Những Câu Chuyện Suy Ngẫm
1 CÁCH NGÔN HỌC HÀNH
1. Hôm qua không học thì bây giờ đã thua; bây giờ không học, thì tương lai vẫn còn thua.
2. Không thể không học và không nên sợ học; học thì không có đường tắt nhưng chỉ có hạ quyết tâm.
3. Học phải cấp thời, không thể học theo thời; bây giờ nên bắt đầu thì mãi mãi không oán trách chậm trễ.
4. Có tiền nên mua nhiều sách, rãnh rỗi nên đọc nhiều sách; bây giờ đọc nhiều sách thì tương lai sẽ không thua.
5. Học hành có thể cố gắng thì càng học càng có hứng thú; học có hứng thú thì sẽ cố gắng hơn.
6. Học hành giống như luyện công (phu) nên không thể không dụng công; nếu muốn được thành công thì nhất định phải dụng công.
7. Học hành có thể dụng công thì dễ dàng hiểu đạo lý; đạo lý mà hiểu rõ thì học hành rất thoải mái.
8. Học mà học cho tốt thì dễ dàng kiếm được việc làm; kiếm được việc làm tốt thì cuộc sống sẽ càng tốt hơn.
2 LỜI HỨA CỦA TÌNH YÊU
Phong tín tử ngày ngày đuổi theo bươm bướm hỏi:
- "Nói cho cùng thì em có yêu anh không ? Em có thể vĩnh viễn cam đoan với anh là lòng em không thay đổi không?"
Bươm bướm, sau khi giải thích lại giải thích, cam đoan lại cam đoan, cuối cùng vẫn bất đắc dĩ nói:
- "Giả sử tình yêu của chúng ta được thiết lập trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, quy tắc căn bản là không cần phải hứa gì cả. Bởi vì, bản thân của tình yêu chính là một cách hứa rồi vậy".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Tôi có một cô học trò nhí nhảnh dễ thương, đã hỏi tôi: "Thưa thầy, anh ấy đã hứa với con là yêu con suốt đời, bây giờ anh ta đi cặp bồ với cô gái khác, như vậy anh ấy có tội không?"- Tôi trả lời: "Có chứ, tội...nói láo".
Đúng là tội nói láo, còn mức độ nặng nhẹ thì phải để lương tâm của anh ta và Thiên Chúa xét đoán. Đây không phải là một lời hứa long trọng của bí tích hôn phối được cử hành trong nghi thức hôn phối của Giáo Hội Công Giáo, có sự chứng kiến của linh mục và cộng đoàn, cho nên anh ta chỉ mắc tội nói dối người bạn gái dễ thương của mình mà thôi.
Bản thân của tình yêu là một lời hứa.
Bởi vì:
Một tu sĩ khi chưa chính thức khấn công khai, mà đã tuân giữ và sống những lời mình sẽ khấn vì yêu hội dòng và luật dòng, thì cũng là -đối với Thiên Chúa- coi như là đã khấn, lời khấn công khai chỉ là công thức và hợp thức hoá theo giáo luật.
Trái lại, một tu sĩ đã tuyên khấn (tạm hay trọn đời) mà không giữ lời khấn thì -trước mặt Thiên Chúa- coi như là không có khấn vì không yêu mến luật dòng, mà lại mắc thêm tội và gây ra gương mù gương xấu cho cộng đoàn và cho các giáo hữu.
Mỗi người Ki-tô hữu đều có hứa từ bỏ ma quỷ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng trong cuộc sống hằng ngày có lẽ chúng ta quên mất lời hứa ấy, và người ngoại đạo cũng chẳng thấy chúng ta hứa từ bỏ ma quỷ khi chúng ta cứ làm những điều trái với tinh thần Phúc Âm.
Nhưng qua đời sống thánh thiện đạo đức, qua việc làm bác ái yêu thương của chúng ta, thì chắc chắn mọi người sẽ nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Bản thân của tình yêu là một lời hứa rồi vậy.
3 CĂN NHÀ LÝ TƯỞNG NHẤT
Có một người bận bịu phác họa cho mình một căn nhà, anh ta hy vọng cần phải làm ngôi nhà thật tinh xảo, vừa ấm áp vừa thoáng gió nhất trong nhân gian.
Có người nọ tìm đến anh ta và nhờ anh ta giúp đỡ, bởi vì thế giới xảy ra hỏa hoạn, nhưng anh ta chỉ có hứng thú với căn nhà mới trong tương lai của mình mà thôi.
