Một vài cảm nghĩ về việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ chức
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
Tin về việc Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI quyết định thoái vị đã lan đi khắp hoàn cầu. Riêng đối với cá nhân chỉ được nghe lại qua một cha dòng Phanxicô người Pháp lúc 13h30 (giờ Rôma). Số là chiều hôm nay, nhóm chúng tôi đi thăm quan một thư viện của Học Viện Thần Học Tin Lành mang tên triết gia theo đạo này Paul Ricoeur (1913-2005). Trong khi chờ đợi một thành viên khác trong nhóm chưa có mặt, vị tu sĩ dòng Phan Sinh này đã cập nhật cho chúng tôi sự kiện vừa mới diễn ra trong Giáo Hội liên quan đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
Đây là một tin rất bất ngờ. Trong thâm tâm, tôi cũng đã nghĩ đến một ngày mà trong kiếp nhân sinh không ai tránh khỏi, đó là «sinh ký tử quy» sẽ đến với Đức Thánh Cha. Điều này không lấy gì làm lạ ở độ tuổi của ngài vì cách đây gần 8 năm Đức Cố Gioan Phaolô II cũng băng hà suýt soát ở độ tuổi 85 sau một thời gian ngắn lâm bệnh. Kế vị từ ngày đó cho đến nay, Đức Bênêđictô XVI cũng đang dần khép lại triều đại Giáo Hoàng của mình.
Được trao phó trọng trách của đấng kế vị thánh Phêrô lúc 78 tuổi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chu toàn một cách tuyệt vời. Trong suốt thời gian ấy, chưa một lần nào công việc của ngài bị gián đoạn do sức khỏe, hay phải nhập viện. Trái lại, cả chuyến công du dài ngày tại Châu Mỹ La Tinh với nhịp độ làm việc dầy đặc cũng được ngài thi hành một cách đáng khâm phục. Ngay cả một giám mục người Pháp trong chuyến Ad limina vừa qua cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Đức Giáo Hoàng trong cách thi hành sứ vụ ở độ tuổi cao niên.
Phải nói rằng, với khối lượng công việc và trọng trách to lớn như thế, một vị mục tử đang ở độ tuổi sung sức gánh vác cũng không phải là nhẹ nhàng. Như thế, chúng ta mới trân trọng sự hy sinh của Đức Thánh Cha đối với Giáo Hội.
Chính vì vậy, nay ngài quyết định thoái vị ở độ tuổi 86 là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu khi thông báo trong công nghị Hồng Y sáng hôm nay : « Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng ». Hơn hết, ngài trăn trở hết sức mãnh liệt về sứ mạng của người lèo lái con thuyền Giáo Hội trong thời đại ngày nay: «Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết ».
Chúng ta được mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cho Giáo Hội. Xin Chúa xuống ơn khôn ngoan các ơn cần thiết cho Tân Giáo Hoàng sắp tới đây trong việc đảm nhiệm sứ mệnh dẫn dắt Dân Thiên Chúa trong thời đại ngày nay. Đồng thời, mỗi Kitô hữu cũng được đánh động cần phải dấn thân tích cực trong vai trò của mình để phục vụ Giáo hội và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mình sống.
Ngỡ ngàng
J.B. Đặng Minh An
Ngỡ ngàng và rõ ràng là choáng ngợp trước một biến cố quá lớn trong đời sống Giáo Hội, các vị Hồng Y trong điện Tông Tòa ngày 11 tháng Hai dán ánh mắt vào Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khi ngài bước ra khỏi phòng.
Các vị dõi mắt nhìn theo Đức Giáo Hoàng ra cửa, mà không vỗ tay, không biết làm thế nào để phản ứng. Sau đó, họ bắt đầu khẽ khàng trao đổi ý kiến với nhau. Nhưng đa số các vị im lặng chìm sâu trong suy nghĩ trước một biến cố nghiêm trọng đang diễn ra.
Phản ứng của các vị Hồng Y sáng ngày 11 tháng 2 tại Điện Tông Tòa, có lẽ cũng là phản ứng chung của nhiều người Công Giáo trên thế giới khi nghe tin này.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 mang đến cho Giáo Hội quá nhiều: “trái tim dịu dàng của một mục tử, trí óc sắc bén của một học giả và sự tự tin của một linh hồn sống kết hiệp với Thiên Chúa”, đó là nhận xét của Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, Tổng Giám Mục New York,
“Ngay cả việc thoái vị của ngài cũng là một dấu hiệu của sự lo lắng chăm sóc tuyệt vời của ngài cho Giáo Hội," vị Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói thêm trong tuyên bố đưa ra tại New York.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ đi vào lịch sử như một vị Giáo Hoàng đề cập thường xuyên đến ý nghĩa của các chân lý vĩnh cửu và cảnh báo sự thống trị của một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, “trong đó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”
Ngài thống nhất người Công Giáo và đã vươn cánh tay ra với các nhóm ly giáo với hy vọng lôi kéo họ trở lại Giáo Hội.
