Đức Bênêđíctô và vận tốc ánh sáng

“Tình yêu là ánh sáng, nói cho cùng, là ánh sáng duy nhất, luôn có khả năng chiếu sáng một thế giới đang tối dần và đem lại cho ta lòng can đảm để ta tiếp tục sống và làm việc. Tình yêu là điều có thể, và ta có khả năng thực hành nó vì ta vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Cảm nghiệm tình yêu và nhờ thế, giúp ánh sáng Thiên Chúa chiếu vào trần gian, đó là lời mời gọi tôi muốn ngỏ cùng anh chị em” (Deus Caritas Est).

Đức Bênêđíctô và vận tốc ánh sáng
Vũ Văn An

Ánh sáng chuyển vận rất chậm tại Đại Học Harvard. Lý do là vì Giáo Sư Lene Vestergaard Hau, nhà vật lý học Đan Mạch, đã thực hiện được một điều mà chính Einstein cũng khó có thể nghĩ đến: bà đã chế ngự được ánh sáng. Chìa khóa giúp bà thực hiện được việc đó là nghĩ ra cách làm siêu nguội (super-cool) các nguyên tử khiến chúng hành động như thể chỉ còn là một nguyên tử đơn nhất, cô đọng và như mây (nebulous). Với một số tia lasers thích hợp để xử lý các nguyên tử nátri (sodium atoms, có trong muối ăn), giáo sư Hau đã có thể làm nguội các nguyên tử này xuống chỉ còn mấy phần tỷ của một độ trên số không tuyệt đối, nhờ thế tạo ra được một đám mây vật chất lạnh nhất trong vũ trụ. Đám mây này có khả năng khuất phục và thậm chí giam hãm ánh sáng. Nhờ thế, khi giáo sư Hau cho một làn ánh sáng chuyển động với vận tốc 186,000 dặm một giây vào đám mây này, bà đã có thể từ từ làm chậm vận tốc của tia sáng này xuống 38 dặm một giờ, rồi 15 dặm một giờ và cuối cùng nay chỉ còn là 1 dặm một giờ. Điều này có nghĩa một em bé có thể bò nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Hiện nay, Giáo Sư Hau đã cải tiến kỹ thuật của bà đến có thể giam ánh sáng vô hạn định trong đám mây nguyên tử của bà. Có thể nói: trong phòng thí nghiệm của bà, áng sáng với vận tốc gần như không đo lường được nay bị buộc trở thành trò chơi thông thường của con người. 

Đức Bênêđíctô XVI có thể không biết gì về Giáo Sư Hau và điều chắc chắn là ngài chưa bao giờ viếng thăm phòng thí nghiệm của bà. Tuy nhiên, đã từ rất lâu, ngài đã thấy được điều bà sẽ thực hiện. Nói cho ngay, cả sự nghiệp làm thần học gia và cả 8 năm làm giáo hoàng của ngài đều được đánh dấu bằng cuộc phê phán khôn nguôi đối với cái bản năng hiện đại muốn co cụm và tự đóng khung chính mình. Ngài luôn kêu gọi thế giới mở tung cõi lòng mình ra và hướng ra bên ngoài. 

Thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est, đề cập tới điều căn bản nhất của cuộc sống; đó là tình yêu, và nhất là, tình yêu Thiên Chúa trong đó ta có được sự sống. Trong óc tưởng tượng được Thánh Kinh soi sáng của Đức Bênêđíctô, đặc điểm của tình yêu này không phải chỉ là lấy vào, nhưng là bật khởi hướng ra bên ngoài. Với một mô tả rõ ràng nhất và sinh động nhất về tình yêu, ngài viết rằng đối với chúng ta, “tình yêu… là một hành trình, một xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi khép kín chỉ biết nhìn mình, để đi tới việc giải phóng nó qua việc hiến mình, và do đó tới việc tự tìm ra mình một cách chân chính và tìm thấy chính Thiên Chúa (số 6). Tình yêu không lấy vào và giữ chặt, mà đúng hơn là chấp nhận và cho đi. Tình yêu luôn chuyển động. 

