ra, ngoài chết chóc, tàn phá thương đau và các xã hội tan nát, nạn nhân của chia rẽ và bạo lực.

Những mùa xuân dang dở

Từ ba năm qua cuộc ”Cách Mạng Hoa Lài” hay cũng còn gọi là ”Mùa Xuân A Rập” đã lan nhanh trong các vùng Bắc Phi, Trung Đông và Cận Đông.

ArabSpring.jpg


Làn gió dân chủ đã nhanh chóng cuốn hút vào trong các cuộc xuống đường biểu tình mạnh mẽ ồ ạt phản đối chính quyền nhân dân các nước: Tunisia, Algeria, Libia, Ai Cập, Bahrein, Yemen, Giordania, Gibuti, Siria; và một cách nhẹ nhàng hơn tại A rập Sauđi, Oman, Sudan, Somalia, Irak, Marốc và Kuweit.

Lý do khiến cho 20 triệu người trong các nước nói trên đã ồ ạt xuống đường biểu tình là nạn nghèo đói, nạn gian tham hối lộ của các giới chức lãnh đạo, việc thiếu các quyền tự do cá nhân, các vụ vi phạm nhân quyền, nạn thất nghiệp, giá cả thực phẩm gia tăng, cuộc sống đắt đỏ... tất cả đã khiến cho người dân bất bình, giận dữ và họ ước muốn canh tân các thể chế chính trị nằm trong tay của các lãnh tụ độc tài đã cầm quyền từ nhiều thập niên qua. Các phương tiện được dân chúng sử dụng là việc phản kháng dân sự, các cuộc đình công bãi thị, xuống đường biểu tình, tuần hành phản đối, đôi khi đi tới chỗ triệt để như tự tử bằng cách tự thiêu sống. Ngoài ra các đoàn người biểu tình, nhất là giới trẻ, còn sử dụng các kỹ thuật truyền thông tân tiến hiện đại để kêu gọi và huy động người dân như liên mạng Internet, điện thoại di động, Iphone, Ipad, Facebook, Twitter vv... và nhất là hệ thống liên lạc của các đền thờ hồi giáo, và các cuộc nói chuyện chuyền tai nhau ngoài chợ hay trong các hàng quán.

Tia lửa đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy đòi dân chủ và các quyền làm người là vụ ông Mohammed Bouazizi, một người Tunisi bán hàng rong, ngày 18 tháng 12 năm 2010 đã tự thiêu để phản đối cảnh sát tịch thu hàng hóa và hành hung ông. Và thế là người dân Tunisia đã nổi giận liên tục xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Các vụ biểu tình phản đối này sau đó được gọi là ”ngày nhân dân nổi giận”. Ngày 27 tháng 12 làn sóng biểu tình tràn tới thủ đô Tunisi và lực lượng cảnh sát đã bạo hành các sinh viên học sinh biểu tình. Tuy tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali tỏ thiện chí bằng cách cải tổ chính quyền, nhưng các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn và gia tăng. Ngày 13 tháng giêng năm 2011 tổng thống Ben Ali trao quyền cho thủ tướng Mohammed Ghannouchi, và vào ban chiều đài truyền hình Tunisia loan tin tống thống Ben Ali đã trốn ra nước ngoài sau 25 năm cai trị. Vào cuối tháng hai hàng chục ngàn người đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Tunisi để yêu cầu chính quyền lâm thời từ chức. Từ đó tới nay Tunisia vẫn ở trong tình trạng bấp bênh và chưa hoàn toàn vãn hồi được thế quân bình trong nước.

Làn gió Cách Mạng Hoa Lài khởi đầu tại Tunisia lan sang Ai Cập. Nhiều vụ tự thiêu phản đối đã xảy ra trong tháng giêng năm 2011. Ngày 25 tháng giêng ”Ngày nhân dân nổi giận” đã được phe đối lập và xã hội dân sự triệu tập để phản đối nạn thiếu công ăn việc làm và các biện pháp đàn áp của chính quyền. Hàng trăm ngàn người biểu tình đã yêu cầu tổng thống Hosni Mubarak trả tự do cho các tù nhân chính trị, các vụ đụng độ bạo lực đã xảy ra tại trung tâm thủ đô Cairo khiến cho nhiều người bị thương và bị bắt giữ. Các người biểu tình đòi tổng thống Mubarak cởi trói cho giới truyền thông và họ ủng hộ cuộc nổi loạn chống tham nhũng và các đặc ân đặc lợi của giới lãnh đạo chóp bu. Ngày 29 tháng giêng tổng thống Mubarak giải tán chính quyền và chỉ định ông Omar Suleiman, cựu giám đốc tình báo, làm Phó tổng thống. Nhưng các cuộc biểu tình và đụng độ đã xảy ra trong mọi thành phố toàn nước khiến cho hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Sau khi Hội đồng bộ trường từ nhiệm, ông Mubarak trao quyền cho ông Suleiman. Ngày 11 tháng hai ông Suleiman loan báo tin tổng thống Mubarak từ chức, trong khi hơn một triệu người tiếp tục biểu tình. Quyền lãnh đạo Ai Cập nằm trong tay Hội đồng quân quản do tướng Mohammed Hussein Tantawi lãnh đạo, trong khi chờ đợi tu chính Hiến pháp và có các cuộc bầu cử mới. Tổng thống Mubarak bị bắt tại Sharm el Sheikh và bị đưa ra tòa vì tội tàn sát dân chúng.

