Một thoáng suy tư trước thềm ĐH Giới Trẻ 2013: Làm thế nào để chinh phục được tầng lớp trẻ?

Vâng, tuổi trẻ ngày hôm nay muốn được nghe Thiên Chúa, muốn được gặp gỡ Thiên Chúa và muốn thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa một cách sâu xa tận đáy lòng mình. Và Thiên Chúa luôn yêu thương tất cả những tâm hồn trẻ ấy. Người sẽ làm tất cả để lôi kéo họ ngay trong thời đại “vàng thau lẫn lộn” hôm nay đến với Người, đến ẩn náu trong Thánh Tâm luôn bùng cháy lửa yêu thương của Người.

 

Một thoáng suy tư trước thềm ĐH Giới Trẻ 2013: Làm thế nào để chinh phục được tầng lớp trẻ?

 

Nhiều bậc cha mẹ Công Giáo còn sống gắn bó với đức tin đã không tránh khỏi nỗi khổ tâm và sự dằn vặt khi thấy con cái họ quá sa sút và nguội lạnh trong đời sống đức tin: bê trễ trong việc kinh nguyện, trong việc lãnh nhận các Bí tích và lơ là trong việc xem lễ các ngày Chúa Nhật. Nhiều người đã khắc khoải tự hỏi: Tôi còn có thể làm được gì để giúp các thế hệ trẻ tìm gặp được đức tin? Nhiều bậc cha mẹ Công Giáo thất vọng, vì thấy:

- Càng ngày càng thiếu các hội đoàn dành cho thanh thiếu niên trong xứ đạo, hay có nhưng thiếu tổ chức, chỉ sinh hoạt rời rạc, cầm chừng và thiếu  phương pháp sư phạm trong việc truyền đạt các vấn đề tôn giáo cho thanh thiếu niên.

- Tại các nước Âu-Mỹ trong nhà thờ hầu như hoàn toàn thiếu bóng dáng thanh thiếu niên nam nữ; còn ở Việt Nam thì một số không nhỏ các thanh thiếu niên lại thường chỉ giữ “đạo cửa,” “đạo thềm” hay “đạo gốc” như người ta thường nói, tức vì hoàn cảnh gia đình và xã hội gây áp lực, họ cũng cố gắng tới nhà thờ nhưng lại chỉ đứng thoải mái ở cửa hay ở ngoài thềm nhà thờ nhìn vào, hoặc ngồi chụm ba chụm bảy ở các gốc cây trong khuôn viên nhà thờ, để vừa xem lễ vừa nhìn quanh quất hay vừa tán chuyện với nhau.

Ở đây, tác giả bài viết xin được thành tâm góp ý kiến với các bậc cha mẹ, các bậc ông bà nội ngoại, các vị Linh hướng, các giáo lý viên rằng, xin quý vị hãy luôn bình tĩnh, kiên trì và đừng buông xuôi. Chúng ta luôn có đủ lý do để hy vọng, để lạc quan, nếu chúng ta còn nhìn thấy được các “dấu chỉ thời gian” ấy và nhận ra được ý nghĩa của chúng; nhất là nếu chính chúng ta còn có tâm huyết muốn làm được điều gì đó để giúp cho các thế hệ trẻ ngày nay tìm gặp được Thiên Chúa.

Vâng, theo khả năng và điều kiện của mình, chúng ta hãy nỗ lực giúp đỡ các thế hệ trẻ tìm gặp được Thiên Chúa. Nhưng trước hết không phải bằng lời nói, nhưng là bằng cuộc sống thực tiễn hằng ngày của mình, một cuộc sống chứng minh cho thấy chúng ta đã thực sự gặp gỡ được Thiên Chúa, vì “một việc làm bằng ngàn lời nói.” Và tất nhiên, ở đây chúng ta cũng phải chân thành tự hỏi là trước tình trạng sống đạo sa sút và lơ là của tầng lớp trẻ hôm nay, những người trưởng thành chúng ta có được phép chỉ đổ lỗi cho họ hay cho hoàn cảnh xã hội thế này thế kia, còn chúng ta lại hoàn toàn phủi tay vô tội không?

