"Vụ án" Chúa Giêsu: Hôm qua và hôm nay

Phải chăng bằng chính cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình, Chúa Giêsu muốn những ai đang bị bách hại vì sự thật, vì lẽ công chính thấy rằng ngay trong những lúc cùng cực nhất, cô độc nhất Ngài vẫn ở với họ, nâng đỡ họ cũng như mời gọi họ biết ‘chết’ để cùng được ‘sống lại’ với Ngài?

"Vụ án" Chúa Giêsu: Hôm qua và hôm nay

 

Biến cố chính được Giáo Hội tưởng nhớ và suy niệm cách đặc biệt trong Tuần Thánh là cuộc Thương khó của Chúa Giêsu - trong đó có việc Chúa Giêsu bị quan Philatô xét xử và kết án tử hình mặc dù (chính ông biết rằng) Ngài không có tội gì phải chết.

Vẫn biết rằng việc Chúa xuống thế làm người và chịu chết cho nhân loại là một mầu nhiệm. Vẫn biết rằng trong ‘vụ án’ độc nhất vô nhị này có nhiều người liên can và bao hàm vô số tình tiết khác nhau, mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng thiết nghĩ cũng nên đọc lại ‘vụ án’  lịch sử này để thấy rằng những phi lý, bất công của 2000 năm trước vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Chuyện của ngày năm xưa

 

Trong quyển II của bộ sách ba tập mới nhất về ‘Chúa Giêsu thành Nazareth – Jesus of Nazareth’, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành hẳn một chương, Chương VIII, để đọc lại cũng như phân tích các đoạn Tin Mừng trần thuật về vụ án Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Chúa Giêsu bị đưa ra trước hai tòa án. Một là tòa án của Thượng Hội đồng Sanhedrin. Tại đây, sau cuộc tra hỏi, giới lãnh đạo Do thái, đứng đầu là thượng tế Caipha, quy kết Ngài mắc tội phạm thượng và vì thế phải chịu án tử hình.

Nhưng chỉ có người La Mã – lực lượng chiếm đóng lúc bấy giờ –  mới có quyền tuyên án tử. Như vậy, bây giờ họ phải đưa Chúa Giêsu ra trước tòa Philatô. Và để đưa Philatô vào cuộc, họ ‘phải nhấn mạnh chiều kích chính trị của bản án’. Đức Thánh Cha phân tích rằng khi tuyên bố mình là Đấng Mêsia, Chúa Giêsu đã để cập đến vương quyền. Và theo những người Do thái, khi đưa ra ‘yêu sách về vương quyền Mêsia là đã phạm vào tội chính trị, tội này phải bị Tòa án La Mã trừng trị’.

Như vậy, giới lãnh đạo Do thái đã đóng vai trò cáo buộc trong vụ án và đã dàn dựng một án tử hình đối với Chúa Giêsu với hai tội. Một là tội phạm thượng và phải bị xử tử. Hai là tội chính trị, có âm mưu chiếm đoạt vương quyền và tội này cũng phải chịu án tử vì đe dọa đến nền hòa bình của đế chế La Mã (Pax Romana).

Liên quan đến vai trò của Philatô – tổng trấn La Mã và người xét xử vụ án – Đức Thánh Cha phân tích, ‘dựa trên những thông tin ông có, Philatô thấy ông không thể buộc tội Chúa Giêsu được vì theo những gì giới chức trách La Mã biết Chúa Giêsu không gây một mối đe dọa nào đối với luật pháp và trật tự’.

Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, sau khi thẩm vấn Chúa Giêsu, Philatô càng hiểu rõ hơn rằng Chúa Giêsu không phải là nhà hoạt động chính trị gây phiến loạn và sứ điệp và những hoạt động của Ngài cũng không gây ra bất kì mối đe dọa nào đối với các nhà cai trị hay đế chế La Mã. Một điều nữa về Philatô được ĐTC Bênêđictô chỉ ra là ông ta là người mê tín, có điều gì đó thực sự thiêng liêng nơi ông và vì vậy ông sợ sẽ phải đối đầu với quyền lực thần thánh nếu kết án Giêsu.

Đức Thánh Cha phân tích thêm rằng những người cáo buộc Chúa Giêsu cũng thấy được những mê tín, hoang mang, lo sợ ấy của Philatô. Vì vậy họ tím cách nhắc ‘Philatô đừng làm mất lòng hoàng đế nếu không muốn mất địa vị. Và nhờ đó họ đã lôi kéo được Philatô. Lời tuyên bố: ‘Nếu ông thả người này, ông không phải là bạn của Caesar’ (Ga 19, 12) quả là một mối đe dọa. Cuối cùng, mối lo lắng cho sự nghiệp mạnh hơn sự sợ hãi quyền năng của Thiên Chúa’.