Ngài lên tiếng cho người nghèo trên thế giới và hô hào sự bình đẳng giữa các quốc gia trong các sứ điệp hòa bình và thông điệp của mình. Ngài cổ vũ cho một sự chia sẻ công bằng hơn các nguồn tài nguyên thế giới và tôn trọng trật tự Chúa đã sáng tạo trong tự nhiên.
Mặc dù tuổi đã cao khi được bầu lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005, ngài không ngần ngại tiếp bước vị tiền nhiệm của ngài là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc bôn ba khắp thế giới gặp gỡ người Công Giáo - và cả tín đồ của các tôn giáo khác - ở nhiều nơi trên thế giới, cả ở Châu Phi.
Những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, lay động con người, thúc giục họ "để biết và có một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô."
Một triều đại Giáo Hoàng rạng ngời sắp qua đi trong tiếc nuối của biết bao người.
Trong giờ phút quan trọng này của Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện với hy vọng Hồng Y Đoàn dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần sẽ chọn ra được một vị kế nhiệm xứng đáng đáp ứng các thách thức trong thế giới ngày nay.
Vài nét lịch sử về các Vị Giáo Hoàng từ chức
Trầm Tư
Trước thông tin Đức Thánh Cha tuyên bố từ chức vào sáng Thứ Hai 11/2/2013 vì vì lý do tuổi tác và sức khỏe và linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, cho biết quyết định của Đức Bênêdictô XVI sẽ có hiệu lực lúc 20 giờ ngày 28/02, có thể gây hoang mang cho một số người, nên bài viết này giúp đưa ra một cái nhìn sơ lược về lịch sử giáo hoàng từ chức. Bài viết này còn như lời kêu gọi cầu nguyện và hi sinh nhiều hơn cho giáo hội.
Thông báo bằng tiếng latinh được đài Vaticana dịch sang tiếng Ý và nhiều ngôn ngữ khác, nguyên văn như sau: ‘‘Sau khi nhiều lần tự vấn lương tâm trước Thiên Chúa, tôi tin chắc rằng sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ. Trong thế giới ngày nay thường phải chịu nhiều đổi thay, sức mạnh thể lực và trí tuệ là yếu tố cần thiết để lèo lái con thuyền của thánh Phêrô, loan truyền Phúc âm. Trong nhiều tháng qua, sức lực mòn mỏi khiến tôi phải nhìn nhận không còn đủ sức cáng đáng sứ mệnh đã được giao phó. Tôi thành thực xin lỗi (tất cả) về những thiếu sót của tôi.’’ (Vietcatholic.net)
Giáo Luật và việc từ chức
Theo bộ giáo luật năm 1983, Quyển II: Dân Chúa, Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội, Tiết 1: Quyền Tối Cao Của Giáo Hội, trong chương I: Ðức Thánh Cha Và Tập Ðoàn Giám Mục, mục I bàn về Đức Thánh Cha, Ðiều 332 # 2 viết “Nếu xảy ra trường hợp Ðức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.”
Như thế, để sự từ chức của Đức Thánh Cha có hiệu lực cần hai yếu tố; đó là “tự do” và “bày tỏ cách hợp thức”. Tuy nhiên, bộ giáo luật không chỉ định cá nhân hay đoàn thể nào mà qua đó Đức Thánh Cha phải bày tỏ việc từ chức cách hợp thức.
Lịch sử giáo hoàng từ chức.
Có thể nói việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức gây nên một cú sốc đối với không chỉ người Công giáo hay Kitô giáo mà còn cả với toàn thể thế giới. Đây là vị giáo hoàng đầu tiên trong vòng 600 năm qua từ chức. Nhưng ngài không phải là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong lịch sử giáo hội.
Vị giáo hoàng, không kể đức giáo hoàng Biển Đức, cuối cùng từ chức chính là đức giáo hoàng Giêgôriô XII lên ngôi giáo hoàng năm 1406 đến 1415, việc từ chức của ngài giúp chấm dứt cuộc ly giáo Tây phương. Vị giáo hoàng từ chức nổi tiếng là thánh thiện chính là Thánh giáo hoàng Celestine V. Vốn là thầy dòng Biển Đức với bản tính đơn sơ và khiêm tốn, ngài lên ngôi giáo hoàng trong vòng năm tháng, đã quỳ gối trước hồng y đoàn xin từ chức.
