Năm đó là năm 1986, tôi mới 20 tuổi, tôi đang ở năm thứ nhất chủng viện Rennes. Tôi còn nhớ một cuộc gặp gỡ. Trong các kỳ nghỉ, các chủng sinh thường có thói quen về nhà mình. Và thế là tôi đi xe lửa về thăm mẹ tôi ở miền Nam nước Pháp. Tôi ngồi ở một toa tàu vắng, với một cô sinh viên… Cô thật duyên dáng. Cô ngồi trước mặt tôi. Cô mỉm cười. Xe bắt đầu chạy. Không có ai khác trên toa. Cô gái thật tự nhiên. Cô muốn bắt chuyện. Cô nói chuyện trước. Tôi nói với Sophie đủ chuyện trên trời dưới đất. Chúng tôi cười. Cô không thể nào biết tôi là chủng sinh vì ở Pháp, chỉ khi là linh mục mới mang cổ Rôma (nếu mình muốn). Trong bụng, tôi nghĩ như thế lại là tốt, vì tôi có thể nói về Chúa Giêsu dễ dàng hơn. Để nói về Chúa Giêsu, tôi có một kỹ thuật nói khá chạy. Tôi hỏi cô:
– Cô học gì?
– Luật.
Và thế là chúng tôi nói về đề tài này trong vòng mười lăm phút. Rồi chúng tôi hỏi nhau, cô hỏi tôi một câu hỏi không tránh được:
– Còn anh, anh cũng là sinh viên?
– Đúng. Cô đoán xem tôi học gì?
– Thương mại!
– Không!
– Kinh tế? Tôi lắc đầu.
– Anh đừng nói là anh cũng học luật như tôi chứ?
– Cũng không?
Tất cả các nghề đều được cô đưa ra, kể cả lính chữa lửa. Tôi cố gắng làm cho cô đoán, nhưng cô cũng không đoán được.
– Vậy thì anh nói đi!
– Chủng sinh.
– Anh làm ơn lặp lại giùm.
– Tôi là chủng sinh. Tôi chuẩn bị làm linh mục.
– Không là khôôôôôôôôôôôông!
– Đúng là đúúúúúúúúng!
– Tôi không tin!
– Thôi bây giờ tụi mình nói chuyện! Nói cho tôi biết, Sophie, cô không tin vào Chúa sao?
Chúng tôi nói dông dài về tôn giáo. Tôi kể cho cô nghe một câu chuyện ngắn, làm thế nào tôi đã gặp Chúa với Nicky Cruz. Cô chú ý nghe, hơi tò mò một chút. Khi tôi kể xong, cô nói:
– Được, cứ chấp nhận như vậy đi, nhưng anh giải thích cho tôi nghe một chuyện. Tại sao anh muốn làm linh mục, anh không thể lập gia đình sao? Thật sự, tôi không hiểu!
– Đừng lo lắng, đó là chuyện bình thường! Chính Chúa Giêsu cũng nói đó là chuyện bình thường mà cô không hiểu sao!
– Anh đùa há? Cô ngạc nhiên hỏi tôi.
– Không, đó là thật. Sophie nhìn này. Tôi lấy quyển Thánh Kinh trong túi ra và đến ngồi bên cạnh cô. Tôi mở đoạn Phúc Âm Thánh Máthêu chương 19, tôi chỉ vào câu 12.
– Cô thấy đó, Thánh Kinh viết rõ ràng như vậy! Chúa Giêsu nói: “Lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước trời.” Nhưng điều đặc biệt, là trước đó một đoạn Ngài đã báo trước: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” và sau đó Ngài còn nói thêm: “Ai hiểu được thì hiểu!” Vậy thì cô đừng ngạc nhiên quá, ngay cả các tín hữu kitô cũng không hiểu bậc sống độc thân của các linh mục. Vậy cô đừng lo vì sao cô thấy khó hiểu.
– Như thế, một mặt tôi cảm thấy yên tâm, nhưng mặt khác tôi cũng muốn hiểu. Các mục sư tin lành họ lấy vợ đó?
– Đúng vậy, không những chỉ các mục sư tin lành, nhưng trong Giáo hội Đông phương, các linh mục công giáo cũng lập gia đình. Chẳng hạn các linh mục Hy Lạp-công giáo hay các linh mục Giáo hội Marôn. Trong lần đi Liban, tôi có gặp họ. Họ trung thành với Rôma và họ lập gia đình.
– Đó thấy không! Vậy thì anh cũng làm như vậy!
– Không, với Giáo hội công giáo La Mã thì không được. Chỉ trong Giáo hội Đông phương thì mới được.
– Vậy thì tại sao không được?