Liên quan đến Chúa Giêsu, người bị xét xử, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chủ đề chính trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô là vương quyền của Ngài, cũng là vương quyền và Nước của Thiên Chúa. ‘Vương quyền này được tập trung vào sự Thật’ và việc ‘khai mào cho vương quyền ấy sẽ đem lại cho con người sự tự do đích thực’.

Đức Thánh Cha cũng nêu bật rằng trong cuộc chất vấn đó, Chúa Giêu đã nói với Philatô nếu quyền lực, nhất là quyền lực quân sự, là đặc trưng của các vương quốc trần gian, thì vương quyền của Ngài không phải như vậy. Vương quyền của Ngài ‘không có thuộc hạ’, ‘không có ai chiến đấu’ và cũng ‘không gây bất kì đe dọa nào đối với sự ổn định của đế chế La Mã’.

Trái lại, Chúa Giêsu đến để sống kiếp người, tình nguyện sống với con người, chết cho con người, mang niềm vui đến cho người bất hạnh, nghèo đói và vương quốc mà Ngài loan báo và thiết lập là một vương quốc của tình yêu.

Đọc lại một vài chi tiết của vụ án ấy để thấy rằng thay vì làm sáng tỏ và bảo vệ sự thật, Thượng Hội đồng Sanhedrin lại xuyên tạc sự thật, vu cáo người vô tội. Họ làm vậy chỉ vì ghen tức Chúa Giêsu, chỉ vì họ muốn độc quyền nắm chân lý, chỉ vì không muốn nghe những lời chỉ trích của Ngài về lề luật hà khắc và thái độ, hành động giả dối của họ.

Riêng với Philatô, thay vì đón nhận sự thật, mạnh dạn bảo vệ công lý và biết tin vào quyền năng của Thiên Chúa, ông lại bị tham vọng quyền lực che khuất. Vì sợ mất quyền, mất địa vị ông đã kết án người vô tội, cho tử hình Đấng Mêsia.

Chuyện của ngày hôm nay

Và trong suốt gần 2000 năm qua, ở những mức độ khác nhau, dưới nhiều hình thức, hoàn cảnh khác nhau, những vụ án, phiên tòa xét xử những người vô tội, nghèo khổ, cô thế, cô thân, những người dám mạnh dạn nói làm chứng cho sự thật, cho công lý vẫn luôn diễn ra.

Nhiều người phải rơi vào cảnh tù đày, thậm chí bị tử hình chỉ vì tiếng nói trung thực của họ làm những người đương thời, những người có chức, có quyền khó chịu. Họ bị xét xử, kết tội, hay chịu án tử chỉ vì những công tố viên, quan tòa thay vì làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý lại đi dàn dựng, vu cáo những người vô tội hay đứng về phía kẻ có quyền hoặc sợ mất quyền, địa vị của mình.

Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, có bao nhiêu người – trong đó có 117 Thánh Tử đạo Việt Nam – đã bị giết hại chỉ vì dám sống và làm chứng cho sự thật, cho Tin Mừng.

Trong thời gian gần đây ở Việt Nam cũng có nhiều vụ án ‘liên quan đến chính trị’ không chỉ được dư luận trong nước mà nhiều tổ chức quốc tế và lãnh đạo các quốc gia quan tâm. Trong đó có vụ án liên quan đến các thanh niên Công giáo và Tin lành.

Những thanh niên này phải chịu những bán án nặng về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Với ‘tội lật đổ’ ấy, những thanh niên đó cũng bị quy kết một tội gần giống như ‘tội có âm mưu chiếm đoạt vương quyền’ mà Thượng Hội đồng Sanhedrin dàn dựng, tố cáo Chúa Giêsu năm xưa trước tòa Philatô.

Có thể nói, cũng giống như Chúa Giêsu, các bạn trẻ này không có quân đội, không có binh quyền làm sao có thể lật đổ được ai. Hơn nữa, họ cũng không gây một mối đe dọa nào đối với xã hội.

Trái lại, với những ai quen biết, tiếp xúc với các bạn trẻ này, họ là những người tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, bác ái, như hiến máu nhân đạo, giúp trẻ mồ côi, nạn nhân thiên tai hay tìm kiếm và chôn cất chu đáo các thai nhi bỏ rơi.

