BÀI HỌC VỀ THỜI GIAN
Dù bây giờ không còn học cùng nữa nhưng tôi vẫn rất nhớ hình ảnh cậu bạn ngồi cùng bàn cuối với tôi hồi cấp III ngày ấy.
Điều tôi nhớ nhất đến tận bây giờ không phải là lời nói hay tính cách của cậu ấy mà là ở dáng đi của cậu.
Đó là một dáng đi mà tôi không thể quên được. Những bước chân của cậu thường nhanh, vội, và có cảm giác như lúc nào cậu cũng bị ai đó đuổi theo sau lưng.
Không ít lần về học cùng nhau, trong khi tôi thủng thẳng vừa đi vừa ngắm cảnh bên đường thì cậu ấy cứ cắm đầu cắm cổ sải bước. Một lần, tôi đã nổi nóng vì sự vội vàng của cậu ta: "Cậu bị ma đuổi hay sao mà lúc nào cũng vội vội vàng vàng thế. Cậu không thấy tớ đang đuổi theo cậu bở hơi tai à?” Nhưng cậu ta chỉ cười xòa: "Mình đi vậy quen rồi!”
Nhưng khi đã chơi thân với cậu ta, được cậu ta tâm sự nhiều tôi mới hiểu lý do vì sao cậu bạn ấy lúc nào cũng như bị ma đuổi vậy.
Hoàn cảnh nhà cậu ấy rất khó khăn. Bố cậu mất sớm, mẹ bị mù lòa, chẳng thể làm được việc gì. Hằng ngày, không như chúng tôi, chỉ biết cắp sách đến trường, khi về đến nhà đã có mẹ nấu cơm nước chu đáo, giặt quần áo đâu đấy rồi, cậu bạn tôi vừa đi học, vừa phải chăm mẹ, chăm cậu em ôn thi vào lớp 10. Ngoài thời gian trên lớp, cậu không có thời gian đi chơi đánh khăng, đánh đáo như chúng tôi, mà phải đi lội mương, lội sông bắt cua, bắt cá bán cho người ta lấy tiền mua sách bút. Mùa đến, một mình cậu cấy rồi gặt cả mấy sào ruộng của gia đình. Làm xong của nhà thì đi làm thuê cho người ta…
Khi biết những điều đó, tôi rất ân hận và lấy làm xấu hổ vì sự nổi nóng ngày trước của mình với cậu bạn. Tôi đã hiểu vì sao cậu bạn tôi lúc nào cũng đi như ma đuổi như vậy. Vì với tôi, mỗi bước chân chỉ là quãng đường từ trường về nhà. Còn với cậu bạn kia của tôi, thì mỗi bước là bao gắng nặng, lo âu. Đó là những bước chân để bước vào đời, chứ không chỉ để về nhà.
Và rồi như người ta nói: Cái gì cũng có giá của nó. Ba năm học cấp III, năm nào cậu bạn ấy của tôi cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Điểm tổng kết của cậu kì học nào cũng đứng đầu lớp. Còn tôi, tôi chưa bao giờ được đặt chân vào đội tuyển Văn ngày ấy chứ đừng nói gì đến thi học sinh giỏi của tỉnh, của huyện. Thành tích 3 năm học của tôi, cũng chỉ đủ làm bố mẹ tôi không phải xấu hổ với những phụ huynh khác là môn nào tôi cũng được trên điểm trung bình.
Ngày lên Hà Nội học đại học, tôi có quen một cậu bạn khác trong Hà Tĩnh. Lần đầu tiên gặp cậu bạn này, tôi ấn tượng nhất bởi chiếc đồng hồ trên tay cậu ta. Đó là lần chúng tôi đi thi hết học phần.
Khi tôi đang nhởn nha trên đường đến trường và nghĩ xem hôm nay bài thi vấn đáp môn tiếng Anh sẽ thế nào thì cậu ta gọi điện: "Trời ơi. Mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không. Quá giờ thi 10 phút rồi đó. Có đến nhanh lên không hả?”
Tôi giật nảy mình, nhìn lại đồng hồ thì thấy vẫn còn sớm những 10 phút nữa. Nhưng sợ đồng hồ của mình hỏng nên tôi cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đến trường. Khi đến nơi thì thấy các bạn vẫn đông đủ ngoài phòng thi. Tôi gắt lên với cậu bạn làm tôi phải chạy bở hơi tai thì cậu ta đưa cho tôi xem cái đồng hồ: "Đây, mày xem đồng hồ xem có đúng là muộn giờ thi rồi không hả?” Tôi ngạc nhiên: "Sao đồng hồ của mày chạy như ngựa thế hả. Nhanh hơn đồng hồ của nhà trường những 10 phút”.
Lúc đó cậu ta mới cười ha hả: "Đó là thói quen từ nhỏ của tao. Tao luôn luôn vặn đồng hồ nhanh hơn bình thường 10 phút. Mẹ tao bảo làm thế để tao biết quý thời gian và bỏ được thói làm việc lề mề của tao”.
Lúc đó thì tôi mới vỡ lẽ. Có những điều rất đơn giản, mà tôi không thể nghĩ ra. Chiếc đồng hồ chạy nhanh hơn bình thường 10 phút và cái dáng đi như ma đuổi của cậu bạn học cùng cấp III với tôi. Hai cậu bạn, hai câu chuyện, nhưng đều để lại cho tôi bài học lớn. Đó là bài học về THỜI GIAN.
SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI
Có mất gì đâu, thử đọc xem nào và hãy cố gắng đọc đến cuối nhé! Bài văn này ngắn lắm... đọc mất vài ba phút thôi nhưng rất hữu ích và đây là mẩu chuyện có thật.
Bạn tôi mở ngăn tủ của vợ và lấy ra một gói nhỏ được gói kỹ càng trong lớp giấy lụa. Anh bảo: Đây không phải là một gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo lót thật đẹp... Anh vứt lớp giấy bọc và lấy ra chiếc áo lót mịn màng, rồi nói: Tôi mua chiếc áo này tặng cô ấy vào lần đầu tiên chúng tôi sang New York, cách đây 8-9 năm nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc! Cô ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt, vậy thì hôm nay tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi... Anh đến cạnh giường và đặt chiếc áo ấy cạnh những món đồ mà tí nữa đây sẽ được bỏ vào áo quan. Vợ anh vừa mới qua đời...
Quay sang tôi, anh bảo: "Đừng bao giờ giữ lại một cái gì để chờ dịp đặc biệt cả... Mỗi ngày sống là một dịp đặc biệt rồi...".
Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này và nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi...
Bây giờ tôi đọc sách nhiều hơn trước và bớt thời gian dọn dẹp nhà cửa. Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh chứ không buồn để ý đến cỏ dại mọc trong vườn... Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn hữu hơn là cho công việc. Tôi hiểu rằng cuộc đời là những cảm nghiệm mà mình phải nếm... Từ ngày ấy tôi không còn cất giữ một cái gì nữa... tôi đem bộ ly pha lê ra sử dụng mỗi ngày, tôi mặc đồ mới để đi siêu thị hay bất cứ nơi nào khi tôi cảm thấy thích... Tôi không còn dành nước hoa hảo hạng cho những dịp đại tiệc, tôi xức bất kỳ khi nào tôi muốn...
Những cụm từ như "một ngày gần đây" hay "hôm nào" đang bị loại khỏi vốn từ vựng của tôi. Điều gì đáng bỏ công thì tôi muốn xem, muốn nghe, muốn làm ngay bây giờ. Tôi không biết chắc là vợ của bạn tôi sẽ làm gì nếu cô ấy biết trước rằng mai đây mình không còn sống nữa (một ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường). Tôi nghĩ rằng cô ấy hẳn sẽ mời mọi người trong gia đình, mời bạn bè thân thích đến nhà chơi... có thể cô sẽ gọi điện thoại cho vài người bạn cũ và làm hoà hay xin lỗi về những chuyện bất hoà trước đây...
Tôi đoán rằng cô ấy sẽ đi ăn các món Tàu (vì cô ấy rất thích thức ăn Tàu). Chính những chuyện vặt vãnh mà tôi chưa làm khiến cho tôi áy náy nếu tôi biết rằng thì giờ tôi còn rất có hạn. Tôi sẽ rất áy náy vì tôi không đi thăm một vài người bạn mình cần phải gặp mà cứ hẹn lần hồi, áy náy vì thường không nói với những người thân của mình rằng mình yêu thương họ... áy náy vì mình chưa viết những lá thư mà mình dự định "hôm nào" sẽ viết.
Giờ đây, tôi không chần chờ gì mà không hẹn lại và không giữ điều gì có thể đem lại niềm vui và nụ cười cho cuộc sống chúng tôi. Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một dịp đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút... đều đặc biệt cả.
Nếu bạn đọc được bản văn này ấy là vì một ai đó muốn điều hay cho bạn, và vì bạn cũng có quanh mình những người bạn quý yêu. Nếu bạn quá bận đến độ bạn không thể dành ra vài phút để copy và gởi bản văn này đến cho ai khác, rồi tự nhủ "mai mốt tôi sẽ gửi" thì mai mốt đó có thể là một ngày thật xa hoặc là bạn sẽ không bao giờ gửi được...
Lang thang - copy and paste
Sống là không chờ đợi...
Lúc này đang rất muốn đi bon chen, đú đởn, rất muốn lang thang blog của mọi người, muốn đi xem phim, rất muốn đi công viên Vầng Trăng để được chơi trò chơi và hét, muốn rất nhiều nhiều thứ... Định rằng thi xong sẽ xử lý tất cả những cái muốn đó này.
Ơ nhưng sống là không chờ đợi cơ mà?
Biết thế, có điều thứ hai là thi, những cái muốn đó không chờ thì ai học hộ cho nhỉ? Rốt cuộc thì vẫn phải mai mốt mới làm được thôi.
Sống là không chờ đợi... Vì cho dù có nhiều việc vẫn phải chờ, thì cuộc sống không phải lúc nào cũng chờ bạn.
Và...
Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?
Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
Sao phải đợi có một chỗ làm tốt mới bắt đầu công việc?
Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
Sao phải đợi thất bại mới nhớ đến một lời khuyên?
Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?
Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?
Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.
Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội vuột đi?...
Hãy làm những gì mà bạn muốn, làm những gì bạn cho là đúng.
Hãy biết nắm lấy cơ hội, đừng để phải hối tiếc bạn à...
Sưu tầm.