Hãy phục sinh đức tin

Hãy làm cho ơn phục sinh vươn mạnh, lớn lên và bung ra cả trong chiều sâu nội tâm của đức tin, trong các sinh hoạt đạo đức cá nhân hay tập thể, lẫn trong đời sống thường ngày của mình. Đó là cách tốt nhất để diễn tả niềm tin phục sinh. Đó cũng là cách tốt nhất để cùng với Chúa Kitô, ta làm cho đời sống của ta, xung quanh ta tràn ngập niềm vui phục sinh. Tôi gọi đó là phục sinh đức tin.

Hãy phục sinh đức tin
Lm. Vũ Xuân Hạnh

Sống Mùa Phục Sinh

Chúng ta đang sống trong mùa Phục sinh. Hãy làm cho ơn phục sinh vươn mạnh, lớn lên và bung ra cả trong chiều sâu nội tâm của đức tin, trong các sinh hoạt đạo đức cá nhân hay tập thể, lẫn trong đời sống thường ngày của mình. Đó là cách tốt nhất để diễn tả niềm tin phục sinh. Đó cũng là cách tốt nhất để cùng với Chúa Kitô, ta làm cho đời sống của ta, xung quanh ta tràn ngập niềm vui phục sinh. Tôi gọi đó là phục sinh đức tin. 

1. NHỮNG LÝ DO CẦN ĐẾN ƠN PHỤC SINH ĐỨC TIN.

Phục sinh đức tin là làm cho ơn phục sinh của Chúa Kitô trở nên sống động trong nội tâm, để nội tâm lắng đọng một chiều sâu phục sinh đích thực: Biết bao nhiêu người, kể cả bạn và tôi đã mừng Chúa phục sinh, nhưng sự mừng ấy có khi chỉ là lễ hội, là sự háo hức về một đêm thánh mà trong đó phụng vụ có nhiều diễn tả lạ, khác mọi cử hành phụng vụ khác. Thiếu chiều sâu nội tâm của đức tin, vì thế, mừng ơn phục sinh vĩ đại, nhưng lòng ta, ơn phục sinh chẳng thấm, chẳng biến đổi gì. Ta chẳng phục sinh. 

Phục sinh đức tin là làm cho ơn phục sinh của Chúa Kitô trở nên sống động trong các sinh hoạt đạo đức: Nhiều người sống nguội lạnh, bỏ cầu nguyện, bỏ các giờ kinh sớm chiều, bỏ luôn cả việc tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích. Nhiều người chạy theo dục vọng, tiền tài đã sống bê tha trong tội lỗi, thậm chí nhiều năm không đến nhà thờ, bỏ luôn cả việc xưng tội, rước lễ. Nhiều anh chị em tích cực hơn, nhưng chỉ giữ đạo theo mùa: Cứ đến lễ trọng, mùa Vọng, mùa Chay, mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh thì chạy đôn, chạy đáo tìm linh mục giả tội, nhưng rồi vẫn không mấy thay đổi. Nhiều người còn chịu khó giữ đạo, giữ các giờ kinh, tuy đấy đã là điều tốt, nhưng cần phải tốt hơn trong sự chăm chú cầu nguyện, suy tư và chiêm ngắm lời kinh mà mình đọc, chứ đừng chỉ giữ giờ kinh, giờ cầu nguyện, cả đến việc dự lễ mỗi ngày như một thói quen. Vì thế, họ cần phải phục sinh đức tin của chính mình.

Phục sinh đức tin là làm cho ơn phục sinh của Chúa Kitô trở nên sống động trong đời thường. Từ trước tới nay, ta chưa bao giờ, hoặc có nhưng rất ít, rất thiếu sót sự gắn bó với Thiên Chúa trong từng công việc, trong các bổn phận, và mọi lao nhọc… Vì thế, khi phải lao tác, vất vả, lắm lúc gặp nhiều trở ngại, nhiều thất bại và không biết bao nhiêu cay đắng khác…, ta chỉ thấy mệt mỏi, chỉ thấy đời ta đầy nặng nhọc, đầy oan khuất. Ta cần biết rằng, cuộc đời vẫn thế, bất cứ ai sống trong đời đều cũng giống như ta. Chỉ khác ở chỗ, họ đã tin tưởng vào Chúa Kitô. Họ kết hợp với thánh giá của Người trong từng ngày sống. Họ hiến dâng cho Người tất cả suy nghĩ, việc làm, niềm tin, hy vọng, sự sống, mọi hoàng cảnh, mọi tương quan… Nhờ đó, họ chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn. Họ đủ nghị lực mà gánh vác chính cuộc đời của họ. Ta cần phải phục sinh đức tin như họ để ta cũng được ơn bình an của Đấng Phục Sinh.

