Bài chia sẻ dịp lễ Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn gọi FMM

Vào ngày 12/11/2017 tại Nhà Thờ Thánh Tâm, Đức Giám Mục Đa-Minh Nguyễn văn Mạnh đã chủ sự thánh lễ mừng kính Chân phước Marie de la Passion, Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn gọi FMM. Kính mời chị em và quý Hội viên đọc lại bài giảng của Đứ Cha Đa-minh trong dịp này...

Bài chia sẻ Chúa Nhật 32A TN

Nhân dịp lễ Chân phước Marie de la Passion
Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn gọi FMM

DẪN

-  Cuối năm phụng vụ, lời Chúa hướng ta về lúc cuối đời. Ai rồi cũng chết, nhưng cũng có sống lại. Vậy sống thế nào cho khôn ngoan, để chết mà được sống lại hiển vinh?

-   Thú thật, trong bối cảnh các thành viên Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ qui tụ thật đông đảo mừng đại lễ Mẹ Marie de la Passion Bổn mạng Hội Bảo Trợ Ơn gọi Phan sinh mà lại phải nói về cái chết thì tự nhiên cảm giác là e ngại, là lạc điệu, nhưng đã là Hội Bảo Trợ, đã là Nữ Phan Sinh, có lẽ chúng ta cứ để đức tin phó thác cho lời Chúa dẫn đưa.

1.  Bài đọc 2. 1 Th 4,13-18

Trước hết, thánh Phaolô trong bài đọc I nhìn thẳng vào sự chết và nói với các tín hữu Thessalonica: “Về số phận của những người an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em không hay biết gì, rồi đâm buồn phiền như người không có niềm hy vọng”. Ngày Chúa quang lâm, chính họ sẽ được sống lại trước cùng với Đức Kitô, rồi mới đến chúng ta những người còn đang sống được biến đổi và được quyện lên các tầng mây cùng với họ đi vào vinh quang Thiên Chúa. Đấy, hãy vin vào lời Chúa đó mà an ủi nhau. Chết không phải là hết. Sẽ có ngày sống lại và sống mãi.

2.  Bài Phúc Âm. Mt 25,1-13

-  Để sẵn sàng cho ngày sống lại và sống mãi, phải biết sống tốt ngay hôm nay ở đời này, như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong bài Phúc Âm Mt 25 chúng ta vừa nghe. Trong bối cảnh của bài Phúc Âm, “sống tốt” ở đây có nghĩa là tỉnh thức sẵn sàng như năm cô khôn ngoan đi đón chàng rể, mang đèn có đem theo dầu.

-   Dụ ngôn thuật rằng chàng rể đến muộn, mãi nửa đêm mới đến. Hình ảnh đêm tối gợi lên tính cách đột xuất, và do đó phải tỉnh thức sẵn sàng. Không sẵn sàng là “khờ khạo” và sẽ bị từ chối thẳng thắn: “Ta không biết các ngươi”. Chỉ những người có đời sống sẵn sàng mới được vào Nước Trời. Vậy thử hỏi thế nào là sẵn sàng? Bài đọc 1 trích Sách Khôn Ngoan có thể soi sáng chúng ta.

3.   Bài đọc I. Kn 6,12-16

-   Sách Khôn ngoan diễn tả thật sống động thái độ được Đức Khôn ngoan cho là “sẵn sàng”: ai mến chuộng, ai tìm kiếm, ai khao khát, ai kiếm tìm từ sáng sớm, ai để tâm suy niệm, ai thức khuya dậy sớm vì Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan sẽ cho gặp, sẽ tỏ mình, sẽ cho chiêm ngưỡng; thậm chí Đức Khôn Ngoan còn lên đường đi tìm và niềm nở xuất hiện cho. Ta nhớ lại một lời của Chúa Giêsu: “Ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”; Chúa rộng lượng với kẻ có lòng với Ngài. Và thánh Phaolô như rút ra kết luận thực hành: “Kẻ phân phát thì đừng tính toán so đo; kẻ chủ sự hãy gắng nhiệt thành; kẻ thương giúp hãy giúp cách vui tươi” (Rm 12, 8). Hay nói cách khác: “Người cho hãy có lòng đơn thành”.