Đàng khác, người ta thất vọng về tình trạng sống đạo xuống dốc của tầng lớp trẻ ngày nay, vì người ta chưa đủ thực tế và vì người ta còn quá hoài cổ, còn quá gắn bó với cách sống và cách thực hành đức tin “thơ mộng” của thời xa xưa. Nói cách khác: các bậc cao niên trong gia đình cũng như trong giáo xứ vẫn còn giữ mãi hình ảnh sống đạo xa xưa của mình, khi mà việc đọc kinh sáng tối trong gia đình, việc mỗi buổi sáng đi xem lễ, việc cùng nhau lần hạt Mân Côi mỗi tối trong gia đình không những 50 mà có khi còn cả 100 hay 150 kinh Kính Mừng nữa, v.v… là một điều bình thường, nếu không muốn nói là một điều bó buộc đối với từng thành viên của gia đình. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, đó là vào thời mà “con trâu đi trước cái cày theo sau”, vào thời mà nghề nông là chủ yếu và cuộc sống còn yên bình ẩn khuất sau lũy tre làng, và nhất là vào thời mà tôn giáo còn  giữ địa vị độc tôn cũng như nhà thờ xứ là điểm gặp gỡ duy nhất và vị Linh Mục quản xứ còn là  “thầy cả” tuyệt đối, nghĩa là một mình ngài phải kiêm nhiệm tất cả: vừa dạy đạo vừa dạy đời vừa dạy văn hóa, v.v… Nhưng xã hội ngày nay đã hoàn toàn thay đổi, đã mở cửa, đã trở nên đa nguyên, đã hay đang kỹ nghệ hóa. Tôn giáo không còn giữ địa vị độc tôn nữa, nhưng trở thành một trong các đơn vị trong đời sống xã hội và bị cạnh tranh khốc liệt,  nếu không muốn nói là bị chèn ép, bị chống đối và bị bắt bớ, và phải quyết liệt tranh đấu cho sự sống còn của mình giữa một xã hội bị tục hóa, duy vật và vô thần. Vì thế, cuộc sống con người nói chung và cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống đạo hay các sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ và của từng tín hữu nói riêng cũng phải thay đổi theo. Không ai có thể ngăn cản được dòng chảy của thời gian. Điều đó cũng muốn nói rằng, kiểu cách sống đạo an nhàn bình lặng thủa xa xưa sẽ không thể tồn tại và không bao giờ tái diễn nữa.

Bởi vậy, thay vì ngồi hoài cổ và thất vọng so sánh với một quá khứ không bao giờ quay trở lại, chúng ta hãy can đảm nhìn thẳng vào thực tế và chấp nhận nó, để hướng dẫn nó đi đúng theo tinh thần của Phúc Âm và của Giáo Hội – hay nói theo ngôn ngữ ngày nay: tái Phúc Âm hóa – trong điều kiện sống hiện nay và bây giờ. Nói cách khác, chúng ta hãy nỗ lực chinh phục các thế hệ trẻ ngày nay cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội với những điều kiện và khả năng sẵn có của mình, và dĩ nhiên trên hết với đời sống đạo gương mẫu của mình đúng theo tinh thần công bằng và bác ái của Tin Mừng.

Đó là một điều hoàn toàn khả thi, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên mỗi người với một linh hồn thiêng liêng bất tử, luôn hướng về chân thiện mỹ tuyệt đối như mục đích tối hậu. Vâng, chúng ta là người, vì nội tâm chúng ta là cả một thế giới bao la huyền bí hầu như vô tận. Người ta có thể nói được rằng mỗi người trong chúng ta mang trong mình một sự trống rỗng tinh thần vô tận và luôn khao khát được lấp đầy bằng chân thiện mỹ tuyệt đối, bằng sự hạnh phúc vô biên. Đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy được khoảng không vô tận này của linh hồn con người bằng ân sủng và bằng Thánh Linh của Người. Hay nói cách khác, chính Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn được nỗi khao khát tìm kiếm chân lý tối hậu và hạnh phúc viên mãn của linh hồn.

Chính vì thế, một khi các tầng lớp thanh thiếu niên đã qua thời bồng bột, nông nổi và hiếu thắng để bước vào tuổi trưởng thành chín chắn, họ sẽ cảm nhận được một cách sâu xa sự khao khát tìm kiếm những giá trị cao cả, trọn vẹn, sự hạnh phúc và niềm vui vô tận. Họ sẽ bị thúc đẩy bởi một sức mạnh vô song tiềm ẩn trong nội tâm mong tìm đạt tới một cuộc sống sung mãn. Rất có thể tất cả được khởi đầu từ cuộc sống vật chất, tiếp đến là cuộc sống tinh thần và sau cùng sẽ là cuộc sống siêu nhiên. Nhưng điều quyết định ở đây là nếu trong giai đoạn “chuyển tiếp” ấy của tầng lớp trẻ mà chúng ta, những người có trách nhiệm đối với họ, không dẫn đưa được họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ bị những sức mạnh và những thế lực đen tối khác quyến rũ và lôi cuốn bằng những lời đường mật nhưng giả trá sai lạc: “Các bạn chỉ có thể tìm gặp được hạnh phúc ở đời này, hạnh phúc to lớn đang nằm trong tầm tay các bạn!” Từ đó chúng sẽ lèo lái tầng lớp trẻ bước vào vòng nô lệ của các thú vui đầy nguy hiểm, ma túy, tứ đổ tường, và sau cùng kết thúc trong mất mát thảm hại và đau đớn, cho đương sự, cho gia đình và cho toàn xã hội cũng như cho Giáo Hội.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã bắt đầu phát triển nhiều trào lưu tích cực của tầng lớp thanh thiếu niên nam nữ trong Giáo Hội mà người ta ít để ý tới. Dĩ nhiên, ở nhiều nơi trong Giáo Hội, nhất là tại các nước Âu Mỹ, các đoàn thể thanh thiếu niên còn thưa thớt trong các sinh hoạt giáo xứ. Nhưng người ta không nên lấy đó làm lạ, vì chính cuộc sống đạo của nhiều tín hữu trưởng thành và của nhiều gia đình không còn được đặt nặng nữa, nếu không muốn nói là đã bị sao nhãng. Nhưng đồng thời một luồng gió mới đang được thổi vào Giáo Hội: Tại nhiều giáo xứ các hội đoàn thanh niên thiếu nữ đang được tái tổ chức lại, hàng trăm hàng ngàn bạn trẻ đã hào hứng tham dự rất đông đảo và sốt sắng trong các cuộc hành hương quốc tế, nhất là hàng triệu thanh niên nam nữ đã quây quần bên Đức Giáo Hoàng trong các cuộc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới; tại nhiều Giáo phận trên thế giới còn tổ chức hằng năm Đại Hội Giới Trẻ với hàng ngàn người tham dự và trong những dịp này có hàng trăm bạn trẻ đứng sắp hàng trước các Tòa Cáo Giải.

