Bờ vực luân lý
Nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm khi lưỡng viện Hoa Kỳ đã vượt qua được cái bờ vực tài chánh trong những thời khắc cuối cùng của năm 2012 vừa qua. Thế nhưng xã hội chúng ta lại đang bước gần đến một thứ bờ vực sâu thẳm khác, mà không phải ai cũng ý thức được, đó là bờ vực luân lý, mà nổi cộm nhất là cái gọi là “hôn nhân đồng tính.” Vụ này đã được nói tới nhiều, và ở nhiều nơi, thậm chí còn được thông qua ở một số tiểu bang Hoa Kỳ. Điển hình là, bắt đầu từ tháng Giêng năm 2013, một dự luật được đệ trình cho Quốc Hội Tiểu Bang Illinois nhằm đạt mục tiêu thay đổi định nghĩa pháp lý của hôn nhân, hầu dàn xếp và tạo thuận lợi dễ dàng cho quý vị đồng tính muốn “cưới” nhau.
Trước hết, cần minh định rõ ràng, chúng ta đang nói đến lập trường, chủ trương, quan niệm, não trạng, lối sống, chứ không hề đề cập đến những người thực hiện các chủ trương hay lập trường này. Nói khác đi, tỉ như khi nói đến ngừa thai, phá thai, hay ly dị, chúng ta không bao giờ tìm cách loại trừ, ghét bỏ, lại càng không hạ giá, hay khinh chê, hoặc muốn “hạ độc thủ” quý vị nào chủ trương hay sống theo lập trường ấy. Do đó, việc gán ghép những người chống đối lập trường hay lối sống của mình, cho họ là những kẻ kỳ thị, mù quáng, ganh ghét—như trường hợp đang xẩy đến cho Giáo Hội Công Giáo—là một việc “đổ hô” bừa bãi. Câu chuyện đại loại thế này:
Vào dịp lễ Giáng Sinh 2012 vừa qua, Đức Thánh Cha (ĐTC) Biển Đức XVI, trong diễn từ phát biểu trước Hội Đồng Tư Vấn “Roman Curia” đã mạnh mẽ bênh vực cho cơ cấu gia đình như là môi trường đích đáng để lưu truyền dấu ấn hiện hữu con người, như là nền móng rường cột tự nhiên của xã hội loài người. Sau lời bình luận trên, một số người đã dùng mạng lưới toàn cầu vận động gán cho Giáo Hội Công Giáo một cái nhãn nghe thật rùng rợn đến hãi hùng: ‘nhóm người ganh ghét’ (xem White House petitioned to label Catholic Church a ‘hate group’ trong www.ewtn.com, ngày 01/04/13). Khởi đi từ ngày lễ Giáng Sinh, thỉnh nguyện thư đăng trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc đã thu nhận được 1,640 chữ ký, tính cho đến ngày 3 tháng 1 năm 2013. Nhóm này dự tính sẽ lấy được khoảng 25 ngàn chữ ký tính cho đến ngày 24 tháng 1 sắp tới. Theo Peter Sprigg, hội viên lão thành của Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình tại Washington, D.C., thì chiến dịch này—dĩ nhiên sặc mùi chính trị--tố giác ĐTC là đã hạ giá và khinh rẻ giới đồng tính, chỉ nhằm mục đích bêu riếu bất kỳ sự bất đồng nào dành cho họ, để rồi khóa miệng những ai chống đối họ. Thực ra những người này đã xuyên tạc lời nói của ĐTC, vốn không hề mang một chút hơi hướng hận thù hay kỳ thị nào cả. Ngài càng không hề ám chỉ ‘hôn nhân đồng tính’ hay ‘đồng tính luyến ái.’ Ngài chỉ lên tiếng bênh vực quan niệm của Giáo hội Công giáo về tính dục và “cơ cấu chân thực của gia đình, do cha, mẹ và con cái tạo dựng nên.” Gán ghép cho Giáo Hội Công Giáo cái nhãn “ganh ghét” nói trên là đặt Giáo Hội vào một vị thế khó xử, bởi vì các gia đình, và chính Giáo Hội, vẫn hằng thương mến các thành viên của mình, cho dù họ có xu hướng đồng tính chăng nữa.
