Mỗi người khi sinh ra và trưởng thành ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh và có một tương lai tươi sáng. Nhưng không phải người nào cũng có được sự may mắn ấy. Có người giàu, kẻ nghèo, người khỏe mạnh, người ốm đau bệnh tật,… Nhiều người dẫu cuộc đời có muôn vàn khó khăn, thử thách, vẫn luôn sống thật mạnh mẽ, có ý chí vượt qua mọi nghịch cảnh, vươn tới điều tốt đẹp nhất. Tôi đã may mắn được gặp một trong số họ khi ngang qua cầu Thanh Đa - con đường mà tôi đi học lớp Thần học hằng ngày.
Mỗi buổi chiều đi học về, đến cầu Thanh Đa, vừa đạp xe vừa nhìn thoáng qua bên kia đường, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi bên vệ đường. Anh có thân hình gầy gò, ốm yếu, trên mặt có một cái bướu rất to, chân bị dị tật không thể đứng lên được. Anh đang ngồi trên cầu bán vé số, bên cạnh là một chiếc dù dùng để che nắng oi bức và còn đề phòng trước những cơn mưa bất ngờ của Sài Gòn. Hằng ngày, vào mỗi buổi chiều, anh ngồi đó để bán vé số, mong kiếm tiền để sinh sống. Những chiếc ô tô, xe máy vẫn tấp lập ngang qua anh. Nhìn thấy anh, trong lòng tôi tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn. Một chút cảm thương khi nhìn thấy khuôn mặt bị biến dạng của anh, có khi ngạc nhiên bởi chính sự cố gắng vươn lên khỏi nghịch cảnh. Hình ảnh của anh ở lại trong tâm trí tôi và khiến cho tôi suy tư nhiều điều.
Nhìn người đàn ông đó, tôi cảm nhận được sự mất mát, đau đớn. Nhưng anh không nản lòng. Anh cảm nhận được những khó khăn gian khổ trước mắt. Gạt bỏ những cái nhìn ái ngại, tự ti về bản thân, gạt bỏ đi những lời nói dèm pha, và tiếp tục sống. Anh bán những tấm vé số để kiếm những bát cơm, manh áo, để anh không là gánh nặng cho người khác. Đó là một ý chí vươn lên để sinh tồn. Sống để cảm thấy cuộc đời luôn cần có ta, để cảm thấy ta không thừa thãi ở trên đời. Sống là hi vọng, là ước mơ về một ngày mai tươi sáng. Để cuối cùng của sự khổ đau gian khổ là hạnh phúc, là sự thành công.
Một trong những yếu tố đưa đến sự thành công của họ chính là một tinh thần lạc quan, yêu đời, luôn cảm thấy mình có ích cho cuộc sống. Sự lạc quan của anh là một điều tôi cần học hỏi. Nhìn anh và nhìn lại con người mình, tôi bỗng thấy giật mình. Bởi lẽ, tôi được sinh ra là một con người lành lặn thế mà có những lúc tôi ít để ý đến và cám ơn Chúa về điều đó.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình cũng không mấy khá giả. Tôi nhận thấy mình chẳng có khả năng gì vượt trội, học hành cũng chỉ ở mức trung bình nên từ khi đi vào nhà dòng, trong tôi rất tự ti mặc cảm về điều đó. So sánh mình với người khác và nhiều lúc thấy mình vô dụng. Có những lúc tôi trách móc Chúa “tại sao Chúa lại không cho con điều này điều kia, sao con lại không có khả năng như người khác.
Tôi hay bận tâm về những cái tôi không có và suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Hình ảnh người đàn ông dị tật giúp tôi nhận ra rằng tôi đã bỏ phí thời gian vào những suy nghĩ vô ích mà quên đi những gì Thiên Chúa đã ban cho tôi, để tôi dâng lời cảm tạ Chúa qua những ân ban. Nhìn ra giá trị mà Chúa dành cho tôi, giúp tôi cố gắng hơn để hoàn thiện con người mình mỗi ngày, tự tin hơn. Được sống trong nhà dòng, mỗi ngày tôi cảm nhận điều đó sâu sắc hơn. Tôi được các chị đồng hành, chữa lành những vết thương trong con người nội tâm của tôi; chỉ cho tôi nhận ra tôi có giá trị như thế nào trước mặt Chúa.
Trong đời sống cộng đoàn, có những lúc tôi đã để những lời nhận xét, đánh giá của người khác làm tổn thương đến bản thân và dằn vặt mình về những lời nhận xét đó. Đó cũng là “cái dằm” mà tôi phải chiến đấu trong đời tu của mình nhưng nhờ sự chiến đấu đó, tôi có được sự tự do, thong dong và sống hạnh phúc hơn. Tôi cầu xin Chúa cho tôi biết trân quý những gì Chúa ban và ước ao sống đúng với phẩm giá mà Chúa đã đặt để trong tôi. Mỗi một con người sinh ra đều có giá trị như nhau trước mặt Chúa. Tất cả mọi người là con cái của Chúa và được Chúa thương yêu. Cho dù ai đó như thế nào đi chăng nữa, nhưng trong mắt Chúa họ vẫn là đẹp nhất. Xác tín với điều đó, giúp tôi nhìn lại bản thân mình và sống cuộc đời hoán cải.
