Tông huấn Vita Consecrata cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về đời sống thánh hiến, được trình bày theo 3 lãnh vực: Nhân học, công bố chân lý của Chúa, Cánh Chung. Ba lời khuyên Tin Mừng nhìn trong khía cạnh nhân học: khó nghèo - kinh tế, khiết tịnh - tình yêu, vâng phục - chính trị. Đây là ba khía cạnh chính yếu của đời sống chúng ta, người sống đời sống thánh hiến cần tỏ lộ vừa kinh nghiệm thần bí vừa kinh nghiệm ngôn sứ.
Kinh nghiệm thần bí cần được nuôi dưỡng, gẫm suy Lời Chúa, sự thánh hiến dựa trên sự thánh hiến do bí tích Thánh Tẩy, dẫn vào đời sống mới trong Chúa Thánh Thần. Bí tích Thánh tẩy là khởi đầu và kéo dài sự hiệp thông với Thiên Chúa, dẫn vào đời sống trong Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm ngôn sứ qua cách thế đặc biệt đi theo Chúa Giêsu qua việc giữ 3 lời khuyên Phúc âm; cảm nghiệm được Chúa Giêsu đồng hành, hiện diện trong lịch sử cả tích cực lẫn tiêu cực.
Kinh nghiệm ngôn sứ là luôn tìm kiếm cách thế để Nước Trời được thể hiện trần gian này qua những gì chúng ta có và chúng ta là để phục vụ, phát triển linh đạo hiệp thông trong đời sống cộng đoàn, loan báo giá trị tình huynh đệ Kitô giáo. Kinh nghiệm thần bí và kinh nghiệm ngôn sứ luôn phải có, nếu không chỉ là đạo luân lý, nhưng không, chúng ta là đạo cứu độ, Chúa luôn dẫn dắt chúng ta trên con đường. Làm thế nào chúng ta biểu lộ lời chứng Thiên Chúa ở trong cuộc đời chúng ta.
Có 2 dạng trong đời sống cộng đoàn thánh hiến: đạo đức đáng kính, tâm linh dễ thương. Những chị em dạng “đạo đức đáng kính” ta cảm thấy đáng sợ. Họ không nhận ra chính mình cũng có những thiếu sót. Chúng ta không cảm nhận lòng thương xót của Chúa nơi họ. Những chị em dạng “tâm linh dễ thương” luôn thể hiện giá trị nền tảng của nhân bản Kitô giáo, biểu lộ sự khiêm tốn, tri ân, bao dung, liên lụy…
Việc nối kết 2 chiều kích thần bí và ngôn sứ làm lộ ra ý nghĩa căn bản của sứ mạng Kitô giáo là trở nên lời chứng cho tác động cứu độ của Thiên Chúa. Trước đây người ta đề cao nguồn mạch “giáo huấn” của các giáo sĩ và nguồn mạch “gương sáng” của các tu sĩ mà bỏ qua nguồn mạch lời chứng. Chỉ sau CĐ Vatican II và nền thần học sau đó, Giáo hội mới tìm lại được nguồn mạch lời chứng. Khi chưa cảm bằng con tim, chưa có kinh nghiệm cá vị thì những lời giáo huấn, rao giảng của chúng ta chưa có thu hút.
ĐGH Phaolô VI đã khẳng định rằng con người ngày nay cần và nghe chứng nhân hơn thầy dạy và nếu họ nghe thầy dạy là vì thầy dạy ấy cũng là chứng nhân. Lời chứng chính yếu làm chúng ta triển nở bản thân trong 3 khía cạnh cơ bản: Khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục. Khi chúng ta sống nhân học đời sống thánh hiến là sống trọn bản thân mình, cho hết bản thân mình với 3 lời khuyên Phúc âm. Nhờ Chúa mà tôi có thể yêu thương anh chị em, nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, nhận ra cái giới hạn của mình và khám phá quyền năng của Chúa, chính Chúa thực hiện trong tôi điều này, điều kia...
Khi quên lãng nguồn mạch chứng tá, đời sống cộng đoàn hay đi vào tình trạng so sánh hàng ngang; tìm và đặt hy vọng nơi những mẫu giỏi dang (giáo huấn), mẫu thánh thiện (gương sáng) bằng tài năng riêng chứ không nhận ra những dấu chỉ tác động cứu độ của Chúa, đặc biệt là những người “nghèo” trong cộng đoàn. (Suy niệm Mt 5: 13-16).
Khó nghèo: nẻo đường âm tính
Lão Tử giải thích rất hay về triết lý “vô dụng”. Nhồi đất sét để làm chén bát nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Chúng ta tưởng cái “có” có lợi mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu dụng.
Nhà triết học Hy lạp phương Tây Socrates tuyên bố, “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi suốt đời: “Hãy biết chính mình!”. Socrates khám phá bản thân và càng khám phá, ông càng nhận ra rằng sự hiểu biết của ông là hữu hạn.
Chúng ta cần ngồi đúng chỗ, không ngồi nhầm lớp, là người phàm mà đòi là thần thánh, chưa biết được hết, phải đi tìm. Philosophia có nghĩa tiến gần các sự vật nhờ nắm bắt và hiểu, được đồng hóa với kiến thức tổng quát, yêu mến sự khôn ngoan.
Động lực là âm tính, âm tính là mở ra, là khao khát. Tôi sẽ có tất cả nếu tôi không có gì. Anawim nói đến thái độ khiêm tốn, cúi mình xuống trước mặt thiên hạ và Thiên Chúa. Giáo Hoàng Benedicto XVI, phát biểu ngày 15/2/2006: “..từ 'anawim' nói tới những tín hữu tự ý thức mình là “nghèo”, từ bỏ mọi thần tượng về giàu có và quyền lực, mà còn ở tính khiêm nhường sâu xa của tâm hồn biết trống rỗng trước cám dỗ của lòng kiêu ngạo, để mở lòng cho ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tràn vào”. Nội dung của từ 'anawim' được diễn giảng trọn vẹn trong kinh Magnificat của Mẹ Maria. Anawim là một tâm hồn khiêm cung đón nhận Thiên Chúa, cảm nhận Chúa là tất cả.
Trong lịch sử cứu độ, anawim là những người tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa trong tinh thần nghèo. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (Cr 12:10), thánh Phaolô cho thấy tôi mạnh là do ơn Chúa, do con người đức tin. Đây là cách sống vận mạng con người cách chân chính nhất. (Suy niệm Mt 5: 1-11).
Marie Antoine Duyên Hường, FMM ghi nhận.