-   Tóm lại, trong lúc đợi chờ Chúa đến, hãy duy trì lòng nhiệt thành khao khát yêu mến Chúa cháy sáng mãi, đồng thời với đức bác ái yêu người. Như vậy là sẵn sàng tỉnh thức. Chúa đến bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng vào dự tiệc cưới với Người.

-   Vậy, chúng ta có thấy lòng khao khát mến Chúa và bác ái yêu người nổi bật và cháy sáng trong cuộc đời của Mẹ sáng lập Marie de la Passion không? Và chúng ta có thấy đó là nét nổi bật và quý báu để chúng ta bước theo Mẹ Marie de la Passion không?

-  Phải chăng những bài đọc đã được chọn dự định sẽ đọc hôm nay nếu không trùng vào Chúa nhật (Hs 2,16-17.20-22 ; 2C 4,5-15 ; Lc 1,39-56), không có cùng một hướng tư tưởng?

4.  Mẹ Marie de la Passion say mến Chúa và say yêu các linh hồn

-  Chúng ta hãy nhìn lại lòng say mến Chúa và say yêu con người trong cuộc đời Mẹ Marie de la Passion.

-  Trước hết, may mắn được sinh ra trong một gia đình đạo đức, sống đức tin, nên Mẹ Marie de la Passion đã tỏ lộ lòng say mến ấy ngay lúc còn nhỏ từ trong gia đình. Năm 6 tuổi, nhân một dịp Đức Giám mục đến thăm nhà nói về cảnh khổ cực túng thiếu vật chất và không biết gì về Thiên Chúa và tình yêu của Người tại các vùng truyền giáo, Marie de la Passion đã xúc động kêu lên: “Thưa Đức Cha, con sẽ là một nhà truyền giáo”. Chúa sẽ dẫn bé gái này đến đâu?

-  Năm 17 tuổi, Mẹ đã trải qua một kinh nghiệm thần bí được gặp Chúa. Trong giờ chầu Thánh Thể vào dịp tĩnh tâm với Hội Con Đức Mẹ tại Dòng Thánh Tâm ở Nantes, Mẹ đã được Chúa Giêsu Thánh Thể tỏ mình ra thì thầm: “Ta yêu thương con, nhiều hơn con thương Ta, nhiều hơn rất nhiều”. Tiếng thì thầm ấy như vang vọng trong tâm khảm, và bị Vẻ Đẹp Tình yêu ấy chiếm đoạt, Mẹ lập tức đáp lời: “Này con đây”.

-  Từ đó, những bước đường đời của Mẹ là thế nào?

“Đường đời” trở thành “đường tu”. Mẹ ngỏ lời với thân mẫu xin đi tu. Thân mẫu không bằng lòng và không may chết đột ngột. Mẹ rất bứt rứt, nhưng vẫn quyết dâng đời mình cho Chúa.

-  Đi tu dòng Clara năm 21 tuổi (1860), Mẹ khấn Dòng với tên “Maria Hy lễ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh”. Vì lý do sức khỏe phải chuyển sang Dòng Đức Mẹ Phạt Tạ (25 tuổi, 1864), lại cũng một tên Dòng tương tự “Maria của cuộc Khổ Nạn”. Ta thấy đó, tinh thần nơi Mẹ là tinh thần hy tế đời mình, tinh thần của Tình yêu lớn nhất, sẵn sàng trao hiến và tận hiến đời mình cho người mình yêu.

-  Hiến tế đời mình cho Chúa Giêsu, Mẹ sẵn sàng đặt đời mình trước bất cứ một quyết định nào của Ngài, và quyết định “quan phòng” đó đã sớm đến: Mẹ được chỉ định đi truyền giáo Ấn Độ ngay khi còn là tập sinh của Dòng Đức Mẹ Phạt Tạ (26 tuổi, 1865). Và như cá gặp nước, Mẹ chăm chú học được rất nhiều những kinh nghiệm truyền giáo, và có cơ hội thể hiện cung cách của một người truyền giáo là có lòng thương cảm và lo lắng cho những cảnh khổ cực của người phụ nữ bản xứ và tìm mọi cách thăng tiến đời sống họ.