Giam hãm ánh sáng

“Cái tôi khép kín chỉ biết nhìn mình” là dấu ấn dị biệt của một sáng thế sa ngã, một sáng thế làm chậm, thậm chí, giam hãm ánh sáng sự sống. Một trong những hiện tượng khác biệt của thời hiện đại là dấu ấn kia đang được đóng lên các cá nhân và các định chế, lên con người và các dân tộc, lên cả các nền văn hóa và tôn giáo nữa. Khi quan tâm tới nhiều biểu hiện đa phức của khuynh hướng nhìn vào trong đầy nguy hiểm này, Đức Bênêđíctô quả là vị giáo hoàng đầu tiên của thời hiện đại đã dùng viễn kiến và thừa tác vụ của mình ngay từ đầu vạch ra sự co quắp hướng vào mình này và công bố lời mời gọi đầy giải thoát của Thiên Chúa trong Tin Mừng. 

Sự nhất quán trong tư tưởng của ngài về điểm này là điều khá hiển nhiên, chỉ cần ta lược qua các chủ đề được ngài bàn đến. Về kinh tế, viễn kiến nền tảng của ngài là: nó phải có tính vô vị lợi (gratuitousness) nếu muốn điều hành một cách lành mạnh và phù hợp với sự triển nở của cá nhân cũng như của xã hội nói chung. Nền kinh tế nào chỉ khép kín vào chỗ tối đa hóa tư bản và lợi nhuận sẽ trở thành dụng cụ cho chính sách hạ nhân phẩm. Nền kinh tế nào không chấp nhận tính đa phức của quyền lợi công cộng trên thị trường sẽ mau chóng tách mình ra khỏi bất cứ lắng lo nào đối với ích chung, ra khỏi bất cứ giá trị nào cho phép con người và các dân tộc được liên hệ tốt đẹp với nhau qua các tương tác thương mại. Mọi nền công lý, và nhất là nền công lý kinh tế, đều đòi có bác ái (xem Caritas in Veritate).

Đức Bênêđíctô quan niệm văn hóa cũng tương tự như thế. Đối với ngài, văn hóa phát sinh phù hợp với định nghĩa căn bản về con người nhân bản, một con người chỉ là người bao lâu biết cởi mở với người khác, và cuối cùng cởi mở với Thiên Chúa. Cũng thế, văn hóa chỉ là văn hóa chân thực, một văn hóa lành mạnh, một văn hóa nhân bản, bao lâu nó cởi mở đón nhận những gì khác biệt với chính nó. Văn hóa trong toàn bộ bao giờ cũng hướng về tương tác và thông đạt, chứ không hướng về cô lập và chỉ lo bảo tồn chính mình. Như ngài từng viết: “Bất cứ yếu tố nào trong bất cứ nền văn hóa nào nếu loại bỏ sự cởi mở ấy và sự trao đổi văn hóa ấy cũng tượng trưng cho sự bất thoả đáng trong một nền văn hóa, vì loại bỏ điều khác biệt là trái với bản nhiên con người” (Truth and Tolerance, 60). Như thế, văn hóa không tự bẻ cong hướng vào bên trong và loại bỏ thể dị biệt, đúng hơn, nó phải tìm cách tự phát biểu ra bên ngoài và chân thực tìm cách gặp gỡ điều khác với mình. 

Cùng một tính lưỡng phân trên giữa khép kín và cởi mở đã lên khuôn đường hướng của Đức Bênêđíctô trong quan điểm của ngài về lý trí. Hệ thống tư tưởng, hay triết lý nào tự ấn định định mức và tiêu chuẩn riêng để chứng nghiệm sẽ trở thành khép kín đối với chân lý mà mình tự cho là tìm kiếm. Lịch sử triết học là lịch sử của hết những chắc mẩm tự xác định này tới những chắc mẩm tự xác định khác, trong mưu toan đem lại cho mọi sự vật câu định nghĩa dứt khoát do chính mình đưa ra. Muốn phá sập cái thói quen đầy kiêu hãnh ấy nơi tâm trí con người, cách duy nhất là cởi mở đối với những gì phát xuất từ bên ngoài chính họ: tức mạc khải. Chỉ những gì nhận được từ đức tin, trước khi tưởng nghĩ hay hiểu biết, mới giải thoát nhân loại khỏi cơn ghiền giải thích sự sống theo các hạn từ của riêng mình. Đức tin là sự cởi mở, trong tín thác, đối với điều, hay đối với Đấng, phát xuất từ bên ngoài và mở tung được cái vô nghĩa đóng kín của nhân loại chỉ biết loay hoay với các khí cụ riêng. Đối với Đức Bênêđíctô, lý trí phải mở cửa đón nhận đức tin, và đức tin phải phục vụ lý trí bằng cách hướng dẫn và chỉnh sửa nó (Introduction to Christianity và Faith and the Future).