– Muốn hiểu thì phải đi ngược về Chúa Giêsu. Chính Ngài cũng sống bậc độc thân. Và Ngài chọn 12 tông đồ cùng sống với Ngài như những người độc thân. Đó là cả một cuộc cách mạng vào thời đó. Và như tôi vừa nói cho cô biết, chính Chúa Giêsu đã cho bậc sống độc thân một ý nghĩa trong Phúc Âm Thánh Máthêu: một dấu chỉ của Nước Trời. Như vậy ngay từ thời đầu của Giáo hội, đã luôn có các tông đồ độc thân. Trong chương 7 của thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, ngài cũng ca ngợi bậc sống độc thân. Ngài giải thích, bậc sống độc thân giúp chúng ta có những điều kiện tốt nhất để “làm vui lòng Chúa”, có nghĩa là hoàn toàn phục vụ Chúa Kitô và Nước Trời. Và cũng đúng vậy, ngay từ đầu Giáo hội, một mặt có các linh mục độc thân, mặt khác cũng có các linh mục lập gia đình. Những chuyện này chúng ta thấy rõ ràng trong các thư của Thánh Phaolô. Truyền thống độc thân là khả thể, được khuyến khích nhưng không bắt buộc. Khả thể này ngày nay được tiếp tục với Giáo hội Đông phương. Trong khi đó ở Tây phương, dần dần bậc sống độc thân được đặt ra và trở thành chuẩn mực. Giáo hội công giáo La Mã không xem luật độc thân như một chuyện ức hiếp nhưng như một kho tàng, vì Giáo hội xác tín bậc sống độc thân là lối sống tốt nhất để sống tốt chức thánh.
– Tôi tin chắc, nếu có chọn lựa thì các linh mục sẽ lập gia đình tất cả!
– Đừng lầm Sophie. Chắc chắn sẽ có một số người chọn lập gia đình, nhưng sẽ có rất nhiều người chọn sống độc thân, cô không tưởng tượng được đâu. Bằng chứng là gần đây tôi có gặp một linh mục người Ukraina, Hy Lạp-công giáo. Chính ông là con của một linh mục. Đến lượt mình, ông cũng là linh mục, nhưng ông chọn bậc sống độc thân. Ông nói cho tôi biết, khi phải chọn, một bên là giáo xứ một bên là vợ con, khi nào thân phụ ông cũng chọn giáo xứ đầu tiên. Khi còn nhỏ, ông rất khổ vì chuyện này. Tôi hình dung, đời sống hàng ngày không phải dễ khi phải hài hòa đời sống mục vụ và đời sống gia đình với nhau. Chắc chắn có nhiều thánh linh mục Hy Lạp-công giáo lập gia đình, nhưng ngược với bề ngoài, không chắc là chính họ đã chọn cách đơn giản nhất để thực hành sứ vụ chức thánh của mình.
– Nếu anh chọn, anh sẽ chọn gì?
– Tôi sẽ chọn sống độc thân.
Sophie không nhìn tôi. Cô nhìn ra cửa sổ vẻ đăm chiêu. Rồi cô nhìn tôi, cô nheo mắt nói chuyện lại:
– Rồi ai nói anh sẽ không rơi vào lưới tình?
– Lưới tình há, tôi chờ nó. Tôi sẽ cho cô một ví dụ để cô phân biệt rõ chuyện này. Phải phân biệt giữa sự quyến rũ và tình yêu. Cô đã yêu rồi phải không?
– Đó là anh nói!
– Được, tất cả các câu chuyện tình yêu của cô đều bắt đầu bằng sự quyến rũ. Rồi, cô quyết định cho cho sự quyến rũ này được tiếp tục và khi đó nó thành một cảm nhận yêu đương. Vậy câu hỏi của cô sẽ là: làm sao anh biết được anh không bị một cô gái quyến rũ, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: biết, tôi có thể biết được týp cô gái nào sẽ quyến rũ được tôi. Và tôi nghĩ đó là chuyện hoàn toàn bình thường! Đúng, đối với các linh mục cũng như đối với các ông lập gia đình.
– …
– Một người đàn ông cực kỳ yêu vợ, có thể chỉ vài ngày sau đám cưới, đang đi hưởng tuần trăng mật với vợ, người đàn ông đó không thể không dửng dưng trước sự duyên dáng của cô lễ tân chẳng hạn. Vậy, có phải vì thế mà đặt lại vấn đề hôn nhân của ông đó không? Ngược lại, nếu ông đó quyết định tiếp xúc với cô gái, điện thoại cho cô, tìm gặp cô… sự quyến rũ đó có thể biến thành tình yêu. Khi đó ông có thể đặt lại vấn đề hôn nhân của mình và có thể đi đến hủy nó luôn! Nhưng tiếc là ông đó đã sống trong sự khống chế của sự quyến rũ! Lập gia đình hay linh mục, chúng ta đều phải giải quyết sự quyến rũ lôi cuốn này, theo cách mình phải tôn trọng sự cam kết đầu tiên của mình, sự cam kết mà chúng ta biến thành một hiệp ước yêu thương trọn đời! Đơn giản là như thế.