Tất cả những sự kiện ấy muốn nói lên rằng không ai được phép thất vọng hay bi quan về các tầng lớp các người trẻ hay về Giáo Hội. Đức Kitô vẫn luôn trung tín với lời hứa của Người: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế.” (Mt 28,20b) Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng tác động trong Giáo Hội, nhưng rất có thể là Người tác động theo cách thức của Người, chứ không nhất thiết phải theo cách thức của chúng ta hay trùng hợp với cách thức mà chúng ta dự đoán và chờ đợi. Một thực tại hiển nhiên khác mà chúng ta cũng không được phép phủ nhận, là những tâm hồn trẻ ngày nay có một sự cảm nhận về Thiên Chúa mang tính cách tư riêng của mình, chứ không nhất thiết phải trùng hợp với quan niệm của cha mẹ hay của các bậc trưởng thành khác. Họ cũng không muốn một Giáo Hội chỉ nhấn mạnh đến các hình thức phô trương rườm rà bên ngoài và đòi hỏi họ phải thế này thế nọ, nhưng là một Giáo Hội đi vào chiều sâu của đức tin và nhằm đạt tới điều trọng yếu nhất của cuộc sống: Thiên Chúa!

Vâng, tuổi trẻ ngày hôm nay muốn được nghe Thiên Chúa, muốn được gặp gỡ Thiên Chúa và muốn thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa một cách sâu xa tận đáy lòng mình. Và Thiên Chúa luôn yêu thương tất cả những tâm hồn trẻ ấy. Người sẽ làm tất cả để lôi kéo họ ngay trong thời đại “vàng thau lẫn lộn” hôm nay đến với Người, đến ẩn náu trong Thánh Tâm luôn bùng cháy lửa yêu thương của Người. Nhưng để hiện thực điều đó, Thiên Chúa cần sự góp tay của tất cả chúng ta. Ở đây, xin được đề nghị năm cách thức cụ thể.

1.  Kiến tạo những “nơi chốn” để cảm nhận được Thiên Chúa

Đối với nhiều người Thiên Chúa là một điều gì đó “cụ thể bên ngoài”, hay chỉ là “một lời nói” hoặc “một tư tưởng.” Thiên Chúa là một thực tại siêu phàm. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Đấng Tuyệt Đối, nhưng Người lại muốn hành động cụ thể và trực tiếp trong vũ trụ cũng như trong cuộc sống con người. Các tầng lớp trẻ rất thông thoáng đối với những tình cảm và những cảm xúc; tâm hồn họ rất nhạy bén đối với những cảm nhận thiêng liêng. Vì thế, chúng ta hãy kiến tạo nên “những nơi chốn” thuận lợi để Thiên Chúa có thể gần gũi được các người trẻ và tỏ mình ra cho họ cũng như để những người trẻ có thể tâm sự với Người. Vâng, tất cả chúng ta đều chỉ là cộng tác viên trần thế của Thiên Chúa, là những dụng cụ trong tay Người, còn tác nhân chính trong tâm hồn con người luôn là chính Thiên Chúa qua Thần Linh của Người. Hiểu rõ được chân lý này, nên thánh Phaolô đã viết. “Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có được đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, còn Thiên Chúa mới là Đấng làm cho lớn lên.” (1Cr 3,5-6)

