Tức giận vì bị nhân viên hỏi vé tàu, đến khi biết sự thật về tấm vé, cụ già "lặng người"...
Có một đôi vợ chồng già nọ sinh sống tằn tiện, tiết kiệm để nuôi 4 người con khôn lớn. Thời gian như thoi đưa, thoắt cái họ đã ở bên nhau 50 năm. Những người con thành đạt của họ bí mật bàn bạc để tặng cho bố mẹ một món quà thật ý nghĩa nhân dịp đám cưới vàng.
Vì biết hai cụ thích nắm tay nhau ngắm ánh hoàng hôn nên các con quyết định tặng cho bố mẹ một chuyến du lịch trên con tàu sang trọng nhất, để hai cụ thỏa sức đắm chìm trong cảnh đẹp hữu tình của đại dương.
Cầm vé hạng nhất bước lên con tàu sang trọng, với sức chứa lên đến hàng nghìn người, hai cụ già không khỏi xuýt xoa, ngạc nhiên. Trên tàu có đầy đủ tiện nghi, nào là bể bơi, phòng ăn sang trọng, rạp chiếu phim… chẳng thứ gì là không có, chỉ có điều giá dịch vụ vô cùng đắt đỏ.
Với hai cụ già sống cả đời tiết kiệm, dù không phải tự thanh toán cho chuyến đi song nghĩ kỹ một chút, sẽ nhận thấy họ không nỡ tiêu tiền. Vì thế, họ chỉ ngồi trên khoang hạng nhất, quan sát và cảm nhận sự tiện nghi của một con tàu đạt tiêu chuẩn 5 sao, thưởng thức nắng và gió trên mặt biển.
Cũng may vì lo lắng có thể đồ ăn trên tàu không hợp khẩu vị nên hai cụ có đem theo một thùng mì tôm, để lỡ không ăn được đồ trong nhà hàng cao cấp thì còn có đồ ăn chống đói. Nếu muốn đổi khẩu vị có thể mua bánh mì và sữa trong siêu thị trên tàu.
Buổi tối cuối cùng của chuyến đi, cụ ông nghĩ, nếu như về nhà, hàng xóm láng giềng hỏi đồ ăn trên tàu thế nào, mình không biết trả lời làm sao cũng không hay.
Thế rồi ông bàn với bà, quyết định tối đó sẽ dùng đồ trên tàu, dù sao cũng là bữa cuối cùng, ngày mai đã là điểm cuối của hành trình rồi, cũng không sợ dễ dãi với bản thân quá!
Dưới ánh đèn lung linh và tiếng nhạc nhẹ nhàng, cặp vợ chồng già đang trong những ngày tận hưởng đám cưới vàng như tìm lại được niềm vui của những ngày mới yêu.
Thời gian dùng bữa tối đã sắp hết, trong tiếng nâng cốc, cười nói vui vẻ của mọi người, cụ ông gọi phục vụ ra thanh toán, trong khi tâm trạng vẫn chưa hết phấn khởi và hào hứng.
Nhân viên phục vụ lịch sự hỏi: "Bác có thể cho cháu xem vé tàu không ạ?"
Ông cụ có chút bực mình trước câu hỏi đó: "Tôi có trốn vé để lên tàu đâu mà ăn một bữa cơm cũng cần phải xem vé tàu?"
Rồi vừa lẩm bẩm trong miệng, ông vừa lấy vé tàu ra.
Nhân viên phục vụ nhận tấm vé rồi lấy bút ra, tích một nét bút lên rất nhiều ô trống ở mặt sau của vé tàu, đồng thời kinh ngạc hỏi: "Bác ơi, từ lúc bác lên tàu đến giờ bác chưa sử dụng dịch vụ nào ạ?"
Ông cụ càng tỏ ra tức giận hơn: "Tôi sử dụng hay không có liên quan gì đến cô không?"
Nhân viên phục vụ nhẫn nại, đưa trả tấm vé và giải thích: "Đây là vé hạng sang, tất cả mọi dịch vụ bao gồm ăn uống, hát và các hoạt động khác đều đã bao gồm trong vé rồi ạ. Mỗi lần sử dụng dịch vụ, bác chỉ cần đưa tấm vé này ra là được, chúng cháu sẽ tích ghi chú lại ở phía sau là được."
