- CÁCH THÁNH PHAN-XI-CÔ CHIÊM NGẮM HÀI NHI
Đoạn lời Chúa mà chúng ta vừa nghe nói về thắc mắc của các môn đệ đặt ra cho Đức Giê-su về việc Ông Ê-li-a phải đến trước và Đức Giê-su trả lời các ông: “Ông Ê-li-a đã đến rồi và họ đã không nhận ra... con người cũng bị xử như vậy” (x. Mt 17,10-13). Câu hỏi được đặt ra là tại sao họ lại không nhận ra? Phải chăng thấy thì có thể nhưng nhận ra lại là một vấn đề khác? Mùa vọng và Giáng sinh lại đến, mùa vọng là mùa Chúa đến nhưng làm thế nào để nhận ra Chúa như chính ngài là chứ không phải theo cách nhìn của riêng mỗi người? Để có thể có cái nhìn đúng và nhận ra Hài Nhìn Giê-su thiết nghĩ chúng ta cùng học hỏi nơi trường học phan sinh qua cách nhìn của Cha Thánh Phan-xi-cô và Mẹ Sáng Lập.
Đối với Phan-xi-cô, Đức Giê-su Ki-tô luôn luôn là một “Thiên Chúa – Con người”. Vì là con người thật nên mọi người đều nhìn được thấy ngài như ngài là và như bất cứ một con người nào khác trên trần gian này; Vì là con của Thiên Chúa nên bất cứ ai không có đức tin công giáo thì không thể nhận ra Người. Trong các tác phẩm của Cha Thánh, ngài luôn luôn nhận thấy nơi Đức Ki-tô mọt sự siêu việt đi cùng với sự khiêm hạ, sự cứu chuộc thế giới của Đức Giê-su đi liền với sự nghèo khó với tất cả điều kiện của một con người; và cái Ngài là lại là trở nên một người tôi tớ phục vụ mọi người theo thánh ý Chúa Cha. Thế nên khi chiêm ngắm Đức Giê-su lập tức người ta nhận ra và hướng về Chính Thiên Chúa Cha.
Do đó, trước hết Phan-xi-cô nhận thấy Đức Giê-su là con Chúa Cha, Lời của Chúa Cha, Sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cao cả như Thiên Chúa Cha nhưng cũng ngang bằng với Thiên Chúa Cha. Mối tương quan Cha – Con làm cho Cha Thánh luôn dâng trào một niềm cảm kích và tạ ơn mỗi khi chiêm ngắm Đức Giê-su. Vì vậy, với đức tin, Phan-xi-cô luôn đón nhận những cách hiện diện khiêm hạ của Đức Giê-su với một niềm xác tín và ‘kinh ngạc’ thẳm sâu: Hài Nhi – Lời – Thánh Thể - Thập Giá.
Khi chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su nằm trong máng có, Phan-xi-cô nhận thấy một mối tương quan thánh thiêng giữa “Ngôi Lời của Thiên Chúa - đã mặc lấy xác phàm” để ở cùng chúng ta. Nhờ sự hạ mình thẳm sâu này (cho vừa tầm nhìn của con người) mà Ngôi Lời thật sự mang trọn vẹn xác thịt của con người. Điều Phan-xi-cô nhận ra qua cuộc nhập thể này đó là ý Chúa Cha và sự vâng phục trọn vẹn của Ngôi Lời (2TH 4-5) với hệ quả của Đức Vâng lời là nghèo khó; đón nhận sự bách hại và chấp nhận trở nên bị giới hạn với những điều kiện của một con người. Chúng ta sẽ thấy rõ cảm thức đức tin độc đáo này của Cha Thánh qua kinh Kính các mầu nhiệm của Chúa trong giờ kinh dành cho Mùa Giáng Sinh để thấy được góc nhìn tinh tế của Cha Thánh về mầu nhiệm nhập thể: Ý Chúa Cha – Quà Tặng – Khó nghèo – Thập giá – thái độ dâng trả.
Như thế, Greccio và La Verna đại diện cho hai trụ cột mà linh đạo Phanxicô đặt trên đó: lòng khiêm nhường trong Nhập thể, Khó nghèo trong cuộc sống và lòng bác ái trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Giữa Greccio và La Verna, chắc chắn Phanxicô đã lặp lại trong chính mình kinh nghiệm về Chúa Kitô và, đến cuối cùng, ngài đã hiểu được bản chất tối cao của tình yêu.