Trong thực tế, nhiều thanh thiếu niên không biết phải cầu nguyện thế nào. Họ cảm thấy cầu nguyện theo kiểu truyền thống, tức việc đọc thuộc lòng các Kinh đã được dọn sẵn,(1) là quá lạt lẽo và nhàm chán, vì mang tính cách một chiều, chứ không phải là một sự đối thoại với Thiên Chúa. Hiện tượng này hoàn toàn không phải là một điều quá xa lạ, và càng không phải là một điều tiêu cực; nó nằm trong tổng thể sự xung khắc về quan niệm sống giữa các thế hệ gia đình cũng như trong xã hội: Mỗi thế hệ già/trẻ có sự hiểu biết riêng, có quan niệm riêng và vì thế cũng có cách sống và thực hành riêng, kể cả trong cuộc sống đức tin, trong việc cầu nguyện. Tuổi già thì có đầy đủ kinh nghiệm sống, tuổi trẻ lại dư tràn óc sáng tạo. Chúng ta chỉ cần chấp nhận, thích ứng và hoàn thiện nó.

Một cách cụ thể, các tầng lớp thanh thiếu niên cần có những giờ cầu nguyện riêng cho họ, trong đó người ta sử dụng cách thức và ngôn ngữ thích hợp với họ. Còn những giờ cầu nguyện chung cho mọi thành phần thì luôn nên đơn giản, ngắn gọn, nhưng thành tâm và đầy đủ. Nói cách khác, để thu hút được các tâm hồn trẻ trong các Giờ Kinh, nên tránh cách cầu nguyện câu nệ vào việc ê-a dài dòng các Kinh, nhưng lại thiếu sự cầm trí, thiếu sự hiện diện của tâm trí trong lời kinh. Đây cũng là cách thức cầu nguyện đã bị Chúa khiển trách: “Dân này tôn thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng trí chúng lại xa Ta.” (Mc 7,6b) Một giờ cầu nguyện đích thực phải là phương tiện hữu hiệu dẫn ta đến cùng Thiên Chúa, phải là những khoảnh khắc đẹp nhất để linh hồn và lòng trí ta được kết hiệp với Thiên Chúa. Chúng ta đừng quản ngại sự phức tạp và khó khăn, vì phải tạm gác lại cách cầu nguyện truyền thống quen thuộc, để cùng cầu nguyện với và theo cách thức của tầng lớp trẻ khi chúng ta cầu nguyện với họ. Chúng ta cần làm tất cả có thể, để chinh phục các tâm hồn trẻ về cho Chúa và cho Giáo Hội. Vì con cái chúng ta ngày hôm nay sẽ là cha mẹ của ngày mai, các người trẻ hôm nay sẽ là Giáo Hội của ngày mai. Vâng, chúng ta cần tổ chức việc cử hành Thánh Lễ và các giờ Phụng Vụ khác sao cho giới trẻ có thể tiếp cận được Thiên Chúa, và qua đó, Thiên Chúa có thể chạm tới được tâm hồn tầng lớp trẻ.

Ngược lại, nếu chúng ta ngồi chờ đợi tất cả những gì đã từng được thực hành trong Giáo Hội nói chung và trong các giáo xứ hay trong các gia đình nói riêng cách đây 50, 40, 30 hay 20 năm về trước sẽ có ngày được khôi phục lại, thì chúng ta sẽ còn triền miên bị khổ tâm và thất vọng mãi, bởi vì chúng ta đã không dám hay không muốn nhìn nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi ra sao và thổi khi nào là hoàn toàn tùy ý Người, chứ không một ai có thể ngăn cản hay lèo lái được.(Ga 3,8) Chúa Thánh Thần đã từng có mặt trong buổi sơ khai của Giáo Hội, khi các tín hữu tràn trề vui sướng và hạnh phúc với đức tin mới của mình, mặc dầu họ chỉ là một thiểu số bé nhỏ trong dân. Ngày nay Chúa Thánh Thần cũng đang tiếp tục tác động trong các tâm hồn, nhất là trong các tâm hồn tầng lớp trẻ để giúp họ tìm gặp được Thiên Chúa, mặc dầu số các bạn trẻ ấy vẫn còn là thiểu số bé nhỏ. Bởi vì, Nước Trời bao giờ cũng được bắt đầu một cách khiêm tốn, tựa như hạt cải nhỏ bé nhất trong các thứ hạt, nhưng một khi lớn lên thì cành lá của nó lại xum xuê tươi tốt, đủ chỗ cho mọi thứ chim trời đến làm tổ ấn náu. (x. Mt 13,31-32)

Chúng ta cần chấp nhận là các tầng lớp trẻ thường thích trắc nghiệm về những cái mới lạ trên con đường đức tin, và chúng ta cũng vui mừng vì còn có những thanh thiếu niên muốn trắc nghiệm về đức tin như thế trong các xứ đạo. Điều quan trọng là chúng ta không nên phản đối, nhưng là hướng dẫn và giúp đỡ các trắc nghiệm ấy của tầng lớp trẻ đạt tới mục đích mong muốn, chứ không bị lạc đường.

Nói tóm lại, các tầng lớp trẻ, các thanh thiếu niên nam nữ cần có những đoàn thể thích hợp cho họ và những địa điểm gặp gỡ nhất định để cùng nhau cầu nguyện. Nhất là họ cần sự nâng đỡ về mọi mặt của cha mẹ trong gia đình và của các vị có trách nhiệm trong giáo xứ, để họ không cảm thấy bị bỏ rơi, bị cô đơn lẻ loi.

2. Chúng ta hãy cầu nguyện với tầng lớp trẻ

Cầu nguyện là một sức mạnh có thể biến đổi được mọi sự. Nhưng điều quan trọng đầu tiên là các bậc cha mẹ, các vị có trách nhiệm trong giáo xứ phải có tâm huyết với tầng lớp trẻ, phải thực sự tìm mọi cách để dẫn đưa họ tới cùng Thiên Chúa. Trong các Lời Nguyện Giáo Dân khi dâng lễ bao giờ cũng cần có ý chỉ cầu nguyện cho sự phát triển và nảy nở đức tin nơi các thế hệ trẻ, trong gia đình cũng như trong giáo xứ. Nhưng điều hiệu nghiệm nhất là mỗi khi cả cộng đoàn giáo xứ cùng quỳ gối chầu Mình Thánh Chúa, hãy tha thiết kêu xin Chúa Giêsu Thánh Thể cho các thanh niên thiếu nữ và các em nhi đồng, Đấng đã phán: “Hãy để các con trẻ đến cùng Thầy”: Xin Người luôn đồng hành với các con cái chúng ta trong suốt cuộc sống và dẫn đưa chúng đến với Người.

Và dĩ nhiên, không những chúng ta cầu nguyện cho tầng lớp trẻ, cho tầng lớp thanh thiếu niên, nhưng chúng ta cùng cầu nguyện với họ, đặc biệt trong các Thánh Lễ và các Giờ Kinh dành riêng cho họ. Những giờ cầu nguyện chung như thế, có thể được tổ chức theo cách thức của thanh thiếu niên, sẽ có tác động mạnh mẽ và mang lại nhiều hoa trái hữu ích trong tâm hồn các thanh thiếu niên, vì qua đó họ cảm nhận được rằng họ không hề bị bỏ rơi, nhưng được liên đới chặt chẽ trong cuộc sống gia đình và cuộc sống giáo xứ. Một sinh viên thuộc một trong các xứ đạo của tôi, đã hồi tâm trở lại với Thiên Chúa cách đây chưa lâu và nay muốn theo học thần học để trở thành Linh Mục, đã tâm sự: “Con đã nhiều năm sống như không có Thiên Chúa, nhưng bà nội con luôn lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho con. Có khi bà còn mời con lần hạt với bà nữa, và mặc dù lúc đó con không thích, nhưng vì nể bà và không muốn làm bà buồn, con cũng cố gắng lần hạt Mân Côi chung với bà. Nay bà đã qua đời. Chắc chắn trên Thiên Đàng bà nội con sẽ vô cùng sung sướng khi bà thấy Thiên Chúa nhân từ đã lôi kéo được con vào trong vòng tay yêu thương của Người.”

3. Chúng ta hãy hướng dẫn tầng lớp trẻ cầu nguyện

Trong cuộc sống xã hội tân tiến ngày nay, có biết bao nhiêu điều tốt xấu lẫn lộn đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tâm hồn non trẻ của các thanh thiếu niên: Từ Ti-vi cho đến Internet, từ phim ảnh, bạn bè cho đến những gương lành gương xấu do những người trưởng thành chúng ta làm trước mắt chúng. Tất cả đã đưa đẩy tầng lớp trẻ bất đắc dĩ phải đứng trước “ngã ba đường” sự lựa chọn.

Nếu chúng ta muốn cho các tầng lớp người trẻ tìm gặp được Thiên Chúa, và như thế đạt tới được hạnh phúc đích thực của đời họ, thì chúng ta cần phải liên kết họ lại với Người qua các gương lành, qua cuộc sống phù hợp với tinh thần bác ái và công bằng của Phúc Âm. Dĩ nhiên, đức tin là một ơn lành của Thiên Chúa Chúa, là sự tác động của Chúa Thánh Thần trong các tâm hồn, chứ không phải do công trạng của chúng ta, còn chúng ta chỉ là những nhân viên, là những dụng cụ trong tay Thiên Chúa mà thôi. Thiên Chúa là một thực tại, Người luôn hiện diện trong mọi nơi và trong mỗi người chúng ta, Người luôn sẵn sàng tuôn đổ tràn đầy mọi ơn lành của Người xuống trên chúng ta. Điều đó muốn nói rằng, chúng ta cần phải nhìn thấy được nơi các trẻ nhỏ và các thanh thiếu niên một sự liên kết khả dĩ hình thành giữa Thiên Chúa và tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta hãy tìm cách dẫn đưa các thế hệ trẻ tiếp cận được với Thiên Chúa, hay nói cách khác, chúng ta hãy dạy cho các thế hệ trẻ biết cầu nguyện.