Do đó, cần phải phân biệt rõ ràng giữa một bên là sự chống đối luân lý đối với các hành vi đồng tính, và một bên là các tội ác đầy bạo lực dành cho những cá nhân đồng tính. Việc gán ghép bừa bãi nói trên rất nguy hại bởi vì nó thực sự tạo ra hận thù ganh ghét đối với chính nhóm người bị họ dán nhãn “ganh ghét.” Một bằng chứng điển hình là trong tháng 8/2012 vừa qua, có một thanh niên 28 tuổi ở tiểu bang Virginia đã đến văn phòng trung ương của Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình. Sau khi mạt sát lập trường của Hội Đồng, anh đã nổ súng vào một nhân viên bảo vệ, trước khi anh ta bị tước khí giới. Chính thái độ đổ hô hay gán ghép bừa bãi mới thực sự gây ra các hành động bạo lực mang tính căm ghét và kỳ thị. Trong một xã hội dân chủ, việc nêu lên quan điểm bất đồng một cách hòa bình là một điều bình thường và hợp luật, cần gì phải làm những điều gây ra hiểu lầm tai hại không cần thiết như thế.
Thứ đến, tự căn bản, bản chất của gia đình đâu phải là một vấn đề tôn giáo. Hôn nhân đến với con người chúng ta xuất phát từ thiên nhiên hay tự nhiên. Quốc gia bảo vệ hôn nhân bởi vì nó thiết yếu cho gia đình và cho thiện ích chung của toàn xã hội. Riêng đối với những người đã được chịu phép Thánh Tẩy, thì Chúa Kitô thánh hóa hôn nhân như là một bí tích. Như thế chẳng phải quốc gia hay Giáo Hội đã “phát minh” hay “sáng chế” ra hôn nhân. Và cũng chính vì thế mà cả hai đều không có quyền gì để thay đổi bản chất của hôn nhân cả.
Trên thực tế, tất cả mọi quyền lợi vê mặt pháp lý của hôn nhân tự nhiên cũng đều đã được dành cho các phối ngẫu đồng tính khi họ hoàn tất sự kết hợp về mặt dân sự. Điều cần nói ở đây chính là sự tự trọng của chính giới đồng tính, và việc xã hội hoàn toàn công nhận các sinh hoạt tính dục của họ. Bình thường ra, chẳng ai chấp nhận thái độ ganh ghét hoặc kỳ thị, thế nên có thể “hôn nhân đồng tính” được nhiều người thành tâm và thiện chí đề nghị như là giải pháp hòa dịu, có thể làm hài lòng giới đồng tính. Thế nhưng, hôn nhân chính là một cam kết công khai, bao hàm một thứ trách nhiệm vượt quá tầm hạnh phúc hoặc sự hài lòng cá nhân của hai con người đã trưởng thành. Việc “sáng chế” ra các “quyền lợi dân sự” nhưng lại mâu thuẫn với các quyền lợi tự nhiên chắc chắn không thể nào giải quyết được vấn đề hạnh phúc cá nhân được.
Một số vị nặng tình với tôn giáo đã coi việc chấp nhận “hôn nhân đồng tính” như là một mẫu mực của sự đồng cảm, công bằng và không phân biệt đối xử. Những tình cảm này đã được sử dụng nhằm biện minh cho mọi thứ, từ chủ trương ưu sinh (eugenics) cho tới lập trường ưu tử (euthanasia). Nhưng nếu tôn giáo là cái gì cao xa hơn là tình cảm, thì cái nội dung tôn giáo của các từ ngữ này phải được lấp đầy bằng các chân lý mà lý trí con người có thể hiểu được và những điều Thiên Chúa đã mạc khải. Mọi kết hợp đồng tính đều không phù hợp với các giáo huấn vốn duy trì mối hiệp nhất giữa Giáo Hội với Thiên Chúa trải dài đã hơn hai ngàn năm qua.
