Người lớn ơi, xin một lần lắng nghe trẻ em nói...

Người lớn luôn muốn trẻ em có tâm hồn rộng mở, luôn muốn ngắm nhìn nét hồn nhiên trên gương mặt ngây thơ. Nhưng người lớn đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ em theo cách chúng ta tưởng rằng tốt đẹp...

 

Người lớn ơi, xin một lần lắng nghe trẻ em nói...

 

Suốt bao nhiêu năm nay, việc chăm lo cho trẻ em luôn được coi là ưu tiên hàng đầu bởi ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu "Trẻ em là tương lai của đất nước". Ở bất cứ nơi đâu chúng ta đều nghe thấy lời khẳng định: xã hội phải dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Nhưng thực sự, sau những ngôn từ hoa mĩ ấy, chúng ta đã dành cho trẻ em những gì?

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, cùng những bài diễn văn ca ngợi thành tích chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang vang khắp các hội trường, xin được góp vài lời để phần nào giải đáp câu hỏi này.

Đầu tiên, xin thưa rằng người lớn chúng ta ảo tưởng nhiều lắm về sự sung sướng của trẻ em. Khi những đứa trẻ đòi hỏi điều này hay điều kia, người lớn chúng ta thường mắng chúng vòi vĩnh và đem sự nghèo khổ của ông bà, bố mẹ xưa kia ra so sánh. Xét về nhiều mặt, trẻ em hôm nay sung sướng hơn thế hệ đi trước rất nhiều với hàng trăm hàng ngàn loại trò chơi, đồ ăn thức uống mà chúng ta ngày trước có mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Nhưng trẻ em có sung sướng không khi bị đe dọa từng miếng ăn, giấc ngủ vì từ rau, đậu, thịt, cá đến món đồ chơi ưa thích, thứ gì cũng có nguy cơ nhiễm độc? Trẻ em hạnh phúc không khi ra đường, muốn bỏ khẩu trang ra để thở cũng không được vì khói bụi, muốn tung tăng bay nhảy trên phố cũng phải lấm lét canh chừng những "anh hùng xa lộ" sẵn sàng cán người rồi bỏ chạy?

Khi còn nhỏ, ai trong số những người lớn chúng ta phải sống trong những nỗi sợ hãi giống như trẻ em hôm nay?

Người lớn luôn tự khen mình đã dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em. Nhưng có một thứ trẻ em còn rất thiếu: người lớn không cho các em quyền được tin. Chúng ta muốn trẻ em tin những điều tốt đẹp, nhưng chúng ta chỉ cho chúng thấy những điều nham nhở, xấu xí.

Trẻ em Hà Giang, Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Làm sao trẻ em có thể tin rằng xã hội đang chung tay bảo vệ môi trường khi có những quan chức vào tù vì rút tiền ngân sách dành cho môi trường để tư lợi? Làm sao trẻ em có thể tin vào lời khuyên "cây ngay không sợ chết đứng" khi những người dám nói thẳng, nói thật như thầy Đỗ Việt Khoa trở thành "cây ngay" cô độc giữa rừng cây xiêu vẹo, cực chẳng đã đành phải bỏ nghề?

Làm sao trẻ em có có thể tin mình được xã hội nâng niu khi chứng kiến những đứa trẻ cùng trang lứa như bé Hào Anh bị người lớn đánh đập dã man trước sự thờ ơ của chính quyền sở tại? Những đứa trẻ lớn lên thiếu hành trang niềm tin vào cuộc sống, vào lẽ phải hoàn toàn do lỗi của người lớn chúng ta.

Người lớn luôn muốn trẻ em có tâm hồn rộng mở, luôn muốn ngắm nhìn nét hồn nhiên trên gương mặt ngây thơ. Nhưng người lớn đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ em theo cách chúng ta tưởng rằng tốt đẹp. Trẻ em còn lúc nào để bay bổng và ước mơ khi lịch học chính, học phụ dày đặc đã chiếm hết thời gian từ lúc các em bước vào lớp một?

Trẻ em sao có thể mở rộng tâm hồn với thế giới bên ngoài khi bị người lớn khóa kín trong những căn nhà kín cổng cao tường hoặc phải sống chen chúc trong những ngõ sâu chật hẹp, "chỉ chính ngọ mới thấy mặt trời".

