DẤU TÍCH NGƯỜI TIỀN SỬ
Ở THUNG LŨNG AN KHÊ - GIA LAI
Đó là tựa đề hấp dẫn của các số báo TUỔI TRẺ từ đầu tháng năm ngày thứ sáu 5/5 năm nay. Thông tin cho biết tại AN KHÊ, thuộc tỉnh GIA LAI, trên mảnh đất VIỆT NAM thân yêu của chúng ta, vùng đất này là vùng đất đặc biệt, mang đậm những giá trị văn hóa. Đặc biệt bởi sự hội tụ các giá trị về tự nhiên là nền lục địa cổ xưa nhất của vỏ trái đất; về văn hóa là cái nôi nơi loài người xuất hiện sớm nhất. Đặc biệt nữa là nơi hội tụ các nhà khoa học, các nhà khảo cổ, cổ sử, nhân học, sinh học, địa chất học đến nghiên cứu từ nhiều năm nay.
Riêng với AN KHÊ, từ 3 năm nay, các nhà khảo cổ, người Nga, Nhật, Thụy Sĩ cùng với Việt Nam miệt mài hăng say đào bới những vùng đất được tạm khoanh vùng khoảng 40 ha và vùng đệm hơn 120 ha, dù đây chỉ là khởi đầu. Hiện tại các Ủy Ban, đặc biêt UBND Xã Xuân An, thị Xã An Khê đang lo ngại canh chừng không để những người bên ngoài đến xã thăm dò mua đất đế đầu cơ, đón đầu, từ khi thấy có những nhà chuyên gia quốc tế đến nghiên cứu khảo cổ học tại Xã.
Ngoài việc cảnh báo đầu cơ đất đai, vấn đề lớn mà các chuyên gia VN ưu tư là kinh phí để có thê đầu tư cho việc khảo cổ tầm cỡ này. Đến nay, chính các nhà chuyên gia Nga đã chi trả hàng trăm triệu đồng dành cho việc khai quật và nghiên cứu, vì đây là chương trình hợp tác thực hiện giữa Viện Khảo cổ học VN và Viện Khảo cổ học dân tộc học Novosibirsk Nga giai đoạn 2015-2019. Lo ngại ở đây là khi hoàn thành giai đoạn này, nếu phía Nga rút lui, thì kinh phí sẽ là vấn đề tối quan trọng khó khăn. Khó khăn không những về kinh phí phải có để trang trải nhưng đặc biệt khó khăn hơn vì những chuyên gia Nga rất chuyên môn, khá trẻ, đầy sức lực, có trí thức, kinh nghiệm với mối quan hệ quốc tế thuận lợi hơn VN, trong khi VN đang muốn trình một hồ sơ đầy đủ, thuyết phục, sớm nhất đế chiếm ngôi vị là đất nước có di sản đặc biệt của loài người từ nguồn gốc đến gia sản quý tầm cao mà có thể chưa nơi nào hội tụ đủ.
Những ngày tháng qua, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước gấp rút thực hiện hồ sơ về công việc địa chất toàn cầu cho tỉnh Gia Lai mà những giá trị khảo cổ học ở An Khê là một phần quan trọng. Ước mơ chính đáng của VN là thực hiện hồ sơ ấy mong được UNESCO công nhận An Khê là di sản văn hóa thế giới.
Nhiều di tích, nhiều di sản tự nhiên và lịch sử văn hóa được đánh giá có gía trị lớn với nhiều phát hiện và Hội Thảo quốc tế về thời đá cũ của An Khê làm cho thung lũng nổi tiếng, có thể trở thành điểm đến nghiên cứu của các nhà say mê đào xới, chấp nhận sống cực khổ, ăn uống ngủ nghỉ trong các chuồng bò, xa vợ nhớ con để suốt ngày, mưa cũng như nắng bỏng da vẫn một lòng đeo đuổi “ người tình muôn mặt ” vẫn mãi ẩn hình, mong ước được dần hồi khám phá vẻ đẹp đa diện của mình.