Thiên nhiên, và “Thiên Chúa của Thiên Nhiên”—dùng đúng thuật ngữ trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ--đã ban phát cho loài người hai phái tính bổ khuyết hỗ tương, có khả năng lưu truyền sự sống qua điều mà luật pháp đã thừa nhận như là kết hợp phu phụ. Mối tương quan phái tính hoàn hợp (consummated) giữa một người nam và một người nữ đã được xây dựng một cách lý tưởng trên tình yêu hỗ tương, và luôn luôn phải đặt trên căn bản là sự đồng thuận, nếu muốn coi đó là các hành vi nhân linh đích thực. Cho dù tình bạn, và ngay cả tình yêu, giữa những người đồng tính có sâu nặng và đậm đà đến mức nào chăng nữa, xét về mặt sinh/thể lý, giữa hai người nam hoặc giữa hai người nữ, không thể nào có được một kết hợp phu phụ hoàn hợp. Ngay cả trong dân luật, một trong những lý do để tiêu hôn, đó là hôn nhân không hoàn hợp.
Một cách tự nhiên và thiết yếu, tương quan tính dục giữa một người nam và một người nữ phải khác biệt với tương quan tính dục giữa những phối ngẫu đồng tính. Chân lý này là một phần công cảm của loài người. Điều này đúng trước khi có Giáo Hội, trước khi xuất hiện quốc gia; và nó sẽ tiếp tục đúng ngay cả khi không có tiểu bang Illinois hay California, hoặc khi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ không hề hiện hữu. Do đó, đề nghị thay đổi chân lý về hôn nhân theo dân luật như vừa nói chưa chắc đã là một mối đe doạ cho tôn giáo cho bằng là một sự lăng nhục đối với lý trí con người và thiện ích của xã hội. Y như thể ta buộc phải chấp nhận một điều mà ta biết chắc là không thể có được xét về mặt sinh/thể lý hay vật lý, tỉ như khi ta phủ nhận định luật về trọng lực vậy.
Còn nữa, mối tương quan tự nhiên giữa cha mẹ và con cái cũng bị đe dọa nữa. Cho dù được nuôi dưỡng trong yêu thương bởi các phụ huynh không hề là cha mẹ mình về mặt thể lý, các trẻ em vẫn muốn biết ai là cha mẹ thật, và ai là gia đình tự nhiên của mình. Hôn nhân bền vững giữa đôi vợ chồng đã bảo đảm cho con cái có được một tình yêu gia đình và tạo ra nền tảng an toàn cho sự phát triển nhân bản. Khát vọng tự nhiên này--vốn đã bị giảm sút trong xã hội hôm nay--sẽ mất chỗ ưu tiên trong dân luật. Gia đình bình thường hay tự nhiên cũng chẳng khác gì so với một “gia đình” được dàn xếp gượng ép. Khi bản chất hôn nhân bị phá huỷ đi trong dân luật, thì gia đình tự nhiên cũng sụp đổ theo luôn.
