Xét mình cách chung chung chỉ để vào tòa giải tội có thể sẽ dẫn tới sự khuây khỏa cảm xúc: những cảm giác tội lỗi, hối hận, và cả những giọt nước mắt. Sau khi thú nhận, chúng ta có thể sẽ cảm thấy khây khỏa và tinh sạch, nhưng điều đó không đủ. Xét mình cẩn thận để đi đến một quyết định hoán cải thực sự mới là con đường dẫn lối vào trong tiến trình nên hoàn thiện hơn mỗi ngày. Hãy bắt đầu lại cho một thực hành và sống Bí tích Hòa giải từ việc xét mình tận căn. Một tương lai mới mẻ của đời sống đạo đức đang chờ đợi mỗi chúng ta.
HOÁN CẢI
MỘT GÓP PHẦN CỦA TÂM LÝ HỌC
Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ
MỘT GÓP PHẦN CỦA TÂM LÝ HỌC
Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ
Một thực tế…
Đối với giáo dân Việt Nam, việc giữ luật Hội Thánh “xưng tội một năm ít là một lần” còn khá tốt; và hơn thế nữa, cho tới nay, còn rất nhiều người vẫn còn có thói quen giữ việc xưng tội hàng tháng, hàng quý. Thế nhưng, vấn đề mà chúng ta phải quan tâm nhiều hơn là việc hoán cải thực sự ngang qua việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải này. Nhân dịp mùa Chay, xin chia sẻ một vài cảm nhận dưới góc nhìn tâm lý học trong việc sống Bí tích Hòa giải – cụ thể là con đường đi từ việc xét mình đến quyết định hoán cải. Hy vọng sẽ góp thêm chút tâm tình cho mọi người thực hiện tốt hơn con đường hoán cải của mình.
1. Từ cách thực hành truyền thống
Trong giáo lý truyền thống, xét mình là một trong những việc quan trọng của việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Việc xét mình kỹ lưỡng và cẩn thận, nhìn từ góc độ cử hành bí tích, sẽ giúp cho hối nhân ăn năn tội và xưng thú tội lỗi cách đầy đủ hơn.
Từ ngữ sám hối, ăn năn - metanoia, theo cách sử dụng thông thường trong tiếng Hy lạp, bao gồm metacó nghĩa là “thay đổi” và noia có nghĩa là “tâm trí”. Như thế, từ ngữ metanoia diễn tả một thái độ đòi hỏi sự thay đổi tận căn đời sống. Nhưng với một nền tảng lịch sử ý nghĩa phong phú, chúng ta có thể hiểu được thay đổi căn bản nào mà nó muốn nói lên. Đó không chỉ thay đổi tâm trí; cần phải đi từ con nhộng đến con bướm. Cần phải trải qua một quá trình metamorphosis triệt để. Cần bước vào kinh nghiệm sống trong một thế giới khác[1].
Trong Bí tích Hòa giải, việc ăn năn tội phải chiếm chỗ nhất trong các hành động của hối nhân, vì ăn năn tội là “đau đớn trong lòng, chê ghét tội lỗi đã sai phạm và dốc lòng không tái phạm nữa. Vì chưng, chúng ta phải tiến đến nước của Đức Kitô bằng việc ‘ghét tội’, nghĩa là bằng sự thay đổi chân thành toàn diện con người, vì nhờ việc thay đổi này, con người khi đã được sự thánh thiện và tình thương của Thiên Chúa thúc đẩy, sẽ bắt đầu suy nghĩ, phán đoán và sắp xếp lại cuộc đời, chính sự thánh thiện và tình thương này của Thiên Chúa đã được tỏ bày trong Chúa Con, và được thông ban dư đầy trong chúng ta (x. Dt 1,2; Col 1,19, Ep 1,23)”[2].
Thế nhưng, trong thực hành, thông thường khi xét mình, chúng ta chỉ dựa trên những bản gợi ý xét mình, Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, Sáu Điều Răn Hội Thánh… để xem xét những tội mình đã phạm, mỗi tội bao nhiêu lần. Trong thực tế hiện nay, việc xét mình cụ thể này cũng rất hiếm người thực hiện. Giả định là chúng ta vẫn còn giữ việc xét mình một cách cụ thể số tội, số lần phạm; điều này là cần thiết nhưng chưa đủ! Bởi lẽ, nó chỉ giúp cho chúng ta thấy được những “triệu chứng lâm sàng”, “bề nổi” của tội cũng như mức độ đã phạm mà không thấy rõ được bản chất của tội mình đã phạm. Cách thức này sẽ khó lòng giúp cho chúng ta thực hiện cuộc hoán cải thực sự theo ý nghĩa là biến đổi đời sống của mình cách đích thực vì chúng ta vẫn đang giải quyết vấn đề trên bề mặt của nó. Nói cách khác, việc hoán cải của chúng ta sẽ chỉ là việc “bẻ nhánh”; và như thế, nguy cơ những “chồi” khác sẽ đâm ra nhiều hơn.