Cuối cùng anh ta cũng phác họa xong căn nhà, nhưng lại phát hiện không có một hành tinh nào để có thể đặt căn nhà rất tinh xảo đẹp đẽ của anh ta.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Có những người trẻ hôm nay phác họa cuộc sống của mình phải như ông hoàng bà hậu, nên không từ chối mọi thủ đoạn nào, kể cả việc bán mình để sống đua đòi như ông hoàng bà hậu.
Có những minh tinh màn bạc phác họa mình phải trở thành người nổi tiếng trong trời đất, thế là chụp hình khỏa thân, cố ý làm những việc "xì căng đan" để được đăng báo lên truyền hình, thế là những người hâm mộ chân chính không còn là số nhiều nữa...
Có những người Ki-tô hữu phác họa cho mình một cuộc sống phù hợp với tinh thần Phúc Âm, nhưng trong thực tế thì cuộc sống của họ không có mấy người chấp nhận, vì họ sống như sống trên mây trên gió, quá lý tưởng và xa rời thực tế...
Có một vài linh mục trẻ khi còn học trong chủng viện thì phác họa cho đời linh mục mục tử của mình rất đẹp và rất lý tưởng, nhưng khi được làm cha sở thì bị giáo dân phàn nàn chê trách và không cộng tác, bởi vì những phác họa lý tưởng trước đây của ngài đang bị vật chất, kiêu ngạo và hưởng thụ dìm xuống trong vũng bùn thế gian...
Phác họa cuộc sống theo tinh thần Phúc Âm mà không thực tế hoàn cảnh với cuộc sống của mình và mọi người, thì chẳng khác gì phác họa ngôi nhà rất đẹp rất lý tưởng mà không thể xây dựng được nơi hành tinh nào cả.
Đáng buồn thật.
4 CHẾ NGỰ RỒNG
Ngày xửa ngày xưa, ở nông thôn xuất hiện một con rồng cực lớn, nó đi từ thôn này qua thôn nọ bất kể là chó, là trâu, là gà, là ngựa hoặc là trẻ con thì nó đều nuốt sống không chừa. Người trong thôn liên kết với nhau lại mời một thầy cúng đến giúp mọi người giải quyết nguy hiểm.
Thầy cúng nói: "Mặt dù tôi có pháp thuật, nhưng để đối phó với con rồng lớn này, tôi sẽ vì các người mà giới thiệu một người có năng lực này."
Sau đó ông ta lắc mình biến thành một con rồng lớn, trấn giữ bên trụ cầu. Người dân trong thôn hoàn toàn không biết đầu đuôi ngọn ngành, do đó mà mọi người sợ hãi không dám đi qua cây cầu ấy.
Một hôm, có một du khách đi qua cây cầu ấy, vì không biết chuyện gì nên đi qua nơi con rồng ấy và tiếp tục đi. Thầy pháp hiện lại hình người, kêu người khách ấy nói:
- "Này ông bạn, xin trở lại, tôi đứng đây đã mấy tuần rồi, người tôi đợi chính là anh đấy."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Chúa Giê-su trong nhà tạm cũng đang đợi chúng ta -những linh mục và tu sĩ- đã dám từ bỏ tất cả những quyến rủ của thế gian để làm môn đệ của Ngài.
Chúa Giê-su trong nhà tạm cũng đang đợi chúng ta -những người Ki-tô hữu- đã dám can đảm từ bỏ những giây phút hưởng thụ nhàn hạ, để tham dự thánh lễ và những sinh hoạt của giáo xứ.
Chúa Giê-su Thánh Thể trong nhà thờ đang chờ đợi chúng ta đến với Ngài, sự chờ đợi kiên trì và yêu thương ấy đã qua hơn hai ngàn năm rồi, và Ngài vẫn còn đợi mãi cho đến khi mặt trời tối tăm mặt trăng mất sáng, để ban ơn sức mạnh của Ngài để chúng ta tiếp tục sứ mạng rao truyền Phúc Âm cho mọi người, chính Ngài là nguyên nhân sức mạnh để chúng ta chống trả với con rồng tội lỗi và cám dỗ của ma quỷ.
Người thầy cúng chờ đợi một người can đảm để diệt trừ con rồng gian ác, nhưng chỉ gặp một người khách qua đường.
Chúa Giê-su chờ đợi chúng ta, những người Ki-tô hữu can đảm dám hy sinh cho Tin Mừng, chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa, để chính chúng ta qua cuộc sống của mình và nhờ ơn Chúa giúp, mà trở thành những sứ giả của Tin Mừng hôm nay.