Cùng một tâm tình như thế khi chiêm ngắm Thánh Thể, Phan-xi-cô đã phải thốt lên: “Ôi thật là điều vẻ vang, khi có một người Cha thánh thiện và vĩ đại trên trời. Ôi thật là điều thánh thiện, an ủi khi có một người bạn trăm năm đẹp đẽ và kỳ diệu. Ôi thật là điều thánh thiện và đáng quí mến, khi có một Người Anh và một Người Con hiền lành, khiêm hạ, an hòa, ngọt ngào, đáng mến và đáng ước ao trên hết mọi sự đã thí mạng sống mình cho đoàn chiên và đã cầu xin cùng Chúa Cha cho chúng ta : "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong Danh thánh, những kẻ Cha đã ban cho Con (x. Ga 10,15; 17,21). Lạy Cha, tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con trong thế gian đều thuộc về Cha, và Cha đã ban họ cho Con (Ga 17,6). Con đã ban cho họ những lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã tiếp nhận những lời ấy và biết thật rằng Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai phái Con (Ga 17,8); Con cầu xin cho họ chứ không cho thế gian (x. Ga 17,9). Xin cha chúc lành và thánh hóa họ (Ga 17,17). Và vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để họ được thánh hóa và nên một như chúng ta (Ga 17,19.22). Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con trong Nước Cha" (Ga 17,24 ; Mt 20,21). Vì Thiên Chúa đã chịu bao đau khổ vì chúng ta, đã mang lại và trong tương lai sẽ còn mang lại cho chúng ta bao điều lành nên mọi thụ tạo trên trời dưới đất, nơi lòng biển và ở đáy vực sâu, hãy dâng lên Người lời ngợi khen, vinh quang, danh dự và chúc tụng (x. Kh 5,13). Chính Người ban cho ta nghị lực và sức mạnh. Chỉ mình Người là tốt lành (Mc 10,18; Lc18,19), cao cả, toàn năng, kỳ diệu, vẻ vang; chỉ mình Người là thánh thiện, đáng ca khen và chúc tụng đến muôn thuở muôn đời. Amen (2Th 54-62).
Như vậy, sự khiêm hạ biểu lộ qua nhập thể và tình yêu biểu lộ qua khổ nạn của Đức Ki-tô chỉ một hành trình sống vâng phục hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha nên được biểu lộ tất cả qua các mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Chiêm ngắm Hài Nhi trong máng cỏ là khởi đầu cho ta “bước theo dấu chân con yêu dấu của Thiên Chúa” trên con đường hiến tế. Vì thế, Thánh Phan-xi-cô luôn nhận ra các mầu nhiệm và cuộc đời dưới thế của Đức Giê-su là một hành trình của người sống tư cách “lữ hành và khách lạ” hướng về Thiên Chúa Cha, và như thế ánh sáng vinh quang nơi háng đá Bê-lem, ánh sáng tình yêu khiêm hạ nơi nhà tạm và ánh sáng phục sinh nơi mộ đá chỉ là một, là vinh quang Thiên Chúa được ẩn dấu nơi những gì bé nhỏ = Sống đức vâng phục theo thánh ý Chúa như Đức Giê-su đã sống.
- CÁCH MẸ SÁNG LẬP CHIÊM NGẮM HÀI NHI GIÊ-SU
Sau khi đã cảm nghiệm nỗi “Passion của Chúa” qua chính thân phận của mình, sau khi Dòng được được chấp nhận và có một cơ cấu vững vàng, Mẹ Sáng Lập đúng ra sẽ cảm thấy an tâm khi có được sự “bảo đảm” cho một hội dòng non trẻ. Thế nhưng Mẹ nhận thấy rằng, cái bảo đảm cho Hội Dòng này để phát triển chính là sự khiêm hạ và cam đảm dấn thân. Mẹ nói: “Các con ơi, hãy đứng dậy và bước đi, đứng dậy xa tránh các khuyết điểm, các yếu kém của các con. Mẹ càng đi, Mẹ càng kinh nghiệm bao nhiêu thứ yếu kém khuyết điểm ấy vây quanh Chúa chúng ta và Ngài đã phải nhẫn nại rất nhiều. Hãy diệt tan, hãy đứng dậy và bước đi, đi đến với Chúa Giê-su. Trở ngại đến với Ngài là thiếu lòng quảng đại và sợ khổ”.
Mùa vọng chắc chắn không phải là mùa để chúng ta ngồi chờ nhưng là mùa đứng dậy, đi đón Đấng đang đến: “Adventus”. Do đó, tâm tình của Mẹ Sáng Lập cho thấy, để Dòng được chấp nhận quả đó là điều khó nhưng đó chỉ là khởi đầu, cái khó khăn quan trọng hơn cả là con người của mỗi chị em có sẵn sàng đứng dậy và quảng đại đến với Đức Giê-su hay không? “Mẹ không có vàng hay bạc để cho các con, nhưng có được gì Mẹ đều cho các con, các con hãy đứng dậy và đi. Mẹ tha thiết van nài các con, các con ơi, hãy đi theo Chúa Giê-su”. Đi theo Đức Ki-tô: “Sequela Cristi” một thuật ngữ quan trọng của Thánh Phan-xi-cô mà Mẹ đã cảm nhận và chỉ mong con cái của Mẹ thi hành điều này trên hết. Đi theo Đức Ki-tô đối với Mẹ chắc chắn là mỗi ngày các con của Mẹ hãy biết đứng dậy, ra đi theo Đức Ki-tô như một họa ảnh từ Be-lem đến Núi Sọ. Hành trình này cần phải can đảm và quảng đại nghĩa là sống trọn vẹn Đức vâng phục hiến tế.
