“Giờ đây cha muốn chỉnh sửa điều này…Đây là chuyện Cha - con mình nói với nhau thôi nha… Tại quảng trường này, tất cả chúng con đã reo hò: 'Phanxicô, Phanxicô!' Còn Chúa Giêsu thì sao? Chúng con đặt Chúa ở đâu? Cha muốn nghe chúng con reo lớn: “Chúa Giêsu, Chúa Giêsu! Vậy từ nay, không hô hoán : Phanxicô, Phanxicô nữa nha! Nhưng hô: Chúa Giêsu, Chúa Giêsu! Chúng con đồng ý vậy không?"
Và cộng đoàn lúc đó đáp ứng với những lời reo thật vui: "Chúa Giêsu, Chúa Giêsu!"
(Apic 19 may 2013)
Đức Giáo hoàng nói người Công giáo hãy hô to "Giêsu" thay vì "Phanxicô"
Đức Giáo hoàng Phanxicô đề nghị những người hiện diện trong Thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vatican hôm 18-5 hãy gọi tên Chúa Kitô thay vì tên giáo hoàng của ngài, nhấn mạnh rằng vai trò của ngài chỉ như người đại diện Chúa Chúa Kitô trên trần gian.
“Từ nay, đừng hô lên “Phanxicô” nữa, mà chỉ hô lên “Giêsu” thôi, được chứ? Tất cả các bạn hô lên “Phanxicô, Phanxicô, Giáo hoàng Phanxicô”, nhưng Chúa Giêsu ở đâu?” - ngài nhắc nhở - “Tôi muốn nghe các bạn hô to “Giêsu, Giêsu là Chúa, và Ngài đang ở giữa chúng ta.”
Trong bài giảng, nói với hơn 200.000 thành viên của các phong trào của Giáo Hội từ khắp nơi trên thế giới, Đức Giáo hoàng kể lại cách thức bà của ngài là người đầu tiên truyền đạt đức tin cho ngài như thế nào, và nhấn mạnh rằng đức tin của một người bắt đầu từ gia đình mình.
“Tôi đã nhận được lời tuyên xưng Kitô hữu lần đầu tiên từ bà của mình. Đó là một điều gì đó thật tuyệt vời” - ngài nói - “Lời tuyên xưng đầu tiên ở trong nhà mình, trong gia đình mình. Điều này làm cho tôi nghĩ về tình yêu của nhiều người mẹ và rất nhiều người bà trong việc truyền đạt đức tin”, ngài chia sẻ. Ngài khuyên các bà mẹ hãy tận tâm truyền đạt đức tin cho con cái, bởi vì “Thiên Chúa đặt con người ở bên cạnh chúng ta, là những người trợ giúp chúng ta trong cuộc hành trình đức tin”.
Ngài cũng kể rằng vào một ngày lúc ngài được 16 tuổi, ngài cảm thấy có một sự thôi thúc đột ngột để đi xưng tội. Trong lần đó, ngài nghe tiếng gọi đến với chức linh mục. “Sau khi xưng tội xong, tôi cảm thấy một điều gì đó đã thay đổi, tôi không còn như trước nữa. Tôi cảm thấy có một tiếng nói gọi tôi và tôi đã bị thuyết phục rằng mình phải trở thành một linh mục.”
“Kinh nghiệm đức tin như thế thật quan trọng” - ngài nói thêm - “Chúng ta nói rằng chúng ta tìm kiếm Chúa, đến với Ngài để xin sự tha thứ, nhưng khi chúng ta đến thì Ngài đã đang chờ chúng ta, Ngài là người đầu tiên có mặt ở đó.”
Những người hiện diện trong Thánh lễ đã đặt ra 4 câu hỏi cho Đức Giáo hoàng và ngài đã trả lời trong bài giảng.
Câu đầu tiên hỏi về việc làm thế nào ngài có được “sự vững mạnh trong đức tin” và làm thế nào ngài hướng dẫn từng người trong số họ “vượt qua sự yếu ớt trong đức tin của họ”.
“Yếu ớt là kẻ thù lớn nhất, đúng hơn, đó là sự sợ hãi. Nhưng đừng sợ!” - ngài trấn an - “Chúng ta yếu đuối, chúng ta biết điều đó. Nhưng Chúa Giêsu mạnh hơn, và nếu bạn ở cùng với Ngài, thì không còn vấn đề gì cả.”
