Tái Khám Phá Và Vun Trồng Ơn Gọi Làm Hy Lễ Cho Giáo Hội & Các Linh Hồn

Lạy mẹ Marie de la Passion, ước chi tinh thần của mẹ, tinh thần truyền bá Phúc Âm và bác ái vô hạn, tinh thần tận hiến cho Giáo hội và cho các linh hồn, tinh thần nồng nàn sùng kính và hoạt động cho Chúa Giêsu Thánh Thể và cho Mẹ Maria Vô Nhiễm, tinh thần hăng say xả mình cho tất cả những gì là CHÂN-THIỆN-MỸ... Vâng, ước chi tinh thần đó mãi mãi sống động và bất diệt trong lòng Hội Dòng FMM.

Dịp tĩnh tâm tháng 4/2025, tôi đã sử dụng tài liệu số 5 của Ban Soạn thảo Năm Thánh Hội Dòng, để cùng với chị em trong Hội Dòng nhận ra hơi thở của Thiên Chúa qua kinh nghiệm của Chân Phước Marie de la Passion trong biến cố ngày 23/1/1861. Điều đó giúp tôi tái khám phá điều kỳ diệu nơi Hélène lúc 22 tuổi trong cuộc đối thoại huyền bí với Thiên Chúa về ơn gọi làm hy lễ : “Con có muốn chịu đóng đinh thay cho Đức Thánh Cha không ?”…. Hélène đã thưa VÂNG…. Chính trong khoảnh khắc đó, lời và tên gọi được ban xuống như một sự thánh hiến : “Maria Hy tế của Chúa Giêsu… và của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”

Tôi tự hỏi : Hélène đã sẵn sàng Thưa Vâng với Chúa ngay tức khắc nhờ vào động lực nào?

  • Bước 1 : Nhờ Kinh nghiệm được gặp Chúa trong giờ chầu Thánh Thể lúc Hélène 17 tuổi (trong tuần tĩnh tâm Hội Con Đức Mẹ): đó là suối nguồn Tình yêu mà Hélène đã nhận được trong thị kiến : “Tôi quì gối vẫn còn nguội lạnh và tư tưởng này lóe lên : ‘Ta là Đấng yêu thương con hơn con yêu thương Ta’.” Hélène được nhìn ngắm Đấng đẹp tuyệt vời, không tỳ tích vì “Ta là Đấng Vô thủy vô chung. Ta là Thiên Chúa, Tình yêu nhân hậu phát xuất từ Ta.” Kể từ giây phút ấy giữa Thiên Chúa và Hélène không thể phân ly. Hélène bị Đấng vô biên thu hút và ơn gọi tu trì đến trong tâm hồn Hélène như một tiếng sét ái tình… Mong ước này gặp nhiều trở ngại nhưng Hélène vẫn quyết tâm xác tín ơn gọi dâng hiến cho Thiên Chúa. Hélène được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa trong Thánh Thể như xưa ba môn đệ được nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Hélène cảm thấy sợ hãi và xúc động cách sâu sắc trước cách tỏ tình này vì Hélène luôn muốn yêu và được yêu.

Qua thị kiến này chính Tình yêu Chúa lấp đầy khát vọng tình yêu của Hélène. Thiên Chúa tỏ mình cho Hélène và tâm hồn Hélène rộng mở đón Người vào trong giờ chầu Thánh Thể, Hélène cảm nghiệm được lời mời gọi vĩ đại này của Chúa Giêsu. Từ lúc đó Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của lề luật mà là Thiên Chúa của Tình yêu, Chúa đã ghi vào hồn Hélène dấu ấn của Người… Hélène được tình yêu Chúa chiếm đoạt, thu hút đi tới quyết định dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Sau này Marie de la Passion xác nhận đó là giây phút mẹ được găp Chúa như Phaolô trên đường Damas. Hélène được Chúa Giêsu biến đổi, được Chúa yêu thương và được ngụp lặn trong tình yêu, trong vẻ đẹp của Tình yêu…

