Bận Họp Với Chúa

Chúa muốn chúng ta đến với Ngài khi chúng ta gặp các khó khăn trong đời này. Nhưng Ngài còn muốn gặp chúng ta thường xuyên mỗi ngày nữa. Chúng ta mở lời Chúa đọc mỗi ngày để xin Chúa hướng dẫn mọi hành động, lời nói, tư tưởng...

Bận Họp Với Chúa

Ta có bận họp với Chúa hay không? Bạn có dành thời giờ riêng để bàn việc với Chúa không? Bạn có dành ra những giây phút đầu tiên trong ngày để xin Chúa hướng dẫn mình hay không?

Cầu nguyện phải là việc đầu tiên phải làm mỗi buổi sáng. Chúa muốn chúng ta đến với Ngài khi chúng ta gặp các khó khăn trong đời này. Nhưng Ngài còn muốn gặp chúng ta thường xuyên mỗi ngày nữa. Chúng ta mở lời Chúa đọc mỗi ngày để xin Chúa hướng dẫn mọi hành động, lời nói, tư tưởng.

Một tổng giám đốc công ty chế tạo xe hơi lớn, một hôm tìm đến phòng của người giám đốc dưới quyền mình để bàn về một việc quan trọng khẩn cấp, nhưng cô thư ký... nói rằng mỗi buổi sáng vào giờ này ông giám đốc bận họp không tiếp khách.

Ông tổng giám đốc nói:

- Cô cứ nói là tôi, tổng giám đốc muốn gặp ông ấy.

Cô thư ký vẫn nói:

- Thưa ông, không thể được, vì ông giám đốc đã ra lệnh rõ ràng về việc này.

Ông tổng giám đốc tức lắm, mở cửa phòng giám đốc bước vào. Nhưng khi nhìn thấy giám đốc, ông ấy vội vàng lui ra, đóng cửa lại thật nhẹ và nói với cô thư ký:

- Tôi xin lỗi, ngày nào ông chủ cô cũng làm như thế sao?

Cô thư ký đáp:

- Vâng. Ngày nào ông ấy cũng dành mười lăm phút như vậy.

Ông giám đốc này mỗi ngày dành ra mười lăm phút im lặng, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trước khi bắt tay vào công việc mỗi ngày. Ðó là một tấm gương cho mỗi chúng ta soi.

