ĐTC Phanxicô:
Một tháng trong cương vị Giáo hoàng
Thế là đã một tháng trôi qua, sau ngày vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo cất tiếng chào toàn thể thế giới tại Quảng trường Thánh Phêrô. Chỉ với một thời gian ngắn, nhưng cái tên Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi vào trái tim của nhiều người. Ngài đã làm rung động trái tim họ với sự đơn sơ, khiêm tốn và nhân hậu. Tất cả tín hữu Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Thánh Cha Phanxicô cho Giáo Hội trong thời điểm khó khăn này. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài để lại dấu ấn trong lòng mọi người khi xin những người hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho vị Giám mục Rôma của họ, trước khi ban phép lành cho họ.
Một ngày sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha đã đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện. Vị Giám mục Rôma mang theo một bó hoa nhỏ để dâng kính Đức Mẹ. Một cử chỉ đơn sơ nhưng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ của vị tân Giáo hoàng. Vào buổi chiều hôm đó, Đức tân Giáo hoàng đã cử hành Thánh lễ đầu tiên tại Nhà nguyện Sistina với các hồng y tham dự Mật nghị. Trong bài giảng của mình, ngài nói về ba động từ: bước đi, xây dựng và tuyên xưng. Ngài khẳng định rằng: trung tâm điểm đời sống của người môn đệ chính là Thập giá Đức Kitô.
Ngài nhấn mạnh: Khi chúng ta bước đi mà không có Thánh giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không có Thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục, chúng ta là giám mục, linh mục, hồng y, giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. (Bài giảng trong thánh lễ với các hồng y, ngày 14-3, Bản dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)
Trong những ngày sau đó, khi giải thích lý do tại chọn Thánh Phanxicô Assisi làm đấng bảo trợ cho triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cho thấy tình yêu đặc biệt của mình dành cho người nghèo, những người nghèo khổ nhất.
Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới Thánh Phanxicô Assisi. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh,… Và Phanxicô là người của hoà bình. Và như thế, cái tên Phanxicô đã đi vào lòng tôi: Phanxicô Assisi (Gặp gỡ các nhà báo, ngày 16-3, Bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, sj).
Đức Thánh Cha Phanxicô trải qua Chúa Nhật đầu tiên như một cha xứ bình thường. Ngài dâng lễ tại một giáo xứ nhỏ trong khuôn viên của Toà Thánh. Sau Thánh lễ, ngài đã đứng ở cửa ra vào khoảng 30 phút để chào thăm tất cả mọi người tham dự Thánh lễ. Dù thời gian đã khá muộn, nhưng ngài vẫn muốn nán lại để gặp gỡ hết mọi người. Dường như ngài khao khát ôm trọn toàn thể con chiên của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và yếu đuối nhất. Sau đó, đúng 12 giờ trưa, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên, trước hơn 100.000 tín hữu, ngài đã say sưa nói về lòng thương xót Thiên Chúa - một chân lý đức tin tuyệt đẹp đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta (Angelus, 17-3).
Hai ngày sau đó, vào ngày lễ kính Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi bằng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để chúc mừng các tín hữu và ôm hôn các trẻ em. Rồi khi nhận ra có một người khuyết tật phía trước, ngài đã bước xuống xe, ôm hôn và chúc lành cho anh. Đức Thánh Cha thật gần gũi, ngài như một người cha, muốn ôm hôn con mình với tất cả tình yêu mến. Trong bài giảng, khi nói về sứ mạng của Thánh Giuse, ngài liên hệ đến sứ mạng của chính ngài, đó là sứ mạng bảo vệ con người, bảo vệ nhau và bảo vệ toàn thể tạo vật. Và như thế, quyền bính của Giáo hoàng cũng như toàn thể chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là để phục vụ.
“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ, và cả Giáo hoàng nữa, để thi hành quyền bính, cũng phải ngày càng tiến sâu hơn vào sự phục vụ đó với đỉnh cao sáng chói của nó nơi Thánh giá.” (Bài giảng trong Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô, ngày 19-3, Bản dịch của Cha Vương Đình Khởi, ofm)
Một trong những công việc phục vụ con người mà ngài phải thực thi đó là trở thành người bắc nhịp cầu, người thăng tiến hòa bình. Thánh Phanxicô Assisi là người xây dựng hoà bình, và khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha đã muốn đi theo con đường của thánh nhân. Đây là điều mà ngài tâm niệm và ao ước thực thi với trọn con tim mình.