  • Bước 2 : Hélène vào Đan viện Clara như một thỉnh sinh và được Chúa mời gọi sống một ơn gọi đặc biệt: đó là làm hy lễ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Hélène đã cưu mang và sinh hạ ơn gọi làm Hy lễ cho Giáo Hội và cho các linh hồn từ biến cố truyền tin ngày 23.1.1861 tại Đan viện Clara Nantes được nhận tên gọi : “Maria Hy tế của Chúa Giêsu… và của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.” Sau này Mẹ nói: “Tình yêu mà con cảm nhận lúc đó mãnh liệt đến độ hầu như không thể nào chịu đựng nổi trên trần gian này, hoặc con phải chết hoặc là tình yêu ấy phải giảm bớt đi.” Như thánh Phanxicô Assisi, Hélène cảm nhận được lời kêu gọi phải đi đến một tình yêu tuyệt đối. Nhạc sĩ Ân Đức đã diễn tả điều đó trong ca khúc HY LỄ TÌNH YÊU : “Ôi lạy Chúa, ôi Tình yêu Đấng tuyệt mỹ muôn trùng, con đã mê say Tình yêu của Ngài, con đã dâng trao dâng trót cuộc đời, để con trở thành hy lễ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh ! Chúa đóng ấn tín trên con một tình yêu, Chúa đã quyến rũ tim con mời gọi theo, đường Tình yêu thập giá cao vời quá, hồn vẫn mê say, quên hết chua cay trần thế này. Đây thực sự là một ơn gọi vĩ đại…
  • Bước 3 : Năm 1864, cha Petit giới thiện Hélène vào dòng Phạt Tạ và được nhận tên MARIE DE LA PASSION (Maria Thương Khó) khi gia nhập tập viện. Sau đó chị được sai đi truyền giáo tại Madurai (Ấn Độ), được tuyên khấn lần đầu và tuyên khấn trọn đời, rồi làm Giám tỉnh lúc Marie de la Passion chỉ mới 28 tuổi. Marie de la Passion ghi lại cảm nghiệm : “Tại Ấn Độ, tôi cách xa mọi sự và rất đơn độc. Tôi cảm thấy rất trẻ con, rất nhỏ bé trước trách nhiệm ấy. Tôi òa lên khóc như một đứa con nít. Tôi không thể diễn tả được tình trạng này, tôi cảm thấy như mình bị đóng đinh thập giá. Than ôi, tôi đi vào một vực thẳm đau thương!” Việc đào tạo các nữ tu Dòng Thánh Anna Ấn Độ cũng là một thánh giá nặng nề ; và đối ngoại với các cha Dòng Tên thực là một thách đố ! Thật tội nghiệp cho một Giám tỉnh trẻ tại miền truyền giáo.

Marie de la Passion bị bệnh tim năm 1875, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không tác động đến ý chí từng được nuôi dưỡng bằng một đời sống thiêng liêng sâu đậm... Cha Semennenko SJ nhận xét : “Marie de la Passion là một nữ tu tốt, một bề trên tốt vừa là một người phụ nữ có khả năng hoạt động mà còn rất thánh thiện, có một nhân cách mạnh mẽ…” Ngày 22.1.1876 bị cất chức Giám tỉnh và làm BT cộng đoàn Octacamund… Tháng 5/1876 có 20/33 nữ tu rời dòng Phạt Tạ đến ở chung quanh Marie de la Passion. Do bị hiểu lầm, dù tình trạng sức khỏe rất kém, ngày 25/11/1876 Marie de la Passion đi Roma cùng với hai nữ tu ly khai sau 11 năm đối diện với những khó khăn trầm trọng, và được Đức Thánh cha Piô IX cho lập dòng mới THỪA SAI CỦA MẸ MARIA (6/1/1877). Với kế hoạch sống mô phỏng theo dòng Phạt Tạ nhưng hướng về hy lễ và thừa sai cho lương dân.

