Trước khi lìa thế, Marie de la Passion đã nói: “ Nếu Hội dòng là công việc của Mẹ, nó sẽ chết với Mẹ, nhưng đó là công trình của Thiên Chúa.” Trải qua 154 năm, sự phát triển của Hội dòng trên khắp năm châu là một bằng chứng sống động cho niềm xác tín của Mẹ. Tiếp nối công trình Chúa thực hiện qua Mẹ, tôi đã rất mong mỏi được biết rõ về những thăng trầm của Hội dòng trong những ngày đầu mới thành lập, được hiểu thấu giá trị ơn gọi mình đang theo đuổi và sống từng ngày. Tôi luôn được thu hút và được mời gọi sống Hy lễ, nhưng trọn vẹn ý nghĩa của ơn gọi này theo Marie de la Passion là gì, đó vẫn là một thôi thúc kiếm tìm trong tôi. Và trên hết, tôi mong cảm thấu tâm tư của Mẹ dành cho con cái mình để sống đoàn sủng Mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời, đã yêu mến hết tâm hồn. Tôi phải sống ơn gọi cao quý này trong từng ngày sống, từng mỗi chọn lựa như thế nào? Mẹ mong ước điều gì nhất cho Hội dòng?
“Tình yêu như một ngọn lửa lan truyền, nếu chúng ta yêu thương, chúng ta sẽ làm cho người khác yêu thương.” Trong khóa tĩnh tâm do Chị Kim Ngân giúp với chủ đề “Mẹ Sáng Lập với thế giới khổ đau”, tôi có được một ân huệ lớn lao, là cơ hội đến gần Marie de la Passion, Mẹ Sáng Lập và được thỏa lòng khát khao. Đây giống như là một sự trở về nguồn cội để cảm thấu, để hiểu rõ tâm tư nguyện ước của Đấng đã khai sinh ra Hội dòng mình. Tôi được gặp gỡ diện đối diện với Marie de la Passion và lắng nghe Mẹ nói về cuộc đời cũng như ơn gọi FMM. Khi cùng đi lại hành trình cuộc đời và ơn gọi của Mẹ Marie de la Passion, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước huyền nhiệm cuộc đời của Mẹ và của tôi. Tình yêu của Đấng đã hiến tế chính mình cho nhân loại vẫn luôn tìm kiếm một ai đó để chia sớt những buồn vui, những đau thương trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Marie de la Passion đã không bao giờ từ chối ghé môi vào chén đắng ấy vì lẽ Mẹ được mang danh hiệu “Maria Hy Lễ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu chịu đóng đinh”. Có một tình yêu và Marie de la Passion không thể cưỡng lại mà chỉ muốn hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa, Mầu nhiệm Yêu Thương. “Tình yêu hoàn hảo muốn sao, tôi muốn vậy.” Mẹ viết : “có lúc lòng tôi cảm thấy trống rỗng, nhục nhã, xa cách những gì thân yêu còn sót lại. Tôi thấy những điều ấy đến với tôi dưới hình thức một chén đắng. Bản tính con người ghê sợ rởn óc, nhưng cho đến nay, chưa lần nào tôi từ chối ghé môi vào, mà tận tình phó thác như thế. Tôi như vào một biển tình điên dại. Tôi không còn cảm thấy gì là đau khổ, vì Chúa Giêsu là tất cả và Chúa Giêsu là Cứu Chúa của tôi.”
“Hãy để cho mình chết đi, như thế cuộc đời chúng ta mới trổ sinh hoa trái. Lời kinh của chúng ta trong cái chết ấy mới là lời kinh của người vừa là thừa sai, vừa là của lễ sát tế đích thực, và sinh ra nhiều linh hồn cho Chúa.” (MD 516-HCM 144)
Đối với Marie de la Passion, đau khổ là một ơn gọi tiền định đến từ Thiên Chúa. Vì không phải ai cũng có thể hiểu được giá trị của đau khổ “người ta có thể có đau khổ mà không nên thánh, nhưng không thể nên thánh nếu không có đau khổ.” Chính Chúa đã ban ơn đặc biệt cho Marie de la Passion (MP) cảm nếm sự ngọt ngào của đau khổ, khiến Mẹ xác tín đây là ơn gọi của Mẹ. Thiên Chúa đã tuyển chọn MP để mạc khải ý nghĩa và giá trị của đau khổ là gì và chính MP đã cộng tác trong tiếng Vâng của cuộc đời mình. Mẹ nói: “Chúng ta không chỉ sống tốt nhưng còn phải nên thánh.” Những nữ tu FMM, con cái của Marie de la Passion, phải là những vị thánh. Theo MP, “Các thánh ít lo cho mình. Tình yêu Chúa là tất cả đời sống của họ, và tình yêu đã làm nên những việc vĩ đại.” Tình yêu, thập giá, đau khổ là huyền nhiệm của mỗi FMM.