Vài chục năm nữa, liệu trẻ em có còn được chiêm ngưỡng cảnh làng quê yên bình với cánh đồng xanh mướt, đàn cò bay thẳng cánh, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ - những cảnh trí đã dung dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam - khi những dự án sân golf, biệt thự, bãi đào vàng đang được người lớn bật đèn xanh không ngơi tay?

Người lớn chẳng những không cho trẻ em cuộc sống an toàn, không cho chúng niềm tin, không cho trẻ em một tuổi thơ theo đúng nghĩa mà còn "ăn vèn" cả vào tương lai của trẻ em. Khi những đứa trẻ lớn lên, chúng ta sẽ trả lời các em ra sao về hàng triệu, hàng tỷ tấn khoáng sản đã bị thế hệ trước khai thác, sử dụng hoang phí và bán với giá rẻ mạt cho nước ngoài để thỏa mãn những nhu cầu không đáy?

Cuốn sách địa lý của thế hệ tương lai sẽ viết về nguồn tài nguyên của đất nước ra sao khi những mỏ vàng, bạc, dầu thô, than đá chẳng còn gì ngoài những hố sâu thăm thẳm và môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề?

Hãy tự hỏi chúng ta chia cho trẻ thơ được bao nhiêu từ món tiền thu được từ việc bán tống bán tháo tài nguyên, khoáng sản hôm nay. Phần chúng ta dành cho các em có phải là những ngôi trường dột nát ở vùng cao? Hay đó là những sợi cáp mắc qua sông như ở Đắk Nông để các em trượt từ bờ bên này qua bờ bên kia tới trường ngay trên đầu sóng dữ?

Chúng ta kỳ vọng trẻ em sẽ biến đất nước thành rồng, thành hổ nhưng đã vô tình đeo đá vào đôi cánh mỏng manh của các em... Ảnh Đoàn Bảo Châu

Và chao ôi, những gì chúng ta dành cho chúng liệu có xứng đáng với những món nợ hàng trăm tỷ đô-la chúng ta đang vay nợ nước ngoài để đầu tư cho những dự án trên trời dưới biển. Chúng ta hỉ hả khi năm sau vay được nhiều hơn năm trước, chúng ta giận lẫy vài hôm khi có vị quan chức nọ xà xẻo vốn ODA nhưng rồi cũng tặc lưỡi bỏ qua. Chúng ta an ủi nhau rằng trẻ em ngày sau sẽ tài giỏi hơn thế hệ hôm nay và sẽ trả hết những gì chúng ta đang vay mượn để vung tay quá trán và thả sức cho rơi rớt dọc đường.

Vâng, tôi tin lắm vào tài năng, trí tuệ của trẻ em Việt Nam. Chúng ta có những thần đồng toán học, âm nhạc, thể thao ngang tầm quốc tế; chúng ta có những đôi bàn tay tài hoa ngay ở tuổi thiếu thời. Nhưng có tủi cho trẻ em không khi cha ông chúng trông vào những bàn tay khối óc ấy để trả những món nợ xuyên thế kỷ?

Chúng ta kỳ vọng trẻ em sẽ biến đất nước thành rồng, thành hổ nhưng đã vô tình đeo đá vào đôi cánh mỏng manh của các em bằng một thứ tội tổ tông truyền.

Vậy đấy, hành trang cho trẻ em vào tương lai tưởng như rất đầy mà thực ra lại rất vơi. Chúng ta chẳng cho trẻ em được bao nhiêu so với những gì chúng ta lấy đi của trẻ em. Những người lớn ích kỷ chỉ biết nhắm mắt và tưởng tượng ra những điều vĩ đại đã làm cho con trẻ, nhưng nếu mở mắt ra chúng ta sẽ bàng hoàng khi trẻ em đang trở thành nạn nhân của thói tham lam, mù quáng và ích kỷ của chúng ta.

Xin được mượn câu hát của Trịnh Công Sơn để gọi tên nỗi niềm tôi dành cho những đứa trẻ trong ngày trọng đại này:

Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi

Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người...

Tác giả: KHƯƠNG DUY

(Sưu tầm)