5. CÁI CHẾT ĐÚNG CHỖ
Một viên phi công thuộc phi đội Thần Phong của Nhật Bản, một lòng quyết tâm vì tổ quốc mà tuẫn liệt, nhưng thật đáng tiếc cuộc chiến kết thúc quá nhanh, nên tâm nguyện muốn chết thật vinh dự của anh ta không thể thực hiện được.
Ngày tháng qua thật trầm lắng, anh ta mấy ngày không ăn không uống, không làm bất cứ việc gì.
Một hôm anh ta nghe nói có tên cường đạo nhảy vào tầng lầu hai của chung cư bắt một bà lão làm con tin, cảnh sát không dám gây ra những động thái sơ suất nào, bởi vì tên cường đạo có mang theo vũ khí, hơn nữa nó nổi tiếng là tàn bạo nguy hiểm.
Viên phi công đã giải ngũ ấy nhảy phắt tông lên lầu và yêu cầu thả con tin, đoản đao nhà binh loáng lên tên cường phỉ bị giết, nhưng anh ta cũng mang trọng thương trên mình và được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp, anh ta đã chết. Khi lâm chung, trên mặt anh ta xuất hiện nét tươi cười mãn nguyện, bày tỏ tâm nguyện muốn chết trong vinh dự, cuối cùng cũng đã thực hiện được.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Người anh hùng thì luôn muốn chọn cho mình cái chết anh dũng da ngựa bọc thây, cái chết oanh liệt để lại tiếng thơm muôn thưở...
Có những cái chết làm cho người đời nguyền rủa, đó là cái chết của những kẻ bất lương, bán nhà bán nước; có những cái chết làm cho người đời thương nhớ, đó là cái chết của những người đã hy sinh cho tổ quốc; có những cái chết làm cho người đời mĩa mai, đó là cái chết của những người suốt đời nịnh bợ...
Nhưng có cái chết không những làm cho người đời mến thương, mà còn được Thiên Chúa ưu ái đón nhận vào trong nước thiên đàng của Ngài, đó là cái chết mà Chúa Giê-su đã nói: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." (Ga 15, 13) và chính Ngài đã thực hiện đúng như lời Ngài đã giảng dạy, Ngài đã chết trên thập giá để cho nhân loại được sống, Ngài đã hy sinh mạng sống mình để cho nhân loại mà Ngài yêu thương được sống muôn đời mai sau...
Làm người Ki-tô hữu thì luôn muốn sống như Chúa Giê-su yêu thương và phục vụ; làm người Ki-tô hữu thì muốn chết như các thánh tử đạo, là chết vì đức tin và vì yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô.
Chỉ có yêu thương chân thành thì mới có cái chết đúng chỗ của nó.
6. QUẢ LẮC ĐỒNG HỒ
Người thợ đồng hồ đang dùng tay thiết kế quả lắc đồng hồ, đột nhiên không biết sao lại nghe tiếng nói của quả lắc đồng hồ.
Quả lắc cầu cứu ông ta:
- "Sư phụ, xin đừng lay động tôi, ông làm như thế là làm việc thiện đó. Ông thử nghĩ coi ngày đêm tôi lắc bao nhiêu lần: mỗi phút sáu mươi lần, mà sáu mươi phút cộng lại mới được một giờ, mỗi ngày có hai mươi bốn giờ, ba trăm sáu mươi lăm ngày mới lắc hết một năm; sau đó lại một năm, một năm lại một năm....làm sao tôi làm được ? Tôi làm không được."
Người thợ đồng hồ trả lời càng kỳ diệu hơn:
- "Không nên nghĩ đến thời gian khi nó chưa đến, mày chỉ lo lắc một lần, ta bảo đảm là mày lắc thành thạo mà vui vẻ."
Quả lắc đồng hồ quyết định làm như thế, cho đến hôm nay nó vẫn lắc vui vẻ và không ngừng lại.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Quả lắc đồng hồ chỉ nhúc nhích lắc khi bắt đầu và lắc mãi cho đến mặt trời tối tăm ánh trăng mất sáng, nghĩa là nó lắc cho đến tận thế.
Quả lắc đồng hồ chậm rãi lắc với hai tiếng tíc tắc ngắn ngủi nhưng đáng sợ vô cùng, vì mỗi tíc tắc qua đi thì trên thế gian có biết bao là sự việc xảy ra: vui buồn, hạnh phúc, đau khổ chết chóc, sung sướng của con người.
