Bước theo Đức KiTô

“Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta”. (2Cr 4,7)

Nghe như có chút mâu thuẫn: làm sao mà lại để kho tàng quý giá nơi một chiếc bình sành dễ vỡ được? Thực ra đó quả là một huyền nhiệm. Mỗi lần nó được đụng chạm tới ơn gọi là một lần nó thấy Chúa đã làm những cú bất ngờ mà vô cùng vi diệu. Nhắc đến ơn gọi thì có rất nhiều tâm tình để thốt ra nhưng hôm nay, ngày lễ Thánh Giacôbê tông đồ thì nó muốn dừng lại ở hành động bước theo Thầy Giêsu.

Ơn gọi của Thánh Giacôbê cũng có điểm xuất phát giống như của bao người bước theo Giêsu. Chính Chúa đi bước trước, đến và cất tiếng gọi. Trải qua thời kì chập chững vào tu, được huấn luyện để hiểu hơn và cũng có cơ hội để đáp trả dứt khoát hơn, nó có thể khẳng định được rằng chỉ có thể là do Chúa đã kêu gọi. Vậy Chúa có quá thiên vị không? Khi thực tế còn rất nhiều người không đi tu, liệu chăng là do Chúa không gọi họ?

Thượng Hội Đồng Giám Mục họp năm 2018 với chủ đề “Tuổi trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi” đã phần nào cho chúng ta hiểu một cách rộng hơn về ơn gọi. Thượng hội đồng cho hay: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ  sống “không có ơn gọi”, nghĩa là không có một lý tưởng cho cuộc sống: họ sống qua ngày, buông theo số phận, hoặc khép kín trên chính mình”. Như ta đã biết, cuộc sống là một ơn gọi (Populorum progressio n. 15). Thiên Chúa đã gọi con người ra khỏi cõi hư vô để đến chỗ hiện hữu. Rồi nhờ bí tích rửa tội, người Kitô hữu được gọi “đi theo” Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Ngoài ra, Thiên Chúa kêu gọi từng người  chúng ta theo sát dấu chân của Chúa Kitô hơn – Người chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống để thực hiện một dịch vụ riêng biệt trong Giáo Hội. (HP1 – Hiến Pháp Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ)

Hôm nay Chúa cũng đã đến gọi Giacôbê và ông hăng hái lên đường. Trên con đường đi theo Giêsu điều gì đã xảy ra? Cái điều này phụ thuộc vào mỗi người. Nó cũng cảm nhận Chúa đang mời gọi nó bước vào con đường này và đón nhận bất cứ sự gì Thiên Chúa muốn. Đó là con đường theo Giêsu và sẵn sàng vâng theo Thánh Ý Chúa mỗi ngày qua các chọn lựa và biến cố trong đời. Trong lời của phần điệp ca kinh sáng lễ thánh Giacôbê sau khi Chúa chọn thì các ông đi theo và Chúa mời gọi “có uống nỗi chén đắng thầy sắp uống không?”  Chén đắng là gì đây? Giacôbê có hiểu hết lời của Thầy không mà lại mau mắn “Say Yes” thế? Điều này không rõ nhưng đi theo Thầy rồi mà vẫn mơ danh vọng trần thế là có, hay lúc Thầy đứng trước cái chết và sự cô đơn tột cùng thì ông cùng các thân hữu khác bỏ trốn mất tích luôn. Và khi gặp lại Giêsu đã Phục Sinh ông đã đổi đời. Ông dùng cái chết để làm chứng cho Tin Mừng, ông chịu sự bắt bớ, bách hại. Và chắc rằng lúc đó ông hiểu sâu sắc nhất thế nào là chén đắng mà Giêsu đã nói. Khi đã đi hết hành trình đó, Ngài đã trở thành một vị Thánh với tên gọi VỊ TÔNG ĐỒ CAO VỌNG.  Cũng con người đó, cũng đi tìm sự cao vọng nhưng khi đi tìm mình thì ta chỉ nhìn thấy đỉnh hình tháp nơi đó ta muốn là người ngự trị. Ta càng lên cao thì càng ít người bằng ta và ta càng có nhiều người ở dưới. Nhưng chính Giêsu đã là một minh chứng khi người đảo ngược lại hình tháp. Càng tiến lên, ta càng có nhiều người ở bên trên, ta càng có nhiều người để phục vụ. Và Đức Giêsu - đỉnh của kim tự tháp lật ngược đó đã mang lấy tội lỗi thay cho cả nhân loại. Sự cao vọng là thế. Giacôbê và hết thảy những người theo Giêsu cũng tự nguyện lật ngược tính tự nhiên để đi vào sự cao trọng đó. Và cuộc sống của họ trở  thành cao vọng đúng như lời chúc phúc “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. (TV 125,5)