  • Bước 4 : Năm 1883 bị Tòa Thánh cất chức BTTQ như Anne de Gestin viết : “Marie de la Passion phải chịu thử thách, bị chà đạp, cực khổ trăm bề và chị em cùng chịu một số phận…” tháng 4/1884 Marie de la Passion được phục hồi chức BTTQ, một vực thẳm được lấp đầy ! Những yếu tố này làm cho sức khỏe của Marie de la Passion vốn đã suy yếu nay càng suy yếu thêm, nhưng thời gian này cũng là một cơ hội để Marie de la Passion đạt tới sự trưởng thành thiêng liêng trong việc khám phá ra “cách làm đẹp lòng Tình yêu” qua những khổ đau và thách đố, kinh nghiệm này là một kinh nghiệm thần bí…

Như vậy, Marie de la Passion đã sống và khai mở ơn gọi Hy lễ trong 22 năm với sự phân định trong Thần Khí. Nhiều lúc Marie de la Passion bị cám dỗ bỏ cuộc, nhưng ánh sáng Chúa Thánh Thần lại dẫn dắt Marie de la Passion trải nghiệm và hình thành rõ nét ơn gọi làm Hy lễ. Marie de la Passion đã xác tín : “Chúa chính ánh sáng cho con dầu là đêm. Thánh ý Chúa muốn chọn con là bạn thân ! Ngài dìu con đi tới đỉnh núi : làm lễ hy sinh, tuyệt đối trung trinh một mối tình.” (Lời bài hát Hy Lễ Tình Yêu, Nhạc sĩ Ân Đức).

Marie de la Passion đã cưu mang và hình thành một Ơn gọi vĩ đại đó là ơn gọi làm hy lễ cho Giáo Hội và cho các linh hồn; gồm đời sống kết hiệp trong đau khổ liên lỉ bên ngoài cũng như bên trong:

  • Thiên Chúa hỏi ý kiến của Hélène trước : “Con có muốn chịu đóng đinh cho Đức Thánh cha không?” Hélène đã chấp thuận và Chúa đã thể hiện như Hélène ước mong, mẹ đã trải nghiệm ơn gọi này trong đau khổ (đọc tâm sự của mẹ viết cho cha Raphael, tài liệu số 5). Chính ý chí mạnh mẽ và kiên cường được đâm rễ sâu trong Tình yêu giúp mẹ luôn bình tâm trong đau khổ, nhất là trong thời gian bị cất chức 1883-1884. Mẹ rất thiết thân với việc cầu nguyện và chịu đau khổ, luôn khao khát CHÂN-THIỆN-MỸ trong nhẫn nhục và phó thác. Mẹ xác tín : “Thiên Chúa là kho báu quý giá của tôi”.
  • Nỗi đau khổ cao độ của Marie de la Passion dường như liên tục trong suốt cuộc đời (chỉ ngưng nghỉ một vài giờ trong đêm khuya). Trong lúc chịu đau khổ, Marie de la Passion vẫn bình tâm, sống hòa đồng với mọi người, mẹ giữ kín bí mật cho riêng mình và cha giải tội mà thôi.
  • Marie de la Passion luôn nằm trên Thập giá, mẹ nói : “Đây là một điều kỳ lạ trong đời tôi; những thử thách lớn lao nhất của tôi sẽ luôn ở trong tôi, vì chúng chỉ được thấy và cảm thông bởi một mình Thiên Chúa và tôi mà thôi.”
  • Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá trong ba giờ còn Marie de la Passion bị treo trên thập giá suốt cả đời mình, nhờ niềm an ủi sâu thẳm trong lòng mẹ đó là niềm tin sống động của mẹ đối với Thiên Chúa và ân sủng của Chúa giúp mẹ can đảm chịu đựng vì tình yêu : Ơn Ta đủ cho con, chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh… (X. 2Cr 12,9).
  • Thiên Chúa dành cho Marie de la Passion thập giá của núi Calvê, như Người đã dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria với 2 bình diện:

- Thập giá bên ngoài : một sức khỏe không tốt do bệnh tật, phải lo toan các công trình của Hội Dòng với những lao nhọc và thách đố...

