HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN VATICAN II

Hành trình đi đến Vatican II là một hành trình trở về nguồn cội, nguồn cội của một Thiên Chúa yêu thương con ngưới được thể hiện qua Con Người Đức Kitô, mời gọi nhân loại sống trong một cộng đồng đa văn hóa, đa tôn giáo, không còn ranh giới giữa người với người. Chúng ta, những tín hữu, có dám dấn bước vào thách đố nầy không ?

 

HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN VATICAN II

Khi nền văn minh Thiên Chúa Giáo đưa vào lịch sử nhân loại khái niệm về sự tự do, dựa trên điều răn Kinh Thánh : “Hãy sinh sôi nảy nở, hãy lan tràn mặt đất và thống trị nó, hãy khống chế trên các loài sinh vật cá biển, chim trời và các loài thú vật trên trái đất…”, và ban cho nền văn minh con người tính chủ quyền, Thiên Chúa giáo đã đặt để vào trung tâm văn minh đó chính nguyên tắc của sự tiến bộ, của sự sáng tạo, của việc nghiên cứu, đồng thời qua đó, Thiên Chúa giáo đã dẫn đưa con người vào với khái niệm mới nữa, là tính độc lập đối với ý niệm về cái gọi là lãnh vực thần linh, lúc bấy giờ có hơi xâm nhập thái quá trong mọi phạm trù sống của con người.

Nhân danh cái “thần linh” mà Thiên Chúa giáo ý thức mình là người được ký thác và cũng là người có thẩm quyền diễn giải, Thiên Chúa giáo sẽ giúp cho luồng tư tưởng và tính thực nghiệm của nó được nổi bật và do đó sẽ làm cho không gian của lãnh vực thần linh giảm thiểu, bởi cái không giải thích được, - được xem như nguồn gốc của cái tính thần linh -, sẽ giảm sút dần hồi qua các thế kỷ. Ta thấy Phương Tây đã và đang sống trong chuyển động nầy và có thể nói, lãnh vực thần linh dường như không còn không gian sống tại vùng nầy.

Vấn đề lạ thường nữa là việc giảm sút nầy được đón nhận bởi một số lớn khá quan trọng của người Phương Tây. Hơn thế, họ còn cho rằng, từ nay, nhân loại không thể còn tin được vào một đấng bên trên mà nhân loại phải lệ thuộc hay quỵ lụy nữa. Không ai có thể chấp nhận rằng, lúc bấy giờ, lãnh vực thần linh có thể chuyển dời mà không biến mất, rằng địa bàn của cái vô hình có thể nằm ở một nơi khác, di dời dưới ảnh hưởng của cái hữu hình đang lan tràn khắp nơi.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Khi phát triển, thế giới tự tháo cạn biển cả của Nietzsche, mà không thấy Thiên Chúa trong đó. Khi Môisen nhận thấy Thiên Chúa không ở trong bão táp, ông ta không tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể ở một nơi khác mà ông ta không nghĩ được : Ngài đang ở trong luồng gió nhẹ. Thế giới Phương Tây tưởng rằng sự tiến triển của con người nói lên cái chết của Thiên Chúa, trong khi đó Ngài có thể ở nơi khác với nơi mà thế giới thường đặt vị trí cho Người.

Với tình huống đó, quyền bính của Giáo Hội lại co cứng và phủ nhận các văn minh khoa học, cho rằng dù gì thì những khám phá đó cũng đưa đẩy con người đến khước từ Thiên Chúa. Các lãnh đạo của Giáo Hội dường như nói rằng: “Bởi vì các hệ thống giải thích thế giới cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu, thì các hệ thống đó là xấu, là sai, tự bản chất là quỷ quyệt”. Và cứ như vậy mỗi phía tự chọn cho mình một thái độ riêng và lên án lẫn nhau. Sự hiểu lầm nhau giữa thế giới và Thiên Chúa Giáo là ở chỗ đó. Nhưng thú thật cả hai đều có sự thật của nó. Thế giới biểu hiện sự khước từ Thiên Chúa qua một số biến cố rõ rệt như : cuộc Cách Mạng, chủ nghĩa Macxít, chủ nghĩa Freud, Nietzch.