Nó thấy mình thật xác tín vào tương lai khi có Chúa. Nhưng trong hiện tại nó sẽ sống như thế nào? Nó biết chắc chắn rằng nơi bản thân nó luôn có sự chông chênh dễ vỡ như chiếc bình sành nhưng Chúa lại đặt để nơi đó biết bao gia tài quí giá. Có người cũng đã nói “Con người chúng ta cứ bị đong đưa giữa ý mình và ý Chúa, giữa cửa hỏa ngục và cửa Thiên đàng”. Và nó cảm thấy đó là lời nhắc nhở mỗi ngày để nó biết mình và biết mình cần quay về với ai. Chính Chúa đã chọn nó vì chính nó và mang lại cho nó ơn tha thứ nhờ đó nó có thể hoán cải đời sống mỗi ngày. Nhờ những dấu vết mà nó nhìn ra tình thương, những dấu vết đó là những nét đẹp để rồi nó cũng sẽ loan truyền tình thương của Chúa như các tông đồ khi xưa. Các Ngài cũng từng có những vết sẹo của ganh đua, đố kị, chống đối, chối thầy… nhưng Chúa đã dùng điều đó để loan truyền những điều vĩ đại.

Thật đẹp biết bao khi được nghe lời này: “Có lời Đức Chúa phán với ông Giêrêmia rằng: “Ngươi hãy trỗi dậy và xuống nhà thợ gốm, ở đó Ta sẽ cho ngươi nghe lời Ta.” Tôi xuống nhà thợ gốm, và này anh ta đang sử dụng chiếc bàn xoay hai bánh. Nhưng chiếc bình anh đang nắn bị hỏng, như có lúc xảy ra khi thợ gốm nặn đất sét. Anh làm lại một chiếc khác đúng như anh thấy cần phải làm. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Hỡi nhà Ítraen, đối với các ngươi, Ta lại không thể làm được như người thợ gốm này hay sao? Sấm ngôn của Đức Chúa. Này hỡi nhà Ítraen, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.” (Gr18: 1-6)

Thiên Chúa biết rất rõ những gì Ngài làm cho chúng ta. Trải qua các giai đoạn huấn luyện nó càng tin tưởng vào việc Chúa làm. Có những lúc không hiểu và phải vỡ vụn ra rất nhiều lần. Đôi khi vì hoang mang, đau đớn mà nó thốt ra “đủ rồi” nhưng Chúa chính là người thợ gốm khôn ngoan vô cùng kiên nhẫn vẫn tiếp tục khích lệ “chưa xong mà”. Ngài tiếp tục sử dụng những gì con người từ chối hoặc bỏ qua: “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1Cr 1, 28 ). Đôi khi Ngài còn để những chiếc bình lỗi đó trở thành những tác phẩm quý giá.

Ngày nay nhiều người thích sưu tầm của độc hàng lạ và những chiếc bình lỗi có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Thế bạn có vui lòng khi Chúa muốn bạn xuất hiện với những dấu vết riêng của bạn hay không? Điều quan trọng rằng ta có tin tưởng Chúa đang dùng những những vết lỗi đó để làm ta trưởng thành hơn. Liệu khi nhìn vào đó chúng ta có ý thức hơn về những giới hạn, yếu đuối của mình để không kiêu hãnh nhưng tin cậy nơi Chúa hay không. Và nhất là qua đó chúng ta biết kiên nhẫn hơn với anh chị em mình, biết cưu mang họ trong những giới hạn của họ.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày đón nhận những người khác là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, vì mau da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con có những ngày mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con trong những ngày khó khăn đó, xin hãy nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên Lời Chúa nói: "Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta."

(Trích trong PRIER)

MAI THI FMM

26/07/2022