Chẳng hạn, một người sau khi xét mình một cách rất cẩn thận và thấy rằng mình thường xuyên nóng nảy, giận dữ với anh chị em mình. Họ có thể đếm được cách cụ thể cho từng lần lỗi phạm về điều này. Sau đó, họ quyết tâm hoán cải, thay đổi cách sống, từ bỏ sự nóng giận của mình. Khi đến tòa cáo giải, họ cũng được cha giải tội khuyên giải cần thay đổi và không nóng giận nữa. Họ quyết tâm thay đổi! Khi trở về, họ ý thức việc luyện tập của mình mỗi ngày. Mỗi sáng thức dậy, họ đều tự xác định lại việc tập luyện từ bỏ sự nóng giận của mình và xin ơn Chúa trợ giúp; đồng thời, mỗi tối đều xét mình kiểm điểm lại việc thực hành của mình. Nhưng dường như, việc tập luyện của họ không có hiệu quả.
Tại sao thế? Xét về mặt tâm lý, chúng ta có thể thấy hai vấn đề khó khăn của việc thực hành hoán cải này.
Trước hết, một cách vô tình, mỗi sáng khi lập lại quyết tâm sống biến đổi của chúng ta đã ghi vào trong tâm trí chúng ta một điều tiêu cực: sự nóng giận. Vì thế, mọi phản ứng, hành vi của chúng ta, tự trong tiềm thức, dễ bị điều khiển bởi điều này: sự nóng giận.
Kế đến, mỗi tối, khi kiểm điểm lại đời sống, chúng ta cũng kiểm điểm về một điều tiêu cực: sự nóng giận; vì thế, chúng ta lại thấy dường như ngày nào mình cũng tiếp tục vấp phạm nó. Điều này, dễ làm cho chúng ta không đủ kiên nhẫn để tiếp tục vì nghĩ rằng mình không thể thay đổi được. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bỏ cuộc của chúng ta trong con đường nên hoàn thiện sẽ tăng cao vì chúng ta cảm thấy sự tái phạm dường như tăng thêm mỗi ngày của chúng ta. Cần có một con đường trợ giúp của tâm lý cho vấn đề này.
2. Đến một con đường của tâm lý học
Trước hết, việc xét mình về những tội đã phạm và những lần đã phạm chưa đủ để giúp chúng ta hoán cải thực sự. Việc xét mình cách tích cực phải là cuộc đào bới tận căn để tìm ra những nguyên nhân của vấn đề lỗi phạm của chúng ta. Theo lý thuyết của trường phái tâm lý học hành vi của Watson và tâm lý học học tập của Thorndike, không có những hành vi của con người hình thành một cách tự nhiên. Hành vi của con người là kết quả của quá trình tập luyện và được hình thành qua con đường phản xạ có điều kiện: kích thích (stimulus) và phản ứng (reponse). Bởi thế, muốn cắt bỏ một thói quen, một hành vi xấu… chúng ta cần phải biết được nguyên nhân, nguồn kích thích nằm sâu bên trong hành vi tội của mỗi chúng ta. Điều chúng ta cần chính là cắt bỏ được nguồn kích thích.
Trong trường hợp đã nêu lên ở trên: sự nóng giận – nếu xét mình một cách tích cực để tìm nguyên nhân của sự việc, chúng ta sẽ có thể thấy sự nóng giận của chúng ta chỉ là “triệu chứng lâm sàng”. Bởi lẽ, có thể thấy được, tùy mỗi người, những nguyên nhân khác nhau của sự nóng giận này.