Các cuộc bầu cử sau đó đã đưa ông Mohammed Morsi thuộc đảng các Anh em Hồi lên làm tổng thống. Nhưng ông Morsi đã tìm cách thu tóm mọi quyền hành trong tay, bắt đầu một chế độ độc tài mới và áp đặt Hồi giáo trên toàn nước. Sau một năm cai trị tình hình đã tồi tệ thêm trên mọi bình diện khiến cho nhân dân Ai Cập lại phát động cuộc cách mạng thứ hai, xuống đường biểu tình đòi ông từ nhiệm và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Bầu khí căng thẳng đã khiến cho nhiều bộ trường từ chức. Quân đội đã ra tối hậu thư cho ông Morsi và chính quyền phải tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng trong 48 tiếng đồng hồ. Nhưng tổng thống Morsi và nội các của ông đã không làm gì cả. Tối ngày mùng 3-7-2013 quân đội đã truất phế ông Morsi, bắt giữ ông và toàn bộ nội các, thành lập một chính quyền chuyển tiếp chuẩn bị các cuộc bầu cử mới và tu chính hiến pháp. Ngày mùng 5-7-2013 các cuộc biểu tình của cả hai phe phò và chống đã xảy ra trên khắp nước Ai Cập trong bầu khí căng thẳng nguy hiểm.

Trong cùng năm 2011 cuộc Cách Mạng Hoa Lài cũng lan sang Libia. Ngày 16 tháng hai đã xảy ra các vụ đụng độ tại Bengasi giữa những người biểu tình, cảnh sát và quân đội, vì một thành viên hoạt động bảo vệ các quyền con người bị bắt giữ. Trong toàn nước đã có các cuộc biểu tình ủng hộ đại tá Muammar Gheddafi. Ngày 17 tháng hai là ”Ngày toàn dân nổi giận” đã có nhiều người chết tại Bengasi, thành phố biểu tượng của vụ nổi loạn. Các lực lượng đối lập cho biết đã có hàng trăm người bị các lực lượng cảnh sát xử tử, trong đó có các tù nhân chính trị. Thế là nội chiến mau chóng bùng nổ tại Libia, khiến cho hàng chục ngàn người chết, vì quân đội của đại tá Gheddafi đã sử dụng vũ khí nặng kể cả súng chống xe tăng để tàn sát các đoàn người biểu tình. Khi cuộc nổi loạn tràn tới thủ đô Tripoli đại tá Gheddafi đã ra lệnh sử dụng cả máy bay oanh kích để dẹp tan các đoàn người biểu tình. Các lực lượng nổi loạn được sự yểm trợ của vài nước tây âu và ngày 20 tháng 10 năm 2011 ông Muammar Gheddafi bị bắt và bị hành quyết gần Sirte, chấm dứt 40 năm cai trị độc tài.

Cuộc cách mạng Mùa Xuân A rập cũng lan sang Siria từ tháng 2 năm 2011. Các vụ đụng độ bạo lực giữa lực lượng cảnh sát và các đoàn người biểu tình nhắm mục đích gây áp lực để tổng thống Bashar al-Assad đưa ra các cải cách dân chủ cần thiết cho quốc gia. Nhưng tổng thống Assad nhất quyết duy trì đường lối cai trị độc tài khiến cho nội chiến bùng nổ dữ dội từ hai năm qua làm cho 100.000 người chết, gần 4 triệu người phải tị nạn chiến tranh và đất nước Siria tan hoang như Libăng hồi thập niện 1970. Cộng đồng quốc tế bất lực, vì tổng thống Assad có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc và Iran.

Làn gió dân chủ của cuộc cách mạng hoa lài đã thổi vào nhiều nước A rập, nhưng sau mấy năm chuyển tiếp khó khăn cho tới nay xem ra các Mùa Xuân ấy vẫn còn dang dở sau khi gây ra cái chết của hơn 150.000 dân. Và không ai biết trong tương lai sẽ còn có những gì nữa xảy ra, ngoài chết chóc, tàn phá thương đau và các xã hội tan nát, nạn nhân của chia rẽ và bạo lực.


Linh Tiến Khải, RadioVaticana