Có tíc tắc làm thay đổi cả cuộc đời, có tíc tắc chôn vùi cả thành phố dưới lòng đất, có tíc tắc làm cho con người ta hối hận vì cuộc sống lang bạt của mình, lại có những tíc tắc làm cho con người ta nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.
Quả lắc đồng hồ lắc tíc tắc mãi thì cũng có ngày ngừng lại, nhưng quả lắc đồng hồ trong hỏa ngục thì lắc muôn đời không ngừng, nó không lắc tíc tắc tíc tắc nhưng là phát ra tiếng kêu sầu muộn: đời đời kiếp kiếp, đời đời kiếp kiếp...
Ghê sợ thật cái quả lắc đồng hồ trong hỏa ngục: đời đời kiếp kiếp.
Ai hiểu được thì hiểu !
7. DÂU TÂY NGON MIỆNG NHẤT
Phật Đà đã dạy đệ tử như sau:
- "Có một người gặp con hổ trong hoang địa, con hổ đuổi theo anh ta làm anh ta chạy trối chết, khi chạy đến trên vách đá thì chân bị vướng ngã xuống vách đá, anh ta vương tay bám vào một nhánh cây dâu tây dài mọc bên sườn núi.
Và treo tòn ten như thế, bên trên thì có mảnh hổ uy hiếp, phía dưới thì vực sâu thăm thẳm, lúc nào cũng có thể "nghênh tiếp" tử thi của anh ta.
Đột nhiên, mắt anh ta nhìn thấy một trái dâu đẹp tươi, thế là một tay bám chặt cành cây, tay kia hái trái dâu tây bỏ vào miệng. Ái dà, cả đời chưa từng nếm qua trái dâu tây ngon miệng như thế."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Có những đại gia mỗi ngày ăn cơm ở một nhà hàng khác nhau, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa vừa ý, bởi vì họ không thèm nhìn thấy những đói khổ của người nghèo chung quanh mình; có những người ngày ngày ăn toàn là cao lương mỹ vị, nhưng vẫn cảm thấy chưa bằng những người sành ăn khác, bởi vì mục đích của họ là sống để ăn chứ không phải ăn để sống...
Nhịp điệu cuộc sống của con người thời nay như người bị cọp đuổi, họ vội vội vàng vàng chạy đua với thời gian để rồi cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì cả.
Nhưng người Ki-tô hữu thì luôn đặt mình vào trong sự quan phòng của Chúa, bởi vì họ tin tưởng vào Lời Chúa dạy: "hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho..." Đến với Chúa để được bằng an mà không sợ ma quỷ vây quanh mình và địa ngục đời đời bên dưới, bởi vì tình yêu của Chúa ngọt ngào hơn mọi thứ dâu tây trên cuộc đời này.
8. NHÀ VUA VÀ VỊ TĂNG KHỔ HẠNH
Nhà vua trông thấy một vị tăng Hồi giáo khổ hạnh, bèn theo phong tục đông phương mà hỏi:
- "Ông yêu cầu ân huệ gì ?"
Vị tăng khổ hạnh trả lời:
- "Tôi xin một ân huệ nơi nô lệ của tôi thì thật là không thích hợp."
Thị vệ quở trách nói:
- "Thật là to gan, ngươi dám khinh mạn nhà vua như thế à ?"
Vị tăng khổ hạnh nói:
- "Ta có một nô lệ, đó là chủ nhân nhà vua của ngươi."
- "Có chuyện đó à, ai vậy ?"
- "Sự sợ hãi."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Làm tổng thống, làm chủ tịch nước hoặc làm vua thì không còn sợ ai cả, bởi vì tất cả mọi quyền hành đều ở trong tay họ, nhưng có một chủ nhân mà tất cả mọi người đều phải toát mồ hôi sợ hãi, đó là sự sợ hãi của con người.
Làm người thì ai cũng có một sự sợ hãi: tổng thống thì sợ đảo chánh, chủ tịch nước thì sợ dân làm loạn, nhà vua thì sợ ám sát, người nghèo thì sợ đói, công nhân thì sợ mất việc.v.v...địa vị càng cao thì nổi sợ hãi càng lớn, nhưng nổi sợ hãi này rồi cũng hết khi tai qua nạn khỏi.
Có một chủ nhân mà tất cả mọi loại đều phải sợ hãi, đó là sự công bằng của Thiên Chúa.