Hai vợ chồng già nhớ những hộp mì họ ăn hằng ngày, lại nghĩ đến việc ngày mai chuẩn bị lên bờ, cả hai đều lặng lẽ không nói một câu.
Cùng nhau suy ngẫm:
Đọc đi đọc lại câu chuyện về hai ông bà già được may mắn bước lên một chiếc tầu sang trọng đi du hành với tấm vé hạng nhất, nhưng hai ông bà lại không có cơ hội tận hưởng sự sang trọng của nó, hai ông bà vẫn sống theo suy nghĩ của mình qua hình ảnh một thời vất vả, gian nan, khốn khó... Hai ông bà đã bỏ rơi hay đánh mất nhiều cơ hội tốt đẹp đến với mình! Thật là tiếc ơi là tiếc, uổng phí cả một chuyến hành trình mà hai ông bà cứ tưởng mình đã có cho tới điều quá bất ngờ xảy ra ở giây phút cuối cùng.
Một cách nào đó, cũng có thể nói đó có thể là chính mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là đối với các tín hữu khi bước vào Mùa Phục Sinh này. Chúa chết và sống lại không phải cho Ngài, mà là cho mỗi người chúng ta, để chúng ta tìm lại được con đường sống hạnh phúc mà nguyên tổ đã đánh mất.
Vì vậy, Mùa Phục Sinh không chỉ dừng lại ở lễ hội hoành tráng hay rộn ràng, náo nhiệt của đêm đầy ánh sáng diệu kỳ sau buổi chiều thứ sáu Chúa chết và ngày thứ bảy vắng lặng, mà là cơ hội dẫn từng người đi đến cùng đích của đời người sau khi bước vào Mùa Chay đã phấn đấu để lên được con tầu Phục Sinh, sống niềm vui hạnh phúc trường sinh.
Để có được điều tốt đẹp này, thì mỗi người chúng ta phải tự hỏi trong cuộc sống giữa cơn sóng gió phong ba đầy thử thách ta có luôn vững tin như khi Gioan được bà Maria báo tin “ Người ta đã lấy mất xác Thầy rồi ”, và khi ông đến, ông nhìn vào trong ngôi mộ trống và ông đã tin.
Giống như trường hợp hai môn đệ đã theo Chúa biết bao năm trường qua mọi hoàn cảnh, giờ Chúa đã bỏ cuộc, chết nhục nhã trên thập giá, các ông buồn bã về quê cũ để sống chờ một dịp may đến. Các ông đã gặp được Chúa khi trời về chiều và mời Vị Khách Lạ dừng chân, khi Chúa ngồi đồng bàn cầm lấy bánh, cất tiếng tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ, mắt các ông liền mở ra. Các ông nhận ra Người và bất chấp mọi sự đường dài, trời tối và cả cơn mệt nhọc của chuyến đi vừa qua để trở về Giêrusalem thuật lại những điều vừa tận mắt chứng kiến, sau khi các ông đã nói “Chúa đã sống lại thật ”
Giống như Tôma đã nói với anh em, tôi chẳng tin cho tới khi tôi sờ vào thân mình Ngài. Vậy mà khi Chúa ở trước mặt và nói cứ chạm vào vết thương của Thầy, ông đã không dám thực hiện, mà đã lên tiếng tuyên xưng: “ Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”.
Những việc đó nay vẫn đang tiếp diễn chung quanh con người của ta, chẳng hạn khi đến tham dự thánh lễ, khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, hay những việc đang xảy ra bất luận chúng là như thế nào.
Nhìn ra những điều cần thiết đó, để nhắc nhở ta đừng giống như câu chuyện về hai ông bà kể trên, tức là đừng chỉ biết theo ý riêng mình hay theo ý của con người, cũng như là không dám đối diện để sống làm sao vượt qua chúng mà đạt tới những điều cao cả, tốt đẹp hơn.
Nếu ta xét mình, ta thấy đã có được như những gì Chúa mong muốn thì thật là mừng cho ta, ta hãy cố gắng làm cho chúng được trọn vẹn hơn nữa.
Nếu như xét mình mà thấy chưa là gì thì bây giờ vẫn còn kịp để ta tận dụng chiếc vé hạng nhất mà Chúa đã đặt vào bàn tay của ta ngay trong cuộc đời này. Đừng để đến lúc chết nhìn lại mà hối hận, giống như trường hợp hai ông bà trong câu truyện kể trên!
Thiên Quang, sss