“ Địa đàng là nỗi nhớ, là ước mơ”
Nhớ thời Covid, nhớ cơn đại dịch đau thương… nhớ tình nghĩa của con người vào thời điểm đặc biệt, trân trọng sự sống… khát vọng được yêu thương, được liên đới, lòng quảng đại chia sẻ. Tình thương con người dành cho nhau… thật đẹp! Bầu khí ân phúc lộ ra. Tình thương bắt nguồn từ sự trân trọng sự sống của con người, tôn trọng phẩm giá của mọi người, cội nguồn tương quan của anh chị em với nhau. Bầu khí ân phúc biểu lộ qua niềm vui của sự tương trợ, chia sẻ cách quảng đại, niềm vui của những món quà được nhận miễn phí trên đường đèo… Chúng ta cảm nghiệm sinh lực mới, một sự đồng hành của Thiên Chúa cho hành trình tiếp theo.
Cộng đoàn thánh hiến sống trước thời Cánh chung, thể chế ân phúc. Xác tín dòng chảy của lịch sử, dòng chảy của ơn cứu độ.
Ba tầng giá trị: giá trị thể lý, giá trị tinh thần, giá trị siêu hình. Trong mỗi biến cố của đời sống đều có ba giá trị này, nhưng không dễ gì chúng ta khám phá được chân lý của thực tại. Nói về niềm vui, ta có thể thấy ba thứ vui:
- Vui khi người khác thua mình, khổ hơn mình (niềm vui của quỷ)
- Vui vì ta thăng tiến bản thân (niềm vui của người)
- Vui vì ta làm cho người khác vui (niềm vui của Chúa). Đây là giá trị siêu hình, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, thấy được bản chất của mình trong tình thương.
Chúng ta cần nhận ra chân lý trong những vấn đề căn bản của đời thường. Khi bị lệch lạc thái độ sống sẽ làm lệch lạc vận mạng của chúng ta. Tương quan xã hội là “phòng khám” chứ không phải là “phòng thi”. Chơi các trò chơi không phải là thắng hay thua nhưng là niềm vui vượt thắng chính mình. Chúng ta luôn nhận ra tất cả những gì chúng ta có là do ơn Chúa ban. Hồng ân lớn lao nhất là Chúa ban chính bản thân Chúa, tạ ơn vì có chính Chúa. Khi biết lãnh nhận nhưng không thì cũng biết cho đi nhưng không. Nguyên lý phúc lộc là cho đi, khi lãnh nhận với lòng tri ân.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh 'misericordia', lòng thương xót là một đặc tính của Thiên Chúa, một ưu phẩm tuyệt vời nhất của Ngài. Thiên Chúa không chỉ mặc khải như là “Đấng tự hữu” mà còn là “nhân hậu và từ bi”. Trong Tân ước, lòng thương xót được biểu lộ cụ thể nơi Đức Giêsu. Trong ngôn từ của ĐGH Phanxicô thì lòng thương xót nói lên chính mầu nhiệm Thiên Chúa.
Mắc nợ nghĩa tình là động lực chính yếu trong mạch ân phúc, là sức mạnh của dòng chảy ân phúc. Nhân gian thường nói “bánh ít đổi đi, bánh quy đổi lại”, khi cho đi một vật gì là biết chắc mình sẽ nhận lại được một vật khác, một hiệu ứng tâm lý, "có qua, có lại”. Nhưng đối với cộng đoàn thánh hiến, chúng ta không thể sống trong sự “công bằng”, “sòng phẳng” như thế. Chúng ta tập hy sinh thêm một tý, tập văn hóa tự nguyện, sự trao tặng tự nguyện vì cảm nhận được ân phúc Chúa ban cho mình quá nhiều. Mình mắc nợ Chúa quá nhiều nên dễ dàng để trao tặng, đắp đổi, khi cảm nhận lời ngỏ thân tình Chúa dành cho mình và hành động của Chúa trong đời mình. Suy niệm Cv 2: 42-46; 4: 32-34.
Marie Antoine Duyên Hường, FMM ghi nhận.