Lời tâm sự của Đức Thánh Cha với các linh mục Rôma

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức, với lý do là bị hạn chế bởi suy giảm năng lực “của trí óc lẫn thể xác”, nhưng sáng thứ năm 14-2, trước mặt các linh mục của giáo phận Rôma, Ngài đã phát biểu một bài ngẫu hứng và quan trọng dài 50 phút về quan điểm của Ngài về tương lai của Giáo Hội. Theo Ngài, tương lai này là hoàn toàn liên kết với việc áp dụng "Công đồng Vatican II đích thực”, chứ không phải “Công đồng ảo”, vốn bị Ngài cáo buộc là đã bị bóp méo “bởi các phương tiện truyền thông" trong ý nghĩa của một phân tích "chính trị", chứ không phải theo nghĩa của "đức tin".

Lời tâm sự của Đức Thánh Cha với các linh mục Rôma

Nguyễn Trọng Đa

Trước khi “ẩn dật với thế giới bên ngoài’, Đức Thánh Cha nói nhiều về Công đồng chung Vatican II
 

 

Tại Vatican, đây là tuần lễ của mọi bất ngờ. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức, với lý do là bị hạn chế bởi suy giảm năng lực “của trí óc lẫn thể xác”, nhưng sáng thứ năm 14-2, trước mặt các linh mục của giáo phận Rôma, Ngài đã phát biểu một bài ngẫu hứng và quan trọng dài 50 phút về quan điểm của Ngài về tương lai của Giáo Hội. Theo Ngài, tương lai này là hoàn toàn liên kết với việc áp dụng "Công đồng Vatican II đích thực”, chứ không phải “Công đồng ảo”, vốn bị Ngài cáo buộc là đã bị bóp méo “bởi các phương tiện truyền thông" trong ý nghĩa của một phân tích "chính trị", chứ không phải theo nghĩa của "đức tin".

Đây là một tương lai được Ngài ủy thác từ nay cho các vị sẽ cầm ngọn đuốc. Trong số này, có các linh mục rất xúc động khi thấy Ngài ẩn dật như thế. Tuy nhiên, tương lai này mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ quan tâm cách khác: "quy ẩn" trong một con người cầu nguyện, theo cách thức một đan sĩ: "Mặc dù tôi sẽ quy ẩn vào những đời sống cầu nguyện, tôi sẽ luôn luôn được gần gũi với anh em, dù cho tôi có ẩn dật với thế giới bên ngoài". 

Nói về chủ đề ưa thích của Ngài là việc áp dụng Công Đồng Vatican II, vốn sẽ là dấu chứng của triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Thánh Cha nhắc lại các hoàn cảnh lạc quan của sự kiện này của Giáo hội (1962-1965), trong đó Ngài tham gia như là một nhà thần học trẻ: "Chúng tôi đã đến Công đồng với niềm vui và sự nhiệt tình. Có một kỳ vọng không thể tin được, đó là người ta hy vọng rằng mọi thứ sẽ được đổi mới (...). Vào thời kỳ ấy, Giáo Hội vẫn còn là khá mạnh, có đông người tham dự thánh lễ, ơn gọi linh mục và tu sĩ đã giảm xuống một chút nhưng vẫn còn đủ. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng Giáo hội không tiến hơn và đã giảm bớt, Giáo Hội dường như thuộc về quá khứ".

Kế đó, Đức Giáo Hoàng trở lại rất chính xác về một số chủ đề vào thời điểm đó. Nhất là về ảnh hưởng của các quan sát viên bên ngoài được mời tham dự Công đồng này, vốn quy tụ về Rôma tất cả các Giám mục Công giáo của thế giới. Và chủ đề người Do Thái: "Ngay từ đầu, các người bạn Do Thái của chúng ta đã có mặt. Họ đã nói, đặc biệt là với người Đức chúng tôi, nhưng còn với nhiều người khác nữa, rằng Giáo Hội phải nói điều gì đó về Cựu Ước, về dân Do Thái, sau các biến cố đau buồn của chủ nghĩa phát xít. Họ cũng nói rằng rõ ràng là Giáo Hội là không chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng người Do thái, nhưng phần lớn người Kitô hữu đã phạm các tội ác ấy. Do đó, chúng ta phải đào sâu và đổi mới lương tâm Kitô giáo, ngay cả nếu chúng ta biết rằng các tín hữu đích thực đã luôn luôn chống lại chủ nghĩa phát xít".

