Câu chuyện người sửa xe

Vì mẹ của bé đã nói với cô bé một câu, điều đó đã thật sự làm tổn thương đến trái tim và ước mơ của người thợ: “Sau này con nhớ chăm chỉ học hành, không thôi mai mốt con sẽ đi làm khổ công, lao động chân tay, toàn thân đều dơ dáy và hôi hám, đáng sợ lắm, biết không con!” Người thợ ấy nghe được thật sự cảm thấy rất khó chịu, không dám nhìn thẳng vào mắt bé...

Câu chuyện người sửa xe

"Mẹ ơi, người chú đó dơ quá! Con không dám đến gần chú ấy.”

Khi bạn tôi đến chỗ sửa xe thay nhớt đã nghe được từ miệng một cô bé khoảng chừng 6 tuổi nói.

Thật ra cô bé cái gì cũng không biết, tôi không trách bé, chỉ trách mẹ của bé mà thôi. Vì mẹ của bé đã nói với cô bé một câu, điều đó đã thật sự làm tổn thương đến trái tim và ước mơ của người thợ: “Sau này con nhớ chăm chỉ học hành, không thôi mai mốt con sẽ đi làm khổ công, lao động chân tay, toàn thân đều dơ dáy và hôi hám, đáng sợ lắm, biết không con!”

Người thợ ấy nghe được thật sự cảm thấy rất khó chịu, không dám nhìn thẳng vào mắt bé.

Nghề nào cũng là nghề, người thợ ấy tay nghề rất linh hoạt, thái độ cũng rất hoà nhã.

Dạy cho bé đừng bao giờ trở thành “người dơ bẩn” để đi học, có thật học sẽ vui và ý nghĩa hơn hay không?

Tôi chỉ e rằng, trái tim của bé càng bị mẹ làm cho “dơ” thêm mà thôi.

Hai mẹ con vừa đi khỏi, ông chủ liền nở nụ cười hoà nhã nói: “Chỉ vì tôi thích động cơ xe, cảm thấy có duyên với xe, mọi người ai cũng khuyên tôi đừng làm nghề này, nhưng tôi đã tạo dựng được một cơ ngơi, lại cung cấp cho con lên đại học. Tôi thiết nghĩ làm bất cứ nghề gì chỉ cần tận tâm, thì mọi người sẽ nể trọng, nhưng, tôi đã sai, cái xã hội này sai rồi!”

Sau đó ông ta đã rất nhanh giúp tôi thay nhớt xe xong, và chỉ vào một tờ chứng chỉ dán trên tường, trên đó đề: Bằng Tốt nghiệp Khoa Cơ khí Đại học Bách Khoa.

Hãy làm khi có thể

Bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không. Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí đối với bản thân mình.

 
Có thể bạn ta mới đến thăm ta ngày hôm qua, mà hôm nay ta được báo tin là người đó đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhận được tin ấy mà lòng ta bồi hồi xúc động, và ta dường như không thể tin vào những gì mà tai mình vừa mới nghe thấy. Ta nói với người đến báo tin với ta rằng “tôi mới nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua mà” , hay “chị ấy mới đến thăm tôi và còn tặng quà cho tôi nữa mà”. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người bạn ấy của ta đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Và có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Người ta mới thấy đó nhưng giờ đây đã không còn nữa.
 
Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng có thể ngày mai ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa. Có thể ngày mai ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa. Thì tự nhiên ta sẽ trân quý sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.
 
Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái chúng ta… Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn.
 
Mỗi người trong chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ rằng những người thương của chúng ta sẽ sống với chúng ta hoài, sẽ sống với chúng ta mãi. Chúng ta ít có khi nào nhớ rằng có thể chỉ sau một đêm thôi thì ta sẽ mãi mãi không còn gặp người ấy nữa. Ta muốn nói những lời xin lỗi của ta với người ấy, ta muốn nói lòng biết ơn của ta với người ấy hay ta muốn thể hiện tình thương của mình cho người ấy - nhưng đã trễ rồi. Người đó đã không thể nghe, và mãi mãi sẽ không thể nghe những gì ta muốn nói dù chỉ một lời.
 