Bản năng hiện đại

Đặc điểm nổi bật của thời hiện đại là khuynh hướng không muốn để ánh sáng xuyên qua các hạn từ của mình. Thời hiện đại ghét sự trong sáng. Nó bị thúc đẩy bởi khát vọng muốn chiếm đoạt mọi sự cho chính mình, bất chấp là lợi nhuận, là tự đưa mình lên hay ưu thế. Ánh sáng không phải là điều đáng kể đối với thời hiện đại; đúng hơn, người đáng kể là người có thể thấy ánh sáng, phán xử ánh sáng, cướp lấy ánh sáng và nắm giữ ánh sáng. Đó chính là cái nền xây nên “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”, trong đó các sự thật cá thể huênh hoang đòi trở thành sự thật phổ quát. Con người, định chế và triết lý hiện đại không bao giờ tìm cách tăng tốc hay trải rộng ánh sáng đang di chuyển. Nó luôn tìm cách làm ánh sáng chậm lại để phù hợp với cung cách tính toán của họ.

Đối với Đức Bênêđíctô, sự thánh thiện luôn để mình tự hội nhập vào sự sống tăng tốc của Thiên Chúa. Các thánh luôn cho thấy ánh sáng trong chính bản chất của nó, chứ không theo cách họ muốn. Trong cái tính cá biệt hết sức cao độ của họ, các thánh để ánh sáng Thiên Chúa chiếu dõi qua các ngài và như thế các ngài trở thành “cảnh tượng” (spectacle) để thiên hạ ngắm nhìn. Như chính lời Đức Bênêđíctô từng viết: “Thần Khí Thiên Chúa đã ban sự sống đầy trí tưởng tượng tuyệt vời cho rất nhiều thánh nhân nam nữ, thuộc mọi thời đại và mọi điều kiện xã hội, thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và văn hoá” (Holiness is Always in Season). Những con người thánh thiện này không đòi ánh sáng cho riêng mình, cũng không tìm cách làm nó chậm lại. Thay vào đó, các ngài tự quên mình, để ánh sáng tự do chói lọi qua cuộc sống của mình. 


 

Cái nhìn trên về sự thánh thiện khiến người ta nhớ lại một câu truyện đã được thuật trên tờ Notre Dame Vision nhiều năm trước đây. Đây là một câu truyện người ta tin là có thật, nhưng diễn trình kể đi kể lại khiến nguyên lai của nó mỗi ngày một không chắc chắn hơn. Câu truyện đó như sau: một bé gái ngồi cạnh cha trong một nhà thờ để tham dự Thánh Lễ buổi sáng Chúa Nhật. Ánh sáng ban mai rực rỡ chiếu qua các khung cửa sổ kính mầu ở phía đông nhà thờ, vẽ lên cộng đoàn những mầu sắc thật đẹp. Bé gái vừa nhìn kính mầu vừa vỗ vai cha và hỏi: “Ba ơi, những vị trong khung cửa sổ kia là ai vậy?” Cha em trả lời: “À, cưng ạ, họ là các vị thánh”. Nói rồi, cha em đợi một lúc lâu xem em có hỏi gì thêm như thói quen không. Nhưng không, em không hỏi gì thêm nữa. Tuy nhiên, sau đó, trong lớp giáo lý, cô giáo hỏi cả lớp xem có ai biết các thánh là ai không. Thì bé gái dơ tay ngay, trả lời như “đinh đóng cột”: “các thánh là những vị để ánh sáng chiếu qua”. 

Cổng ơn thánh

Đây là điều Đức Bênêđíctô cố gắng dạy ta trong suốt 8 năm qua và cả nhiều thập niên trước đó. Ta sẽ không phải là người như đã được dựng nên nếu ta không chịu mở lòng mình ra, liều mình trở thành các cổng của ơn thánh và trí tưởng tượng và hướng ra ngoài gặp gỡ người khác. Chính vì thế, ngài đã cảnh báo ta chống lại những nền phụng vụ tự tạo ra những vòng tròn luẩn quẩn của tự phản ảnh và tự khen mình. Ngài thách thức ta cùng hướng về Oriens (Phương Đông) để thấy Thiên Chúa đang đến (Spirit of the Liturgy). Đó là lý do khiến ngài không ngừng mời gọi ta bước vào hiệp thông với nhau dựa trên chính Kinh Lạy Cha của Chúa, một kinh phá sập mọi rào cản cô lập để mau mắn tự hiến. Như chính ngài đã viết trong cuốn sách cuối cùng của ngài: “chữ chúng con (trong Kinh Lạy Cha) thực ra hết sức đòi hỏi: nó đòi ta phải bước ra ngoài cái vòng khép kín của ‘cái tôi’. Nó đòi ta phải từ bỏ mình để hiệp thông với mọi con cái của Thiên Chúa” (Jesus of Nazareth, 141). Những lời này nói tới sự tín thác đối với căn tính ta đã được ban cho, chứ không phải căn tính ta muốn cho chính ta, như một thứ tư hữu của riêng mình. Tiến bộ và đổi mới không phải là thước đo căn tính này; chỉ có tình yêu mới là thước đo đó. 

