Cả một cuộc đời Thánh Augustino được diễn tả qua một kinh nguyện đơn sơ, chân thành nhưng cũng đầy khiêm tốn của một vị Giám mục lỗi lạc. Ngài khát khao: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Ngài được biết đến như một vị thánh có cái “quá khứ lẫy lừng” trong sự ăn chơi và tìm danh vọng. Nhưng nơi Ngài còn đó một sự khao khát kiếm tìm chân lý. Và khi đã tìm được nơi chính Thiên Chúa, Ngài đã trở thành con người thay đổi hoàn toàn đến độ Ngài thốt lên: “Lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa và hằng mới, con đã yêu mến Chúa quá muộn… Chúa ở trong con mà con lại cứ chạy ra ngoài tìm Chúa … Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con chỉ tìm thấy bình an khi được yên nghỉ trong Chúa”
Tác giả Mathew và Mark đều ghi lại cuộc trò chuyện giữa các môn đệ và Chúa Giêsu. Ngài không dừng lại ở một cái nhìn chung chung của cả đám đông mà Ngài đi vào tương quan cá nhân để mỗi con người trả lời cho được Chúa là ai? Trong mỗi kinh nghiệm, Thiên Chúa nơi mỗi con người rất khác nhau. Chính vì vậy, không ai có thể trả lời thay ai được. Thiên Chúa không bó khung trong một hình dáng cố định nào mà Ngài luôn luôn mong muốn ta trả lời qua mỗi phút giây như trong một bài hát có câu: “Giờ này, đối với tôi Đức Kitô là ai vậy?” Tác giả bài hát tiếp tục gợi ý cho mỗi chúng ta “Ngài là ai? Lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu và khi thành công lúc thất vọng khi lầm than lúc thanh nhàn và trong suốt cuộc đời”. Đúng vậy, muốn biết Chúa là ai với mình thì cũng phải biết mình là ai.
Có câu chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, khi các các màu sắc còn sống cùng với nhau. Tất cả, ai cũng thấy mình là đẹp nhất và duy chỉ có mình là mang lại giá trị cho cuộc đời. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong ganh tị, đố kị và coi thường lẫn nhau. Cho tới một hôm, bỗng chốc trời kéo mây đen, sấm chớp vang dội, gió ào ào thổi qua và những giọt mưa xuất hiện ngày càng dầy, mạnh khiến cho tất cả các mầu không còn cách nào khác đành phải tụ lại để chống chọi với cơn mưa nặng hạt. Và kết quả thật bất ngờ, khi các màu bắt tay với nhau thì một cầu vồng cực đẹp xuất hiện. Cầu vồng chính là biểu tượng của hy vọng và hòa giải. Khỏi cần phải nói vì bất cứ ai khi nhìn thấy cầu vồng đều cảm thấy dễ chịu và thán phục bởi sự kỳ diệu. Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa đem lại sự bình an giống như khi muốn nâng đỡ an ủi ai đó dân gian ta có câu “sau cơn mưa trời lại sáng”.
Và như trong thư của Thánh phaolo tông đồ, Ngài khuyên hãy sống hòa thuận… chấp nhận sự yếu đuối của mình, đón nhận sự đóng góp của người khác. Khi ta nhận ra mình yếu thì ta sẽ không cần phải cố chứng tỏ và hơn hết ta cần cậy dựa vào chính Đấng xót thương và yêu thương ta. Lúc đó ta sẽ đón nhận người khác với thái độ trân trọng. Không ai là không biết giá trị của việc biết mình là ai và biết Chúa là ai? Tôi không chỉ muốn dừng lại ở điều này mà muốn cùng các bạn đi tiếp Tin Mừng theo Thánh Mark. Ngài đưa ra lời mời gọi và những đòi hỏi của người môn đệ theo Đức Giêsu. Chắc hẳn đã là cuộc sống thì tất phải có những chọn lựa. Có những lần chọn mang lại niềm vui, bình an và sự sống. Trong khi đó, có những chọn lựa mang lại sự thất vọng, hận thù và sự hủy diệt. Mà đã là chọn thì thường khiến ta nghĩ đến có điều gì mà ta phải bỏ không?
Câu chuyện kể rằng, có một thương gia kia, một hôm ghé chiếc thuyền buôn của mình vào một cái đảo hoang. Ở đó, ông phát hiện ra một lượng lớn nam châm. Thế rồi, ông nghĩ cơ hội làm giàu đã tới. Nghĩ là làm, ông cố sức lấy thật nhiều nam châm lên thuyền với hy vọng sẽ đổi đời khi vào tới đất liền. Thế nhưng, kim la bàn không bao giờ chỉ đúng hướng nữa, mọi hướng bây giờ đều chỉ vào lòng chiếc tầu chứa đầy nam châm. Bây giờ đứng trước việc sống còn, ông đành vất hết nam châm xuống biển. Là thế đó khi mà điều gì đang còn cản trở, ngáng bước thì tất nhiên ta đều phải bỏ lại. Chúa Giêsu cũng đã dạy các môn đệ rằng “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo”. Liệu đây có phải là một đòi hỏi vượt quá sức của con người hay sao? Làm sao từ bỏ chính mình được? Đó là những thứ gắn liền với bản thân mà.