Đức Pontian (230-235)
Trong lịch sử giáo hội, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức là thánh giáo hoàng Pontianô lên ngôi giáo hoàng từ 230-235. Ngài lên ngôi giáo hoàng giữa lúc giáo hội đang gặp nạn phân tán bởi ảnh hưởng của Hippôlytô đồng thời hứng chịu cơn bách hại đạo dữ hội. Ngài tư chức khi bị lưu đầy qua Sardinia. Tại đây, ngài hoà giải với linh mục Hippôlytô và cả hai đều được phúc tử đạo.
Đức Celestine V (1294)
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của ngài, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi vào tháng 7 năm 1294. Ngài là vị giáo hoàng thứ 192 của giáo hội công giáo. Ngài đã từ chức giáo hoàng tại Caltelmovo ở gần Napôli ngày 24 tháng 12 năm 1294 khi nhận ra mình chỉ là dụng cụ trong tay các lãnh chúa. Ngài quỳ gối xin lỗi Hồng Y Đoàn vì đã không thể chu toàn nhiệm vụ giáo hoàng. Hậu quả của việc từ chức là ngài bị giam trong thành Fumone và qua đời năm 1296. Ngài được Ðức Clementê V phong thánh tại Avignon ngày 03 tháng 5 năm 1313.
Đức Gregory XII (1406 - 1417)
Ngài kế vị Đức Innocent VII lên ngôi giáo hoàng ngày 30/11/1406. Ngài là vị giáo hoàng từ chức vì lợi ích giáo hội trong thời Đại ly giáo Tây phương. Vào thời gian này có hai giáo hoàng đều tuyên bố mình là giáo hoàng được bầu lên hợp pháp. Ngài đồng ý tuân theo quyết định Công đồng Constance với một điều kiện: ngài được chính thức triệu tập công đồng. Ngài từ chức và công đồng chọn Đức Martin V lên kế vị.
Đức Biển Đức XVI (2005 - 2013)
Đức Bênêdictô là đấng kế vị thánh Phêrô thứ 265 đại diện Chúa Kitô. Ngài là vị giáo hoàng người Đức đầu tiên kể từ thế kỷ XI. Ngày 19/04/2005, ngài lên ngôi giáo hoàng và sẽ mừng sinh nhật 86 tuổi vào ngày 16/04/2013 sắp tới. Ngài sẽ về hưu lúc 20 giờ ngày 28/02 vì lý do sức khỏe và tuổi tác.
Chức vụ giáo hoàng có lẽ là một trong những chức vụ làm tổn hao tâm trí con người nhiều nhất. Theo nhà báo John l. Allen của tờ National Catholic Reporter, trong tác phẩm viết về Đức Biển Đức XVI và việc bầu cử giáo hoàng, với số tín hữu Công giáo gần 1,1 tỉ người trên toàn thế giới, do một bộ phận hành chính khoảng 2700 người trông coi và thượng đỉnh là chức vụ Giáo hoàng, một con số đầy kinh ngạc và hệ quả là tàn phá sức và trí con người kinh khủng thế nào. Peter Drucker, một chuyên gia về quản lý tính toán nếu áp dụng cùng một tỉ lệ cho Hoa Kỳ thì chính quyền Hoa Kỳ chỉ cần 500 người trong chính phủ liên bang mà thôi. Điều đó cho thấy giáo hội là một trong những cơ chế vận hành đòi hỏi sự cộng tác của từng thành viên: từ việc cầu nguyện, hy sinh cho đến đóng góp cho giáo hội.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, đấng luôn thánh hóa giáo hội, luôn làm cho giáo hội tràn đầy sinh lực để giáo hội trở nên chứng nhân cho Đức Kitô giữa trần gian.
Về sự thoái vị của các Đức Giáo Hoàng
Gioan Lê Quang Vinh
Trong thời đại Internet, tin tức loan nhanh đến không ngờ. Các trang mạng Công giáo và mạng xã hội loan tin Đức Thánh Cha Benedictô XVI từ chức ngay sau khi ngài tuyên bố vào lúc 11 giờ sáng hôm nay 11 tháng 2 năm 2013 giờ Vatican, tức 6 giờ chiều cùng ngày, giờ Việt nam.
Tin loan đi quá nhanh và quá bất ngờ, nhiều người đón nhận với lòng tiếc nuối, cảm động và một số ngờ vực. Trên Facebook, các bạn trẻ biểu lộ tâm tình tri ân Đức Thánh Cha và cầu nguyện cho ngài. Tuy nhiên, cũng có một số bạn đặt câu hỏi như một bạn viết trên Facebook “Chúa ơi sao kỳ vậy? Phải chăng là lần đầu tiên Giáo hội có việc này?”
