Khi chúng ta làm các công tác bác ái xã hội, cần nhắm đến mục tiêu là tôn trọng phẩm giá con người và giúp họ phát triển để họ có khả năng đứng trên đôi chân của mình. Câu chuyện sau đây từ internet có tựa đề “Bài học sâu sắc sau một ngày làm từ thiện” cho chúng ta thấy rằng làm từ thiện chân chính là cần phải có tâm và có trí tuệ…
Rwanda là quốc gia nghèo nhất thế giới, tình cảnh nghèo khó ở đây đối với người bình thường là chỉ có thể tưởng tượng. Một tình nguyện viên người Trung Quốc đứng ở cuối xe tải, khi nhìn thấy một cậu bé da đen cởi trần, hốc hác đang chạy về phía họ, dường như cậu bé chưa từng thấy một chiếc xe tải lớn như vậy.
Tình nguyện viên Trung Quốc này thấy thương cảm, lấy từ xe tải một thùng bánh và quay lại định đưa cho đứa bé.
“Anh định làm gì thế?”, tình nguyện viên người Mỹ hét lên, “Bỏ xuống”…
Tình nguyện viên Trung Quốc ngớ người ngạc nhiên. Anh không hiểu chuyện này là thế nào, chẳng phải chúng ta cùng đến đây để làm công việc từ thiện hay sao?
Tình nguyện viên người Mỹ nghiêng người về phía cậu bé kia, nói: “Xin chào, chúng tôi đến từ rất xa, trên xe có rất nhiều thứ, cậu có thể giúp chúng tôi dỡ xuống không? Chúng tôi sẽ trả công”.
Cậu bé ngập ngừng một chút, lúc này có mấy đứa trẻ khác cũng chạy tới, tình nguyện viên người Mỹ lại đề nghị với chúng một lần nữa y như vậy.
Rồi cuối cùng cũng có một đứa bé trèo lên xe dỡ xuống một thùng bánh quy. Tình nguyện viên người Mỹ nhặt lấy một chiếc chăn bông và lấy thùng bánh đó đưa cho cậu bé, rồi nói: “Cảm ơn cậu rất nhiều, đây là thù lao của cậu. Còn các bạn khác thì sao, không muốn giúp chúng tôi ư?”.
Những đứa trẻ khác chứng kiến điều này, thì cũng muốn được như vậy. Không lâu sau chỗ hàng hóa đã được dỡ hết, và mỗi đứa bé đều được trao một phần vật phẩm làm thù lao.
Sau đó, có một đứa bé khác chạy đến, nhìn thấy trên xe tải đã không còn gì cần dỡ xuống, và cảm thấy rất thất vọng. Tình nguyện viên người Mỹ nói với cậu: “Cậu xem, tất cả mọi người đều mệt rồi, cậu có thể hát cho chúng tôi nghe một bài không? Biết đâu tiếng hát của cậu sẽ giúp chúng ta thêm vui vẻ!”.
Cậu bé kia sau khi được động viên thì bắt đầu hát. Hát xong, tình nguyện viên người Mỹ đưa cho cậu một phần vật phẩm: “Cảm ơn cậu, tiếng hát của cậu rất tuyệt!”.
Tình nguyên viên người Trung Quốc sau khi chứng kiến toàn bộ chuyện này thì dường như đã hiểu ra điều gì đó... Đến tối, tình nguyện viên người Mỹ nói với anh: “Thật là xin lỗi về thái độ sáng nay của tôi đối với anh. Tôi không nên lớn tiếng với anh như vậy. Nhưng anh biết không? Trẻ em nơi này đều bị vây hãm trong đói nghèo, nhưng chúng lại không nghĩ rằng là lỗi do chúng. Vậy nên, nếu như anh dễ dàng đưa vật phẩm cho chúng, sẽ khiến chúng nghĩ rằng nghèo cũng có thể trở thành mánh khóe để mưu sinh, từ đó mà nghèo sẽ càng nghèo. Như vậy thì cách làm này của anh thật là sai lầm rồi!”.
Hôm đó, tình nguyện viên người Trung Quốc đã trải qua một ngày quả thật không tầm thường. Anh nhận thấy rằng, trong nước anh, người ta làm từ thiện, phát bút, phát bánh, phát tiền… cho trẻ, và kết quả là ngày nay có rất nhiều đứa trẻ ngang nhiên đứng ở trên đường mà đòi tiền. Đôi khi làm từ thiện không cẩn thận lại mang đến hậu quả còn tệ hơn. Bởi vậy, làm từ thiện chân chính là cần phải có trí tuệ!
Câu chuyện trên mời gọi chúng ta nhìn lại cách chúng ta hay giúp người nghèo. Chúng ta có làm cho họ được tăng trưởng hơn mỗi ngày, có lòng tự trọng và tinh thần biết ơn, đồng thời nhận ra và dần dần biết cố gắng phát huy những khả năng của chính mình để đảm nhận cuộc sống, mà không trông chờ vào sự trợ giúp bên ngoài?...
Ước mong rằng các hoạt động bác ái xã hội của chúng ta không chỉ giúp người nghèo về mặt vật chất, nhưng là phương cách để thông qua đó chúng ta biểu lộ sự tôn trọng phẩn giá của họ, giúp gia tăng năng lực cho họ, làm cho họ cảm thấy mình có nhiều giá trị hơn, và được hỗ trợ để những giá trị đó ngày càng tăng trưởng. Chúng ta được mời gọi hiện diện trong môi trường sống - hệ sinh thái quanh mình - để như men trong bột, giúp họ nên tốt hơn mỗi ngày...
(FMM Sưu tầm và bình luận)