Có thể, đó là biểu hiện của tình trạng “stress”, “burn out”… của chúng ta. Khi chúng ta ở trong tình trạng stress, ứng xử của chúng ta thường không thể được kiểm soát. Nóng nảy, giận dữ là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, việc cắt bỏ không phải là sự nóng giận mà là giảm stress của chúng ta. Cũng có thể, đó là biểu hiện bề mặt của một tình trạng bất ổn về mặt thể lý. Khi đau bệnh, người bệnh khó có thể giữ được nét thanh thản trong ứng xử. Nóng nảy, giận dữ là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, việc cắt bỏ sự nóng giận chính là thăm khám và chữa lành những bất ổn trong cơ thể. Đàng khác, nóng giận cũng có thể là phản ứng của những người thiếu khiêm tốn. Họ dễ cảm thấy nơi những người khác sự xúc phạm, coi thường,… bản thân họ. Nóng giận trở thành con đường để họ tự vệ. Việc cắt bỏ sự nóng giận không thể đem lại sự thay đổi. Cần phải cắt bỏ, trong trường hợp này, chính là sự từ bỏ thói kiêu căng tự mãn của mình. Sâu xa hơn, nóng giận cũng có thể là một phản ứng của vô thức mà chúng ta có kinh nghiệm từ nơi phản ứng của cha mẹ, người lớn… mà chúng ta gặp trong thời thơ ấu của mình. Việc chữa lành qua con đường trị liệu tâm lý mới có hy vọng cắt bỏ được sự nóng giận…
Kế đến, như đã nói ở trên, chúng ta thường từ bỏ cái xấu nhưng không thành công. Nói cách khác, con đường từ bỏ tật xấu không phải là con đường dẫn đến sự hoán cải thực sự, nhìn từ góc độ tâm lý. Trường phái tâm lý học nhận thức gợi nhắc, đứng trước một vấn đề cần giải quyết, mỗi người sẽ chọn lựa một phương thức riêng, tùy theo nhận thức vấn đề của họ như thế nào, họ sẽ có những cảm xúc nảy sinh theo chiều hướng đó. Chính cảm xúc nảy sinh – tiêu cực hoặc tích cực – sẽ quyết định sự ứng phó của mình. Con đường từ xét mình đến hoán cải cũng có thể được xem xét từ ý kiến này. Đàng khác, tâm lý học tích cực cũng gợi nhắc rằng, một chọn lựa tích cực sẽ dẫn đến một lối sống tích cực và ngược lại. Nếu như chúng ta quyết định thay đổi cuộc sống mình bằng con đường từ bỏ tật xấu, như đã nói ở trên, chúng ta đang chọn lựa giải pháp tiêu cực. Nếu chúng ta, thay vào đó, bằng con đường luyện tập một tính tốt ngược lại với nguyên nhân hoặc kích thích mà chúng ta đã xét mình thấy, chúng ta đang chọn lựa một giải pháp mang tính tích cực.
Trong trường hợp của sự nóng giận đã nêu ở trên, nếu chúng ta chọn lựa sắp xếp lại thời gian, công việc để có giờ nghỉ ngơi, chúng ta sẽ có nhiều thời gian để thư giãn hơn, tâm hồn sẽ thanh thản hơn; và vì thế, ứng xử với mọi người khác sẽ không còn nóng giận nữa. Hoặc nếu chúng ta chọn lựa tập luyện thể dục, tích cực chữa lành bệnh tật… chúng ta sẽ có một tinh thần tích cực và an bình hơn trong thân thể cường tráng thay cho thái độ tiêu cực là nóng giận. Và nếu chúng ta luyện tập sự khiêm nhường mỗi ngày thay cho từ bỏ sự kiêu căng, chúng ta cũng sẽ thấy mỗi ngày mình khiêm nhường được thêm một chút thay vì mỗi ngày phải đếm xem mình có kiêu căng không… Và như thế, chúng ta có nhiều hy vọng hơn về sự tiến bộ của mình trong con đường nên hoàn thiện. Sự luyện tập cũng trở nên nhẹ nhàng và vui tươi hơn mỗi ngày. Sự trợ giúp của những nhà chuyên môn cho trường hợp của những nóng giận bởi vô thức sẽ giúp cho những chúng ta cởi bỏ được những thúc đẩy sâu xa bên trong của sự nóng giận. Đó cũng là một trong những cách thức dẫn vào con đường của hoán cải tận căn.
Một tương lai…
Xét mình cách chung chung chỉ để vào tòa giải tội có thể sẽ dẫn tới sự khuây khỏa cảm xúc: những cảm giác tội lỗi, hối hận, và cả những giọt nước mắt. Sau khi thú nhận, chúng ta có thể sẽ cảm thấy khây khỏa và tinh sạch, nhưng điều đó không đủ. Xét mình cẩn thận để đi đến một quyết định hoán cải thực sự mới là con đường dẫn lối vào trong tiến trình nên hoàn thiện hơn mỗi ngày. Hãy bắt đầu lại cho một thực hành và sống Bí tích Hòa giải từ việc xét mình tận căn. Một tương lai mới mẻ của đời sống đạo đức đang chờ đợi mỗi chúng ta.
----------------------------------------------------------------------
[1] x. Thomas Moore, Writing in the sand, Jesus & the Soul of the Gospel, Hay House, 2009, tr. 26-27
[2] Phaolo VI, Tông thư Poenitemini 17-3-1966; AAS.58 (1966), tr. 179.