Thao thức trước biến chuyển đời tu

Gm. JB Bùi Tuần

Chúa gọi ta, để dâng mình cho Chúa, ta hãy đi theo đường hẹp: Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy (Mt 17,24). Hãy đi vào cửa hẹp (Mt 7,13).
1/ Đi tu là đáp lại tiếng gọi của Chúa, chứ không phải để thi hành một luật của Chúa.
Theo mạc khải và kinh nghiệm, thì trong các điều Chúa mời gọi người tu, có 3 điều quan trọng.
Điều thứ nhất là đời sống nội tâm, tương quan của ta với Chúa.
Chúa gọi ta, để dâng mình cho Chúa, ta hãy đi theo đường hẹp: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy" (Mt 17,24). "Hãy đi vào cửa hẹp" (Mt 7,13).
Dâng mình cho Chúa, thì phải sống mật thiết với Chúa. "Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,5).
Điều thứ hai là đời sống phục vụ đồng bào.
Xưa Chúa phán: "Ta thương xót dân này"(Mt 15,32). "Hãy cho họ ăn" (Mt 14,16). Chúa muốn và kêu gọi chúng ta hãy thương xót dân, và cứu họ khỏi đói.
Họ đói của ăn vật chất, và càng đói của ăn thiêng liêng, tức là tình thương, các chân lý cứu độ, nhất là sự sống của Chúa, gương sáng về đạo đức.
Điều thứ ba là đời sống tiến thân.
Chúa trao cho mỗi người chúng ta một số nén bạc (x. Mt 25,14-30), tức là đức tin, thời giờ, sức khoẻ, địa vị, kiến thức, hoàn cảnh tốt, và bảo chúng ta phải sinh lời, với những bước tấn tới cho đời sống riêng và chung.
Trên thực tế, một số người tu đã đáp lại tiếng Chúa gọi. Họ trả lời 3 lời kêu mời trên bằng những cố gắng tích cực.
Nhưng, cũng có một số người tu đã chỉ đáp lại bằng việc đi tu, nhưng trong đời tu, họ không đáp lại 3 lời kêu gọi trên.
2/ Lỗi phạm của họ là thế nào?
Tiên tri Isaia gọi lỗi phạm của họ là sự vô ơn của người con đối với người cha (x. Is 64,7-8).
Cũng tiên tri Isaia còn gọi lỗi phạm đó là sự bất hiếu của người con đã quên tình mẹ cưu mang (x. Is 49,15).
Tiên tri Osê thì gọi lỗi phạm đó là sự bất trung đối với người yêu (x. Os 2).
Nghĩa là, khi người ta không đáp lại những lời Chúa kêu mời họ, thì ta xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xúc phạm đến tình yêu Chúa, chứ không hẳn là xúc phạm đến luật Chúa. Và như vậy, khi sám hối ăn năn, người tu nên để ý đến sự mình xúc phạm đến tình yêu Chúa.
3/ Nếu người tu không sám hối ăn năn, sửa mình về 3 lời kêu gọi trên, thì kết quả sẽ thế nào?
Thưa, họ sẽ đi vào tình trạng nguội lạnh (x. Kh 3,15). Kinh Thánh mô tả nguội lạnh là không nóng, không lạnh. Kết quả là sẽ bị Chúa mửa họ ra. Họ sẽ rơi vào những thảm hoạ sau đây:
a) Mất dần ý thức về tội. Coi những bất trung là bình thường. Coi vô cảm trước trách nhiệm là bình thường.
b) Đời sống nội tâm ra trống vắng. Họ hay lấp cái trống vắng đó bằng đời sống nghiêng về hình thức, ồn ào.
c) Nhiều khi họ đánh lạc hướng bằng sự tự mãn vì một số thành tích thành công bề ngoài.
Kết quả là: Người tu sẽ làm gương xấu cho xã hội, gây hại cho Đạo Chúa. Họ rất khó trở về.

* * * * *

Đến đây, chúng ta có thể có một cái nhìn tổng quát về một chuyển biến nguy hiểm đang xảy ra ở nơi này người nọ trong đời tu tại Việt Nam. Hình ảnh người tu ở một số nơi không còn được sáng về nhiều nét tu tốt đẹp.
Cái nhìn trên đây sẽ giúp cho những người có trách nhiệm đào tạo.
Đào tạo người tu thành những người biết tổ chức, biết hoạt động hội đoàn, là điều tốt. Nhưng điều tốt hơn, sẽ là đào tạo họ nên những người bén nhạy với những mời gọi của Chúa kể cả khi Chúa gọi qua những dấu chỉ của thời đại, và biết đáp ứng lại những mời gọi ấy.
Người tu chúng ta hãy cầu nguyện nhiều và hãy cộng tác vào việc đào tạo mình, để ta có cái tâm biết thuộc về Chúa, biết gắn bó với Chúa, biết dấn thân cho tình yêu Chúa.
Nếu không, đời tu sẽ xuống dốc thê thảm.

Tiếng gọi bên rừng thu

Nguyễn Tầm Thường, SJ

 

Tôi xa Việt Nam năm 24 tuổi. Quê hương bỏ lại. Bố đi cải tạo. Một mình mẹ nuôi 7 đứa em. Làm người con trưởng, tôi ra đi với nhiều trăn trở. Mẹ và các em ở lại sống ra sao?

