Mỗi người chúng ta có 3 cuốn sách: Bên trên- cuốn sách của Chúa - đức tin; Bên trong - cuốn sách tư tưởng, lý trí con người; Bên ngoài - cuốn sách thực tại, chân lý.
Bên trên: từ tự nhiên đến siêu nhiên
Bên trong: khác biệt và hiệp nhất
Trong tác phẩm “Tự Thuật”, Thánh Augustino cho chúng ta triết lý về nội tâm rất sâu và rất thú vị, cuộc nói chuyện bên trong với Chúa. Tư tưởng của ngài bám sát truyền thống Kitô giáo, đề cao tình yêu, tinh thần bác ái, sự bình đẳng giữa con người với con người, tính tốt lành nơi mỗi con người… Giá trị nhân bản Kitô giáo chính là sự triển khai “kinh nghiệm người” về đức tin. Giá trị nhân bản Kitô giáo là dùng lý trí tự nhiên để tìm về cội nguồn khát vọng.
Tiến triển của Nhiệm cục cứu độ từ Cựu ước đến Tân ước cũng là tiến trình cá nhân hóa và nội tâm hóa. Luật được khắc ghi trong tâm hồn, đi vào sự hiệp thông của toàn thể bằng cái tôi, cái chủ thể. Descartes đã khám phá ra cái tôi tự trị, yếu tính là suy tưởng. Chủ thể tính là hành động với tư cách là chủ thể, ám chỉ lập trường của tôi, diễn dịch khéo léo, rõ ràng, minh bạch. Giá trị nhân bản Kitô giáo là hành trình được hướng dẫn từ lý trí và “kinh nghiệm người”, trung thành với khát vọng sâu xa nhất rồi tìm gặp chính mình trong mục tiêu mà đức Tin đặt ra. Nội tâm là để sống thực đức Cậy.
Hiệp nhất trong khác biệt, để ý đến chữ “khác” vì qua “khác” mà mỗi người mới vừa là chính mình, vừa có thể đi vào tình yêu thương hiệp nhất. Chúng ta thấy có sự bất đồng giữa Phêrô và Phaolô liên quan đến anh em gốc ngoại được mong đợi tuân theo luật không ăn đồ cúng của người Do thái. Phêrô làm điều không đúng khiến Phaolô phản đối gay gắt; “không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng” khi Phêrô dùng bữa với dân ngoại. Thế nhưng mỗi vị đều rao giảng Phúc âm trong lãnh vực khác nhau và đều chịu tử đạo vì Tin Mừng - Hiệp nhất trong khác biệt.
Trong đời sống cộng đoàn thánh hiến cần tôn trọng lương tâm, tôn trọng “tòa trong” để mỗi người có được kinh nghiệm cá nhân, chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta được quyền khác mà không sai, biết cảm nhận cái khác là chuyện bình thường. Tôn trọng tự do và nét khác biệt của chị em mà vẫn duy trì bản chất và nét độc đáo riêng của mình. Đời sống cộng đoàn trở nên phong phú nhờ những kinh nghiệm đức tin trong khác biệt. Không có chuyện đúng, sai theo toán học mà là kinh nghiệm đức tin cá nhân về việc gặp gỡ Đức Kitô.
Khi đọc Thánh vịnh chúng ta thấy những lời lẽ và tư tưởng diễn tả kinh nghiệm đức tin vô cùng phong phú, diễn tả nỗi đau khổ, niềm hy vọng, lòng trông cậy của con người. Hạnh phúc của con người không chỉ giới hạn vào những phúc lộc trần gian nhưng hạnh phúc đích thật của con người là chính Thiên Chúa. Đời sống thánh hiến cảm nếm trước thời cánh chung, làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa khắp nơi mà ta hiện diện. Chính Chúa Thánh Thần là tác nhân duy nhất giữ cho cộng đoàn luôn hiệp nhất trong khác biệt. (Suy niệm Mt 16: 13-20).
Bên ngoài: Thực tại hướng tới ngày thành toàn
Nhiệm cục Do Thái-Kitô giáo gắn liền với thực tại, gắn liền với ý nghĩa nhân bản và siêu nhiên. Thực tại có những ý nghĩa và giá trị “khách quan” do chính Thiên Chúa đặt để. Nhiệm vụ biểu lộ những ý nghĩa và giá trị ấy được Thiên Chúa trao cho chúng ta. Kitô giáo đảm nhận thách thức của thực tại nơi những yếu tố cụ thể, những yếu tố vật lý nhưng lý giải cuộc sống bằng giải pháp tình yêu. Kitô giáo gắn liền với thực tại và nhờ thế, trở nên ơn cứu độ duy nhất của toàn thể vũ trụ và nhân loại. Kitô giáo muốn biến lịch sử đời thường thành lịch sử ơn cứu độ.
Ý nghĩa Cánh chung Kitô giáo soi sáng chúng ta khám phá kinh nghiệm “mừng”, nếm cảm sự thành toàn của toàn thể vũ trụ ở “dạng hạt cải”, “dạng men”.
Đóng góp lớn nhất của thời Trung cổ Tây phương chính là cung cấp cho chúng ta “đôi cánh Đức tin và Lý trí”. Đức tin cho ta kinh nghiệm “mừng”, nếm được ý nghĩa chung cuộc của cuộc sống con người ngay trong tình trạng còn dang dở, đó là kinh nghiệm hạnh phúc đích thực…
Cộng đoàn thánh hiến là dấu chỉ Cánh chung, mỗi người nhận ra nơi chị em mình những “hạt cải” và “men” để có thể có kinh nghiệm mừng, để sống hạnh phúc ngay ở trần gian này dầu còn dang dở… (Suy niệm Cl 3:12-17)
Marie Antoine Duyên Hường, FMM ghi nhận.