Miền Trung quê tôi

Đồng bào miền Trung đã vất vả lam lũ làm ăn để xây dựng một nơi ở tương đối vững chắc cho gia đình họ. Nhưng rồi lũ chồng lũ, bão chồng bão đã cuốn đi tất cả. Tuy nhiên, người dân trong vùng lũ đã nỗ lực vượt khó, ổn định cuộc sống. Trong cảnh bão lụt dữ dội này, chúng ta mới cảm nhận được tình người với người thật là tốt đẹp...

Miền Trung quê tôi cằn khô sỏi đá
Có cơn nắng về rát bỏng thịt da
Miền trung quê tôi dai dẳng cơn mưa
Dân tôi lo âu cho những vụ mùa…

(Miền trung quê tôi, Thơ Mặc Giang)

Người dân miền Trung quê tôi chịu thương chịu khó, dầm mưa dãi nắng để kiếm miếng cơm manh áo. Người dân nơi đây không chỉ vất vả do đất cằn sỏi đá nhưng hằng năm họ còn phải hứng chịu những trận thiên tai kinh hoàng. Gần đây, miền Trung bị ngập chìm trong biển nước do cơn bão số 6, số 7 và những trận mưa liên miên gây ra. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nỗi cực khổ mà người dân miền Trung phải hứng chịu. Miền Trung quê tôi là một dải đất dài và eo hẹp trải dài từ Thanh Hóa cho tới Bình Thuận. Nơi đây thời tiết vô cùng khắc nghiệt, khi nắng chang chang, khi mưa tầm tã, lúc bão lũ nối nhau hoành hành. Là người con của miền Trung, tôi cảm thấy thương cho người dân mình. Mỗi năm hè về, cái nắng gắt và gió Lào quạt lửa khiến da thịt chúng tôi nóng rát. Ở các xứ lạnh như Đà lạt thì người ta mặc nhiều áo ấm để giữ ấm nhưng chúng tôi lại phải mặc nhiều áo khoác để chống cái nắng, cái nóng rát của gió Lào. Chúng tôi phải sử dụng quạt điện liên miên. Mỗi buổi tối chúng tôi nhằm ngủ trên sàn nhà.

Tháng 6, tháng 7 và tháng 8 là những tháng làm chúng tôi sợ. Trời đang nắng chang chang thì bỗng dưng những cơn mưa rào kéo đến. Trước khi trời mưa, những tiếng sấm nổ vang trời. Trên con đường đi học, chúng tôi rất sợ khi nhìn thấy những tia sét. Chúng tôi thấy sét đánh trực tiếp vào nhà cửa cây cối, và thậm chí là đánh vào người. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui mỗi khi mùa mưa về. Ngoài trời thì lạnh nhưng trong nhà thì thật ấm áp bên bếp lửa. Khi mưa về, các thành viên trong gia đình ngồi trò chuyện với nhau và làm những món ăn như bánh chiên, kẹo Cu Đơ, bắp rang, khoai luộc... Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm này, lòng tôi cảm thấy nao nao và rộn ràng.

Tuy nhiên, cứ đến tháng 9, tháng 10 hàng năm là tháng của mưa bão đổ bộ vào miền Trung. Bão lũ đến thăm chúng tôi mỗi năm nhiều lần, lần nào cũng để lại những đau thương cho người dân nơi đây. Khi còn nhỏ, tôi thích mùa bão lũ. Vào mùa này, các con đường ngập lụt nên chúng tôi được nghỉ học. Cả nhà chúng tôi quây quần bên nhau. Tuy nhiên, khi càng lớn tôi mới hiểu được nỗi khổ của người lớn mỗi khi bão về. Bây giờ, tôi đang xa quê nhưng tôi luôn hướng về miền Trung thân yêu. Khi xem những tin tức về trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở quê nhà, tim tôi thấy đau xót làm sao.

Mưa lũ miền Trung: 111 người chết, thiệt hại hơn 8.500 tỷ đồng

Cơn bão số 6, số 7 và mưa kéo dài gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo tờ báo Zing News đăng ngày 25/10/2020, do liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung trải qua 3 tuần mưa lũ lịch sử; có hơn 130 người chết, 18 người mất tích. Tối 25/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo nhanh tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung kể từ ngày 6/10 đến nay. Chỉ trong gần 3 tuần, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề khi khiến 130 người chết và 18 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng, nhiều hecta lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp; nhiều hecta thủy sản bị thiệt hại; rất nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều nơi bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập trong đợt lũ.

Những cảnh tang tóc khiến chúng ta đau lòng làm sao! Nhiều người mất đi người thân vĩnh viễn trong dòng nước lũ và mất đi nơi cư trú để tránh mưa tránh nắng. Đồng bào miền Trung đã vất vả lam lũ làm ăn để xây dựng một nơi ở tương đối vững chắc cho gia đình họ. Nhưng rồi lũ chồng lũ, bão chồng bão đã cuốn đi tất cả. Tuy nhiên, người dân trong vùng lũ đã nỗ lực vượt khó, ổn định cuộc sống. Trong cảnh bão lụt dữ dội này, chúng ta mới cảm nhận được tình người với người thật là tốt đẹp...

VGP News :. | Quyết liệt ứng phó “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” miền Trung  | BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Các anh chị em từ miền Bắc và miền Nam đã kêu gọi ủng hộ để giúp anh em miền Trung vượt qua khó khăn này. Đức Cha Giuse - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết thư kêu gọi: “Trong tinh thần “Lá lành đùm lá rách” và nhất là do đức ái Kitô giáo thúc đẩy: ‘Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc’ (Mt 25,36), tôi tha thiết kêu gọi toàn thể quý cha, quý tu sĩ nam nữ thuộc các Hội dòng, Tu hội, và Anh Chị Em giáo dân quảng đại chia sẻ với đồng bào đang gặp hoạn nạn, không phân biệt tôn giáo, giúp họ có điều kiện xây dựng lại cuộc sống của mình. Đồng thời xin quý Cha và Anh Chị Em cầu nguyện nhiều cho những nạn nhân bị thiệt mạng trong cơn bão.” Tại giáo xứ Tạo Tác chúng tôi, cha xứ cũng kêu gọi giáo dân trong giáo xứ đóng góp chút ít để giúp đỡ anh em mình. Trong thánh lễ dành cho thiếu nhi vào Chúa Nhật 30 Thường niên, Cha chánh xứ đã mời gọi các em giáo lý góp phần mình bằng cách cầu nguyện. Đối với cộng đoàn Hiển Linh, chị em đồng cảm với anh em miền Trung bằng lời cầu nguyện và bớt chi tiêu để góp phần nhỏ vào việc cứu trợ cùng với cả Tỉnh dòng.

Tôi rất cảm động vì vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 160 tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào miền Trung. Cô Tiên đã trực tiếp đến với người dân. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, đoàn thể quyên góp tiền của để giúp người dân vươn lên, gượng dậy sau lũ. Nhiều người dân ở miền Tây chung tay gói bánh tét gửi ra miền Trung tặng bà con.

Người dân miền Trung đã luôn kiên cường và bền bỉ trong những trận thiên tai, nhưng họ cũng rất cần đến sự chia sẻ và lời cầu nguyện tất cả anh chị em chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Nhân lành tăng thêm sức mạnh cho người dân miền Trung thân yêu, để từng bước họ khắc phục hậu quả của thiên tai và ổn định cuộc sống.

TTS/FMM.