Một chút cảm nhận và suy tư trong ngày lễ ra trường 2017-2019

Có người gọi chúng em là “những đứa con sinh non”, vì mới hai năm mà đã chia tay. Nhưng có lẽ hai năm cũng không ngắn để chúng em hấp thu những kiến thức cần thiết để có một nền tảng đức tin và chuẩn bị cho sứ vụ từ những tinh hoa và những kinh nghiệm đức tin quý giá của các vị thầy đáng kính.

Thấm thoát, mới ngày nào chị em chúng em nô nức từ các cộng đoàn tập trung về Nhà Mẹ để được chị Ngọc Lan giúp ôn thi, thế mà bây giờ hai năm miệt mài kinh sách đã trôi qua.

Hôm nay là ngày lễ ra trường, đến trường mà lòng chúng em bồi hồi khó tả. Tuy không nói nhưng ai cũng biết rằng hôm nay là ngày cuối cùng mình được đặt chân trên mảnh đất La san thân thương này, là ngày cuối để gặp gỡ nói lên lời cám ơn và chia tay các giáo sư, bạn bè và cảnh vật nơi đây.

Có người gọi chúng em là “những đứa con sinh non”, vì mới hai năm mà đã chia tay. Nhưng có lẽ hai năm cũng không ngắn để chúng em hấp thu những kiến thức cần thiết để có một nền tảng đức tin và chuẩn bị cho sứ vụ từ những tinh hoa và những kinh nghiệm đức tin quý giá của các vị thầy đáng kính.  Bên cạnh đó, chúng em cũng là những học viên chọn môn nên cả ba lớp đều có bạn. Chúng em cảm nhận được tình gia đình, sự cảm thông và nâng đỡ mà các bạn dành cho khi thấy chị em cứ từ lớp này nhảy qua lớp khác. Đặc biệt khi cùng nhau cộng tác trong những vở hài kịch cuối năm, tinh thần đoàn kết giữa các dòng tu càng rõ nét.

 Khi được gặp lại các giáo sư, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về. Đối với em, gần nhất là Thầy Lý Minh Tuấn vừa giúp chúng em mười ngày liên tục môn Triết Đông. Đã gần 80 tuổi, mắt đã mờ, tóc cũng đã nhuốm màu của thời gian nhưng trong thầy có một khát khao truyền đạt cho chúng em chân lý thật mãnh liệt. Nhớ hôm thầy kể cho chúng em nghe bản Anh Hùng Ca Mahabharata khi học môn Ấn Giáo, cả lớp chăm chú “há hốc miệng” nghe, suýt tí là chảy cả nước dãi vì quá hay. Thầy vừa kết thúc câu chuyện là một tràng vỗ tay thật giòn tan vang lên. Giọng kể, cách kể và cả con người của thầy khiến chúng em trở lại như những đứa trẻ khi xưa được bà hay mẹ kể chuyện cổ tích cho nghe,… Thật sự khi học Triết Đông (Ấn Giáo, Phật Giáo) đã để lại trong em nhiều ngạc nhiên, thú vị khi thấy giữa đạo Công giáo, Ấn giáo và Phật giáo có một nét chung cốt lõi là: thụ tạo nên một với Đấng tạo thành. Và quả thật: “Chân lý tối cao thì gặp nhau”. Mỗi vị Giáo sư đều phản ánh một khía cạnh nào đó của hình ảnh Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Chúa!

Đến với học viện, em cảm nhận mình không chỉ học hỏi về kiến thức, nhưng hơn cả là được đón nhận một nền giáo dục Kitô giáo, tiếp xúc với những nhân cách với bề dày kinh nghiệm đức tin, mời gọi em mở ra với những suy tư, quan điểm mới, những tầm nhìn mới và còn thôi thúc trong em một khát khao tiếp tục tìm kiếm chân lý … điều này thật khác so với ngày xưa khi em học văn hóa ở ngoài đời.

Trong thánh lễ, cha Bảo Lộc có nói: chúng em 2, 3 năm là được ra trường, nhưng cha đã hơn 20 năm mà chưa được ra trường. Tuy là một câu nói cho vui nhưng nhìn lại, em thấy rằng để cho chúng em được thừa hưởng một nền kiến thức được xây trên đức tin như hôm nay đã có biết bao nhiêu hy sinh âm thầm từ các vị đi trước.

Trong phần nghi thức sai đi, chúng em xin đoan nguyện: “biến kiến thức đã học thành hành động, nhiệt tình giúp tha nhân nhận biết kế hoạch tình yêu của Cha, nỗ lực sống và làm chứng cho tình yêu mến”. Xin Chúa nhậm lời chúng con!

Cuối cùng, chúng em xin hết lòng tạ ơn Chúa, cảm ơn các chị đã hy sinh âm thầm và tạo mọi điều kiện cho chúng em có cơ hội được mở rộng tầm nhìn, đào sâu đức tin qua các môn học và đặc biệt là trong mùa thi cử. Xin Chúa chúc lành cho quý chị và chúng em ước mong rằng những hy sinh của các chị sẽ sinh hoa trái nơi thế hệ trẻ chúng em.