Gởi Người Bạn Trẻ
Tôi xa Việt Nam năm 24 tuổi. Quê hương bỏ lại. Bố đi cải tạo. Một mình mẹ nuôi 7 đứa em. Làm người con trưởng, tôi ra đi với nhiều trăn trở. Mẹ và các em ở lại sống ra sao?
Ở tuổi đó, người thanh niên phải có một hướng đi rõ rồi, nhưng hoàn cảnh thay đổi khắc nghiệt làm hướng đi đời tôi băn khoăn hơn. Băn khoăn lớn nhất là không biết Chúa còn tiếp tục gọi tôi đi tu hay không. Chúa không hiện ra để nói rõ cho tôi biết tôi có ơn gọi hay tôi cần phải đổi hướng đi. Tôi tiếc ơn gọi, nhưng tôi băn khoăn về cuộc sống mới của tôi và gia đình. Thời gian thật dài, thật trống trải. Bấy giờ tôi chỉ tin rằng Chúa không bao giờ im lặng mãi. Tôi tin rằng cứ cầu nguyện rồi Chúa sẽ cho biết.
Cho dến một ngày rất mệt, tôi lấy xe lửa từ Tournai xin đến một viện tu để  tĩnh tâm, tu viện Soleimont.
Một chiều mùa thu, gió se lạnh. Tôi ngồi bên bờ đá, chung quanh vắng lặng. Giữa rừng thu có một cây khô trơ cành đã chết tự thủa nào. Tôi thấy cây khô ấy giống như đời tôi. Xa gia đình, xa tất cả. Tự mặc cho mình cánh áo sâud bi ấy, tôi cho đời người khác là rừng thu đẹp kia, còn tôi là gốc cây khô. Khi mình càng vin cho đời mình những hình ảnh sầu não thì cái nhìn về cuộc đời càng bi quan.
Rồi bất chợt, tôi nghe có tiếng chim hót trên cành. Lắng nghe, tôi thấy tiếng chim như cũng se sẽ hót trong hồn tôi.
Trời vừa xong cơn mưa, lá trên cành đọng nước, nhỏ  giọt, làm bày chim ướt cánh. Chúng con thể đậu được. Nhờ cây khô chết không còn lá nên bày chim mới có thể thong thả dừng chân. Nhờ những cành khô ấy mà khu rừng mới có tiếng hót của bày chim. Không ngờ những cành cây khô giữa rừng thu đẹp kia lại cũng có một ơn gọi riêng trong rừng thu ấy.
Nhìn những cành cây khô, tôi cũng lại nghe như chúng đang muốn nói với tôi về ý nghĩa đời nó. Qua hình ảnh cành cây khô là chỗ dừng chân cho đàn chim cất tiếng hót, tôi thấy Chúa muốn tôi về ơn gọi của mình. 
Như con nước nhè nhẹ dâng, tôi thấy lòng mình tự do dần dần. Rồi rừng thu cũng nhè nhẹ sang mùa, không phải sang mùa trên lá, trên cỏ cây mà trong hồn tôi. Tôi thấy dấp dáng một sự thong thả, một thứ hạnh phúc rất đơn sơ, nhẹ thôi, nó là sự bình an.
Tôi có ơn gọi đi tu không? Qua tiếng hót của bày chim, qua hình ảnh những cành cây lạc lõng, tôi biết lời cầu xin đã được Chúa đáp trả, cảnh cửa im lìm bắt đầu mở, nắng ấm đã dọi trong hồn lạnh sau một thời gian dài.
Trở vào nhà nguyện, tối một mình bên Nhà Chầu, ánh đèn rất ấm cúng thiết tha. Hình ảnh những cành khô giữa mùa thu lá vàng se lạnh và tiếng hót trong khu rừng thu vắng đẹp như một bài thơ nhẹ đọng xuống linh hồn. Nhẹ nhàng mà có sức mạnh thiêng liêng xoá đi hết những muộn phiền phân vân. Linh hồn tôi bình an lạ thường, và ơn gọi đi tu trở nên mãnh liệt hơn lúc nào hết.