Là con người, ai mà không biết đến đau khổ và phải nếm mùi khổ đau. Đau khổ đã gắn liền với thân phận con người. Không lấy đau khổ làm phương châm sống, cũng không khuyến khích người ta đi tìm đau khổ, nhưng muốn mọi người biết đón nhận, thánh hóa và biến nó thành của lễ dâng lên Thiên Chúa. Đức nguyên Giáo hoàng Benêđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger, ngài cũng nói: “Niềm tin không đi tìm đau khổ, nhưng nếu không có khổ nạn, sự sống không đạt được sự trọn vẹn, bị đóng cửa trước sự viên mãn của mình.”
Đối với tôi, nỗi đau trên thân xác của Người đàn ông dị tật bán vé kia là một hy lễ tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa. Anh đã đón nhận đau khổ như là phương thế kết hợp con người với Đức Kitô, Đấng đã dùng đau khổ và sự chết để tôn vinh Thiên Chúa Cha như trong thư thứ 2 gửi tín hữu Corintô: “Chúng ta mang trong thân xác mình sự chết của Đức Kitô, để sự sống của Người có thể được biểu hiện nơi thân xác chúng ta" (2Cr 4, 10). Trong thư gửi tín hữu Ephêsô, Thánh Phaolô còn cho thấy rằng mỗi khi bằng lòng nhận các yếu đuối một cách quảng đại và anh hùng, người Kitô hữu sẽ lớn lên tới mức trưởng thành trong Đức Kitô (Ep 1, 23).
Qua bệnh hoạn tật nguyền của mình, người đàn ông đã bù đắp trong thân xác mình "những gì còn thiếu trong những đau khổ Đức Kitô chịu vì Nhiệm thể Người là Hội thánh" (Cl 1, 24). Anh là hình ảnh và là dấu chỉ của Chúa Giê-su. Những nỗi đau anh đang mang lấy là của lễ hy sinh dâng lên Chúa và trở nên nguồn cứu độ cho người khác. Những dị tật của anh, anh mang vác nó suốt cả đời người nhưng anh không hề kêu ca hay oán trách. Nhìn lại mình, so sánh với anh tôi cảm thấy mắc cỡ. Vì trong cuộc sống, tôi rất thích sự tiện nghi và sự thoải mái. Khi có một chút khó khăn là tôi trách móc Chúa, chán nản và muốn bỏ cuộc. Anh là niềm động lực cho tôi, để tôi biết đón nhận những sự kiện, biến cố Chúa cho phép xảy ra trong đời của mình.
Mặc dầu đời có những khó khăn thử thách, nhưng tôi tin trong mọi sự đều có những viên ngọc mà Chúa đã đặt để. Tôi tin tưởng rằng, những lần tôi dâng những hi sinh, những lần tôi đón nhận những biến cố xảy ra và làm theo thánh ý Chúa đó là những hy lễ dâng lên Chúa để cầu nguyện. Từ đó giúp tôi có bình an nội tâm, niềm vui trong cuộc sống, giúp tôi sống đức tin của mình mỗi ngày thêm vững mạnh hơn.
Là một nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, phục vụ công cuộc phúc âm hóa với sứ mạng truyền giáo để đem Tin mừng cho người nghèo khó; đến với những người, những nơi nghèo khổ nhất đó chính là ơn gọi thừa sai của toàn thể dân Chúa. Hình ảnh của người đàn ông như một lời nhắc nhở và thúc dục tôi ý thức hơn ơn gọi thừa sai của mình, giúp tôi thanh luyện động cơ đi tu của mình. Đời tu giúp tôi khám phá ra rằng, tôi đi tu không phải là đi tìm nơi an toàn cho mình, không phải để mình được sung sướng hay để được tiện nghi. Tôi dâng hiến đời sống tôi cho Chúa để phục vụ Chúa và tha nhân.
Tôi bớt quy hướng về mình và biết hướng về những người khác đặc biệt những người khổ đau. Khi tôi phục vụ, giúp đỡ họ chính là tôi đang giúp Chúa Kitô. Ngài hiện diện trong hết thảy mọi người và Ngài muốn mọi người cộng tác vào chương trình của Ngài. Và với những người thiệt thòi như vậy, họ rất cần sự tôn trọng, cảm thông, sẻ chia, sự giúp đỡ của cộng đồng để có thể hòa nhập với cuộc sống hằng ngày. “Như Đức Giê-su, chúng ta muốn đến cùng mọi người, với một tấm lòng khiêm nhu, sẵn sàng học hỏi và nhận lãnh cũng như trao ban, trong cùng một thái độ tôn trọng, chấp nhận mỗi người như một nhân vị, cởi mởi và phục vụ” (Hiến Pháp điều 39).
Con cám ơn Chúa đã tạo dựng nên con. Xin cho con có một trái tim đủ lớn để biết quan tâm, để ý đến những người đi ngang qua cuộc đời con. Xin cho con biết chia sẻ, cảm thông với những người thiếu may mắn. Xin Chúa ban cho người đàn ông bị dị tật cũng như bao người đang chịu những nỗi đau về tinh thần hay thể xác biết vững tâm và tin vào tình thương của Chúa. Con xác tín rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này là chương trình, kế hoạch yêu thương của Chúa. Mỗi một con người đều hữu dụng. Xin giúp con sống trọn vẹn giây phút hiện tại mà Chúa ban. Xin cho con biết cho đi, phục vụ người khác vì khi cho đi chính là lúc con nhận lãnh. Xin Ngài gìn giữ phẩm chất cao quý nơi mỗi người, để mỗi người làm sáng danh Chúa trên cõi đời này.
Anna Hợp Nguyễn, FMM