Lo lắng và bài xích trước các diễn tiến đó, Giáo Hội muốn đáp trả bằng những phương cách chống lại, tăng gia thêm tính thần linh cho các cơ cấu, cho chức quyền v.v…, tiếp theo đó là sự căng thẳng với các luồng tư tưởng triết lý mới. Chúng ta có thể liên tưởng đến việc tuyên bố về tín điều bất khả ngộ của Đức giáo hoàng dường như giúp gia tăng thêm tính thần linh của vấn đề hoặc việc xuất bản thông điệp Sillabus Errorum (Recueil des 80 erreurs de notre temps = Tập 80 sai lầm của thời đại chúng ta) năm1864 của Giáo Hoàng Piô IX tăng thêm sự căng thẳng với những luồng tư tưởng triết lý mới. Khi nói đến sự co rúm, sự căng thẳng, ta phải nhìn nhận rằng, vào thời đó tòa thánh chưa đủ khả năng để có được một loạt phân tách chính đáng, hợp lý về tính độc lập mà thế giới có quyền tự cho mình khi chủ trương mình đủ hiểu biết trong lãnh vực hữu hình, khoa học. Nói cách khác, Giáo Hội như muốn nói với thế giới rằng “các người phủ nhận tính thần linh bởi các người nghi ngờ tính vô hình; thì ta đây, ta củng cố quyền bính của ta bằng cách tăng thêm tính thần linh đó… ”.

Giáo Hội càng ngày càng hiểu rõ hơn rằng thế giới không thể tiếp tục tin như trước đây, và sẽ là điên rồ biết bao nếu Giáo Hội nghĩ rằng thế giới sẽ đi ngược lại với đà tiến nầy. Các lãnh đạo của Giáo Hội thời đó đã không hiểu, và vì thế đã không chấp nhận cho thế giới có sự tự trị/độc lập với Giáo hội.

Việc đấu tranh cho sự hiệp nhất của nước Ý dẫn đến hiến pháp của một vương quốc hoàn toàn tự trị và hiệp nhất. Những mặt trái của Napoléon III, người bảo trợ cho quyền giáo hoàng, ở Sedan năm 1870 làm cho vương quốc Ý đã thống nhất đất nước, được quyền giảm bớt sở hữu các lãnh địa của giáo hoàng, chỉ còn tóm gọn trong khuôn khổ của một ngọn đồi bé nhỏ là Vatican. Năm 1870 cũng là năm khai mạc Công Đồng Vatican I vào ngày 8/12/1869 mà Giáo Hoàng Piô IX đã chuẩn bị từ năm 1864. Chương trình nghị sự đầy dẩy, rộng lớn. Hai Văn Kiện được bầu chọn trước khi các lực lượng của quân đội Ý tiến vào Vatican làm gián đoạn công việc của Công Đồng. Văn kiện thứ hai là Văn Kiện Pastor Aeternus, tuyên bố tính bất khả ngộ của Giáo Hoàng trong lãnh vực đức tin và luân lý “khi Ngài dạy dỗ với tư cách giáo hoàng’’. Được bỏ phiếu ngày 18/7/1870 sau những bàn cãi trao đổi đầy khó khăn. Phần thiểu số chống đối - 20% trong 700 giám mục tham dự CĐ - đã bỏ ra về trước khi bầu phiếu để tránh phải ủng hộ.

Tính hợp pháp về thần học của sự bất khả ngộ nầy không cản trở được nhận xét chính đáng rằng việc thiết lập quyền bất khả ngộ nầy cũng giúp bù đắp phần nào đối với chính quyền giáo hoàng. Bù đắp nào đây? Bù đắp trong lãnh vực thần linh tính của việc giáo hội bị mất đi một số lãnh thổ mà trước đây Giáo Hội được có - các lãnh thổ nầy là biểu hiện của quyền lực trần thế của Giáo Hội -. Khi Giáo Hội đoán thấy được quyền lực trần thế, chính trị của mình bị đe dọa, lung lay, thì Giáo Hội đương nhiên gia tăng quyền lực của mình, đặc biệt trong lãnh vực có tính thần linh. Khi vũ khí trần thế - việc tịch thu các lãnh thổ của tòa thánh - bị tước đoạt thì cần phải gia tăng vũ khí thiêng liêng - gia tăng tính thần linh trong các lãnh vực-.

Bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai, Giáo hoàng tự khép mình trong cung điện Vatican và tự cho là “tù nhân”. Đây là thái độ tâm lý của Giáo Hội đối với thế giới, cảm thấy mình bị bất công nên tự đặt mình trong tư thế chống lại cuộc tăng trưởng của thế giới vụt khỏi bàn tay của mình.

Nói cách khác, niềm tin công giáo đem đến một nền văn minh tự do và sáng tạo, đưa đến bước tiến. Việc tăng trưởng nầy làm giảm bớt không gian thần linh mà truyền thống xưa nay vẫn chủ trương; việc giảm thiểu nầy đưa đến một ý muốn độc lập của thế giới đối với quyền bính tổng quát của Giáo Hội, làm Giáo Hội tự co rúm lại, khước từ yêu cầu nầy để rồi lên án sự phát triển …Cả hai đều lầm lẫn : Giáo Hội lầm lẫn khi khước từ quyền độc lập tư tưởng đem đến sụ phát triển, và thế giới lầm lẫn khi tưởng rằng, sự phát triển có thể đáp ứng nhu cầu tin được ghi dấu trong thâm sâu của con người.

Phải chờ đến Giáo Hoàng Gioan XXIII để Giáo Hội, cách chính thức, vượt qua được sự khép kín nầy. Dù thế, ngày nay Giáo Hội vẫn còn bị cám dỗ xem mình như một lực lượng đối lại với đà phát triển của thế giới.

Sau Vatican I với Giáo Hoàng Piô IX, là Vatican II với Giáo Hoàng Gioan XXIII. Được bầu chọn làm Giáo Hoàng, Giáo Hoàng Gioan XXIII được gọi là Giáo Hoàng chuyển tiếp. Khi Ngài quyết định triệu tập một Công Đồng, toàn thể Giáo Hội ngỡ ngàng. Ý hướng nầy không hề nhắm đến những lý do thần học. Ngài chủ trương nó như một Công Đồng mục vụ chứ không có tính tín điều. Ý nguyện của Ngài thật rõ ràng : Giáo Hội không cần thiết lập một thể chế giáo điều mà là đặt lại đúng vị trí của Giáo Hội trong thế giới. Giáo Hội không cần xác định lại tính thần linh của sứ điệp của mình nhưng cần xem lại cách thức truyền đạt nó. Giáo Hội không lo phải xem mình có lý, nhưng Giáo Hội lo làm sao để lý lẽ đưa ra được đón nhận. Giáo Hội không còn muốn trị vì nhưng muốn phục vụ.

Ý hướng của Giáo Hoàng Gioan XXIII rất rõ: Ngài muốn dập tắt sự cách biệt thần linh mà trước đây các triều đại giáo hoàng của thế kỷ XIX và XX đã đặt để trên Giáo Hội. Ngài muốn nói rõ với thế giới rằng, Giáo Hội công giáo đã đổi thay cái nhìn của mình về thế giới. Vatican II là biểu tượng hùng hồn nhất của một xác tín được chia sẻ bởi một số các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Sự khép mình lại và sự xâm nhập của tính thần linh cộng thêm với sự khước từ một thế giới tân thời đã dẫn đưa Giáo Hội đến một bế tắc cần phải thoát ra khỏi.

