Vào ngày 8 tháng 11, Giáo hội kính nhớ Chân phước Duns Scotus (mất năm 1308), một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Giáo hội. Nét nổi bật trong ý tưởng của ngài là tri thức hoàn hảo của Thiên Chúa thể hiện nơi sự cởi mở và khả năng tiếp thu vô hạn của tâm trí con người. Đối với các tu sĩ Phanxicô, việc tiếp nhận này là một dấu chỉ của phẩm giá con người: con người tiếp nhận những chân lý mà họ không thể đạt được bằng sức riêng của mình. Điều này nghe có vẻ phức tạp nhưng lại đưa đến một vài kết luận đơn giản: tất cả tri thức chân chính đều đến từ một cuộc gặp gỡ và nảy sinh từ sự tiếp thu của trí óc và con tim của chúng ta (intellectus passibilis – tri thức thụ động). Nếu áp dụng nhận định này của Scotus vào mùa Vọng, chúng ta có thể thấy rằng có những điều trong cuộc sống cản trở việc đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể và có lẽ chúng ta không mong muốn một cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa đích thực mà là một cuộc gặp gỡ với vị thần linh do chúng ta tạo ra.
Căn nguyên của điều này có lẽ ở khởi đầu tự do của chúng ta, ngay cả trước khi chúng ta lựa chọn giữa các đối tượng, và có được một quan điểm sơ khởi đối với thế giới. Hoặc chúng ta chấp nhận hay từ chối trật tự hữu thể với Thiên Chúa ngay từ đầu. Nếu quyết định từ chối, chúng ta áp đặt ý tưởng của mình vào thực tại thay vì khám phá cấu trúc, mục đích, phẩm trật của nó. Chúng ta lạm dụng mọi thứ - dù là con người hay vật chất - và đánh mất cái nhìn toàn thể. Chính nơi tội lỗi mà chúng ta làm hỏng mục đích của vạn vật một cách dứt khoát nhất và lạm dụng chúng; thay vì tìm kiếm những gì là chân, thiện, mỹ và thánh thiện, chúng ta lại nô lệ chính mình cho những thứ thay thế, giả tạo. Quyết định nguyên khởi này [1] không chỉ xảy ra một lần duy nhất (như với các thiên thần), nhưng nó đòi hỏi mỗi khi chúng ta gặp phải những gì có cùng đích khách quan. Truyền thống Kitô giáo có một hạn từ giúp đạt được ý hướng đúng đắn đối với thế giới thụ tạo và học hỏi về trật tự nội tại của nó: Sự khổ chế. Sự khổ chế giải thoát chúng ta khỏi chính mình và khỏi những đòi hỏi do con người áp đặt, để phụng sự Thiên Chúa. Đức Maria diễm phúc là một ví dụ điển hình: được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, Mẹ không phạm tội và luôn chọn lựa trong sự tự do tuyệt đối vì toàn thể con người Mẹ hướng về Thiên Chúa và ý muốn của Ngài.
Đúng vậy, mùa Vọng là thời gian của khổ chế. Hạn từ ‘khổ chế’ trước hết có nghĩa là “huấn luyện”. Màu tím của phụng vụ nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa đó, nhưng cũng về việc thực hành chay tịnh của anh em Chính thống giáo trong thời gian này. Khi thực hành khổ chế, chúng ta ngừng coi sự vật như là cùng đích của mình và bắt đầu chấp nhận trở lại trật tự của Thiên Chúa. Chúng ta tự mình tự huấn luyện lại chính mình, vì vậy có thể nói, chay tịnh chỉ là một khía cạnh của việc tái đào luyện đó. Khổ chế đích thực là một công cụ để chuẩn bị chính mình, để cởi mở hầu đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và không chỉ đơn thuần là từ bỏ một số đối tượng (thuốc lá, rượu, sôcôla, v.v.) nhưng nhằm điều chỉnh lại toàn bộ sự tập trung của chúng ta đối với thực tại. Khổ chế nhằm mục đích thay đổi khao khát của chúng ta, thoát khỏi sự khao khát ích kỷ và hướng đến thái độ nhìn nhận và tiếp nhận trật tự của Thiên Chúa trong sự vâng phục.