Ngược với những người phải ngày đêm vất vả là những người sống xa hoa. Nhất là trong thời hiện tại, người ta có quá nhiều phương tiện hưởng thụ, đến nỗi lao thân vào lối sống duy vật và nô lệ cho lối sống ấy. Đây là đối tượng khẩn thiết nhất cần đến ơn phục sinh đức tin. Vì chỉ có thể sống lại trong đức tin, họ mới có thể thuộc về thế giới của sự sống tự do, sự sống mới, khơi nguồn từ nguồn Phục Sinh là chính Chúa Kitô. Bởi chỉ có ai bước đi trong ơn phục sinh của Đấng Thiên Chúa làm người, người ta mới thực sự sống tự do, không nô lệ.

Với tất cả những lý do cụ thể bên trên, ta thấy phục sinh đức tin là việc làm khẩn cấp. Vậy để phục sinh đức tin, ta cần phải làm gì? Tôi muốn đưa ra vài suy nghĩ của riêng cá nhân tôi, chỉ xin là những gợi ý khả dĩ giúp ta bước vào hành trình phục sinh chính đức tin của mình.

2. GẮN BÓ CÁ VỊ VỚI CHÚA KITÔ.

Chấp nhận tin không có nghĩa chỉ đơn thuần là chấp nhận một giáo lý, giáo điều, một mớ luật lệ, hay những nghi thức nào đó là đủ. Ngay cả khi ta chấp nhận Hội Thánh và đi theo đường lối của Hội Thánh, thì đó cũng chưa phải là điểm mấu chốt của đức tin. Tin trước hết là hiệp thông với Chúa Kitô, là gắn bó cá nhân cách mật thiết với Chúa Kitô. Bởi vậy, những gì chúng ta đã từng sống, đã từng hành động cho cái gọi là con người của tôn giáo Kitô giáo, nhưng chưa có chiều sâu bằng một cảm nghiệm nội tâm về tình yêu Chúa Kitô, mà chỉ là giữ và buộc mình phải chấp nhận luật lệ, chấp nhận giáo lý, thì giờ đây, ta hãy chỉnh đốn lại, hãy làm cho tất cả những gì ta phải giữ từ trước tới nay nằm trong tương quan tình yêu Chúa Kitô. Tôi tạm gọi việc chỉnh đốn lại cách sống, cách thực hành đức tin là phục sinh đức tin.

Như vậy phục sinh đức tin có nghĩa là hãy nhìn vào Chúa Kitô trước đã. Từ nay tôi giữ đạo, tôi chấp nhận lề luật, tôi thực hiệc các hành vi đạo đức, tôi sống tốt trong tương quan với mọi người… không chỉ vì luật của Chúa, của Hội Thánh dạy như thế, mà vì tình yêu của Chúa Kitô dành cho tôi, và của tôi đáp trả tình yêu ấy. Vì tình yêu của Chúa Kitô và vì yêu mến Người, tôi thực hiện nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa, tôi sống lẽ sống mà đạo dạy tôi, tôi quan tâm đến nguời xung quanh… Vì Chúa Kitô, tôi chấp nhận lề luật của Thiên chúa, và chấp nhận đường lối Hội Thánh hằng chỉ dạy tôi.

Chỉ khi nào sống trong tương quan tình yêu với Chúa Kitô, việc giữ đạo của ta mới nhẹ nhàng. Cũng giống hai người đàn ông cùng cuốc một thửa đất, nhưng một người là tù binh bị ép buộc phải lao động, còn người kia là người cha trong gia đình. Người cha trong gia đình vì thương vợ, thương con, ông miệt mài làm việc, dù mệt nhọc nhưng ông cảm thấy vui, cảm thấy lòng thanh thản và an ủi vì nhờ bàn tay lao động của ông, gia đình ông có thể sinh sống. Ông luôn sống trong hy vọng về một kết quả tốt sẽ đến cho tương lai của gia đình ông. Càng hy vọng, ông càng vui. Người đàng ông là tù binh chắc chắn sẽ không bao giờ có được cảm nghiệm về niềm vui mà người cha trong gia đình có được. Bởi việc ông làm không phải là tình yêu, không phát xuất từ động cơ của lòng yêu thương mà chỉ là ép buộc, chỉ là hình phạt, là đền tội, hoàn toàn không có tự do trong lao động của ông. Cách nào đó, giữ đạo cũng gần giống như chuyện hai người đàn ông cuốc đất. Nếu tôi yêu mến Chúa, việc thực hành đạo của tôi là niềm hạnh phúc, là nhu cầu cần đáp ứng của tình yêu, do tình yêu, phát xuất từ tình yêu đối với Thiên Chúa của tôi. Nếu không có lòng yêu mến Chúa, đức tin chỉ là một gánh nặng vô cùng.

Ta cần phục sinh đức tin của mình, để đức tin của ta có một tương quan cá vị với tình yêu của Chúa. Chỉ có đức tin trong tương quan tình yêu, việc giữ đạo của ta mới là việc làm tự do, mang lại hạnh phúc, thấm đẫm và ngày càng đi vào chiều sâu nội tâm.

Nếu ta phục sinh đức tin của mình trong tương quan tình yêu với Chúa Kitô, cuộc đời ta sẽ được nâng đỡ, được ủi an. Có đức tin trong tương quan cá vị với Chúa Kitô, ta sẽ cảm nhận một điều lớn lao: gánh nặng của sự sống mà ta phải mang gánh trong đời có Chúa cùng sớt chia với ta…

3. THOÁT LY NHỮNG NHU CẦU GIẢ TẠO.

Một trong những nguy cơ giết chết đức tin của người tín hữu chính là lòng ham mê ngẫu tượng của thời đại. 

Họ trang bị cho mình mọi thứ vật chất, mọi tiện nghi, mọi phương thế thụ hưởng, và coi đó là những thứ cần thiết như đích điểm của đời người, đến nỗi cuốn mình chạy theo nó, quay quắt với nó như cơn bão xoáy không chừa lại một chỗ nào cho sự sống tinh thần có thể ngoi ngóp. Đúng hơn, đấy chính là trận bão của những nhu cầu giả tạo, nhu cầu trước mắt, cuốn phăng lòng người theo nó. Bởi vậy mà không ít người đau khổ khi mình thua anh kém chị dù chỉ một chiếc áo, một đôi dép. Họ tôn thờ vật chất đến độ như chỉ có nó mới là vẻ đẹp của đời mình vậy. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tôn thờ chủ nghĩa thời thượng, chủ nghĩa “mode”. Sự tôn thờ này đã biến họ thành nô lệ cho vật chất. Họ phải liên tục đổi di động, đổi xe gắn máy, đổi đồng hồ, đổi những thứ trang xức khác…, làm sao cho những gì họ có phải mới liên tục, phải “mode” liên tục. Họ tôn thờ vật chất một cách đam mê và cuồng tín. Tôi gọi đó chính là sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại. 

Điều mỉa mai đau đớn là, dù ngụp lặn trong thế giới vật chất, vượt trên cả sự tìm tòi vật chất: con ngưới trầm mình với vật chất như thể nên một với nó, thì lại có một thực tế khác, dù âm thầm, vẫn không kém mạnh mẽ lên án thái độ nô lệ ngẫu tượng thời đại của con người. Thực tế đó chính là tiếng nói của lương tâm, là đời sống tinh thần, là thế giới thiêng liêng của tâm hồn. Cố tình vượt qua giới hạn của tiếng nói nội tâm mình như thế, con người trở nên chao đảo, bấp bênh, thiếu bình an, và đói khát chân lý. Tình trạng này làm cho con người sống hết sức ngột ngạt.

Bởi con người đâu chỉ là vật chất, nhưng trước hết là tinh thần. Đời sống tinh thần mới là sức mạnh làm nên giá trị của đời người. Vì thiếu niềm tin, vì lạc mất tinh thần, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại cũng sẽ đẩy chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Bởi càng tiện nghi bao nhiêu, con người càng dễ sống một mình bấy nhiêu. 

Nhưng các tiện nghi vật chất không bao giờ là đối tượng chia sẻ sự sống, suy nghĩ, tình cảm…, điều mà từ rất xa xưa, Ađam đã cảm nghiệm, vì ông không thể “tìm được một trợ tá tương xứng” (St 2, 20). Không thể chấp nhận một xã hội chỉ là cá nhân, Ađam thao thức tìm kiếm sự chia sớt tương xứng, và Chúa đã ban cho ông như lòng ông mong đợi. Nhưng oái oăm và nghịch lý quá đỗi! Trong khi Tổ Tông của mình cố thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, thì loài người hôm nay, dẫu quá kinh nghiệm về sự tai hại của chủ nghĩa này, lại cứ tìm về, cứ cố tình đuổi theo nó bằng mọi thứ tiện nghi, mọi thứ trang bị cho chính cá nhân, biến cá nhân thành trọng tâm cho sự quan tâm của chính mình. Thật vô phúc cho ai sống gần những cá nhân chỉ tôn thờ chính mình như thế!

Rồi từ chỗ chỉ biết sống cho riêng cá nhân mình, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại, càng biến con người thành động vật sống ích kỷ không thể tả. Nhưng như một hệ luận tất yếu: càng sống ích kỷ, con người càng cô độc. Nếu tiếng nói của nội tâm bị coi thường, cuộc sống của con người vốn đã ngột ngạt, sự cô độc sẽ làm cho con người ngày càng chơi vơi hụt hẩng, ngày càng cay đắng với chính mình, với thế giới quanh mình gấp nhiều lần hơn. 

Không còn chỗ bám cho đức tin, con người tự giết chết mình, giết chết cả những tương quan quanh mình cách thảm hại. Bởi dù họ sống, nhưng lối sống ích kỷ ấy chỉ là lối sống thiếu sức sống. Nói nặng hơn, cá nhân mình, một khi chỉ là đối tượng chăm sóc của bản thân, cá nhân ấy trở thành cá nhân què quặt, dị tật. 

Như vậy, trong sự phục sinh đức tin của mình, cùng với việc sống cá vị và liên kết mật thiết với Chúa Kitô, người tín hữu hãy ra khỏi chính mình để sống đức tin với anh chị em. Họ cần để cho lòng mình thanh thoát, khỏi những vướng bận của trần gian, của những tiện nghi vật chất. 

Người tín hữu cần học biết điều này: Đức tin là đức tin cá nhân của bản thân gắn bó với Thiên Chúa. Càng chìm sâu bao nhiêu trong sự gắn bó với Chúa, sẽ càng đầy tràn lòng yêu mến, và chắc chắn đức tin càng sáng chói bấy nhiêu. Nó đòi hỏi ý thức và sự dấn thân thực sự của cá nhân trong tương quan với Chúa Kitô, với Thiên Chúa. Nhưng đức tin chỉ có thể được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đoàn. Bởi Thiên Chúa, nền tảng của đức tin chúng ta là một Thiên Chúa “không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (kinh Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi). Người không cứu chuộc từng người đơn độc, nhưng trao ban tình thương cho tất cả mọi người. 

Cũng vậy, Chúa Kitô không phải là “Đấng ở cùng một người”. Nhưng Người là Đấng “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúa Kitô không nhập thể và chết cho bất cứ cá nhân nào, nhưng cho cả thế giới qua lớp lớp thế hệ. Chính vì thế, hôm nay Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta cũng hãy làm phục sinh đức tin của mình trong tương quan với cộng đoàn Hội Thánh, với mọi người xung quanh. Chính trong cộng đoàn mà ta liên kết, gương tốt của người này sẽ ảnh hưởng trên người kia; gương xấu của người này sẽ là bài học lớn cho kinh nghiệm sống của người kia, để có thể lách mình khỏi những sai sót mà anh em vấp phải.

Ngoài ra, đức tin còn phải được gìn giữ, phát triển nhờ sự đào tạo liên tục trong suốt đời người bằng mọi nỗ lực cá nhân như: Tìm về một lối sống đơn sơ, giản dị chứ không tìm một lối sống dễ dãi; không nhắm tiện nghi và hưởng thụ, nhất là không nhắm vào nó đến nỗi quay quắt với vật chất như chỉ có nó là sự bảo đảm cho đời mình; hãy biết hy sinh, hãy chấp nhận giới hạn trong tất cả những đòi hỏi vật chất. Hãy là người biết khôn ngoan nói không với những nhu cầu giả tạo. Hãy bền chí theo đuổi cái đẹp của tinh thần, của tình yêu, của sự thầm lặng, của ơn gọi sống nghèo khó, chứ không khoác lên mình những hào quang chỉ được xây dựng từ trần thế cho riêng cá nhân mình. 

4. CUỘC PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ ĐỐI VỚI CHÚNG TA.

Cùng Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta bước vào hành trình phục sinh đức tin của chính mình. Trong hành trình này, Chúa Kitô chính là điểm dừng quang trọng nhất mà đức tin của ta phải tiến đến. Và sự phục sinh của Người là lời mời gọi mạnh mẽ nhất cho hành trình phục sinh đức tin của chính ta. 

Phục sinh nào cũng đòi hỏi hy sinh lớn lao, rát buốt. Chính Chúa đã rơi vào những tình huống như thế. Để tiến vào sự phục sinh vĩnh cửu của Người, Người đã từng đối mặt với những đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác. Người đã phải rơi vào nỗi cô đơn, bế tắc, vùi giập. Cái chết của Chúa tưởng đã là tiếng nói sau cùng, là thất bại thảm khốc. Nhưng Chúa đã vượt qua. Người đã đứng lên. Người sống lại. Người chiến thắng.

Sự phục sinh của Chúa vừa là mẫu gương cho sự phục sinh đức tin của ta, vừa là nguồn mạch ban ơn phục sinh cho ta. 

Vì thế, như Chúa Kitô, ta vượt qua chính con người nhiều đam mê của bản thân, vượt qua mọi rào cản khách quan lẫn chủ quan để được phục sinh đức tin từng ngày trong nội tâm, trong mọi sinh hoạt đạo đức, lẫn trong đời thường của ta. 

Cùng với những nỗ lực nhìn về Chúa Kitô để phục sinh đức tin, ta vững một niềm xác tín rằng, Chúa Kitô ban ơn phục sinh từng ngày cho ta. Bởi giữa mọi lý do gây ra tình trạng chết của đức tin do thiếu chiều sâu nội tâm, do thiếu ý thức trong việc sống đạo, thiếu ý thức về ý nghĩa đạo đức của đời thường, thậm chí do cám dỗ chạy theo lối sống xa hoa, hưởng thụ và thực nghiệm…, ta vẫn trung thành mong đợi ơn phục sinh, và tin tưởng vào sự phục sinh bừng lên nơi cuộc đời mỗi người, thì chính lòng mong đợi và sự tin tưởng ấy, đã cho thấy nguồn ơn phục sinh của Chúa đang thấm vào đời ta. 

Mặt khác, dù cho còn đó bao nhiêu lý do cám dỗ ta đi xa đức tin, thậm chí tiêu diệt đức tin, và dù cho lòng ta nhiều khi còn hời hợt, còn thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu ý thức, ta vẫn mong ước được phục sinh đức tin của mình. Niềm mong ước này không thể có được, nếu không có ơn phục sinh của Chúa khơi nguồn và ban ơn.

Từ nay, bước theo Chúa Kitô, ta ngước nhìn Người để nếu Người đã phục sinh, ta cùng phục sinh đức tin của mình trong từng hoạt động, từng ngày sống của ta. Ta cũng sẽ gắn bó đời mình với Chúa, can đảm thoát ly mọi nhu cầu giả tạo, để được chìm đắm trong nguồn ơn phục sinh của Chúa. Có như thế, trong cuộc phục sinh của Chúa Kitô, có những cuộc phục sinh trong đức tin của mỗi người. Và cuộc phục sinh của mỗi người trong tương quan với ơn phục sinh của Chúa Kitô, có sự phục sinh của nhiều người, của cả Hội Thánh.

Theo Vietcatholic.