Trong lá thư gởi tôi, em hỏi: “Làm sao Cha biết Cha có ơn gọi đi tu?” Tôi hiểu là em cũng đang băn khoăn như tôi thủa nào. Em muốn theo đuổi ơn gọi nhưng phân vân. Tôi lưỡng lự, không biết viết cho em một lời khuyên, hay trả lời em bằng ngôn ngữ sách tu đức. Sau cùng, tôi chọn cách trả lời em như một người đi trước, viết cho em cảm nghiệm của tôi, nhưng bằng ý từ ngôn ngữ thi ca. Bởi, trong hình ảnh thi ca, em có cả một vùng trời sáng tạo để bước vào. Tôi xin gởi em:
Tiếng Gọi Bên Rừng Thu
Có nhiều bài thơ về mùa thu. Người ta hay nói đến mùa thu như những khung trời mang nhiều chia ly. Nhìn cánh lá rơi, gợi một nỗi cách xa. Gió nhẹ thôi mà lá thu cũng giã từ. Cứ nhìn những cánh lá lặng lẽ ra đi, mùa thu sẽ nói với người lữ khách “mùa thu không trở lại”. Có giã từ, nên những tâm tình trong mùa thu hay mang lời ru: “mùa thu đã chết rồi”. Chia ly là định mệnh, con người cũng thế thì cỏ cây cũng vậy, chẳng nên trách mùa thu là khung trời xa cách, là bóng người phân ly. Đối với tôi, mùa thu có chia ly nhưng bao giờ cũng đẹp. Trời thu bao giờ cũng dịu và nhất là khi có tiếng thu thì mùa thu huyền dịu biết bao.
Kính lạy Đức Vua, như người hành khất, con đến trước cửa nhà Người trong trời thu gió ẩm sương. Lối cỏ ướt. Đường đi yên tĩnh vắng người qua lại. Có phải mùa thu là tiếng thở cuối mệt mỏi của thời gian báo cho người hành khất tìm chỗ trú thân vì gió đông sắp tới? Gió đông lạnh làm cỏ cây khô cứng, nó là một không gian không còn niềm vui, chỉ có im nìn. Nếu so sánh đời một người chỉ có thể ví trong đời người cũng giống như những tháng ngày u ám, đang dẫn dần người đó đến lối chỉ còn là nặng một cõi lòng. Người hành khất bên rừng thu như thế cũng giống như con đường thiêng liêng mà một  linh hồn đang lạnh vì không thấy hơi ấm của niềm tin, không thấy Thượng Đế đâu trong cuộc sống, đang lo âu tương lai. Bấy giờ gió ẩm của sương là nỗi lạnh thâý linh hồn bơ vơ. Trời mù hơi nước là băn khoăn của con đường thiêng liêng không biết phải quyết định làm sao, đâu là lý tưởng, con đường nào phải theo.
Kính lạy Đức Vua, như người hành khất, con đến trước cửa nhà Người kể lể câu chuyện về một mùa thu ẩm lạnh hơi sương. Như Người biết, khi mùa thu đến là gió có heo may, có những cánh chim giang cánh tìm  nắng ấm và có những chuyển màu huyền nhiệm trên sự sống của cỏ cây. Đường thiêng liêng của linh hồn trong thời gian mùa thu cũng vậy, bối rối và u sầu, muốn bay mà cứ chập chừng, muốn tin mà cứ ngờ vực, muốn đi theo tiếng thôi thúc của linh hồn mà cứ phân vân vì không đủ hơi ấm. Người hành khất trong mùa thu cũng thếm biết mình phải vội vã tránh mùa đông mà không biết phải làm gì, cứ dùng dừng cho thấm cảm hơi gió. Đi lẻ loi bên rừng chiều ẩm hơi nước là lúc người hành khất thèm nghỉ ngơi, là lúc người hành khất mơ tưởng được trú thân và bấy giờ, căn nhà của Đức Vua là nỗi khát khao như thế nào trong hồn con.