Marie de la Passion, Mẹ Sáng Lập của chúng ta đã ước được quỳ gối dưới chân Đức Giáo Hoàng để cầu xin cho được đặc ân Thờ phượng Thánh Thể. Mẹ rất muốn “đào tạo những thiên thần chầu chực Thánh Thể” vì nỗi khát mong CHÂN LÝ và BÁC ÁI được ngự trị trên trần gian. Hiểu được ý nghĩa và ơn gọi Thờ phượng Thánh Thể, Mẹ đã cầu nguyện: “Xin hãy làm cho tâm hồn con và hội dòng con trở thành những ngọn lửa thiêu đốt cả trần gian.” Ước mong mãnh liệt ấy của Marie de la Passion đã chạm vào tâm hồn tôi và làm cho tôi thêm lòng yêu mến ơn gọi TPTT. Mẹ hạnh phúc khi được kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, tình yêu mãnh liệt đã chiếm hữu toàn bộ tâm hồn thẳm sâu của Mẹ “khiến tôi đòi buộc mình chết đi cho tất cả những gì không thuộc về Chúa. Chết đi cho bản tính tự nhiên của tôi. Tôi có thể đủ mạnh để đạt tới đó chăng? Chính Chúa Giêsu Thánh Thể là sức mạnh, là sự sống của con trên hành trình yêu thương, nơi đó con không muốn là Hélène sống nữa, mà Giêsu sống trong con.” (27/01/1888) Nơi nguồn mạch ân sủng này, người nữ tu FMM khát Thiên Chúa và kín múc sức mạnh làm cho tâm hồn mình say mê CHÂN LÝ và BÁC ÁI và không còn bám víu vào thế tục. Nơi đó, một tình yêu cá vị không chia sẻ dành cho Chúa được xây dựng và triển nở trong sự kết hợp nên một với Tình Yêu. “Hãy đến gần Nhà Tạm khi có giờ rảnh.” Có lẽ trong mùa đại dịch này, hơn ai hết những chị em đang sống trong hoàn cảnh khu phố bị phong tỏa, thánh lễ bị tạm ngưng trong thời gian dài sẽ cảm nghiệm được nỗi khao khát Chúa Giêsu Thánh Thể biết chừng nào. Tôi đã phải chiến đấu rất nhiều cho những cám dỗ trong mình để không buông theo tính tự nhiên. Trong cơn khát Chúa Giêsu Thánh Thể của tâm hồn, tôi cảm được cơn khát của Ngài trên thập giá “Ta khát!”. Tôi đến gần Thánh Thể hơn; ở nơi đó, tôi cảm nhận ơn gọi cao quý của Hội dòng và biết ơn Mẹ Sáng Lập vô cùng khi hiểu được đặc ân này.
