Khó nghèo: nẻo đường âm tính
Căn bệnh trầm kha nhất của nhân loại, của Giáo hội, của đời sống thánh hiến…chính là “bệnh ưu tuyển”. Nguyên nhân chính của căn bệnh này là “tội tổ tông”, con người bị cắt đứt nguồn mạch phúc lộc của Chúa nên tự mình xoay sở, thăng tiến, so sánh hơn thua…Căn bệnh ưu tuyển làm lệch hướng nẻo đường “âm tính”, vốn là “môi sinh” căn bản để có thể đi vào tương quan tình yêu. Con đường nghèo thì càng có khả năng lãnh nhận. Bản chất của tình yêu không thể có trong “văn hóa giành giựt”, “văn hóa trao đổi”. Tình yêu chỉ có thể sống trong môi sinh “trao tặng”, vì tình yêu là sự trao tặng và đón nhận chính ngã vị, với một phẩm giá vô giá mà người ta chỉ có thể trao tặng và lãnh nhận với lòng tri ân.
Ơn cứu độ đặc biệt dành cho những người “bé mọn”. Chúa Giêsu Kitô đã phục hồi “đề án cứu độ” thuở ban đầu bằng giáo huấn, bằng sự chứng thực của Thần Khí, bằng những lời nói. Nhưng chúng ta vẫn không thấy những dấu vết của nẻo đường “những người rốt hết sẽ nên đầu hết” trong đời sống Giáo hội. Ta thấy tràn ngập những hệ lụy của căn bệnh ưu tuyển trong đời sống Giáo hội, trong đời sống cộng đoàn thánh hiến…
Bài giảng trên núi được Đức Giêsu công bố gọi là Tám mối phúc, được gọi là hiến chương Nước Trời. “ Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Chính nhờ Thần khí tác động trên thần trí của mình để nhận ra cái nghèo của mình, con đường âm tính để đi vào sự phong phú của Thiên Chúa. Tâm hồn nghèo khó là mối phúc chính yếu, tóm lược toàn bộ các phúc khác…
Khiết tịnh: nẻo đường tôn trọng
Nữ văn sĩ Françoise Sagan với tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi!” (1954), một hiện tượng trong văn học Pháp hậu chiến, yếu tố tình dục xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, sự vật hóa tình dục, không có gì ấm ĩ cả…đây là một trào lưu giải phóng tình dục.
Tiếp theo là tác phẩm truyện ngắn của Bs Đỗ Hồng Ngọc, Real Romantic ra đời. Các tài liệu sách báo phim ảnh thay vì dạy cách làm tình như trước đây thì bây giờ tập trung dạy tiết dục, nhịn, kiêng tình dục. “101 ways to say No to sex”, (101 cách nói không với sex!) Trước đây người ta làm phim khai thác tình dục để thu hút giới trẻ, nay người ta làm phim và quảng cáo real romantic mới mong có khách.
“Thần học về Thân xác “ của ĐGH Gioan Phaolô II, đổi hướng quy thân xác về Nguồn và Cùng Đích của nó. ĐGH nói rằng “con người trở thành hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thưở ban đầu”. Nếu tình yêu hôn nhân không phản ánh tình yêu tự hiến và hy hiến của Thiên Chúa, con người sẽ không có được sự chung thủy và hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình. Ngài đề cập đến tình trạng cô đơn nguyên thủy của Adam, hiệp nhất nguyên thủy giữa Adam với Eva, sự trần truồng nguyên thủy (trần truồng và không xấu hổ), sự xấu hổ nguyên thủy. Xấu hổ thay thế lòng tin kết nối với sự ngây thơ ban sơ. Ngài đưa con người trở về với ý nghĩa ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình.
Cha Giuse nhấn mạnh lời khấn khiết tịnh tỏ lộ trong lãnh vực phái tính, nhưng không giới hạn trong lãnh vực phái tính. Khiết tịnh là một phương thức nhân hóa tương quan con người với nhau, nền tảng sâu xa của đức khiết tịnh chính là sự tôn trọng.
Chúng ta tìm lại sự tôn trọng nhau từ tính ngôi vị chứ không phải do tài năng, đức độ. Theo Thánh Thomas Aquino, Thiên thần bản mệnh bảo vệ ta khỏi mọi nguy hiểm tinh thần, thể lý. Niềm tin này xuất phát từ Kinh thánh “Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91: 11-12). Mỗi người từ khi sinh ra có sự giúp đỡ của Thiên thần bản mệnh “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này, quả thật, Thầy nói cho anh em biết các Thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10). Thiên thần bản mệnh được ủy thác để canh giữ, bảo vệ phẩm giá con người, hướng con người tới điều thiện hảo. Thánh Thomas được mệnh danh là tiến sĩ về nhân bản, tôn trọng ngôi vị.
Thái độ khiết tịnh cũng là thái độ chấp nhận văn hóa nghèo ở mức độ tương giao con người, một sự chân nhận cái nghèo của chính ngã vị. Chúng ta cảm nhận mình quá nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Do đó chúng ta luôn sống trong nỗi sợ nằm sâu xa trong thân phận làm người. Điều này khiến chúng ta luôn xao xuyến, sống trong tâm thức mặc cảm phòng vệ…
Người ta thường giải quyết nỗi sợ bằng thứ quyền lực nhằm thống trị, đàn áp…nhưng sâu xa là nhằm xoa dịu nỗi sợ của chính mình. Cách giải quyết này không hợp với chân lý về con người, giống như nhà độc tài càng muốn củng cố quyền lực của mình cho lớn hơn để an toàn hơn nhưng vẫn thấy bị đe dọa, nên càng phải gia tăng quyền lực hơn nữa mà không bao giờ thực sự an toàn.
Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn thánh hiến chỉ có thể có được trong môi sinh của đức khiết tịnh, nghĩa là trong bầu khí một cuộc vượt qua tính sự vật để đạt đến sự tôn trọng chính huyền nhiệm ngã vị nơi chị em, không mở con đường quyền lực, không hành động theo chuẩn mực “thắng-bại”, “hơn-thua”. Suy niệm Mt 18: 10-11
Vâng phục: nẻo đường siêu việt
Việc quản trị có thể theo thể chế dân chủ hay quân chủ. Giáo hội là một mầu nhiệm và quyền bính đến từ Thiên Chúa. Đường lối quản trị theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang đều có thể hoàn thành sứ mạng khi có Chúa hiện diện và làm chủ cộng đoàn.
Đức vâng phục thuộc tương quan ngã vị. Đức vâng phục xác định cấu trúc một thể chế của cộng đoàn, nghĩa là lãnh vực chính trị và xác định tính toàn vẹn của tương quan Kitô giáo. Chúng ta lấy việc tìm ý Chúa là nền tảng cho đời sống “chính trị” của con người. Chúng ta nên có thái độ lắng nghe, buông mình cho chân lý dẫn dắt đời mình. Thái độ để cho chân lý chiếm hữu chúng ta, để cho Chúa là chân lý dẫn dắt đời sống cộng đoàn, buông mình để Chúa làm chủ, nhận ra chúng ta luôn cần có chị em ngay cả những khi sai sót là chúng ta sống sự vâng phục qua thái độ lắng nghe.
Marie Antoine Duyên Hường, FMM ghi nhận.