– Với anh thì cái gì cũng đơn giản.
Cười. Cười và cười. Xe lửa đến nhà ga. Cô phải xuống. Tôi giúp cô lấy hành lý. Tôi bắt tay cô và hẹn gặp lại. Cô bắt tay tôi và hơi ngần ngại một chút, cô kín đáo hôn nhẹ trên má tôi.
– Chào!
– Chào Sophie. Xin Chúa gìn giữ cô!
Tôi không bao giờ gặp lại Sophie. Nhưng nếu bây giờ cô đọc mấy hàng chữ này chắc cô sẽ cười. Tháng 9 năm 1987, một năm sau cuộc gặp gỡ trên xe lửa, tôi được gởi đến chủng viện Toulouse để học năm thứ hai. Năm đó tôi sống một kinh nghiệm rất đặc biệt, đau đớn nhưng rất quan trọng cho tương lai linh mục của tôi.
Từ cuối năm trung học, với các bạn trẻ trong làng Bretagne của chúng tôi, chúng tôi thành lập một nhóm bạn rất gắn bó với nhau. Chúng tôi rất sốt sắng, chúng tôi thường tham dự các buổi canh thức suy niệm với nhau, nhiều khi thức trắng đêm để cầu nguyện. Nhưng ban ngày chúng tôi không cầu nguyện suốt ngày! Chúng tôi ra biển, chúng tôi đi tàu ở Saint-Malo hoặc chúng tôi thưởng thức món kép ở Núi Saint-Michel… ngắn gọn, chúng tôi là một nhóm vui chơi!
Có một cô gái trong nhóm rất hợp với tôi. Cô nhỏ hơn tôi một tuổi, chúng tôi là bạn rất thân, nhưng thành thật mà nói, cô biết tôi muốn thành linh mục, còn phần cô, cô đang có một người bạn trai đi bên cạnh. Mùa hè trước khi tôi vào chủng viện, cô cắt đứt với người bạn trai. Sự tương đồng của chúng tôi càng ngày càng lớn và tôi nhận ra cô đang yêu tôi, hay ít nữa, như tôi phân biệt ở trên, cô đang bị quyến rũ. Tuy nhiên cô thật trong sáng, tế nhị và tôn trọng quyết định của tôi, cô không bao giờ nói chuyện này với tôi và cô cố gắng không lộ cảm xúc của cô nhiều nhất có thể.
Về phần tôi, tôi cũng thấy mình bị cô quyến rũ, tôi rất thích có cô là bạn và tôi cảm thấy mình được tăng giá trị khi thấy cô tôn trọng tôi. Dù thế tôi không bao giờ tìm cách để có một khoảng cách giữa cô và tôi, vì tôi tin chắc vào ơn gọi của mình. Tóm lại, tôi không thấy mập mờ trong quan hệ của chúng tôi. Tôi “xử lý” được sức hấp dẫn này. Người này người kia trong nhóm trẻ của chúng tôi bắt đầu chọc tôi về tình bạn này, nhưng tôi trả lời chắc nịch, cô chỉ là một cô bạn, thậm chí tôi xem cô như em gái và tôi đã dứt khoát quyết định làm linh mục, không nghi ngờ gì về chuyện này!
Và thế là tôi về Toulouse để học năm thứ hai chủng viện. Và bây giờ mới là thảm họa. Chính tôi cũng ngạc nhiên, tôi thấy tôi nhớ cô vô cùng! Tôi cảm thấy một sự trống rỗng làm tôi sợ. Tôi yêu sao? Không, không thể, đó chỉ là một người bạn… Dù vậy tôi nhớ giọng nói của cô, tôi muốn nghe tiếng nói của cô, muốn thấy cô cười khi tôi nói đùa, muốn nhìn ánh mắt ngưỡng mộ khi cô nhìn tôi… Tôi nhận ra, những gì tôi nghĩ chỉ là một tình bạn đơn thuần, thì lại đưa đến vùng đất không lường trước, tôi không còn “xử lý” được gì. Nó còn mạnh hơn là quan hệ mà chúng tôi đã sống trong sự tinh khiết thuần túy. Tôi biết nếu tôi đi một bước về phía cô thì cô sẽ không ngần ngại mở tâm hồn của cô ra. Nhưng còn ơn gọi của tôi thì sao? Tôi quay về Chúa Giêsu và tôi cố gắng tìm ánh sáng trong lời cầu nguyện, trong Thánh Kinh…
Nhưng không có gì nới được gọng kìm đang đè nát tâm can tôi. Tình trạng như vậy kéo dài vài ngày, tôi hoàn toàn tuyệt vọng, buồn bã, bồi hồi. Và rồi một buổi sáng, khi đọc kinh riêng, tôi tự hỏi:
– René-Luc, bạn đang muốn mình ở trong tình trạng nào nhất?