Sự công bằng của Thiên Chúa làm cho người hiền đức vui mừng và người lương thiện được vui vẻ, nhưng nó lại làm cho kẻ ác đức, gian manh với anh chị em đồng loại phải sợ hãi tột cùng, bởi vì sự công bằng của Thiên Chúa nhận chìm kẻ gian ác xuống trong địa ngục đời đời kiếp kiếp, cho nên đó là nổi sợ hãi khủng khiếp nhất của ma quỷ và những kẻ tàn ác bất lương.
Kẻ lành thánh thì không sợ hãi, bởi vì chính Chúa là nơi nương náu của họ.
9. CẢNH HOÀNG HÔN CŨNG LÀ XUÂN
Trong phòng khám chật ních người, một ông lão đứng lên đi về phía trước nói với cô y tá đang ghi số phiếu đăng ký:
- "Này cô, số đăng ký của tôi là mười giờ, nhưng bây giờ sắp đến mười một giờ rồi, tôi không thể đợi được nữa, phiền cô giúp cho tôi phiếu đăng ký khám bệnh khác."
Có một bà lão trong số người đến khám bệnh quay qua người bên cạnh nói:
- "Lão đó ít nữa cũng là tám mươi tuổi rồi, có việc gì mà làm cho ông ta không thể đợi được chứ ?"
Ông lão nghe được lời của bà ta thì quay qua bà ấy cười nói rất lịch sự:
- "Này bà, tôi đã tám mươi bảy tuổi rồi, do đó mà tôi mới không thể lãng phí mỗi giây phút cuộc sống."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Con người ta càng già thì càng thấy cuộc sống thật đáng sống; con người ta khi bệnh hoạn thì thấy sinh mệnh của mình quả là mong manh; nhưng con người ta khi sống trong hạnh phúc thì không nghĩ đến đau khổ của ngày mai.
Người biết hưởng thụ cuộc sống thì dù cho tuổi đã cao thì vẫn cứ hưởng thụ, và càng biết giây phút hưởng thụ cuộc sống sẽ không còn bao lâu nữa nên họ càng hưởng thụ, càng tranh thủ với thời gian...
Nếu mỗi người Ki-tô hữu biết hưởng thụ ân sủng của Thiên Chúa cách chính đáng, thì không giây phút nào trong cuộc sống họ bỏ qua những cơ hội làm cho ân sủng của Thiên Chúa được sinh ích lợi cho người khác, họ biết sống khiêm tốn, biết sống bác ái, biết sống yêu thương và hòa nhã với mọi người...
Xuân không phải chỉ là mùa xuân mới có, nhưng mỗi giây phút của người Ki-tô hữu đều là mùa xuân, dù cho họ tuổi đã cao, sức đã yếu, bởi vì xuân của họ chính là Thiên Chúa vậy.
10. SAU KHI PHIÊU BẠT
Trong thời thế chiến thứ nhất, có một người ngồi trên phao cứu sinh phiêu bạt trên biển hai mươi mốt ngày. Sau khi được cứu, thì có người hỏi cảm tưởng kinh nghiệm như thế nào, anh ta trả lời:
- "Chỉ cần có gì ăn để khỏi đói, cần nhiều nước để giải khát, thì suốt đời tôi sẽ vui vẻ."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Hãy hỏi những người đi lạc trong rừng sâu điều gì làm cho họ thêm tinh thần, đó là được uống nước và có chút gì đó để ăn; hãy hỏi những người đã từng đói ăn điều gì làm cho họ hạnh phúc nhất lúc ấy, họ sẽ trả lời là được bát cơm để ăn là sung sướng rồi...
Và hãy hỏi một người Công Giáo ngoan đạo điều gì làm cho họ khổ tâm nhất, họ sẽ trả lời là không được tham dự thánh lễ và chịu các phép bí tích.
Con người ta có thân xác và có linh hồn, thân xác cần phải ăn uống mới có thể khỏe mạnh sống mạnh, và linh hồn thì cũng cần phải có lương thực để bồi dưỡng nó, đó chính là Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su, tức là bí tích Thánh Thể, đó chính là đức tin của những người Ki-tô hữu, cuộc sống nếu thiếu mất hai thứ lương thực cần thiết ấy thì sẽ chết: chết phần xác và chết phần linh hồn.
Mục đích sống của những người không tín ngưỡng là ăn uống hưởng lạc cho bản thân mình, nhưng mục đích cuộc sống của người Ki-tô hữu là xây dựng một xã hội đời này tốt đẹp, để ngày sau được tham dự tiệc thiên quốc trên thiên đàng với Thiên Chúa.
Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu Tập tại http://gxnamlo.org