Vì vậy bạn hãy vui lên đi, bạn hãy cười tươi lên đi khi bạn vẫn có ba, có mẹ còn sống bên bạn. Bạn hãy hạnh phúc lên đi khi những người thương của bạn vẫn còn đó cho bạn. Và bạn hãy can đảm để nói cho người thương của bạn những gì sâu kín nhất trong lòng của mình. Vì có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa nếu bạn không nói ra điều ấy. Và bạn hãy tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm hại bạn, làm tổn thương bạn vì có thể ngày mai bạn cũng sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa.
 
Điều mà tôi khám phá ra trong cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ, điều mà làm cho tôi hạnh phúc đó là tình thương, sự tha thứ, bao dung. Có thể tôi thực tập yêu thương còn kém, có thể sự tha thứ, bao dung trong tôi còn kém nhưng đó là con đường mà tôi sẽ nguyện đi trên ấy mỗi ngày. Tôi tự nói với chính mình là “hãy thương yêu khi có thể, hãy tha thứ, bao dung khi có thể, bởi vì chỉ một giây phút thôi thì những điều này sẽ trở thành không thể”.
 
Và điều mà làm cho tôi hạnh phúc nhất không có gì khác hơn sau khi bạn đọc những dòng chữ này, thì sự thương yêu, tha thứ, bao dung trong bạn được biểu hiện. Và bạn đến nói với ba bạn, mẹ bạn, những người thương của bạn rằng bạn yêu họ lắm. Rằng ba mẹ vẫn còn sống bên bạn là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời bạn. Rằng bạn sẽ không cần gì hơn những điều như vậy. Rồi nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi của bạn và khi đó bạn cũng biết rằng nụ cười hạnh phúc ấy cũng đang nở trên môi của tôi.
 
Pháp Nhật
Trung tín mãi mãi
 
Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989), một thảm kịch đã xảy ra vào sáng Chúa Nhật ngày 23-10-1983, đó là doanh trại Hải quân tại Beirut, Lebanon bị quân khủng bố tấn công làm 299 lính thiệt mạng và bị thương. Vài ngày sau khi thảm cảnh xảy ra, ông Paul Kelly, chỉ huy lực lượng Hải quân đã viếng thăm những người lính bị nạn tại bệnh viện. Đến bên giường Hạ sĩ Jeffrey Lee Nashton, ông Kelly đã không thể cầm lòng được khi thấy thân thể của anh Nashton bị thương tích nhiều chỗ. Khi thấy nhiều loại ống được gắn trên thân thể của Nashton, ông Kelly khó có thể tin rằng đây chính là một con người còn sống. Vị chỉ huy tiến gần lại nhìn chàng hạ sĩ với lòng cảm thông và khâm phục. Không nói lời nào, Hạ sĩ Nashton ra dấu đưa mãnh giấy cho anh. Nhình thẳng vào vị chỉ huy với tất cả sự cố gắng phi thường, Hạ sĩ Nashton viết nguệch ngoạc hai chữ, “Semper Fi” - câu tâm niệm bằng tiếng Latinh của người lính thuỷ quân - “Trung tín mãi mãi”. Với hai chữ này, Hạ sĩ Nashton đã nói thay cho hàng trăm người lính đã bị tử trận trong thảm kịch rằng: Cái chết của họ là giá của sự trung tín cho nhiệm vụ của họ.[1]

***


 
Thưa bạn, sự chọn lựa nào cũng điều có giá của nó! Khi chọn một nghề nghiệp, hay hướng đi cho đời mình, bất cứ người trẻ nào cũng chọn nó vì dựa trên niềm tin và hy vọng vào cuộc đời. Những viễn cảnh và hy vọng mà mình nhìn thấy được không phải đến một cách tự nhiên, nhưng nó đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Nó có thể đến từ những tấm gương của thế hệ đi trước; nó có thể đến từ những ước mơ mà mình muốn đạt được trong cuộc đời mình. Tóm lại, tôi chọn vì tôi thấy nó đẹp, thành công và hạnh phúc. Dầu vậy, không phải sự chọn lựa nào cũng xuôi thuận.