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa, không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt. Đó chính là những cản trở lớn nhất khiến ta không còn là mình nữa. Vì vậy, nhất định phải bỏ lại sau lưng thì ta mới đi tiếp được. Đúng thật là ảo tưởng nếu ta cứ nghĩ không thể có đau khổ được. Ta tìm mọi cách để né tránh và coi đau khổ đến với người khác chứ tôi thì không. Có những đau khổ đến từ bên ngoài nhưng cũng không ít đến từ chính bên trong mỗi chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi vác thập giá nhưng vác theo chân Chúa chứ không vác một mình, vác trong khổ đau. Thập giá hằng ngày là những thử thách, cơ hội.
Như dân Do Thái đã kinh nghiệm. Không biết bao nhiêu tai ương, số phận phải lang thang trong sa mạc với đói và khát, rồi cuối cùng phải bị đi lưu đầy không còn đất nước, không còn đền thờ - chính là biểu tượng đức tin của dân. Bao nhiêu lần họ muốn bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang nhưng họ đều thất bại. Cuối cùng không còn cách nào khác họ kêu xin cùng Đức Chúa và Ngài đã ra tay. Giêsu kêu gọi mọi người nhưng Ngài không nói suông. Ngài đã vác thập giá Cha trao cho ngài. Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá. Tất cả vì một chữ yêu. “Ngài đã yêu thương chúng ta, và vì thế đã nộp mình vì chúng ta” (Ep 5,2).
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng, vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu. Vì thế, từ nay tôi cũng như bạn sẽ không bao giờ thất vọng mà luôn hướng về phía trước với niềm vui sâu xa vì được bỏ mình vác thập giá theo thầy Giêsu. Thánh Giacobe trong thư cũng khuyên mọi người rằng đức tin cần có hành động (Gc2, 14-16). Hành động phải được thể hiện ra trong môi trường bạn và tôi đang sống, với những người thân, người sống xung quanh tôi.
Cơn bệnh COVID-19 xuất hiện mấy tháng qua cho mỗi chúng ta nhìn lại hành động của mình. Chúng ta đứng ở đâu khi cơn bệnh đến. Những bệnh nhân đang đợi và tôi đã hiện diện với họ làm sao. Được biết có rất nhiều người có trách nhiệm đã tìm cho mình một chỗ ẩn núp an toàn. Các trang thiết bị tốt nhất họ đã giành cho gia đình mình để hòng không bị lây nhiễm. Nhưng cũng còn đó bao tấm lòng từng ngày hy sinh bản thân mình cho người khác. Họ là những bác sĩ, những nhân viên, những người được biết đến như tỷ phú doanh nhân Yan Zhi, vị bồ tát sống của người dân Vũ Hán trong đại dịch Corona. Hay cả những người vô danh chẳng ai biết đến nhưng lòng họ và hành động của họ luôn hướng về các bệnh nhân. Như vậy, thập giá hay đau khổ không phải là kết thúc mà chỉ những ai để mình chìm ngập trong đó thì mới bị hủy hoại. Bạn ơi, hãy đứng lên vì chúng ta có sự sống lại của Đức Kitô để giải thoát tất cả. Có một nghịch lý đó là ai dám mất thì lại được, còn ai cố giữ cho được thì lại mất. Như lời Cha Thánh Phanxicô đó là “chính lúc chết đi là khi được vui sống muôn đời”
Được mất luôn làm cho bạn phải cân nhắc. Nhưng bạn biết điều gì quan trọng với bạn, một cuộc sống vĩnh cửu hay chỉ tạm bợ, một niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn hay chỉ là niềm vui chóng qua. Xin mượn tâm tình trong một bài hát mà linh mục Quang Uy đã phổ nhạc từ bài thơ của Tagore để kết thúc, mong rằng việc khám phá ra bản thân và khám phá ra Chúa trong cuộc đời không chỉ dừng lại mà phải đưa đến hành động cụ thể.
Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con, mong chẳng còn gì là của con. Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy. Con được chọn Chúa mãi là của con.
Chỉ mong Ngài xóa đi, mong chẳng còn gì để chiếm hữu, mong chẳng còn gì ràng buộc con. Để con được ngước lên con tìm được Ngài là chân lý, con được cùng Chúa đồng hành luôn.
Chỉ mong Ngài cất đi, mong chẳng còn gì để nắm giữ, mong chẳng còn gì mà tự tôn. Để con chỉ biết yêu, yêu một mình Ngài trọn đời con. Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.
Thạnh Mỹ ngày 20/02/2020
Anh Mai Thi