Lời khai mạc Công Đồng của vị Giáo Hoàng ngôn sứ cho thấy ý hướng đó. Ngài nói : “Sau khi múc lấy từ Công Đồng những năng lực mới, Giáo Hội, không sợ nhìn về tương lai… Tất cả chúng ta, không phải lo sợ gì, cần vui vẻ bắt tay vào công việc mà thời đại chúng ta đòi hỏi”. Ta thấy được hai lần cách diễn tả “không sợ”, với sự quan tâm đến “điều mà thời đại đòi hỏi”. Tầm quan trọng của Công Đồng đụng đến cả ý hướng, tinh thần lẫn diễn tiến của nó. Một nỗi lo âu thầm kín làm phai nhòa đôi chút niềm hy vọng lớn lao của Công Đồng được quyết định khá đơn độc bởi một Giáo hoàng bị hiểu sai cùng với căn bệnh hiểm nghèo mà Ngài biết sẽ không cho phép Ngài kết thúc Công Đồng. Con số Giám mục tham gia cũng là mối lo lớn : Tại Công Đồng Tridentinô, khai mạc năm 1545, có gần 30 giám mục tham gia. Tại Công Đồng Vatican I, năm 1870, có 700 giám mục. Với Vatican II, con số giám mục tham dự vượt hẳn: hơn 2000 giám mục chen lấn trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Như vậy ta thấy có một tinh thần hoàn toàn mới hướng dẫn Công Đồng. Ngoài những văn kiện được bỏ phiếu còn có những cái gọi là không-nói-ra-tiêu-biểu và cái-không-viết-ra quan trọng hơn. Giáo Hội, trong cương vị quyền bính cao nhất, nghĩa là các giám mục tụ họp xung quanh vị Giáo hoàng, chấp nhận tự giới thiệu mình một cách khác với trước đây, trước thế giới. Ý hướng nầy được diễn tả bằng nhiều cách thức khác nhau, hữu hình, làm đánh động bao người: Giáo Hoàng Phaolô VI, khi được trình mũ 3 tầng của giáo hoàng ngày đăng quang, đã đột xuất quyết định bán nó cho người nghèo. Ngài cũng đã từ chối ghế khiêng - la Gestatoria - cho các Giáo Hoàng trong những dịp ra mắt dân chúng, điều mà trước đây Gioan Hoàng XXIII đã định làm. Đó là những biểu tượng của sự cai trị, dần hồi được bãi bỏ. Không chỉ những thứ đó mà còn việc bãi bỏ dùng tiếng la-tinh trong phụng vụ, bàn thờ quay về hướng giáo dân, việc rước lễ trong tay… dù những thay đổi đó đã làm phật lòng một số người, sợ rằng tính thần linh sẽ bị giảm sút.

Những thay đổi nầy nói lên cả một ẩn dụ vô cùng có ý nghĩa: vai trò của tính thần linh. Ngôn ngữ la-tinh mà không ai hiểu được có là một yếu tố thần linh không ? Nhận bánh thánh trong tay có là một thiếu sót trong lãnh vực thần linh không ? Bái gối trước khi rước lễ có làm gia tăng tính thần linh không ? Loại nhạc Gregorien có thần linh hơn bài hát của những người trẻ với chiếc đàn guitare trong các cuộc tụ tập lớn không ? Mặc dù trong Giáo Hội vẫn còn đó một số người nghĩ rằng thế giới đã trở nên vô thần hơn nữa bởi lẽ thế giới đánh mất đi khái niệm về tính thần linh mà Công Đồng Vatican II đã phần nào góp phần.

Khi Giáo Hoàng Bênêđictô nhấn mạnh đến chủ nghĩa tương đối, mà đối với Ngài, làm cho thế giới bị lũng đoạn xói mòn, rất cần có một sức mạnh khác đi ngược lại với đà phát triển nguy hiểm của thế giới nầy. Nói lên lời phán đóan của mình về thế giới không là một tội, mà trái lại có thế là một việc làm cần thiết giúp ích cho thế giới đó. Thái độ của Giáo Hoàng đương kim không như của vị tiền nhiệm Piô IX. Bênêđictô XVI không bênh vực cho một quyền lực chính trị hay kinh tế của Giáo Hội. Lối phân tách của Ngài là một suy tư căn bản, với những luận chứng rất vững chắc soi sáng cho người tín hữu.

Một GH thật sự có tính cách toàn cầu, phổ quát, không tỏ ra thuộc về một thành phần nào, hay một ý thức hệ nào hay nghiên về những lợi nhuận nào mà chủ đích là phục vụ người nghèo hèn, yếu kém chắc hẳn sẽ là cơ chế mà nhân loại cần đến trong thế giới nầy. Trong lịch sử cũng như trong ơn gọi của Giáo Hội, tất cả điều thúc dục Giáo Hội chơi vai trò thiết yếu nầy. Vị Thủ lãnh của Giáo Hội, Chúa Kitô vẫn tuyên bố rằng Ngài không đến cho những người lành mạnh nhưng cho những kẻ đau yếu. Giáo Hội cần lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động của mình để những khuôn mặt sáng ngời của những con người như Mẹ Teresa, Jean Vanier hay Roger Schutz của Taizé không là những cá biệt. Đúng là Giáo Hội không hề vắng bóng trong những loại hoạt động như các ngài, nhưng Giáo Hội chưa hiện diện đủ trong các lãnh vực đó. Giáo Hội hoàn vũ có khả năng thăng bằng được sự toàn cầu hóa-có tính buôn bán-là một Giáo Hội dành vị trí ưu tiên cho người nghèo, một Giáo Hội đón nhận sự yếu đuối mà không dùng đến quyền lực của mình. Với sự giảm sút về cách sống đạo của Phương Tây, đều có thể nói-nếu có-, niềm an ủi chính là lúc chúng ta tự khám phá được rằng chính khi mình yếu kém là lúc mình cảm thấy mạnh mẽ. Từ đó dần dần chúng ta đến được với sự yếu kém của nhân loại.

Nói tóm lại, nhờ các biến cố, cuối cùng chúng ta cũng học được điều Phúc Âm đã dạy chúng ta:Thiên Chúa đã sinh ra trong một máng ăn bò lừa, kẻ bé mọn và trẻ thơ được ưu tiên, Giáo Hội được xây dựng trên một người đã ba lần phản bội, Thiên Chúa được Người Con chúc phúc vì đã dấu mầu nhiệm Nước Trời cho kẻ khôn ngoan và thông thái mà mạc khải cho kẻ bé mọn và đơn sơ, người Publicanô được ân nghĩa với Chúa Giêsu trong khi người Pharisiêu bị quên lãng, con chiên lạc quan trọng hơn 99 con khác… Chúng ta có bao giờ tự hỏi vì sao những Phanxicô thành Assisi, Mẹ Teresa Calculta, Roger Schutz hay Cha Pierre là những con người công cộng, được yêu thương quý trọng bởi bao người không?

Chúng ta thử nhìn gần hơn xem: Thánh Phanxicô Assisi với lối sống khó nghèo của Ngài, với chim trời cá biển, với thú vật… Mẹ Teresa với những người chết. Jean Vanier với những người khuyết tật, Roger Schutz với người trẻ, Cha Pierre với những người vô gia cư. Lý do của sự trân trọng quý mến đồng loạt đó từ đâu? Có mối giây liên hệ nào giữa sự đồng loạt nầy với tính toàn cầu không ?

Những người nam nữ nầy được toàn cầu hóa bởi họ sống trên một bình diện mà họ không còn phân biệt giữa người nầy với người kia nữa, họ sống một cách sâu thẳm đến nỗi những khác biệt không còn hay bị xóa nhòa. Mỗi cá nhân đó là một nhân vị đặc thù, trong một thời đại, một cách thể, một lịch sử, với những yếu đuối, những thiêu sót của riêng mình nhưng đó không cản trở họ được đón nhận bởi tất cả mọi người như những bậc thầy đầy tính nhân loại và vì thế họ như những biểu tượng của cái toàn cầu. Họ đã sống đơn giản khi đem lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người khác, những người yếu kém, người bị lãng quên, bị khinh khi. Phúc Âm được sống là một Phúc Âm toàn cầu, vượt lên trên những khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, môi trường xã hội, tôn giáo.

Và đó chính là đường hướng mà Công Đồng Vatican II muốn đem đến cho người tín hữu và thế giới hôm nay. Đó cũng là việc giới thiệu một khuôn mặt tươi trẻ, mới mẻ, là Giáo Hội, một Giáo Hội chứng tá cho lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với thế gian, nơi đó người Kitô hữu “sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.

Hành trình đi đến Vatican II là một hành trình trở về nguồn cội, nguồn cội của một Thiên Chúa yêu thương con ngưới được thể hiện qua Con Người Đức Kitô, mời gọi nhân loại sống trong một cộng đồng đa văn hóa, đa tôn giáo, không còn ranh giới giữa người với người. Chúng ta, những tín hữu, có dám dấn bước vào thách đố nầy không ?

 NT. Trần Thị Quỳnh Giao – Fmm

 Dalat 31/10/2012.