Nhân mùa vọng chúng ta cùng tìm hiểu tâm tình của Mẹ thế nào trước Hài Nhi Giê-su. Người viết tiểu sử về Mẹ kể rằng: “Mẹ rất tôn kính Chúa Hài Đồng, đặc biệt là Chúa Hài Đồng có tên “Santo Bambino” ở tu viện Aracoeli... Mẹ thường xưng hô Chúa Hài Đồng là ‘Ông Vua của thành Roma’. Mẹ rất hân hạnh được anh em ở Tu Viện này ủy thác cho việc may lại chiếc áo choàng cho Chúa Hài Đồng. Riêng Mẹ, Mẹ cũng muốn dâng một kỷ niệm để kính nhớ tất cả những ân huệ Dòng đã lãnh nhận qua sự can thiệp của Chúa Hài Đồng, nhất là ân huệ được thừa nhận làm nghĩa tử trong gia đình Chí Ái. Lưu niệm kính nhớ là Mẹ dâng cái tủ lồng kính, trong đặt bức tượng thánh, trên nền đồng tắm vàng, phía trong Mẹ có khắc huy hiệu của Dòng để làm bảo chứng muôn đời yêu mến nhớ ơn. Lưu niệm kính nhớ này nay vẫn còn”.
Nếu người dân khắp nơi và đặc biệt là dân thành Roma đến với “Bambino” để xin cho được nhiều ơn lành thì Mẹ Sáng Lập đến với Hài Nhi Giê-su để chiêm ngắm “Thiên Chúa – Làm người”. Mẹ cảm động mãnh liệt khi nhìn vào ánh mắt của Hài Nhi Giê-su, Mẹ hạnh phúc làm được những điều cần thiết nhất cho Chúa Hài Nhi: May lại Chiếc áo choàng, chiếc áo vương quyền của Hài nhi lâu nay đã bị hư nát. Mẹ góp công sức làm Thiên Chúa được vinh quang? . Hai kỷ vật Mẹ: lồng kính và huy hiệu của Dòng: Một sự trung thành đến cùng trong đức khó nghèo và vâng phục? Một sự “khắc tên” hội dòng vào “Ông vua của thành Roma”. Nếu chúng ta hiểu rộng Roma không chỉ là một thành phố nhưng là một thành phố biểu trưng – Giáo Hội muôn thuở thì cách làm của Mẹ mới thật ý nghĩa làm sao!
Dựa theo những gì Mẹ kể, từ ơn lành của Hài Nhi Giê-su, có rất nhiều “hang đá” được hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới nhờ lòng quảng đại, can đảm và dám ra đi của chị em. Nhiều nếp nhà nghèo nàn được thiết lập nơi ấy chị sống đức khó nghèo và những người nghèo được đón tiếp và ưu tiên hưởng quyền lợi đầu tiên. Có thể nói, chính việc chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su đã là mẫu gương, là động lực và là chỗ dựa duy nhất để Mẹ can đảm sống đức vâng phục trong mọi hoàn cảnh.
- CÁCH THỨC CHIÊM NGẮM HÀI NHI CỦA CHÚNG TA HÔM NAY
Qua một vài nét chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa dưới cảm thức đức tin của Cha Thánh Phan-xi-cô và Mẹ Sáng Lập, chúng ta một lần nữa được mời gọi học tập cách chiêm ngắm của các ngài trong bối cảnh đời sống của mỗi người chúng ta hôm nay. Xin được nêu lên một vài gợi ý để mỗi người và cộng đoàn cùng xét mình:
1/ Chúng ta có thật sự ngỡ ngàng trước dấu chỉ Con Thiên Chúa – Làm người (Admirabile signum) để thấy ngay hôm nay Thiên Chúa vẫn yêu thương và tỏ bày kỳ công ấy cho chúng ta hay không?
2/ Đối với Cha Thánh Phan-xi-cô, sợi chỉ đỏ của Mầu Nhiệm Nhập Thể và xuyên suốt cuộc đời cứu thế của Đức Ki-tô chính là: Vâng phục thánh Ý Thiên Chúa Cha. Phải chăng chính vì thiếu “đức vâng lời thánh” mà tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, với anh chị em bị đổ vỡ và không làm cho Thiên Chúa được vinh quang?
3/ Điều gì đang làm cho chúng ta lo sợ và chưa dám đứng dậy, bước đi và bước theo Đức Ki-tô: Nghèo khó – khiêm hạ - quảng đại và hiền hòa?
4/ Đâu là “kỷ vật thấp hèn” mỗi người chúng ta có thể trao vào tay “Ông Vua Bé Nhỏ” trong Mùa giáng sinh này.
Phanxico Xavie Đinh Trọng Đệ, OFM