Kính lạy Đức Vua, khi rừng thu chuyển màu trên cánh lá, mùa thu đẹp lắm, duyên dáng và tình tứ, nhưng Đức Vua nhìn kìa, buồn làm sao giữa một rừng thu mơ màng thế mà lại lẻ loi một thân cây đã khô chết tự thủa nào. Chung quanh nó là màu vàng của lá, màu hường của nắng, là mùa thu đang về. Nhưng với cành cây khô, không còn dáng lá, nó như một ngôi mộ lạc lõng bên bờ đồi. Đời của một người hành khất có như thế chăng? Khi mà chiều xuống, có tiếng trẻ thơ vui đùa giòn giã trong căn nhà ấm cúng, khi mà có yêu thương của vợ chồng bên chiều ấm lửa thì người hành khất bước lên đường một mình. Trong đường thiêng liêng, đấy có là hình ảnh của con khi con thấy Đức Vua như bỏ rơi con trên cuộc sống, chung quanh ai cũng là mùa thu rực màu mà con là thân cây khô chết lạc lõng một mình giữa không gian.
Lời Của Rừng Thu
Con yêu mến, nói về mùa thu, Ta cũng muốn nói với con về Tiếng Thu, tiếng gọi của mùa thu là tiếng gọi rất êm, nhẹ như lá thu bay trong đời. Ta biết cành cây khô trong chiều thu, giữa một trời đất rừng thu đang chuyển màu, mà riêng mình nó chơ vơ không còn vương một cánh lá chắc nó sẽ thấy lạc lõng. Và bất cứ người hành khất nào khi đi ngang qua rừng thu ấy, nhìn thấy lẻ loi một thân cây chết như thế cũng sẽ thấy đó là hình ảnh chính đời mình. Giữa một bìa đồi xanh bao la, vàng mênh mông, giữa một rừng thu vi vu tiếng lá mà chỉ có một thân cây chơ vơ ai mà không thấy le loi, khi người hành khất bước lên đường vào những chiều se lạnh, nhìn qua khuông cửa, thấy trong căn nhà người khác là ấm cúng, người hành khất nào cũng nhìn xuống đời mình như kẻ sinh ra dưới vì sao xấu. Đường thiêng liêng của một linh hồn cũng không khác lắm đâu, lúc qua những con đường đêm tối của niềm tin, họ thấy như Thượng Đế bỏ rơi, họ thấy chung quanh ai cũng là người hạnh phúc, trừ riêng mình họ, cô đơn, đau yếu, nghèo túng, sao mà vất vả gian nan, cầu xin mà như không thấy tiếng vọng đáp trả.
Con yêu dấu, Tiếng Thu nhẹ vì là tiếng rì rào của gió, của lá hoa cỏ cây, nên con phải lắng nghe với trái tim của người hành khất đi tìm thi ca, chứ không phải của trái tim người hành khất đi tìm của ăn.
Trong cuộc đời, ai cũng là hành khất, nhưng có nhiều loại hành khất trong đời lắm. Hành khất đi tìm vẻ đẹp, hành khất  đi xin sự hiểu biết, hành khất tình yêu, hành khất tiền bạc, hành khất xin ăn.
Tiếng Thu chỉ nói với con tim hành khất đi tìm lý tưởng, muốn nghe Tiếng Thu, cần con tim hành khất của kẻ chấp nhận làm hành khất như Đức Kitô. Ngài hành khất tình yêu nơi Chúa Cha. Gởi niềm tin trọn  vẹn nơi Đấng sai Ngài đi. Con phải nhìn lại thái độ làm kẻ hành khất của mình.
Con là hành khất đi tìm vẻ đẹp không?
Bên rừng thu ẩm ướt hơi sương, mưa chiều làm cánh thu ướt lá. Con có nghe bày chim buông lời hát vang khu rừng làm cả chiều thu mênh mông? Con có thấy những cánh chim tinh nghịch muốn bay xa, chờn vời với mùa thu trong chiều ấy?Bao nhiêu lần nó muốn rời cành cây khô, đậu xuống những tàn lá xanh màu, xum xuê, nhưng cơn mưa còn ướt sũng, con có thấy những giọt nước mưa trên tàng lá xanh màu kia rơi xuống làm chúng ướt cánh? Con có thấy chúng lại bay về đậu trên nhánh cây khô? Nếu rừng thu không có cành cây khô ấy cho bày chim nghỉ chân thì khu rừng chiều đó im lìm lắm, không có tiếng chim ca. Những cành cây khô ấy không còn dáng lá mùa thu, nhưng nó là chỗ nghỉ chân cho bày chim. Con không thấy rằng nhờ chính cây khô ấy mà bầy chim ráo cánh và đã hát vang khúc nhạc chiều thu hay sao?