Trong buổi tiếp kiến với các đoàn ngoại giao cạnh Toà Thánh, ngài đã chia sẻ: Chính vì thế tôi ước mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây dựng nhịp cầu nối kết con người, theo cách thức mà mọi người có thể nhận ra nơi người khác không phải là kẻ thù, không phải là một địch thủ, nhưng là một người anh, người chị được chào đón và yêu thương (Gặp gỡ các Đoàn ngoại giao, ngày 22-3).
Một ngày sau, một sự kiện đã đi vào sử sách: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Bênêđictô XVI tại Castel Gandolfo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một Giáo hoàng ôm hôn Giáo hoàng danh dự. “Lần đầu hai Giáo hoàng chung một bàn quỳ trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm, lần đầu hai Giáo hoàng ngồi nói chuyện với nhau, lần đầu hai Giáo hoàng ngồi ăn với nhau”. Cuộc gặp gỡ này trở nên đặc biệt hơn khi nó diễn ra vào thứ bảy trước khi bước vào Tuần Thánh. Hôm sau, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng khích lệ họ: Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta! (Chúa Nhật Lễ lá, 24-3).
Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tại một nhà nguyện nhỏ và đơn sơ trong nhà tù, Đức Thánh Cha đã tự mình làm những cử chỉ mà Đức Giêsu đã thực hiện hơn 2.000 năm trước. Ngài đã cúi xuống để rửa chân cho 12 thiếu niên, trong đó có 2 thiếu nữ và 2 người Hồi giáo. Sau khi rửa chân, ngài lau sạch và hôn chân của các em, ngài đã thực hiện một cách hữu hình và sống động điều ngài đã từng nói: “Người làm lớn nhất, phải là người phục vụ”. Vào buổi sáng hôm đó, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ Dầu với hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Trong bài giảng, ngài mời gọi mọi người hãy ra khỏi mình để đi vào các biên cương, nơi con người phải chịu đau khổ nhất. Một người mục tử tốt lành phải là người biết và hiện diện với con chiên của mình.
Đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận (Bài giảng trong Thánh lễ Dầu, ngày 28-3).
Và một người mục tử cần biết rằng “Thập giá của Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa đã chiến thắng sự dữ của thế gian”. Đó là lời Đức Thánh Cha đã nói tại buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí trường Colosseo vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó chính là nguồn mạch hy vọng của mọi người Kitô hữu, vì nhờ tình yêu, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết. Và trong niềm vui Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố cho toàn thể thế giới rằng: Đức Giêsu đã sống lại. Và ngài nhắn nhủ với mọi tín hữu rằng, hãy để Đức Giêsu Phục Sinh biến đổi đời sống mình.
Chúng ta hãy đón nhận ân sủng của Đức Giêsu Phục Sinh! Hãy để cho lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Đức Giêsu yêu thương chúng ta, hãy để cho đời sống chúng ta được biến đổi nhờ vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Và chúng ta hãy trở thành khí cụ của lòng từ bi ấy, trở thành những máng thông chuyển qua đó Thiên Chúa tưới gội trái đất, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công chính và hoà bình được nở hoa (Sứ điệp Phục sinh, ngày 31-3).
Trong niềm vui Phục sinh, ngài mời gọi mọi tín hữu hãy đi truyền giảng Tin Mừng, đó là sứ mạng của mọi người. Trong buổi yết kiến chung ngày 3-4, ngài nhắn nhủ cách riêng với các người nữ:
Điều này thật đẹp, và điều này nói lên sứ mạng của những người nữ, các bà mẹ. Hãy nêu chứng tá cho con cháu của mình rằng Chúa Giêsu đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã trỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy! (Yết kiến Chung, ngày 3-4).
Cuối cùng, vào ngày hôm qua, 12-4, sau một tháng trên cương vị Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ và cảm ơn Đức Hồng y Quốc vụ khanh và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Quốc vụ khanh, với những lời lẽ đơn sơ diễn tả tâm tình biết ơn của ngài:
Tôi biết rằng trong những ngày này - ngày mai là tròn một tháng - anh chị em đã phải làm việc cật lực hơn, và cũng làm thêm nhiều giờ hơn. Và anh chị em không được trả thêm cho những giờ “tăng ca” này, vì anh chị em đã làm việc bằng cả tấm lòng mình và điều ấy chỉ có thể được trả bằng lời “cảm ơn”, một lời “cảm ơn” đến từ sâu thẳm con tim, đúng không? Vì thế, hôm nay tôi muốn đến đây để chào thăm và cảm ơn từng người một vì tất cả công việc mà anh chị em đã làm.
Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Công giáo Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa đồng hành và chúc lành cho ngài và cho sứ mạng của ngài trọng nhiệm vụ dẫn dắt Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Giêsu. Lạy Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Thánh Cha.
Nguyễn Minh Triệu, SJ
Nguồn: RV