Đức Giáo Hoàng tự tin

Tuy nhiên, cốt yếu bài trình bày của Ngài nhắm nêu ra các thiệt hại của một giải thích ý thức hệ về Công đồng Giáo Hội. Ngài than phiền: "Công đồng của các phương tiện truyền thông gần như một Công đồng tự tại. Và thế giới đã nhìn Công đồng qua Công đồng của các phương tiện truyền thông. Vì vậy, Công đồng ngay lập tức có thể được áp dụng, đến với mọi người, là một Công đồng của các phương tiện truyền thông, chứ không phải là Công đồng của các Nghị phụ". Ngài nói thêm: “Đương nhiên, Công đồng của các nhà báo không được giải thích bởi đức tin, nhưng bởi các loại phương tiện truyền thông ngày nay (...) theo một khoa chú giải chính trị: đối với các phương tiện truyền thông, Công đồng là một cuộc đấu tranh quyền lực giữa các trào lưu khác nhau trong Giáo Hội".

Lấy nhiều ví dụ khác nhau, trong đó có ví dụ của phụng vụ, Đức Giáo Hoàng nhận xét: “Trong viễn tượng truyền thông, phụng vụ như là một hành vi đức tin không gây hấp dẫn, không được quan tâm. (...) Phụng tự không còn là phụng tự, nhưng như một hành động chung, với sự tham gia của các tín hữu được quan niệm như một hoạt động”.

Chống lại cách tiếp cận này có phần trần tục với Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã từ chối các hậu quả của nó. Viễn tượng của cải cách phụng vụ này không những được áp dụng một cách “mạnh mẽ”, xa “chìa khóa giải thích là đức tin”. Nhưng chính việc hiểu Giáo Hội là gì đã bị cắt xén: “Công đồng của các phương tiện truyền thông đã đến với mọi người. Tuy nhiên, cách tiếp cận chủ yếu và hiệu quả này đã tạo ra biết bao tai ương, các vấn đề và khổ đau: nhiều chủng viện và tu viện phải đóng cửa, phụng vụ bị tầm thường hóa..." Chính vì thế, “Công đồng đích thực phải rất khó khăn để được cụ thể hóa và được thực thi. Bởi vì Công đồng ảo là mạnh hơn so với Công đồng đích thực”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha kết luận: "Sức mạnh thực sự của Công đồng vẫn còn đó. Và dần dà, sức mạnh này được thực thi và trở thành sức mạnh thực sự, bởi vì nó là một sự cải cách thật sự và sự đổi mới đích thực của Giáo Hội. Đối với tôi, 50 năm sau Công đồng, chúng ta thấy Công đồng ảo biến mất, và Công đồng đích thực xuất hiện với tất cả sức mạnh tinh thần của nó”.

Khi rời khán phòng và trước mặt các linh mục, Đức Giáo Hoàng đã nói như trên và tỏ ra tự tin. Một lần nữa Ngài đoan chắc rằng Ngài sẽ tiếp tục làm việc theo chiều hướng đó, nhưng từ nay với vũ khí duy nhất là lời cầu nguyện: "Trách nhiệm của chúng ta, đặc biệt là trong Năm Đức Tin này (được Ngài khởi xướng từ tháng 10-2012 để khuyến khích người Công giáo tái khám phá ý nghĩa đức tin của họ) là làm việc để cho Công đồng đích thực được thực hiện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và Công đồng sẽ canh tân Giáo Hội thực sự. Chúng ta hy vọng rằng Chúa sẽ giúp chúng ta. Còn tôi, rút lui để cầu nguyện, tôi sẽ luôn gần gũi với anh em, và chúng ta sẽ cùng nhau đi hướng về Chúa, trong sự tin chắc rằng Chúa sẽ chiến thắng”.

Sắp mừng sinh nhật lần thứ 86, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xuất hiện với sự sở hữu đầy đủ các năng lực trí tuệ của mình. Ngài đã trích dẫn thuộc lòng nhiều câu Latinh dài. Ngài vui vẻ khi kể lại các giai thoại. Nhưng thân xác yếu đuối của Ngài vẫn như là bất động, như là cố định trên chiếc ghế trắng lớn của Ngài. (Le Figaro 14-2-2013)

Nguyễn Trọng Đa