Nhưng trước hết, chúng ta cũng dạy cho các thế hệ trẻ xác tín được rằng cầu nguyện không nhất thiết là phải đọc thuộc lòng các Kinh Nguyện đã được dọn sẵn mà nhiều khi họ cũng chẳng hiểu hết ý nghĩa các Kinh ấy; và nhất là cầu nguyện không phải là một bổn phận nặng nề nhàm chán, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa, là nguồn suối tắm mát và thanh tẩy tâm hồn con người, nơi đó con người luôn có thể múc kín cho cuộc sống của mình sự trợ lực và sức mạnh, niềm vui và sự an ủi cần thiết.

Trong điểm này, với tư cách là một Linh Mục công tác Mục Vụ trong các giáo xứ người Đức từ gần bốn thập niên nay và từ hơn một thập niên qua còn kèm thêm công tác cho bà con Việt Kiều Công Giáo cũng tại quốc gia Tây Âu này, tôi đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm nhất định trong việc lần hạt Mân Côi và có thể khẳng định được rằng Kinh Mân Côi không chỉ là một Kinh Nguyện đơn sơ, dễ đọc, dễ hiểu, nhưng còn là nguồn sức mạnh phi thường, có thể giúp chúng ta trang trải được mọi thứ “nợ đời.” Vâng, Kinh Mân Côi hội đủ mọi công dụng thiêng liêng và tinh thần: Nó nối kết ta lại với Chúa và với mọi anh chị em đồng loại, hàn gắn mọi va chạm và sứt mẻ trong cuộc sống hằng ngày, sức mạnh để kiến tạo hòa bình và là niềm vui và niềm an ủi ngọt ngào cho những tâm hồn biết yêu mến Mẹ Maria. Trong các lần hiện ra với con cái loài người, đặc biệt ở Lộ Đức và ở Fatima, Mẹ Thiên Chúa đều đòi hỏi mọi tín hữu Công Giáo, kể cả những trẻ nhỏ mới lên sáu lên mười, còn trong trắng thơ ngây – như Bernadette ở Lộ Đức hay như Gia-xin-ta, Phanxicô và Lucia ở Fatima – cần phải siêng năng lần hạt Mân côi mỗi ngày. Bởi vì, Kinh Mân Côi là một Kinh của trẻ thơ và của các thanh niên thiếu nữ. Dĩ nhiên, người ta không nên chờ đợi các con trẻ và tầng lớp thanh thiếu niên sẽ lập tức đọc trọn toàn bộ tràng hạt Mân Côi trong một Giờ Kinh. Điều đó không cần thiết và nhất là phản sư phạm trong việc dạy cho tầng lớp trẻ cầu nguyện. Nhưng mỗi lần có thể chỉ đọc một chục hay hai chục Kinh Kính Mừng là đủ.

Ở đây, tôi xin được phép kể lại kinh nghiệm sống động trong việc lần hạt Mân Côi tại Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam chúng tôi thuộc Giáo phận Trier/Đức quốc: Từ trên dưới 30 năm nay, cộng đoàn người Công Giáo Việt Nam tại Giáo phận này luôn thực hành một truyền thống đạo đức tốt, đó là từ tháng năm, Tháng Hoa, cho tới tháng mười, Tháng Mân Côi, các gia đình trong cộng đoàn tuần tự rước tượng Đức Mẹ Fatima về trong gia đình và mời cả cộng đoàn – nhiều gia đình còn mời cả các bà con bên lương nữa – về tôn vương Đức Mẹ cùng gia đình vào ngày cuối tuần, hoặc thứ bảy hoặc Chúa Nhật. Trong Giờ Kinh gia đình ấy:

- Trước hết chủ nhà nêu lên ý xin cầu nguyện của gia đình – hoặc xin ơn bình an cho gia đình hoặc xin cầu nguyện cho linh hôn của một người quá cố trong gia đình, v.v…
- Tiếp đến vị Cộng Đoàn Trưởng xướng các Kinh sáng tối quen thuộc.
- Đọc bài Phúc Âm của ngày Chúa Nhật hôm ấy.
- Cha Tuyên Úy chia sẻ lời Chúa dựa theo bài Phúc Âm.
- Lần một chục hạt Mân Côi.
- Đọc bản kinh “Đền Tạ Đức Mẹ Tại Các Gia Đình” và các bài Thánh Ca về Đức Mẹ.
- Và kết thúc Giờ Kinh bằng phép lành của cha Tuyên Úy.