Có chàng lính nào biết rằng một ngày nào đó một phần thân thể của mình sẽ bị mất? Có bác sĩ nào biết có thể một ngày nào đó mình sẽ bị nhiễm bệnh vì tiếp xúc với bệnh nhân? Có tu sĩ nào biết là một ngày nào đó mình sẽ bị hiểu lầm và bị chỉ trích bởi những người mình yêu thương nhất? Có người nào lập gia đình mà biết rằng người vợ/chồng mà mình sắp cưới đây sẽ bị liệt giường bất động? Có lẽ họ biết, nhưng cái biết ấy rất mong lung, mơ hồ. Có lẽ khi bắt đầu chọn lựa, cái biết của họ phần nhiều là do sự thúc đẩy của niềm tin, hạnh phúc và vinh quang.

***



Trong một lần viếng thăm bệnh nhân tại nhà riêng, tôi ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân là một người phụ nữ trung niên, nằm liệt giường đã trên 20 năm. Khuôn mặt của cô phản ánh niềm tin, bình an và chấp nhận. Với giọng nói yếu ớt, cô và gia đình đã cho biết. Họ không gặp may mắn cho lắm, vì sau khi cưới nhau vài tháng, tai nạn đã xảy ra, và hậu quả là người vợ bị liệt giường đến hôm nay. Với thái độ hãnh diện và tự tin, người vợ cho biết từ ngày cô bị tai nạn, dù người chồng đã thay đổi nhiều công việc, nhưng không một ngày nào chàng đi làm về trể hơn 5 giờ chiều, không một tối nào chàng ra khỏi nhà, không một bữa ăn tối nào mà chàng không đút thức ăn cho vợ của mình. Cô tâm sự, “Tình yêu anh ấy dành cho tôi như mãi mãi không bào giờ cạn.”

Khi được hỏi, người chồng cho biết: Chúng tôi cưới nhau lúc 25 tuổi; trên 20 năm qua khi nghĩ đến vợ của tôi, tôi không bao giờ hiểu nỗi tại sao cô ấy lại ưng thuận cưới tôi, tại sao tôi lại được yêu. Tôi là ai mà lại được yêu! Câu hỏi kỳ diệu này đã tiếp tục giúp tôi kiếm tìm và khám phá tình yêu.

Nhìn lên phía trên đầu giường của người vợ, một bức tranh thật đẹp với hình của một giòng suối mát được người lính hải quân hưu tặng cho họ trong ngày cưới; phía dưới câu châm ngôn bằng tiếng Latinh được in đậm: “Semper Fi” - "Trung tín mãi mãi". Đây cũng là câu tâm niệm của những người chiến sĩ, không phải trong quân đội mà là trong gia đình.

***


Thưa bạn, bức tranh nào cũng có những màu nền mờ, xám, đen, tối. Nó không gây được sự chú ý như màu trắng, hồng đỏ, xanh. Nhưng quả thật, nhờ màu nền mà bức tranh mới thêm đẹp, màu sắc trắng, xanh, đỏ mới thêm nổi và hoà điệu. Trong đời sống cũng thế, sự chung thuỷ cũng hấp dẫn tựa như những màu sắc, nhưng nó không tự thể hiện trong bức tranh đời người được cho đến khi có những màu nền của tai nạn, thách đố xảy ra. Sự trung tín chung thuỷ đẹp như thế đó! Đẹp là vì nó biết hoà điệu và chấp nhận những màu nền xám xậm. Sự trung tín của người lính và sự chung thuỷ của vợ chồng trẻ đẹp là vì họ biết phối hợp và chấp nhận những màu nền “tai nạn, thử thách” trong bức tranh đời mình. Chúng như là một phần đời của họ! Bức tranh họ đẹp - đời họ đẹp. Họ mời gọi bạn và tôi cùng tiếp tục vẻ những nét đẹp trung tín như thế trong bức tranh đời mình bằng châm ngôn: “Semper Fi”.
--------------
[1] Lược dịch từ Galaxie Software, 10,000 Sermon Illustrations (Biblical Studies Press, 2002).

Br. Huynhquảng