“Nghèo khó, vâng lời, khiết tịnh” là 3 lời khuyên Phúc Âm – làm nên 3 lời khấn dòng mà mỗi tu sĩ khấn giữ trong suốt cuộc đời dâng hiến của mình. Tuy vậy, tùy theo đặc sủng của mỗi dòng mà thứ tự ưu tiên của các lời khấn này khác nhau. Ví như, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chọn Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình. Thế nên, với các chị, lời khấn khiết tịnh được đặt lên hàng đầu. Hay với các tu sĩ Dòng Tên, các ngài bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá, trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng để được vị đại diện của Người là Đức Giáo Hoàng sai đi đến bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì. Vậy nên lời khấn vâng lời là nền tảng trong đời sống của các tu sĩ Dòng Tên. Với ơn gọi Phan Sinh thì sao?
Chân Phước Maria de la Passion – Mẹ Lập Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ nói rằng: “Nhân đức khó nghèo phải là nền móng của ngôi nhà thiêng liêng của chúng ta, vì nó là nguồn mạch và của ăn nuôi dưỡng tình yêu.” (Tham chiếu HP số 53a) .Và, các nữ tu Phan Sinh, hiến mình trọn vẹn cho Chúa Cha theo gương Mẹ Maria và Thánh Phanxico bằng việc tuân giữ Đức Khó Nghèo, vâng lời và khiết tịnh.
Lời khấn Khó nghèo được đặt lên hàng đầu trong 3 lời khấn dòng của các chị em Phan Sinh. Thật thế, linh đạo Phan Sinh thấm đẫm trong tâm hồn Mẹ Maria de la Passion và Mẹ truyền lại cho con cái mình: “Chị em hãy yêu mến Đức Nghèo như cha Thánh Phanxico đã yêu mến: Hãy chọn Đức Nghèo làm Bà Chúa và Người Tình của mình như cha Thánh đã làm. Chị em không được xúc phạm đến Đức Nghèo bao giờ hoặc cách nào, và nhất là đừng để cho Hội Dòng quên lãng mối tình đặc biệt mà Hội Dòng mắc nợ đối với Đức Nghèo” (Tham chiếu HP số 54). Mẹ nói tiếp: “...Cả Hội Dòng và riêng biệt mỗi chị em hãy thực hành đức khó nghèo trọn vẹn nhất trong đời sống, để bảo trì và gia tăng lòng sốt mến” (Tham chiếu HP số 55). Là nữ tu Phan Sinh làm thế nào để sống hay thực hiện tâm nguyện này của Mẹ mình đây, nhất là trong một xã hội công nghiệp hóa – hiện đại hóa?
Trước hết, Đức nghèo khó thể hiện trong cuộc sống cá nhân và tập thể. Đây cũng là sống sự nghèo khó bên ngoài. Trên bình diện tập thể, Mẹ nhắn nhủ: “Các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ phải tớm gớm những ngôi nhà sặc mùi tiện nghi. Các tu viện của chị em phải sạch sẽ, khang trang, thích hợp với luật Dòng, nhưng phải làm theo một kiểu kiến trúc đơn sơ nhất và không bao giờ được trang hoàng lộng lẫy” (Tham chiếu HP số 56).
Với cá nhân chị em, Mẹ dặn dò trong cách thức ăn mặc: “Các con yêu quí, các con luôn luôn tránh sự xa hoa. Hãy giữ cho mình vẻ bề ngoài thật gọn gàng và xứng đáng trong bộ tu phục và màu sắc của Đức Maria Vô Nhiễm. Cách cá nhân, các con hãy xua tan những mối bận tâm và tất cả sự hài lòng nhỏ nhoi - những điều sa hoa giống như con cái của Evà” (CT/1 64). Hay “Các con cẩn thận với những cám dỗ chống lại Đức Nghèo, các con cũng có thể dính bén với những thứ nho nhỏ như: đồ vật, nơi chốn hoặc công việc; đó có thể là việc tự tìm kiếm quần áo và thức ăn, ước muốn dễ dãi, và thói quen lấy hoặc xử lý mọi sự mà không có sự cho phép, và sự thất vọng để phó thác mọi sự cho Thiên Chúa Quan Phòng” (CT/2 123)
Đọc lại những tâm tình của Mẹ Lập Dòng về Đức Nghèo và nhìn lại hành trình ơn gọi với gần 10 năm khấn dòng trong khía cạnh sống Đức Nghèo, tôi thầm cám ơn Chúa về sự huấn luyện đầy nhẫn nại và yêu thương. Từng bước một Ngài đưa tôi đi vào sâu hơn trong tương quan với Ngài qua Đức Nghèo. Những năm tháng chập chững bước vào đời tu, Ngài huấn luyện tôi trở nên cởi mở, thong dong và vui tươi trong việc sống Đức Nghèo qua việc báo cáo những chi tiêu cá nhân, đơn sơ chia sẻ những quà tặng nhận được....Sâu hơn một chút, Ngài rèn luyện tôi trong Đức Nghèo để can đảm, bình an và tự nguyện đón nhận những tổn thương, đổ vỡ, yếu đuối và giới hạn của bản thân, cũng như việc chấp nhận những đòi hỏi của các công việc bổn phận.