Đến với người nghèo và liên đới với thế giới khổ đau là lý do hiện hữu của Hội dòng. Chúng ta sẽ không còn là FMM, không phải là con cái Chân phước Marie de la Passion nếu chúng ta không bận tâm đến khổ đau của nhân loại, không tìm cách vượt qua các trở ngại và sự dửng dưng có thể làm chúng ta tê liệt để rồi rơi vào thái độ thụ động, bằng lòng với việc “lót ổ cho mình” theo cách nói của MSL (VTĐ 67). “Tôi muốn giúp tất cả những ai đau khổ. Đến với người nghèo là nhu cầu của tâm hồn tôi. Nếu tôi không truyền đạt được tâm tình này cho con cái tôi thì họ sẽ không phải là con cái của tôi”. (NS 171) Chúa Giêsu đã nhìn thấy đám đông và Ngài chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng. Giêsu cũng đang nhìn vào mỗi FMM và tha thiết kêu mời: “Chính chị em hãy cho họ ăn.” Thiên Chúa cần đến bàn tay con người và đó chẳng phải là ơn gọi của mỗi chúng ta sao? Mẹ thấy rõ tầm quan trọng của sự hiệp nhất trong sứ mạng truyền giáo. Mẹ khuyên chị em khi được sai đến với người nghèo khổ phải luôn canh phòng cẩn mật trước tình trạng phe nhóm, hầu gìn giữ kho tàng hiệp nhất, là bảo hiểm cho sức mạnh của sứ mạng truyền giáo. “Được tung ra khắp bốn phương trời, chúng ta hoặc là chia năm chia bảy chống đối nhau hoặc đồng tâm nhất trí. Trường hợp thứ nhất chúng ta sẽ làm thiệt hại cho các linh mục, các giáo dân, cho sứ vụ và cho chính chúng ta. Trường hợp thứ hai chúng ta vượt trên tính tự nhiên và sống tinh thần siêu nhiên. Hiệp nhất với những gì mắt không thấy, tai không nghe, đòi hỏi phải hy sinh. Mẹ muốn nói rõ điều ấy với các con, bằng cách kêu gọi các con hãy như những lính canh luôn cảnh giác bảo vệ kho tàng chung của đức vâng lời, của sự hiệp nhất và bác ái.” (CR/1, 27 – HCM 148)
Là con người thực tế, Mẹ muốn chị em hiểu những khó khăn thử thách nào đang chờ đợi khi đến với những người nghèo khổ và chia sẻ những lầm than của họ. Mẹ nói: “Đừng ngạc nhiên khi thấy ơn gọi thừa sai của chúng ta có thập giá đâm thâu ở giữa. Vì thế hãy xác tín rằng các đau khổ của chúng ta là hạt giống đức tin tốt nhất và thường là cần thiết hơn hết giữa các dân tộc.” (MD 264 – HCM 151) Dẫu xác tín rằng đến với thế giới khổ đau là con đường thập giá, dẫu biết rằng hạt lúa mục nát mới sinh nhiều bông hạt. Mẹ cũng biết rõ sự yếu đuối mỏng dòn của con cái khi tình trạng khốn khó kéo dài. Mẹ khuyên các chị tìm sức mạnh trong đời sống cầu nguyện : “Chỉ có một điều cần”, nếu biết nói lên câu này vào những hoàn cảnh trái ý cực lòng, là những hoàn cảnh cơm bữa của các linh hồn đã tự hiến mình làm hy lễ, thì người ta sẽ có đủ sức mạnh để ra sao cũng được và dễ dàng chấp nhận ý Chúa.” (TS 282) Dầu sao đi nữa, hoa quả công việc chúng ta làm là do ơn Chúa dành cho những người đau khổ. Phần chúng ta hãy ý thức rằng gian khổ trong đời truyền giáo chính là phần thưởng, vì nó xác nhận rằng chúng ta đang sống lý do hiện hữu của Hội dòng. “Cuộc đời tông đồ thừa sai gian khổ thế nào cũng không ngoài ơn gọi của chúng ta, một ơn gọi đòi hỏi phải nếm đủ mùi cay đắng, phải trải qua đủ mọi hình thức chịu đóng đinh. Thử thách sẽ không giảm bớt, trừ khi ơn gọi của Hội Dòng bị Chúa rút lại.” (TS 538)
Mẹ Sáng Lập vẫn đang chờ đợi nơi những người con yêu dấu của Mẹ một lời đáp trả tình yêu với Đấng mà Mẹ và mỗi FMM tôn thờ. Mẹ viết rất nhiều, viết từ kinh nghiệm, từ con tim nhưng chỉ một điều duy nhất Mẹ luôn tìm kiếm là Thánh Ý Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Thế giới bên ngoài đang khát, biết bao con người đang chờ đợi những tâm hồn rộng mở, những đôi bàn tay nâng đỡ, những con tim biết cảm thông chia sẻ. Đừng sợ khi thấy mình yếu đuối, bất toàn, dở dang. Hãy để Chúa làm những gì tốt nhất cho anh chị em nhân loại qua mỗi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Đó là cách chúng ta sống và làm cho Đoàn Sủng do Thiên Chúa trao phó cho Mẹ Marie de la Passion được triển nở. Tiếng Ecce và Fiat của Đức Maria không thể thiếu tinh thần tự hủy Phan Sinh. Chỉ cần mỗi FMM luôn nhớ về ơn gọi của mình và luôn tâm nguyện “My God, my All”.
Người con bé nhỏ của Mẹ Marie de la Passion,
K.P, fmm
(12/07/2021)