Thật ra biến cố này không phải là kỳ lạ, và đây cũng không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng thoái vị. Ngai toà Phêrô do chính Chúa Giêsu thiết lập, và Người đích thân chọn Đấng đại diện Người trên trần gian từ vị Giáo Hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô. Người giao cho Đấng ấy chìa khoá Nước Trời, với quyền bính mà Giáo luật diễn tả như sau: “Do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành xử quyền ấy” (Giáo Luật 1983, điều 331).
Nhưng Chúa Giêsu và Hội Thánh Người không quy định rằng Đức Giáo Hoàng không thể thoái vị. Và Giáo Luật còn định liệu một vị Giáo Hoàng có thể từ chức. Bộ Giáo Luật 1983 viết: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận”. (Điều 332, triệt 2).
Xét về thực tế lịch sử, trong Giáo Hội đã có những vị Giáo Hoàng từ chức hoặc nói đến việc từ chức. Các sử gia đã từng đồn đoán rằng trong thời gian Đại Chiến Thế Giới thứ hai, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã soạn một văn bản tuyên bố nếu Ngài bị phát xít bắt cóc thì hãy coi như Ngài đã từ chức, và cần chọn người kế nhiệm.
Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không từ chức, nhưng ngài đã từng tuyên bố: "Tôi sẽ từ chức, về nước để đồng cam cùng khổ với dân chúng Ba Lan". (Carl Bernstein, TIME, ngày 24-2-1992). Nhưng sau đó Ba Lan và Đông Âu thoát khỏi ảnh hưởng của cộng sản nên ngài đã an tâm tiếp tục sứ vụ Giáo Hoàng.
Những vị giáo hoàng đã từ chức:
Vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị trong lịch sử Giáo Hội là Thánh Giáo Hoàng Celestine V (1215-1296). Ngài tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý. Năm hai mươi tuổi, ngài bắt đầu sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Do đó, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Đó là một vị Giáo Hoàng khiêm tốn và thánh thiện.
Một vị Giáo Hoàng khác từ chức là Đức Giáo Hoàng Gregory XII, trị vì từ 1406 đến 1415. Ngài sinh tại Venice. Đây là thời kỳ buồn thảm nhất của cuộc ly giáo Tây Phương vì cùng lúc có ba thẩm quyền giáo hoàng: Roma, Avignon và Pisa. Hoàng đế Sigismond triệu tập Công đồng Chung Constancia (1413), trong khi Giáo hoàng Gregory tuyên bố từ chức để chấm dứt thời kỳ Ly Giáo Phương Tây. Hai vị Giáo Hoàng còn lại có một vị cũng mang tông hiệu Benedictô là Đức Giáo Hoàng Benedictô XIII và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (không phải Đức Chân Phúc Gioan XXIII đăng quang năm 1958). Sau đó, Công Ðồng truất chức Ðức Gioan XXIII và Ðức Benedictô XIII. Thời kỳ Ly Giáo hoàn toàn chấm dứt.
Đối với chúng ta, những người tín hữu giáo dân, Đức Giáo Hoàng nào trong 265 vị Giáo Hoàng kể từ thời Thánh Phêrô đã thoái vị thì không quan trọng. Điều quan trọng là nhân cơ hội này, chúng ta tạ ơn Chúa về sự quan phòng kỳ diệu của Ngài đối với Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kytô.
Việc Đức Giáo Hoàng, Đấng có thể cai trị suốt đời, vẫn sẵn sàng thoái vị khi tuổi cao sức yếu, giữa lúc thế gian luôn tham quyền cố vị, cho chúng ta thấy rằng người chủ chăn đích thực trong Hội Thánh luôn sống vì Chúa và vì Hội Thánh.
Đức Benedictô ra đi sau hơn 7 năm và 7 tháng cầm quyền, với lời tuyên bố: “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.
Điều ấy rõ ràng là dấu chỉ Đức Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Những biến động trên thế giới có liên quan đến đời sống Giáo Hội, đặc biệt các biến động trong xã hội Việt nam có ảnh hưởng đến Giáo Hội tại địa phương, sẽ không trôi qua vô nghĩa như một số người hiểu lầm. Vị Đại diện Chúa Kitô biết và hiểu, và các ngài có cách định liệu phù hợp Thánh Ý Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã và đang can thiệp trực tiếp vào lịch sử nhân loại này, nhất là lịch sử Hội Thánh của Ngài. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta tạ ơn Ngài và cám ơn các Đấng đại diện Ngài ở trần gian, đồng thời chúng ta cầu xin Chúa cho Hội Thánh sớm có một vị Chủ chăn theo đúng ý Chúa.
Và dù ai là Đại diện của Chúa, thì “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (TV 23).
Theo Vietcatholic.