Câu thứ hai hỏi về những thử thách của việc truyền giáo cho các phong trào của Giáo Hội và làm thế nào để truyền đạt đức tin một cách hiệu quả trong thế giới ngày nay.
“Dù chúng ta tiến hành theo kế hoạch và có tổ chức - những điều thật sự tốt đẹp - nhưng nếu không có Chúa Giêsu, thì chúng ta đang đi sai đường. Chúa Giêsu là điều quan trọng nhất”, ngài lưu ý và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện và “để cho Thiên Chúa nhìn thẳng vào mình”.
Ngài chia sẻ rằng ngài đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, nhưng lại thường “ngủ gật” trước Nhà Tạm. “Nhưng Chúa hiểu tôi. Tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi nghĩ rằng Ngài đang nhìn tôi.”
Vị Giám mục Roma nhấn mạnh đến sự cần thiết khi một người để cho Chúa hướng dẫn. Ngài nói đến thị kiến của Thánh Phêrô về “tấm khăn lớn bọc các con vật” khi Chúa nói ông hãy ăn những thứ ô uế đó, rằng Chúa đã làm cho chúng được thanh sạch. Mặc dù ban đầu Thánh Phêrô miễn cưỡng và không hiểu, “một số người không phải là Do Thái đã gọi ông đến nhà của họ và ông đã thấy Chúa Thánh Thần hiện diện ở đó như thế nào”.
“Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu hướng dẫn để đi đến việc loan báo Tin Mừng đầu tiên cho dân ngoại” - ngài nói - “Ông được hướng dẫn bởi chính vị lãnh đạo Giêsu.”
Câu hỏi thứ ba liên quan đến sự đau khổ, và làm thế nào để các phong trào có thể nói về nó vì lợi ích của Giáo Hội và của xã hội.
“Khi Giáo Hội tự đóng kín chính mình, nó trở nên èo uột”, ĐGH Phanxicô nói và kêu gọi mọi người “đừng đóng kín với chính mình, với bạn bè của mình và với các phong trào của mình”.
“Hãy liên tưởng đến một căn phòng đóng kín, một căn phòng bị khoá trong một năm, khi bạn vào trong đó, nó chỉ có mùi ẩm mốc” - ngài nói - “Một Giáo Hội đóng kín chính mình cũng giống như thế - đó là một Giáo Hội èo uột”.
Khi các Kitô hữu sống đạo theo “hình thức”, nói “về thần học một cách bình thản bên tách trà”, thay vì trở nên can đảm và đến với những người ngoài Kitô giáo và người nghèo, đó là lúc Giáo Hội bị èo uột - ngài cảnh báo. Ngài tin rằng con người không thể nghỉ ngơi trong bình an khi một đứa trẻ đang chết đói không làm họ bận tâm.
“Chúng ta không thể trở thành các Kitô hữu theo hình thức, quá lịch thiệp, những người chỉ biết bình thản nói chuyện thần học bên tách trà; chúng ta phải trở thành những Kitô hữu can đảm”, ngài nói. Chính người Công giáo phải đến với người nghèo và hỗ trợ họ tuỳ theo khả năng cá nhân, ngài nhấn mạnh. “Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo bắt đầu bằng việc đến với thân thể Chúa Kitô”, mà ngài gọi là người nghèo.
Giúp đỡ người nghèo theo cách riêng của mình, đối với ĐGH Phanxicô, là một câu trả lời mang tính thần học về sự khó nghèo của chính Đức Kitô. Đó là một lời đáp trả yêu thương về sự liên đới của chính Thiên Chúa đối với chúng ta, khi Người “tự hạ mình” và “trở nên nghèo khó, đồng hành với chúng ta trên đường đời”. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khi để cho tính thế tục len lỏi vào trong Giáo Hội. “Có một vấn đề không tốt cho các Kitô hữu: đó là tính duy đời, tinh thần thế tục, sự tục hoá tôn giáo”.
Câu hỏi cuối cùng là làm cách nào người Công giáo có thể giúp đỡ và hỗ trợ những người bị bách hại vì đức tin của họ.
“Chúng ta phải cố gắng làm cho họ, những anh chị em chúng ta, cảm thấy rằng chúng ta đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của họ”, ngài nói, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong tinh thần liên đới với họ. “Trong lời cầu nguyện mỗi ngày, chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu: ‘Lạy Chúa, xin nhìn đến người anh em này, xin nhìn đến người chị em này, họ phải chịu rất nhiều đau khổ’”, ngài kết thúc bài giảng của mình.
Hùng Nguyễn, emty.org