Để tỏ lòng biết ơn bà con trong cộng đoàn đã đến hợp ý hợp lời cùng cầu nguyện với gia đình cũng như để nối chặt thêm tình liên đới và tình thân ái giữa các thành phần trong cộng đoàn, gia đình liên hệ thường mời các bà con hiện diện ở lại dùng trà, bánh ngọt hay bữa cơm thanh đạm với gia đình mình.

Cách thức cầu nguyện chung này đã mang lại nhiều hiệu quả tinh thần rõ rệt trong và cho cộng đoàn. Trước hết dù hoàn cảnh cư trú xa biệt nhau,(2) nhưng mọi người vẫn hăng hái và vui vẻ tham gia phong trào Tôn Vương Đức Mẹ này từ hàng thập niên qua. Chính nhờ có các Giờ Kinh tôn vương Đức Mẹ này tại các gia đình trong cộng đoàn, bà con Công Giáo gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, và qua đó họ hiểu nhau hơn, thông tin cho nhau hoàn cảnh sống của mỗi người hay của mỗi gia đình dễ dàng hơn, giúp đỡ nhau mau chóng hơn. Nói chung là bà con sống đoàn kết và  gắn bó với nhau hơn. Còn trong trường hợp có sự hiểu lầm giữa người này người nọ – đó là chuyện thường tình – thì họ cũng dễ dàng vượt qua và thông cảm cho nhau hơn.

Đó là một vài hiệu quả tích cực thực tiễn trong muôn vàn ích lợi tinh thần khác do Kinh Mân Côi mang lại và nhất là qua gương lần hạt Mân Côi sốt sắng này sẽ thức tỉnh được nơi tầng lớp trẻ lòng ham thích cầu nguyện.

Nói tóm lại, chúng ta cần dạy cho tầng lớp thanh thiếu niên biết cầu nguyện và ham thích cầu nguyện. Dĩ nhiên, luôn phải đơn sơ, tươi vui và ngắn gọn; tuyệt đối không được ép buộc hay áp đặt, nhưng chỉ thuyết phục một cách đầy thân thiện và yêu thương. Mọi sự sẽ thành công, nếu các tầng lớp thanh thiếu niên nhận thấy chính chúng ta cũng thực sự cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng, chứ không chỉ dạy lý thuyết mà thôi.

4. Trước các tầng lớp trẻ, chúng ta hãy nói tốt về Giáo Hội

Làm sao chúng ta có thể giúp cho các trẻ nhỏ và nhất là tầng lớp thanh thiếu niên nam nữ yêu mến Giáo Hội và ham chuộng việc Kinh Nguyện, nếu khi đứng trước mặt họ chúng ta hay phê bình, chỉ trích và phàn nàn Giáo Hội, Ban chấp hành xứ, Linh Mục quản xứ, các Đức Giám Mục và Đức Giáo Hoàng thế này thế nọ?

Để có thể chinh phục được tầng lớp trẻ cho Chúa và cho Giáo Hội, thì chính những người trưởng thành chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội trước đã, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có!

Và bước đầu tiên là tránh phê bình chỉ trích hay phàn nàn Giáo Hội trước mặt các thanh thiếu niên, ở trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội. Người Việt Nam chúng ta đã chẳng thường nói: “Tốt đẹp thì phơi ra, xấu xa thì đậy lại!” Dĩ nhiên điều đó không muốn nói là chúng ta phải sống giả dối và không dám nhìn vào sự thật. Không. Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn nói và hành động theo đúng sự thật. Nhưng có nhiều sự thật người ta không được nói ra; lại có những sự thật chỉ được nói ra cho một số người nhất định nào đó và phải nói vào một thời giờ và một nơi chốn thích hợp nhất định nào đó. Nói cách khác, một sự thật chỉ cần phải được nói ra khi nó mang lại lợi ích cho người nghe; còn khi nói ra mà lợi bất cập hại thì cần phải giữ kín. Từ kinh nghiệm sống này, một câu phương ngôn của người Pháp đã rất chí lý khi nói. “Il n´est pas bon, toujours de parler la vérité”: Khi nào cũng nói ra sự thật là một điều không tốt!

Trước tầng lớp trẻ, thay vì phê bình chỉ trích thì chúng ta hãy nói tốt về Giáo Hội. Vì tuy trong Giáo Hội cũng đã từng xảy ra hay còn tồn đọng những tính chất nhân loại, nhưng đó chỉ là những yếu đuối của một thiểu số thành phần rất nhỏ nào đó. Nếu chúng ta nhìn vào Giáo Hội một cách khách quan và nhất là với thiện ý và tình yêu chân thành, thì chúng ta sẽ khám phá được sự thánh thiện cao cả và vẻ đáng yêu tuyệt vời của Giáo Hội, vì Giáo Hội là Hội Thánh, là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Điều đó cũng có nghĩa là có lẽ những người trưởng thành chúng ta cần phải nhìn nhận lại quan niệm và thái độ của mình đối với Mẹ Giáo Hội. Một câu phương ngôn cũng nói: “Một giọt mật ong ngọt ngào thì mang lại nhiều lợi ích hơn là một thùng giấm chua.”

