Thiên Chúa Là Tình Yêu

Tình yêu diễn tả và tương quan là cái chung giữa Cha và Con, là hành vi qua đó mỗi ngôi vị hướng về nhau và yêu nhau. Đây là đỉnh cao của tình yêu, vì không gì tuyệt diệu cho bằng yêu lẫn nhau (mutual love); không có tình yêu thì không có gì vui cả.

 

        Thiên Chúa là tình yêu. Ngài muốn biểu lộ tình yêu ấy cho mọi người, người lành cũng như kẻ dữ. Nhưng tới một lúc nào đó, sự công bằng của Ngài sẽ được thể hiện và Ngài sẽ xét xử tuỳ theo công việc chúng ta đã làm.

  Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời nhân loại chúng ta. Lúc còn nhỏ, chúng ta được học về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có lẽ hầu hết chúng ta đều thuộc nằm lòng: “Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa và tuy một  Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi”. Đây là câu giáo lý lúc nhỏ chúng ta được bố mẹ hay ông bà dạy chúng ta: “Hỏi Thiên Chúa có mấy ngôi? Thưa Thiên Chúa có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần, Ba Ngôi cùng một tính một phép cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi….” Có lẽ phần lớn chúng ta đã thuộc câu giáo lý này mặc dù chúng ta không hiểu hết ý nghĩa của nó nhưng câu giáo lý nền tảng đã ăn sâu vào trong tâm thức và trở thành một phần của đời sống Kitô hữu chúng ta.

“Thánh Phanxico Assisi, viết  lại kinh nghiệm của Ngài với Thiên Chúa,ngài  nhấn mạnh đến “bản chất của Thiên Chúa như là một người Cha yêu thương và tốt lành. Thiên Chúa như là sự tốt lành tự tuôn trào ra (self-diffusive good)”. Với yếu tố quan trọng này, Bonaventure phát triển trong thần học của mình. Thánh Bonaventura nhấn mạnh “bản chất của Thiên Chúa như là Sự Tốt Lành Nguyên Thủy (Primal Goodness) như Tân Ước mạc khải: “Không ai tốt lành chỉ trừ Thiên Chúa” (Lk 18,19).” Trong Cựu Ước Being dường như là danh thích hợp cho Thiên Chúa, thì Tân Ước Goodness là danh Thiên Chúa, và điều này dẫn chúng ta đến mầu nhiệm Ba Ngôi. Thêm vào đó, trong Tân Ước, ta gặp Thiên Chúa là Tình Yêu (God is Love).”

Sự sống động của Ba Ngôi có ảnh hưởng trên thế giới qua việc tạo thành và trong việc mọi sự trở về cùng Cha. Mọi sự phát xuất từ Chúa và quay về với Ngài. Thánh Bonaventura cho rằng mọi sự đều phản chiếu Thiên Chúa, và đưa một con đường dẫn linh hồn đến với Chúa. Ngài làm rõ rằng những dấu vết và hình ảnh của Thiên Chúa nơi tạo thành không phải là những đại diện cứng ngắc của Thiên Chúa, nhưng là những thực tại sống động cùng chia sẻ sự tự diễn tả của Ba Ngôi.

Theo thánh nhân, trong đời sống nội tại, Thiên Chúa luôn luôn sống động và diễn tả chính mình. Cha diễn tả chính Ngài trong việc sinh ra Con, Đấng là hình ảnh trọn hảo và Lời của Cha. Trong việc sinh ra Con, Cha cũng đặt để nơi Con toàn bộ ý tưởng mà Ngài muốn tạo thành.

Như Con phát xuất từ Cha, tất cả thụ tạo tận căn đều là lãnh nhận sự sống nơi Cha để được hiện hữu. Và cũng như Con ứng đáp lại với Cha, trong chính sự ứng đáp ấy cùng với Cha thở hơi Thánh Thần, thì tất cả thụ tạo đều được định trở về với Cha. Chúa Con (Lời) không chỉ nói về tương quan với Cha mà còn với thế giới tạo thành. Lời là sự tự diễn tả của Cha trong thần tính. Thế giới tạo thành là sự cụ thể hóa ngoại tại của việc Thiên Chúa nói ra ngoài trong cái không phải là Ngài. Và nhân tính của Chúa Giêsu chính là sự cụ thể hóa ngoại tại trọn vẹn nhất, việc Thiên Chúa nói trong thế giới tạo thành. 

          Chúa Thánh Thần trong cái nhìn của Thánh Bonaventura: tình yêu là cái đầu tiên của mọi tình cảm và là căn gốc trong mọi người; tình yêu là quà tặng mà nơi đó tất cả mọi tặng phẩm được trao ban, không có tình yêu thì không có gì thật sự là quà tặng; tình yêu là cái cao quý nhất của mọi tình cảm vì nó liên quan đến sự tự do và đại độ đích thực. Theo Bonaventure, tình yêu áp dụng cho Thiên Chúa thì có 3 cấp độ: 1. Tình yêu là yếu tính (love as essential); 2. Tình yêu là diễn tả và tương quan (love as notional: relating to, expressing, or consisting of notions or ideas); 3. Tình yêu là ngôi vị (love as personal).

Tình yêu yếu tính: tình yêu được tìm thấy nơi tất cả 3 ngôi vị, vì các ngôi vị yêu nhau. Đó là tình yêu Thiên Chúa theo nghĩa tuyệt đối. Thiên Chúa Tình Yêu.

Tình yêu diễn tả và tương quan là cái chung giữa Cha và Con, là hành vi qua đó mỗi ngôi vị hướng về nhau và yêu nhau. Đây là đỉnh cao của tình yêu, vì không gì tuyệt diệu cho bằng yêu lẫn nhau (mutual love); không có tình yêu thì không có gì vui cả. Tuy nhiên tình yêu hướng về nhau sẽ trở thành ích kỷ (narcissism) nếu không cùng nhau hướng về đối tượng thứ ba người có thể chia sẻ tình yêu đó. 

Tình là một ngôi vị. Ngôi vị tình yêu chính là hoa trái của sự nên một của hai ngôi vị khác biệt luôn hướng về, kết hợp và ở trong nhau. Tình trạng này luôn luôn sống động và tuôn tràn ngôi vị tình yêu. Chính trong nghĩa này, Thánh Thần được gọi là personal love. (Thần Học Chúa ba Ngôi St, Bonaventure)

Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Ta và Cha Ta là một”; “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn. Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh Chúa. Amen.

Hồng xóm núi.