XIN LỖI

Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn và cao thượng. Lời “xin lỗi” sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm. Người dám nói lời xin lỗi là người thắng cuộc. Thắng mình và thắng người. Lời “Xin Lỗi” cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của xã hội, cũng như giáo hội, tới mọi thành phần dân chúng.

XIN LỖI

Một trong những ngôn từ đẹp và uy lực nhất trong cuộc sống, đó là lời “xin lỗi.”  Chúng ta biết rằng ai cũng có lỗi lầm và sai phạm ít hay nhiều, vì vô tình hoặc hữu ý.  Là người công giáo, mỗi khi tham dự thánh lễ, trong phần sám hối, chúng ta đọc Kinh Cáo Mình xưng thú tội lỗi: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”  Lỗi tại tôi, nên tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em tha lỗi.  Lời Kinh rất đẹp và ấn tượng, nhưng điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có thật sự hối lỗi hay không?

Lời “xin lỗi” trong mọi hoàn cảnh đều rất quan trọng.  Xin lỗi là bước đầu của sự hòa giải, là cầu nối của sự cảm thông, và là nền tảng của sự bình an trong tâm hồn.  Xin lỗi là khai mở một chân trời mới trong tình người.  Làm lỗi thi hãy mau xin lỗi.  Lời “xin lỗi,” xem ra rất đơn giản, nhưng rất khó thực hiện.  Nó đòi hỏi một thái độ khiêm nhu, hạ mình, thành thật và chạnh lòng.  Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ chạy lại.”

Thiên Chúa thưởng phạt công minh.  Dân Do-thái, dọc theo lịch sử Ơn Cứu Độ, đã nhiều lần dân chúng phạm tội bất tuân và phản nghịch, nhưng khi họ biết hối lỗi quay về, Thiên Chúa đã thứ tha.  Như câu truyện của Vua Đavid đã phạm tội ngoại tình và giết người, sau khi được cảnh tỉnh, Đavid đã cúi mình nhận tội hối lỗi và xin lỗi Chúa.  Chúa đã thứ tha.  Có rất nhiều gương sám hối của các vị thánh nhân như Phêrô, Phaolô, Augustinô…. các ngài đã tỉnh thức nhận lỗi, sửa lỗi và xin lỗi.  Các ngài đã trở nên những vị thánh vĩ đại.

Nhiều khi chúng ta đã làm điều sai trái và phạm lỗi lầm, nhưng nếu bị người khác hạch hỏi hay chất vấn, chúng ta thường giận dữ, biện hộ, chối quanh, đổ lỗi hoặc tránh né.  Chối tội như kiểu ông bà nguyên tổ Ađam và Evà.  Sau khi phạm tội trái lệnh Thiên Chúa, Chúa hỏi tội: Ông Ađam đã đổ lỗi cho bà Evà và Evà đổ lỗi cho con rắn.  Để tìm sự công bằng thưởng phạt, các tổ chức xã hội đã lập ra các nhà giam, nhà tù, nhà cải huấn, rồi có các luật sư và trạng sư…. để điều tra phân xử.  Có nhiều người đã phạm tội, nhưng vì sợ, đã không đủ can đảm để khai báo sự thật.  Họ tìm cách giấu diếm phi tang lỗi phạm.  Tâm hồn họ chưa tìm sự bình an đích thực.  Họ chưa thể thắng vượt mình.  Thật vậy, thắng mình không luôn dễ.

Sống chung với nhau trong gia đình hay ngoài xã hội, qua cách ứng xử hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi mọi sự va chạm, hiểu lầm và gây gỗ.  Dù sống bên nhau và gần nhau lâu, nhưng chưa hẳn đã cảm thông và hiểu nhau.  Có nhiều điều rất nhỏ như một câu nói gắt gỏng, một lời diễu cợt, một câu viết mơ hồ hoặc một thái độ hờ hững có thể làm phật lòng nhau.  Cách chữa lành hiệu qủa và nhanh nhất, đó là lời “xin lỗi.”  Vậy thì: Ai là người phải xin lỗi trước?  Ai là người phải làm hòa trước?  Vấn đề căn cốt là cái “tôi.”  Tự vấn: Tôi không làm gì sai.  Tôi không phải xin lỗi ai cả.  Cái “tôi” tự ái thổi phồng.  Thánh Luca nhắc nhở: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41).

Các bạn ạ, ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi.  Điều quan trọng là chúng ta có dám nhận lỗi và xin lỗi hay không.  Thánh Gioan khẳng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Jn. 1, 8).  Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan.  Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn và cao thượng.  Lời “xin lỗi” sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm.  Người dám nói lời xin lỗi là người thắng cuộc.  Thắng mình và thắng người.  Lời “Xin Lỗi” cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của xã hội, cũng như giáo hội, tới mọi thành phần dân chúng.

Đẹp biết bao khi bề trên biết xin lỗi kẻ dưới, thầy xin lỗi trò, trò xin lỗi thầy, chồng xin lỗi vợ, vợ xin lỗi chồng, con cái xin lỗi cha mẹ, cha mẹ xin lỗi con cái, anh chị em xin lỗi nhau và bạn bè xin lỗi lẫn nhau.  Gia đình sẽ sống trong bầu khí an vui, cộng đoàn sẽ lạc an và thế giới sẽ hòa bình.  Nhận lỗi về mình là một cung cách cao đẹp.  Biết rằng đôi khi sự gây lỗi có thể do hiểu lầm, thiếu hiểu biết, nông cạn, tự ái hay thiển cận trong vấn đề.  Gây lỗi, chúng ta hãy xin lỗi.  Chiếc bóng đầy hơi sẽ xẹp.  Giây cung căng sẽ chùn.  Cơn nóng giận sẽ nguôi.  Sự háo thắng sẽ hạ.  Cầu thông cảm sẽ nối và tình người sẽ hòa.

Biết xin lỗi, chúng ta sẽ được lợi nhiều điều.  Chúng ta sẽ tránh được biết bao đổ vỡ và nghi kỵ.  Chúng ta sẽ thắng mình và thắng bạn.  Cuộc sống sẽ an vui.  Tâm hồn được thanh thản và an lạc.  Quan trọng nhất là chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Jn. 1, 9).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York