- Thập giá bên trong do những chống đối và những giải thích ác ý, những lời vu khống, bị sỉ nhục…

  • Marie de la Passion đã uống cạn chén đắng này đến nỗi đôi lần mẹ đã kêu gào với Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ rơi con ?” (Mt 27,46)
  • Marie de la Passion là người hành hương hy vọng giữa bóng tối thập giá để khai mở ơn gọi hy lễ cho Hội Dòng hôm nay.

Mẹ Jehane d’Arc đã xác định : Marie de la Passion thành lập một Hội Dòng làm hy lễ cho Giáo Hội và các linh hồn. Đó là con đường đặc thù được Thiên Chúa mạc khải cho Marie de la Passion, mẹ đã hiên ngang tuyên bố : “Hội Dòng không phải là công trình của tôi mà là công trình của Thiên Chúa.” Vì Hội Dòng được đặt nền tảng trên thập giá và Hội Dòng tăng trưởng trong thử thách gian nan nên Hội Dòng đã được Thiên Chúa chúc lành.

Theo Đức cha NOEL GUBBES nhận định (xem Đời Sống Nội Tâm Của CP. Marie de la Passion trang 88-98): làm Hy lễ là điểm cơ bản – là dấu ấn riêng biệt – là lẽ sống của Hội Dòng. Chịu đau khổ với Chúa Giêsu cho các linh hồn, chịu đóng đinh với Chúa Giêsu là ơn gọi FMM. Qua Hội Dòng, Chúa Giêsu muốn biến Đoàn sủng Hy lễ thành một ơn gọi thường xuyên trong Giáo Hội. Sự nghiệp đặc thù FMM là làm hy lễ bằng cách vun trồng các điều sau:

  • Chịu đựng cách kiên trì những thập giá nhỏ bé,
  • Sống kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đau khổ,
  • Xác tín rằng Chúa Giêsu yêu thương tôi và muốn tôi yêu Ngài ngay cả trong đau khổ.
  • Tận hưởng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn,
  • Làm việc và hoạt động cho Chúa Giêsu,
  • Sống từ bỏ vì Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu và các linh hồn,
  • Mỗi FMM được mời gọi tự hiến chính mình cho Chúa Giêsu để “phục vụ và đau khổ với Chúa Giêsu cho Giáo Hội và góp phần cứu rỗi con người.”

Đây là một ơn gọi cao cả mà Chúa Giêsu muốn FMM giữ vai trò cơ bản trong Giáo Hội. Hai điểm mạnh của ơn gọi làm hy lễ :

  1. Bên ngoài : tinh thần thừa sai, FMM hoạt động liên lỉ với Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.
  2. Bên trong : với tư cách là hy lễ, FMM hiến mình cho Chúa Giêsu hoàn toàn, không do dự trong tinh thần Phan sinh; là vui tươi, tin tưởng, phó thác và luôn bình an trong Chúa.

Xin mượn lời của Leon de Kerval để Cầu nguyện với MSL :

“Lạy mẹ Marie de la Passion, ước chi tinh thần của mẹ, tinh thần truyền bá Phúc Âm và bác ái vô hạn, tinh thần tận hiến cho Giáo hội và cho các linh hồn, tinh thần nồng nàn sùng kính và hoạt động cho Chúa Giêsu Thánh Thể và cho Mẹ Maria Vô Nhiễm, tinh thần hăng say xả mình cho tất cả những gì là CHÂN-THIỆN-MỸ... Vâng, ước chi tinh thần đó mãi mãi sống động và bất diệt trong lòng Hội Dòng FMM.

Ước chi gương can đảm của mẹ, hình ảnh diễm phúc của mẹ và lời cầu bầu của mẹ nơi Đấng nay là phần thưởng của mẹ, mãi mãi khơi dậy trong thế giới này những tâm hồn như mẹ, những tâm hồn can trường và mạnh mẽ, dịu dàng và khắc khổ, mang thương tích của Tình yêu Chúa là Tình yêu đã làm nên những tâm hồn như thánh Phanxicô Assisi, người cha và gương mẫu của mẹ.

Xin cho con biết noi gương mẹ sống ơn gọi Hy Lễ cách triệt để trong niềm tín thác… Amen.”

Anne-Marie Lý, fmm.