Đường thiêng liêng cũng vậy, con có thể là người hành khất trong đời, nhưng là hành khất đi tìm ân sủng hay đi tìm gì?
Con có thể là thân cây khô giữa một rừng cây xanh tươi, nhưng mỗi con người có một ơn gọi, một lối đi mà con không nên so sánh. Khi thấy mình bơ vơ là lúc con cần lắng nghe tiếng nói nhiệm mầu của rừng thu. Khi gió làm rơi những cánh lá mùa thu, cũng như khi đời gởi tới con những nghi ngờ, hoang mang, con dễ nhìn thấy chia lìa, sầu muộn trong hình ảnh mùa thu chết. Nhưng trong cánh lá rơi con có thấy rực lên huy hoàng của màu sắc kỳ diệu?Lúc “mùa thu chết” cũng là lúc lá thu chuyển mầu sự sống nhiệm lạ cho một sự thay đổi vô cùng sinh động trong mùa xuân. Con hãy nghe Tiếng Thu trong tâm hồn một kẻ nghe mùa thu vi vu trong khúc nhạc của bầy chim. Con hãy nhìn đời mình như bến đỗ cho bầy chim dừng chân hát vang. Chính nhờ cành cây khô mà mùa thu mới có tiếng hát, mùa  thu mới thêm lãng mạn thi ca, thì đấy không phải là cành cây khô ấy đã vẽ nên mùa thu không phải bằng màu sắc mà bằng vẻ đẹp thiêng liêng đó sao.
Con yêu dấu, Ta có thể dùng con trong những công trình trong tay Ta. Miễn sao con là kẻ hành khất đi tìm chính Ta.
Ta muốn con là cành cây khô, là mùa thu không có cánh lá thu. Ta không muốn con làn cho khu đồi đẹp vì dáng lá, mà đời con là chỗ dừng chân cho tiếng thu reo. Nếu con thấy nhờ cành cây khô chiều đó cho bầy chim nghỉ chân hát vang mà mùa thu vào thu ca, thì con thấy đời con là một ẩn số trong công trình sáng tạo của Ta. Nếu con nghe Tiếng Thu trong cung cách ấy thì con đã đến trước cửa nhà Ta rồi, mùa đông có đến con cũng không lo vì nhà Ta đã mở cửa chờ con, và trong mùa đông lạnh con có thể thảnh thơi nghe tiếng mùa thu đang trở lại, mùa thu không chết, thu êm đềm và hạnh phúc.
Ta gởi con: Tiếng Gọi Bên Rừng Thu. Đấy không phải là quà tặng cho con đó sao.
Em thân mến, là người tu sĩ trẻ, em đang băn khoăn không biết Chúa có gọi em thật không. Mỗi người có một con đường riêng em ạ, Chúa có cách trả lời riêng cho em vì Chúa biết rõ em. Em đừng so sánh mình với người khác, hãy tin tình yêu Chúa dành riêng cho em. Chúa đã gởi tôi Tiếng Gọi Bên Rừng Thu, tôi cũng xin gởi lại em như một quà tặng. Có thể Chúa trả lời em bằng tiếng gọi trong mùa đông, bằng nắng của mùa hạ, hoặc biết đâu bằng hương sắc mùa xuân.
Em thân mến, như con con sâu bướm, khi thoát xác bay cao, nó là cánh bướm thật đẹp, khi cánh cửa im lìm mở ra, ngoài kia trời xanh lồng lộng sẽ đẹp lắm. Và tôi tin rằng đời em cũng thế, hãy đi theo ơn gọi, nếu có mệt mỏi của niềm tin mù mờ hãy nghĩ đến cánh bướm, đến hy vọng, đến tiếng Chúa đang gọi rất dìu dặt, rất thơ mộng ở chung quanh bước chân em đang đi.  
Nguồn: Sưu Tập