Và hôm nay, sau hơn 1 năm sống ở một đất nước khác, tôi càng thấm thía và cảm nghiệm sâu xa hơn về Đức Nghèo. Thật nghèo khi tôi rời bỏ quê hương thân yêu để đến vùng đất mới. Thật nghèo khi tôi từ bỏ những khẩu vị quen thuộc và những món ăn yêu thích nơi quê nhà để đón nhận những khẩu vị mới. Thật nghèo khi tôi để lại đằng sau tiếng mẹ đẻ của mình để nói một ngôn ngữ khác. Thật nghèo khi những nét đẹp và những điều tốt lành trong văn hóa của mình cần thay đổi để thích ứng với một nền văn hóa mới. Và trong bối cảnh Việt Nam, hình ảnh người tu sĩ được ví von “ăn cơm Chúa – múa tối ngày” qua các sứ vụ như dạy học hay chăm sóc các em nội trú; mục vụ giáo xứ với việc giúp phòng thánh, các lớp giáo lý, trao Mình Thánh Chúa; công tác xã hội qua việc thăm viếng bệnh nhân, người nghèo hay việc chuẩn bị những bữa ăn cho chị em trong cộng đoàn... Còn ở nơi xứ người, lắm lúc tôi thấy mình thật thừa thãi và vô dụng. Thật nghèo biết bao - cái nghèo của sự lột bỏ chính mình, chấp nhận mình là người thừa thãi và vô dụng, thật không dễ dàng. Thế nhưng, thật lạ, khi tôi đón nhận và ở lại với những cái nghèo ấy của mình. Tôi lại thấy mình thật giàu có – giàu bởi niềm vui, sự bình an và đầy Chúa trong tận cõi lòng.
Những cảm nhận đó của tôi đã được Mẹ Maria de la Passion đề cập đến, Mẹ nói: “Người nghèo khó đích thực thì để cho người ta lấy hết, tước đoạt hết mọi sự: về tinh thần cũng như vật chất, cả bề trong cũng như bề ngoài, miễn là người đó có Thiên Chúa trong mình, thì sẽ giữ được sự bình an trong thái độ phó thác; mỗi khi người ấy để cho mình bối rối, thì người ấy biết rằng mình đã ra khỏi Đức nghèo Phan Sinh rồi. Chớ gì con cái của tôi trở nên nghèo khó đến mức đó trong mọi sự và khắp mọi nơi...” (Tham chiếu HP số 53).
Như thế, Đức Nghèo trong ơn gọi Phan Sinh không chỉ nghèo bề ngoài, về vật chất, mà còn nghèo bề trong, nghèo tinh thần. Người nữ tu Phan sinh được mời gọi noi gương cha Thánh Phanxico sống Cái Nghèo của Chúa Giêsu – Đấng là Con Thiên Chúa đã từ bỏ thiên tính để trở nên phàm nhân – Đấng đã từ bỏ nhân quyền để trở thành tội nhân – Đấng đã từ bỏ quyền sống để trở thành một tên tử tội – Đấng đã lột bỏ chính Thiên Chúa để xuống âm phủ.
Qua tất cả những gì tôi đã trải qua và cảm nghiệm, tôi cám ơn Chúa đã phần nào cho tôi được chạm đến cái nghèo của Ngài. Tôi cũng muốn “dâng trả mọi sự tốt lành về cho Chúa là Thiên Chúa tối cao và chí tôn....; Ngài là nguồn mạch mọi sự tốt lành.” (1L17,17). Và tôi cũng xin Ngài tiếp tục khơi gợi nơi tôi và mỗi chị em Phan Sinh lòng yêu mến và việc năng thực hành Đức Nghèo trong từng ngày sống. Cùng với Cha Thánh Phanxico và Mẹ Sáng Lập, chúng tôi thưa lên: “Lạy Thiên Chúa của con và là mọi sự của con”, không phải bằng đầu môi chót lưỡi nhưng bằng cả con tim của mình.
A.Q fmm