Các nhà thần bí đã khôn ngoan nhắc nhở chúng ta rằng các giai đoạn từ bỏ sự vật như vậy sẽ bị gián đoạn bởi các giai đoạn của hoàn tất và hành động, giống như nhịp thở của chúng ta là sự hòa hợp giữa hít vào và thở ra. Khi chúng ta hít vào, phổi được lấp đầy lượng oxy cần thiết. Tuy nhiên, để hít vào, mũi hay miệng phải mở ra: Nếu đường thở bị tắc nghẽn, chúng ta không thể hít vào. Chúng ta cũng không thể hít vào trong môi trường chân không, và thế giới xung quanh chúng ta chỉ có thế: một nơi trống trải không thể lấp đầy chúng ta. Tuy nhiên, việc hít vào lại khá thụ động; chúng ta được lấp đầy bởi một cái gì đó. Sự khổ chế hoạt động giống như thế. Nó loại bỏ sự tắc nghẽn và hướng chúng ta đến nguồn không khí trong lành. Nó chuẩn bị cho chúng ta được lấp đầy. Chỉ khi thở ra, chúng ta mới thực sự trở nên năng động. Chúng ta sử dụng không khí trong cơ thể để nói, hát, cho chuyển động của cơ thể — chúng ta bộc lộ chính mình. Chúng ta đến với chính mình và với mầu nhiệm của chính hữu thể chúng ta, đến với Thiên Chúa, và gặp gỡ Ngài trong tâm hồn.
Do đó, khổ chế tự nó không phải là cùng đích, nhưng luôn luôn là phương tiện và sự chuẩn bị cho những ân huệ siêu nhiên. Những ân ban này chỉ hoàn thiện những gì đã có, đó là bản tính. Bằng cách giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ với những quan niệm sai lầm của bản thân và thế giới, việc khổ chế giúp chúng ta lớn lên trong đức tin, đức cậy và đặc biệt là đức mến. Một khi cặp kính ích kỷ bị loại bỏ khỏi tầm nhìn, chúng ta có được một tầm nhìn mới và bắt đầu đi vào chính thực tại. Nói tóm lại, khổ chế đưa chúng ta đến một nhận thức cao hơn, hay như các Phật tử thường nói, đó là chánh niệm. Điều này chúng ta có thể thấy rõ nhất nơi trẻ em, chúng nhìn thấy những điều bí ẩn mà người lớn đã quên từ lâu: chúng vẫn kinh ngạc khi nhìn một con ngựa, cảm thấy thích thú về hình dạng của chiếc chìa khóa và khi nghe bông tuyết rơi. Khổ chế dẫn đến sự chú ý — hướng chú ý đến mầu nhiệm trung tâm của cuộc đời chúng ta - Thiên Chúa. Simon Weil đã tóm tắt một cách tuyệt vời rằng “lời cầu nguyện gồm sự chú ý. Đó là định hướng tất cả sự chú ý mà linh hồn có thể hướng tới Thiên Chúa. Chất lượng của sự chú ý phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của lời cầu nguyện. Sự ấm áp của trái tim không gì có thể bù đắp được.”[2]
Mùa Vọng là một lời mời gọi để chúng ta rộng mở tâm trí trước mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại. Nếu được như thế, chúng ta dễ dàng tiếp nhận Thiên Chúa và việc Ngài nhập thể trong chúng ta.
____________________________
[1] Dựa trên nghiên cứu của triết gia Đức Hans-Eduard Hengstenberg, học trò của Max Scheler, và bản thân ông cũng là thầy của một triết gia Công giáo nổi tiếng Robert Spaemann.
[2] Simone Weil, “Reflections on the Right Use of School Studies,” in Waiting on God (London, Fontana Books, 1959), 66-76
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong chuyển ngữ từ Church Life Journal