Như Tim O’Malley có lần nhận định, đây cũng là cách tốt nhất để hiểu quyết định từ nhiệm từng gây ngạc nhiên của Đức Bênêđíctô. Đức Thánh Cha chỉ trao lại điều chưa bao giờ ngài cho là của mình: ngài để ánh sáng chiếu qua mình dù điều này có nghĩa là ngài sẽ khuất dạng khỏi con mắt quần chúng. Lời lẽ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật 17 tháng Hai vừa qua cho thấy rõ điều đó: “Trong những giây phút có tính quyết định của đời người, hay, nếu quan sát kỹ, trong mọi giây phút của đời người, ta đều đang đứng ở ngã tư: ta muốn theo ‘cái tôi’ hay theo Chúa? Theo quyền lợi cá nhân hay theo sự thiện chân thực, đúng là sự thiện chân thực?”. Trong sự nghiệp thầy dạy Đức Tin, ngài luôn cố gắng thuyết phục người khác đưa ra câu trả lời. Trong hành vi cuối cùng của đời giáo hoàng, một lần nữa ngài đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ấy. 

C.S. Lewis có lần viết rằng “Vinh Quang chiếu vào mọi người, và từ mọi người phản chiếu lại: giống như ánh sáng và gương soi. Nhưng ánh sáng mới là sự vật” (Great Divorce). Việc ánh sáng chiếu rọi mới là bận tâm duy nhất trong thừa tác vụ của Đức Bênêđíctô. Ngài tiếp tục thách thức thế giới tránh đừng để mình bị tính tự mãn của riêng mình phủ mây, trở thành nguội lạnh trong chính cái nhẫn tâm và quá tự tin của mình. Kinh tế là để chia sẻ hàng hóa, văn hóa là để trao đổi hồng phúc và lý trí là để tiếp nhận và lượng giá điều đức tin ban cho. Phụng vụ qui chiếu ta về Thiên Chúa Đấng đến với ta, trong khi cầu nguyện kéo ta ra ngoài chính ta. 

Điều diễn ra trong các phòng thí nghiệm là nhằm phục vụ con người, mà con người thì phục vụ Thiên Chúa, chứ không phục vụ con người như thể họ là Thiên Chúa. Nếu vị giáo sư của Harvard có thể làm chậm, thậm chí, giam hãm được ánh sáng bằng cách sử dụng tia laser và muối ăn, thì điều này hẳn cũng có thể được dùng cho sự thiện thực là sự thiện. Nhưng ánh sáng thực của đời người thì không bao giờ ta có thể làm chậm lại hay giam hãm nó. Cố gắng làm thế là tự mâu thuẫn với chính mình. Tự đặt mình, thậm chí tự đặt cả thế giới, lên trên sức mạnh của ánh sáng này cũng vẫn không ngăn cản người khác nhìn thấy nó. Ánh sáng này phải chiếu rọi qua ta, vì ánh sáng này là điều Đức Bênêđíctô tin có sức cứu vớt thế giới. 

“Tình yêu là ánh sáng, nói cho cùng, là ánh sáng duy nhất, luôn có khả năng chiếu sáng một thế giới đang tối dần và đem lại cho ta lòng can đảm để ta tiếp tục sống và làm việc. Tình yêu là điều có thể, và ta có khả năng thực hành nó vì ta vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Cảm nghiệm tình yêu và nhờ thế, giúp ánh sáng Thiên Chúa chiếu vào trần gian, đó là lời mời gọi tôi muốn ngỏ cùng anh chị em” (Deus Caritas Est).

Theo Leonard DeLorenzo, giám đốc ơn gọi tại Đại Học Notre Dame, Hoa Kỳ.