Chẳng hạn, bài viết Khi các chàng trai làm mẹ, được đăng vào năm 2010 và vẫn còn lưu lại trên một vài trang mạng thuộc báo chính thống của Việt Nam như Thanh Niên, đã mô tả Trần Hữu Đức – một bạn trẻ bốn người bị kết án trong phiên tòa vào tháng 5 năm 2012 – và một số bạn bè của anh là ‘những sứ giả của tình yêu’. Vì ‘mới độ tuổi mười tám, đôi mươi, nhưng các chàng trai ấy đã làm bố, làm mẹ bất đắc dĩ của hàng chục cháu bé và hàng nghìn sinh linh xấu số không được sinh ra trên đời’.

Trong một bản nhận định hôm 28/08/2012, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng nhấn mạnh rằng ‘tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt’ và luôn ‘hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội’. Và cùng lúc nêu rõ rằng việc bắt giam, điều tra, kết tội, xét xử vụ án không chỉ vi phạm Hiến pháp Việt Nam mà còn đi ngược với các Công ước Quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Và sau bản án nặng dành cho những bạn trẻ ấy trong phiên tòa tại Vinh hôm 08/01/2013, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh đã chính thức ‘phản đối bản án phi pháp và bất công’ đối với những thanh niên đó.

Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, một số quốc gia khác cũng lên tiếng chỉ trích những bản án bất công, phi lý ấy.

Việc những người vô tội phải đối diện với những bản án bất công, phi lý, phi pháp đó cho thấy ‘chuyện’ của 2000 năm trước vẫn còn diễn ra trong thế giới, xã hội ngày hôm này. Và chừng nào vẫn còn những phiên tòa, bản án như vậy, chừng đó trong xã hội vẫn còn có bi kịch.

Hoa trái của hy sinh

Nhưng những án tù nặng hay án tử đó cũng không thể dập tắt hay tiêu diệt được ý chí, niềm tin của những ai đã xác quyết và dám can đảm sống cho sự thật, cho tình yêu tha nhân, đồng loại. Hơn nữa, chính những cực hình, nhục nhã họ phải chịu lại mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng, niềm hy vọng cho người khác.

Khi phân tích về vụ án Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô nhấn mạnh rằng chính ‘trong nỗi thống khổ tột cùng của cuộc Thương khó, Chúa Giêsu trở thành hình ảnh của niềm hi vọng: Thiên Chúa ở bên những người đang chịu đau khổ’.

Nhờ Đức tin sắt đá, nhờ những chứng nhân anh dũng của bao bậc tiền nhân – trong đó có 117 vị Thánh Tử đạo – Tin Mừng mới được được bén rễ, loan tỏa và ăn sâu tại Việt Nam.

‘Vì’ 13 năm tù giam và đặc biệt những gì Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cảm nhận và sống trong những ngày lao tù biệt lập, khổ cực ấy, Đức Hồng y đã được cả thế giới cảm phục và được Giáo hội kính trọng, tôn vinh. Không chỉ thế, Đức Hồng y đã trở thành một gương sáng, một Chứng nhân hy vọng cho các tín hữu trên khắp thế giới, cho những ai yêu mến công lý, hòa bình.

Về phương diện xã hội, một cách nào đó, có thể nói những hy sinh của các thanh niên Công giáo và Tin lành cũng đang góp phần xây dựng một Việt Nam dân chủ, công bằng, bác ái, tốt đẹp hơn. Xã hội Việt Nam sẽ không có những thay đổi tích cực nếu không có những người dám mạnh dạn lên tiếng cho công lý, cho sự thật.

Nam Phi không thể loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc nếu không có một Nelson Mandela – người đã bị tù đày suốt 27 năm. Người dân Miến Điện chắc cũng không được tự do nếu không có một Aung San Suu Kyi biết hy sinh, thậm chí bỏ gạt bỏ những quyền lợi và tình cảm riêng tư để tranh đấu tự do cho dân tộc của mình.

Phải chăng khi tưởng nhớ, suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, Giáo hội và con cái mình cũng được mời gọi nhớ đến những người vô tội đang bị bắt bớ, giam cầm, tù đày và cầu nguyện để công lý được thực thi, tôn trọng?

Phải chăng bằng chính cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình, Chúa Giêsu muốn những ai đang bị bách hại vì sự thật, vì lẽ công chính thấy rằng ngay trong những lúc cùng cực nhất, cô độc nhất Ngài vẫn ở với họ, nâng đỡ họ cũng như mời gọi họ biết ‘chết’ để cùng được ‘sống lại’ với Ngài?

Xuân Lộc

Nguồn: giaophanvinh.org