Dĩ nhiên câu trả lời đến ngay lập tức với tôi là:
– Tôi muốn làm linh mục nhất!
Điều này không có nghĩa là những người được gọi ở bậc hôn nhân, họ cho tình yêu ít hơn là người ở bậc thánh hiến. Nhưng đối với tôi, René-Luc, tôi biết khi tôi là linh mục, tôi sẽ cho tình yêu nhiều hơn! Chắc chắn đoạn cuối của Phúc Âm Thánh Gioan là đoạn luôn vang vọng trong đầu tôi:
– René-Luc, con có mến Thầy hơn các anh em này không?
– Thưa Thầy, Thầy biết tất cả, Thầy biết con chỉ là một người yếu đuối, nhưng Thầy biết con yêu Thầy biết bao!
Và chính khi đó tôi nói vâng lại với Chúa Giêsu, vâng với chức linh mục! Trong vài giờ, gọng kìm đã được nới, niềm vui đã trở lại.
Vài tháng sau khi tôi gặp lại cô, tất cả mọi sự đã yên lặng trong tôi. Như thế là đã xong, đã được tinh tuyền, được yên bình. Tôi không chia sẻ với cô những gì tôi đã sống qua, cũng như cô không bao giờ nói những gì cô cảm nhận về phần cô. Chúng tôi quá tôn trọng nhau để không lộ các cảm xúc này, để không vì thế mà làm cho nhau xao xuyến.
Tôi sẽ không bao giờ cám ơn cho đủ, cô đã tôn trọng tôi, để chính con người tôi lên hàng đầu chứ không phải tình yêu của cô cho tôi. Thật dễ dàng trong lãnh vực tình yêu, chiếm được người kia những gì mình muốn cho mình.
Như chúng ta thấy, một người sống thánh hiến hay người đang tìm hiểu ơn gọi, cũng không thoát được các tình huống bất ngờ. Lại càng tế nhị hơn, đôi khi nơi người kia có một sức hấp dẫn vô thức đối với những người bị cấm. Cũng vậy đối với những người bị quyến rũ bởi một người đã có gia đình. Thậm chí còn hung bạo hơn đối với người thánh hiến: người ấy đã từ bỏ tình yêu loài người để yêu Chúa, nhưng tôi thì người ấy yêu! Những người này nâng mình lên một mức khác, mức “gần như thần thánh”. Như vậy người thánh hiến phải được giúp, và phương thuốc chữa hay nhất là câu ngạn ngữ xưa: xa mặt, cách lòng!
Trong thời gian là chủng sinh, nhiều lần tôi chạm trán với các phụ nữ có cách ứng xử mập mờ. Nhưng không có gì so được với kinh nghiệm tôi đã sống với cô bạn gái. Cô không bao giờ mập mờ. Cô có cảm tình thật với tôi, nhưng cô vô cùng tôn trọng con đường của tôi.
Sau đó cô gặp chồng cô, người mà tôi rất tôn trọng và họ có các đứa con ngoan. Chỉ những năm sau, cùng với hai vợ chồng cô mà chúng tôi có thể chia sẻ rất chân tình những gì chúng tôi đã sống hồi đó. Tôi cám ơn họ đã cho tôi kể thử thách nhỏ này, vì tôi nghĩ nó có thể giúp cho một vài người, nhất là những người có ơn gọi sống đời sống thánh hiến và họ “rơi vào lưới tình”.
Ơn gọi ví như thực hiện một bức tượng. Phải qua nhiều lớp sơn tô thì hình ảnh mới nên hình nên dạng. Tôi nghĩ ‘lớp’ kinh nghiệm tình yêu cũng là cần thiết. Tôi không nói ở đây quan hệ tình dục nhưng trải nghiệm sâu đậm mình đáng yêu và mình có khả năng yêu thương. Kinh nghiệm này không những không đặt lại vấn đề đời sống thánh hiến nhưng trái lại, nó mang lại cho đời sống thánh hiến một chiều kích cao cả hơn.
Trích từ quyển sách chứng tá của linh mục René-Luc, Thiên Chúa ở trọn quả tim. (Dieu en plein cœur, Nxb. Presses de la Renaissance, từ trang 156 đến 168).
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn)