TÂM TÌNH CHUYẾN ĐI HÀ NỘI

Giã từ Cồn Sẻ lúc 8:30 sáng, đến sân bay Nội Bài, Hà Nội khoảng trưa. Tại đây, thầy Hưng, Dòng Phanxicô đã chờ và đưa chúng tôi về Nhà Dòng Phanxicô ở Phú Gia, Hà Nội.

TÂM TÌNH CHUYẾN ĐI HÀ NỘI

Một mâm cơm thịnh soạn đầy ắp thức ăn đã được dọn sẵn, Cha Nhuận Phanxicô đang chờ chúng tôi, mọi mệt mõi trên quãng đường bay tan biến hết, nhường chỗ cho tình cảm thân quen, gần gũi của gia đình con một Cha.

17:00 chúng tôi tham dự Thánh Lễ tại Giáo Xứ Thượng Thụy, đây cũng là lễ cưới, trong Thánh lễ Cha Xứ đã dạy đôi bạn trẻ khi đã nên vợ chồng phải là cái Đó, cái Hom (dụng cụ đánh bắt cá, tôm v.v… ) của nhau; chồng là cái Đó vợ là cái Hom, sống cuộc đời gắn bó, bền chặt chung thủy với nhau như hình ảnh cái Đó vợ là cái Hom.

Cha dùng những hình ảnh thân quen trong cuộc sống hàng ngày, cùng lời khuyên nhủ sống trọn nghĩa đạo hiếu, thật gần gũi thân yêu, đi vào lòng người, ngắn gọn dễ nhớ, tình cảm, khiến người nghe cố gắng sống như điều Chúa dạy.

Một ngày bình an trôi qua, sau khi đọc kinh tối, tạ ơn Chúa tôi đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng.

Hành trình lại tiếp tục được đánh thức bởi tiếng chuông Nhà Thờ vang lên kéo tôi ra khỏi giấc ngủ, nhìn ra đường thấy các ông bà anh chị trong áo len, áo khoác, khăn trùm, tiến vào Nhà Thờ lúc 4:30 sáng mới thấy được nét đạo đức của người giáo dân nơi đây. Sau 45phút đọc kinh cầu nguyện, mọi người ra về để bắt đầu công việc sinh sống hằng ngày của mình.

Tạ ơn Chúa đã cho con được nhìn thấy lòng sốt sắng đạo đức của giáo dân trong những Giáo xứ ở xa trung tâm Thành Phố, là gương mẫu để con suy xét lại đời sống của mình, giúp con nỗ lực khắc phục những khó khăn, trở ngạị để sống kết hiệp mật thiết với Chúa hơn.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành hương kính viếng Trung Tâm các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Sở Kiện. Từ Phú Gia đến Sở Kiện khoảng 50 km đường dài.

Đến nơi một khung cảnh cổ kính hiện ra trước mắt chúng tôi như nhắc nhớ chúng tôi quay về thời xa xưa; nơi đây một thời là thủ phủ và là trung tâm sinh hoạt Tôn giáo của Giáo Phận Đàng Ngoài.

Cha phó Sở Kiện đã dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về kiến trúc và di tích tại Sở Kiện. Gồm có nhà thờ chính, tòa Giám mục và chủng viện. Nhà thờ Sở Kiện theo kiến trúc Gothic. Đây là công trình khá đồ sộ, toàn bộ nền được lót gỗ lim để chống sụt lún. Nhà thờ dài 67,2m , rộng 31,2m và cao đỉnh 23,2m mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Với 4 hàng cột, chia làm 5 gian dọc, nhà thờ có thể chứa từ 4 đến 5 nghìn người.

Thời xưa, với địa hình hiểm trở, Sở Kiện từng là trung tâm giáo quyền và là nơi ẩn náu của giáo dân và giáo sĩ giáo phận trong thời bắt đạo Công Giáo.

Bên trong nhà thờ còn lưu giữ một cây đàn đại phong cầm cổ trên lầu hát; hài cốt, vải thấm máu của nhiều vị Thánh tử đạo Việt Nam và các dụng cụ mà nhà cầm quyền khi xưa đã xiềng xích, tra tấn các ngài.

Năm 2008, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung tâm Hành hương Các Thánh Tử đạo của Tổng giáo phận Hà Nội.

Được đặt chân đến nơi lưu giữ hài cốt, dấu tích của các Thánh Tử đạo tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động, các Thánh thật kiên cường, can đảm chấp nhận chịu mọi nhục hình, đổ máu quyết bảo vệ trọn vẹn đức tin của mình.

Tôi thầm thì nguyện xin các Thánh Tử đạo cầu bầu cùng Chúa nâng đỡ, ban cho mỗi một con dân Đất Việt cũng như cho tôi trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ trọn niềm tin như các ngài.

Chào tạm biệt Cha phó Sở Kiện, Đoàn lên đường đến Khắc Cần thăm nhà các Soeur Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Chúng tôi được các Soeur đón tiếp bằng bữa ăn trưa thật đậm chất “cây nhà lá vườn”  trứng gà luộc, thịt gà nướng, xôi gấc… rất là ngon.

Chia tay các Soeur, Đoàn đến viếng Nhà Thờ…., được  Cha Phụng Ofm chánh xứ đón và dẫn tham quan. Nhà thờ này cũng đã trải qua hơn trăm năm song vẫn còn rất đẹp. Ngày nay Giáo phận cho Cha Phụng Ofm về quản xứ nơi đây và cha đang có chương trình thay mái nhà thờ… cũng như tái truyền giáo cho anh chị em nơi đây vì trên năm mươi năm không có Linh mục xứ. Nét đặc biệt trước mặt Nhà thờ là dòng sông Đáy êm đềm chảy ngang qua thật hữu tình. 

Rời nơi đây, chúng tôi trở về Phú Gia, tham dự Thánh Lễ chiều lúc 17: 30, sau đó dùng cơm chiều, cùng nhau nguyện kinh tối. Kết thúc một ngày trong an bình và tràn đầy ơn Chúa, để ngày mai lại tiếp tục cuộc hành trình đã định.

Thứ Năm 16/2/2017, 5:30 sáng chúng tôi tham dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ Phú Gia. Sau đó, chúng tôi đến thăm các hội viên BTOG Miền Hà Nội. Các hội viên đều rất vui mừng khi thấy các Soeurs đến thăm, họ hân hoan chào đón các Soeurs như những người thân trong gia đình đi xa mới về, bao tâm tư tình cảm tuôn tràn qua những chuyện kể. Cuộc viếng thăm cho chúng tôi biết được cụ thể hoàn cảnh của từng hội viên để chia sẻ, an ủi, động viên, cầu nguyện cho nhau nhiều hơn.

Trong chuyến thăm viếng này điều đọng lại sâu sắc nơi tôi là các hội viên dù lớn tuổi, đau yếu nhưng lời nói đầu tiên của các Bác ấy khi được các Soeur hỏi thăm vẫn là lời ngợi khen, tạ ơn Thiên Chúa  về tất cả những gì Ngài đã ban cho.

Trong các hội viên Đoàn ghé thăm có bác Chính 84 tuổi,  một thành viên của Dòng Phan sinh Tại thế. Dù tuổi cao nhưng bác đã cho chúng tôi thấy nhiệt huyết, sức sống của một người Phan sinh Tại thế, phục vụ đến hơi thở cuối cùng,  bác đem cho Đoàn xem những tập sách bác viết lên cảm nghĩ của mình khi tham dự Lễ tôn vinh các Thánh, các trích đoạn được chép ra từ những sách đạo đức, mà khi đọc bác thấy tâm đắc như quyển “Vinh quang Đức Maria”. Bác ghi lại những trích đoạn trong sách này, đóng tập, đem in ra và phân phát cho các ACE trong HĐĐ. Tôi thật khâm phục, vì ngay bản thân mình, nhỏ hơn bác gần 30 tuổi, chưa làm được như vậy.

Đoàn chúng tôi lên xe, trở về Phú Gia lúc 17:15. Đọc kinh tối, tạ ơn Chúa kết thúc một ngày thật tốt đẹp, an lành.

Ngày hôm sau, khởi đầu ngày mới, chúng tôi được tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện nhỏ của CĐ Phanxicô do cha Nhuận dâng lễ lúc 6 giờ.

Sau đó, chúng tôi đi tham quan Hà Nội, vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để biết thêm về thành phố Thủ đô của Đất Nước.

Điểm đến đầu tiên là nhà thờ Chính tòa Hà Nội của Tổng giáo phận, nơi có ngai tòa của Tổng Giám mục. Tiếp đến, chúng tôi kính viếng đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế - Hà Nội. Sau đó, Nhà thờ Cửa Bắc, 56 Phan Đình Phùng – Ba Đình – Hà Nội. Nhà Thờ nầy có nét lâu đời và cổ kính tại Hà Nội. Nhà thờ Hàm Long là nơi kính viếng sau cùng. Tại Nhà thờ Hàm Long điều đập vào mắt chúng tôi đầu tiên khi bước vào nhà thờ: Thật đặc biệt trên cung thánh là tượng Thánh An-tôn ở giữa, bên trái là tượng Thánh Phanxicô Assisi , bên phải là tượng Thánh Clara. Không phải vì là con cái của Cha Thánh nên chúng tôi có cái nhìn thiên vị nhưng qua cuộc thăm viếng này cho thấy tinh thần của Thánh Phanxicô đã in đậm nét nơi đất Thăng Long này; đặc biệt là Thánh Antôn, trong mỗi nhà thờ chúng tôi kính viếng đều không bao giờ thiếu tượng ngài được đặt một nơi thật tôn kính.

Sau khi viếng các Nhà thờ, chúng tôi đi tham quan một số di tích lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long (quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội). Văn Miếu - Quốc Tử Giám (cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của Triều đình).

Kết thúc chuyến đi làm bác ái tại Quảng Bình và thăm các hội viên BTƠG Miền Hà Nội, 17h50 ngày 18/2/1017 chúng tôi lên máy bay trở về Thành phố Hồ Chí Minh.

Tạ ơn Chúa, Chúa đã cho con có cơ hội để đến những vùng rất xa trên quê hương Việt Nam, được nhìn thấy những tác phẩm thiên nhiên tuyệt tác do Chúa tạo dựng.

Được gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn với giáo dân Cồn Sẻ vùng biển, sống bằng nghề đánh bắt cá, phải rời bỏ biển, bỏ thuyền để tìm những công việc khác sinh sống.

Được gặp gỡ, chia sẻ với những hội viên BTOG FMM Miền Hà Nội lớn tuổi, đau yếu, nhưng tất cả, dù trong nỗi khó khăn cùng cực để kiếm

sống, hoặc bệnh tật đau yếu, họ vẫn lạc quan yêu cuộc sống Chúa ban, vẫn giữ vững niềm tin, một lòng trông cậy phó thác vào tình yêu, lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tinh thần đó cùng với tình cảm đơn sơ chân thành, tiếp đón nồng nhiệt của mọi người nơi chúng con đặt chân đến, là món qùa đặc biệt Chúa ban tặng cho con trong chuyến đi này.

Tạ ơn Chúa đã ban cho con một chuyến đi thật tốt đẹp, bình an. Cám ơn các Soeurs Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã cho con cùng đồng hành.

Đại diện các Chi Hội BTƠG FMM.