Vâng, nếu chúng ta muốn chinh phục được tầng lớp trẻ cho Giáo Hội, chúng ta hãy nói tốt về Giáo Hội. Và đó là sự thật, vì tự bản chất của mình là Hội Thánh Đức Kitô, trong Giáo Hội có muôn vàn “mật ong” hơn là “giấm chua,” trong Giáo Hội có nhiều điều tốt lành thánh thiện hơn là sự lỗi lầm và thiếu sót. Vì thế, nếu chúng ta dễ bị định kiến về một vài “giọt giấm” mà bỏ quên cả một “thùng mật ong” ngọt ngào trong cuộc sống Giáo Hội, thì định kiến ấy cần phải được điều chỉnh lại.

Hơn nữa, với sứ mệnh Kitô giáo thánh thiêng cao cả của mình, chúng ta không bao giờ có lý do để sống thất vọng hay bi quan giữa cuộc sống xã hội đầy phức tạp này; nếu không, muối chúng ta sẽ không còn đủ mặn để ướp được tầng lớp trẻ và đèn chúng ta sẽ không còn đủ sáng để soi chiếu cho họ tìm ra được con đường dẫn tới sự thật đích thực của cuộc sống.

5. Chúng ta hãy hành động như những Kitô hữu

Sau cùng, chúng ta không nên quên rằng, không chỉ cầu nguyện, không chỉ suy tư và nói tốt, nhưng còn phải hành động tốt nữa. Phúc Âm là một lời mời gọi sống một cuộc sống đức ái và sự hy sinh. Các con trẻ và các thanh thiếu niên không chỉ nghe mà còn nhìn vào hành động của những người trưởng thành chúng ta nữa. Họ sẽ quan sát rất kỹ, để xem liệu chúng ta chỉ trình bày và giới thiệu tốt về đức tin, về các giáo lý của Giáo Hội một cách lý thuyết suông hay chúng ta còn có cả cuộc sống và hành động kèm theo hoàn toàn phù hợp với những giáo lý ấy nữa. Những lời nói hay chỉ là những ngôn từ trống rỗng và bất khả tín, nếu chúng không được xuất phát từ sự xác tín và không có việc làm phù hợp kèm theo. Ở đây, chúng ta có thể trích dẫn gương sống đạo của chân phước Mẹ Têrêxa Can-cút-ta: Mẹ yêu thương những người nghèo, những người bị bỏ rơi không chỉ bằng những lời an ủi suông, nhưng bằng cả cuộc đời hoàn toàn dấn thân cho họ, thăm viếng, săn sóc họ bằng đôi tay gầy yếu của Mẹ. Và vì thế, Mẹ Têrêxa đã chinh phục được cả hàng triệu tâm hồn về Cho Chúa.

Tất cả những gì chúng ta làm cho tầng lớp thanh thiếu niên, không nhất thiết đòi hỏi phải hoàn hảo, vì điều chính yếu là chúng ta làm với tình yêu và lòng chân thành. Vâng, điều có thể chạm tới được tâm hồn thanh thiếu niên không nhất thiết là chúng ta làm một điều gì đó cho họ, nhưng là cách thức và thái độ chúng ta làm điều ấy.

Vậy, chúng ta hãy loại bỏ những ý tưởng hời hợt, trống rỗng, vì với tư cách là Giáo Hội, chúng ta có sứ mệnh mang Chúa đến cho các tâm hồn bằng chính cả con người cụ thể của mình. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh, lòng can đảm để trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong tay Người, hầu qua chúng ta Người sẽ chinh phục được nhiều tầng lớp trẻ hơn

 _____________________

Chú thích:

1. Các Kinh trong kho tàng Kinh Nguyện của Giáo Hội luôn mang những nội dung sâu sắc và cao cả, giúp cho các tâm hồn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, nhưng trong các buổi cầu nguyện riêng cho tầng lớp thanh thiếu niên, người ta nên sử dụng lối cầu nguyện khác, như cách cầu nguyện trực ngôn và tự phát, v.v… sẽ hiệu quả hơn.
2. Bà con Việt kiều ở Đức thường không thể sống tập trung lại một chỗ bên cạnh nhau, nhưng vì lý do nghề nghiệp và nhà cửa, họ phải ở xa nhau, mỗi gia đình một chỗ, cách xa nhau có khi lên tới 100, 50, 40 hay 20 cây số.

 Lm. Nguyễn Hữu Thy