Đâu là các thách đố đối với con người thời đại hôm nay? Theo ĐTC Biển Đức XVI thì trước hết đó là vấn nạn về khả năng con người trong việc cam kết hoặc tránh né cam kết. Các câu hỏi được đặt ra đại loại như sau: Liệu con người có thể tự trói mình suốt cả cuộc đời chăng? Làm như thế có thích hợp với bản chất con người không? Liệu có đối kháng với tự do con người và với tầm mức con người tự thể hiện mình chăng? Liệu con người có thể trở nên chính mình khi chỉ sống riêng cho mình mà thôi, để rồi chỉ tiến vào trong tương giao với người khác khi thấy mình có thể dứt bỏ họ bất kỳ lúc nào không? Liệu cam kết trọn đời có mâu thuẫn với tự do chăng? Liệu có đáng chịu khổ vì cam kết không? Càng ngày càng có nhiều người hiểu sai lạc hơn về tự do và về việc tự thể hiện chính mình, cũng như người ta càng dễ có xu hướng tránh thoát đau khổ, thành ra, từ chối cam kết có nghĩa là con người tự đóng khung nơi chính mình, giữ kỹ cái “tôi” cho mình, mà không thực sự vượt lên trên nó. Thực ra, chỉ khi nào biết tự hiến thì con người mới tìm lại được chính mình. Và cũng chỉ khi nào con người biết tự mở ngỏ cho một ai khác, cho những người khác, cho trẻ nhỏ, cho gia đình, thì con người mới thât sự hạnh phúc. Chỉ khi nào biết để cho mình được biến đổi qua đau khổ, thì con người mới khám phá được hơi thở của nhân tính. Khi cam kết bị tước bỏ thì cũng biến mất luôn các bóng dáng chính yếu của hiện hữu con người, như cha, mẹ, con cái--những yếu tố chủ yếu đó của kinh nghiệm làm người cũng tan biến theo.
Đâu là xu hướng lý giải cho những lệch lạc hiện nay về hôn nhân và gia đình? Điều gì đã tạo ra bờ vực luân lý hiện tại? Đó chính là giới tính: triết lý mới về tính dục. Phân tích sau đây của ĐTC Biển Đức XVI có thể giúp ta hiểu rõ hơn.
Giáo Trưởng Do Thái tại Pháp, Gilles Bernheim, trong một nghiên cứu rất chi tiết và rất xúc động, đã chứng minh rằng cuộc tấn công mà ta đang trải qua nhắm vào chính cơ cấu của gia đình, do cha, mẹ, con cái tạo thành, đã gây ảnh hưởng sâu đậm hơn ta tưởng. Tới giờ này, ta mới chỉ vạch ra rằng một trong các nguyên nhân gây khủng hoảng cho gia đình chính là sự hiểu biết sai lạc về bản chất tự do con người. Thế nhưng, càng ngày ta càng thấy rõ hơn rằng chính khái niệm về hiện hữu con người—làm người có nghĩa gì--mới đích thị là vấn đề. Ngài trích dẫn câu nói thời danh của Simone de Beauvoir (bạn tâm giao của triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre) như sau: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành như thế” (on ne nai^t pas femme, on le devient). Những lời này đã đặt nền móng cho “giới tính—gender” trở thành một thứ triết lý mới về tính dục. Theo thứ triết lý này, phái tính (sex) không còn là một yếu tố “đã rồi” của thiên nhiên, mà con người phải thừa nhận và rồi cố gắng—tùy theo mỗi cá nhân—mà làm cho nó có ý nghĩa cho mình: đây là vai trò xã hội do chính mình chọn lựa, ngược lại với ngày xưa, chính xã hội lựa chọn dùm cho ta. Sự sai trái sâu xa trong lý thuyết này cũng như tính cách mạng nhân học chứa chất trong đó thật là rõ ràng. Người ta bắt đầu tranh luận về ý tưởng là con người có một bản tính, do thân thể mình ban phát cho, như là một yếu tố quyết định của kiếp làm người. Họ chối bỏ bản tính này, cho rằng nó không phải là một thứ đã được ban cho, mà chính con người phải tự kiến tạo cho mình. Theo trình thuật Thánh Kinh, việc Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ thì thuộc về yếu tính cấu thành con người với tư cách là tạo vật. Tính nhị nguyên này là một khía cạnh căn cốt của việc trở thành con người, như Thiên Chúa đã an bài. Nhưng nay người ta lại tranh luận về chính yếu tố nhị nguyên đã được Thiên Chúa phú ban. Những lời của trình thuật về việc Thiên Chúa tạo dựng con người “có nam, có nữ” (Gen 1:27) không còn được áp dụng nữa. Không, điều áp dụng bây giờ là như thế này: Thiên Chúa không hề tạo dựng con người có nam, có nữ--điều xã hội vẫn tưởng thế--mà là chính ta phải tự định liệu lấy cho mình. Nam và nữ, xét như thực tại được tạo dựng, xét như bản tính hữu thể con người, không còn hiện hữu nữa. Con người đặt vấn đề về chính bản tính của mình. Thế là kể từ đây, con người chỉ đơn thuần là tinh thần và ý chí mà thôi.