Việc khẳng định, thuyết phục được cả thế giới khảo cổ học quốc tế công nhận An Khê như cái nôi loài người là điều không dễ dàng. Còn bao nhiêu việc phải làm cần đến ý thức thuộc về của một dân tộc để không tìm lợi ích riêng tư trên hết; cần đến hiểu biết của các ban bệ nhà nước đầu tư nhân sự tiền của; cần đến sự hợp tác nghiêm túc giữa người dân địa phương với giới chuyên môn lẫn nhau, bởi quy mô và tầm quan trọng của di tích An Khê hoàn toàn xứng đáng để dược đầu tư trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về nguồn gốc loài người mang tính quốc tế.
Điều dễ thương nữa là tại nơi đây, sự hiện diện của người dân quả là cần thiết. Là nông dân, quen thuộc với đất đai của mình, tuy với xẻng cuốc, với đôi bàn tay chai cứng đầy kinh nghiệm với mảnh đất thân yêu, những hố đào quan trọng ở di tích An Khê này cũng muốn được bàn tay quen thuộc của chủ nhân mình đào xới, khai quật hơn ai khác, nhẹ nhàng, không làm thương tích những mảnh thiên thạch, những hòn đá từ đời nguyên thủy, những búa rìu khắc ghi các hoa văn nói lên thời văn minh cổ đại của con người tiền sử.
Nói đến dấu tích của người tiền sử không thể không biết đến con người khám phá ra nó. Đó là nhân vật PHẠM THANH TOÀN, 40 tuổi, quê Cái Bè, Tiền Giang, tốt nghiệp ngành khảo cổ học Trường Đại Học Khoa học Xã Hội Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Tp. HCM.
Lần đầu tiên thực hành đào xới là năm 2001 nơi hố đào tại một điểm khảo cổ thời tiền sử ở Kon Tum. Từ đó đến 2007, 2013, 2015, 2017, anh còn khám phá rất nhiều di tích khác (khỏang hơn 200) ở Gia Lai, ở Huyện K’Bang, duy ở rừng Chư Prong 16 di tích thời đá. Cách đây không lâu, Toàn khám phá thêm một di tích đặc biệt ở Huyện Đăk Glei, KonTum : di tích lạ vì nó không giống đá cũ, không giống đá mới, …có thể thuộc “trung kỳ đá cũ”. Nếu đúng như dự định, thì cùng với việc phát hiện trang sử đầu tiên của nhân loại ở An Khê, các di tích khác do Anh Toàn phát hiện sẽ minh chứng sự phát triển liên tục của con người thời tiền sử ở Tây Nguyên.
Là một nhà khảo cổ học trẻ, đầy say mê trong việc tìm tòi, đầy nhiệt huyết, thông minh, cầu mong cho nhà khảo cổ học này tiến lên nữa, mở rộng lòng, khối óc, trí tuệ để đưa khảo cổ học Việt Nam lên hàng đầu, bởi, nếu được UNESCO nhìn nhận, nguồn cội con người, với khả năng trí tuệ, tự do, ý thức trách nhiệm, hiểu biết phải trái, những giá trị thần thiêng được trao ban cho con người, đồng thời cũng minh chứng cho sự hiện hữu muôn thuở của một Thượng Đế, là Chủ của toàn Vũ trụ, mà con người có khả năng, tùng bước, khám phá… khám phá… và khám phá mãi hoài, để Tự mình, tới thời tới lúc, Mạc khải cho những ai sẵn sàng đón nhận.
Hãy vững dạ tìm kiếm nữa đi, hỡi những Nhà Khảo Cổ trai trẻ, đầy thông minh, mạo hiểm; đầy hy sinh kham khổ, để vươn lên cao hơn, ra khỏi chính mình, ra khỏi những tầm thường nhỏ nhoi. Vì người trẻ luôn đi tới, luôn tiến lên !...
N.T. Quỳnh Giao - Fmm
Tp. HCM ngày 10. 5. 2017