Việc bóp méo tự nhiên, điều ta đang tranh cãi hiện nay, liên quan đến môi trường sống, giờ đây đã trở thành sự lựa chọn căn bản của con người, liên quan đến chính bản chất của nó. Từ nay trở đi, chỉ còn có hữu thể con người trừu tượng, tự đứng ra lựa chọn cái làm nên bản tính cho mình. Người nam và người nữ trong tình trạng được tạo dựng nhằm bổ khuyết cho nhau đúng theo lẽ làm người: điều này đã trở thành vấn đề tranh cãi. Nhưng nếu không có tính nhị nguyên nam-nữ đã được Thiên Chúa sắp sẵn khi tạo dựng con người, thì gia đình không còn là một thực thể được hình thành qua cuộc tạo dựng nữa. Cũng thế, trẻ em sẽ mất đi cái nơi chốn chúng thường chiếm cứ bấy nay, và cũng mất luôn phẩm giá của mình. Giáo Trưởng Bernheim còn chứng minh rằng, từ nay, từ một chủ thể có quyền, trẻ em đã bị buộc biến thành đối tượng cho quyền hành của người khác, và người khác có quyền chiếm đoạt chúng. Một khi tự do sáng kiến trở thành tự do tự tạo, thì tất nhiên phải chối bỏ Đấng Tạo Hóa, để rồi ra, chính con người cũng bị tước mất phẩm giá là tạo vật của Thiên Chúa, mang hình ảnh Thiên Chúa vốn là căn cốt của mình. Bảo vệ gia đình chính là bảo vệ con người. Thật rõ ràng: khi Thiên Chúa bị chối bỏ, thì nhân phẩm cũng biến mất. Ai bảo vệ Thiên Chúa thì cũng bảo vệ chính con người vậy.
Bờ vực tài chánh thì có thể phó mặc cho lưỡng viện quyết định, để rồi có thể vượt qua được vào một thời điểm nhất định nào đó. Đối với bờ vực luân lý thì hoàn toàn khác, bởi nó là cả một trào lưu văn hóa, rất tiếc, một thứ văn hóa đang suy đồi bởi não trạng thế tục, tiêu thụ, phi luân, vị kỷ, toàn là những định tính “chết người” của một nền văn minh chất đầy “tử khí.” ĐTC Gioan Phaolô II đã chẳng gọi thứ văn minh hiện đại là nền văn minh của thần chết là gì? Đối với một thứ văn hóa và một nền văn minh như thế, không thể một sớm một chiều mà thông qua nổi, cũng không thể cậy dựa vào bất kỳ thế lực nào để giúp vượt thoát được. Có chăng chỉ là quyền lực của Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng thần chết và đã sống lại khải hoàn. Có chăng là ân sủng của Ngài hoạt động nơi tận đáy sâu tâm hồn ta, nơi từng cá nhân, để từ sự hoán cải liên tục (x. Marco 1:15) nhờ gặp gỡ con người Đức Kitô, thứ văn hóa suy đồi và nền văn minh của thần chết mới có cơ may chuyển thành nếp văn hóa tiến bộ và nền văn minh của tình thương và sự sống.
NGUYỄN KIM NGÂN - vietcatholic.
Tham khảo:
“Benedict Defends Traditional Family in Christmas Address to Roman Curia” trong www.crisismagazine.com, ngày 12/26/2012
Francis Cardinal George, O.M.I: “Same-Sex Marriage Legislation: What’s at stake? trong www.crisismagazine.com, ngày 01/06/2013