-  Năm 38 tuổi (1877), được ĐTC Piô IX ủy thác cho việc thành lập Tu Hội mới, Mẹ càng lộ rõ lòng khao khát mến Chúa và yêu mến tha nhân, nhất là người nghèo, qua việc lập Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ với linh đạo “hiến thân cho việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ, hai chiều kích được gợi hứng từ lời xin vâng của Đức Maria”.

-   Giải thích thế nào, sau 27 năm thành lập, lúc Mẹ qua đời vào năm 1904, Dòng đã có hơn 2000 nữ tu, đủ nhân lực để Mẹ sai đi truyền giáo khắp nơi trên hoàn cầu? Hiện nay Dòng đã có khoảng 7000 nữ tu, hiện diện trên 74 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phải chăng như Mẹ nói: “Nếu Hội Dòng là công trình của tôi thì Hội Dòng sẽ chết theo tôi, nhưng nếu đó là công trình của Thiên Chúa thì nó sẽ tồn tại”? Việc của Mẹ, nhưng công trình là của Thiên Chúa. Mẹ đã nên một với Thiên Chúa, trong yêu thương và phục vụ.

-   ĐTC Gioan Phaolô II đã nói sao trong Sắc Lệnh tuyên phong Chân Phước cho Mẹ vào ngày 20/10/2002: “Người phụ nữ lỗi lạc, được đánh dấu bởi tình yêu Đấng Tuyệt đối… Hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ đời mình để cứu rỗi các linh hồn”.

Còn trong bài giảng: “Marie de la Passion đã để cho Thiên Chúa chiếm đoạtMẹ lấy việc cầu nguyện và chầu Thánh Thể làm nguồn lực cho hoạt động truyền giáo. Vừa chiêm niệm vừa hoạt động, mẹ nhiệt thành và Mẹ can trường hiến trọn đời mình cho sứ mạng truyền giáo phổ quát của Giáo Hội với thái độ sẵn sàng đầy sáng tạo”.

5.   Hội Dòng của Mẹ tại Việt Nam đã thể hiện linh đạo của Mẹ thế nào?

-  Dòng đến Việt Nam lần đầu tiên là vào năm 1932 với năm chị em Nữ Phan Sinh tiên khởi, để thiết lập trại phong tại Quy Hòa thuộc giáo phận Quy Nhơn. Hàn Mặc Tử một nhà thơ công giáo tài hoa nhưng xấu số được điều trị tại đây, đã mô tả các nữ tu Phan Sinh như những “thiên thần áo trắng”, và thi sĩ đã chia sẻ “Chính tại trại phong Quy Hòa mà tôi đã nhận được những ơn cao trọng nhất của đời tôi”.

-  Rồi sau đó tại Vinh (1936), La-Qua, Bà Nà, Huế. 1958 cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm tại Đà Lạt, và cộng đoàn Thánh Tâm Gia Định Sàigòn mà hiện nay là đây “Nhà Chính” của Tỉnh Dòng 269 Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, TP. HCM”.

-  Năm 1960 lập cộng đoàn Thánh Gia Thạnh Mỹ. 1969 cộng đoàn Hiển Linh Sàigòn. Rồi cộng đoàn Tin Mừng tại đường Bà Huyện Thanh Quan Sàigòn. Rồi cộng đoàn Ánh Sáng Phan Rang; Cộng đoàn Êlisabeth tại Phước An, Buôn Ma Thuột. Năm 1970 lập cộng đoàn Niềm Vui tại Suối Dầu Khánh Hòa.

-  Sau 1975, cộng đoàn Sao Mai Thanh Hải Nha Trang, nay là Tập viện Sao Mai ; rồi cộng đoàn Suối Bình An-Suối Thông B ; 1985 cộng đoàn Thánh Giuse Xuân Phong Bình Giả Bà Rịa, và cộng đoàn Chúa Hài Đồng Bà Rịa.

-  Từ 1996-2003 Dòng bước sang một trang sử mới để có những bước đi thật phong phú. Năm 2000 lập cộng đoàn “Bảy Chị tử đạo” tại An Lộc Thượng Nam Định, sau dời vào Vinh. 2008 cộng đoàn Chân phước Assunta tại Sông Đốc Cà Mau.

-   Hiện nay, Tỉnh Dòng cũng đang dấn thân tham gia sứ mạng truyền giáo phổ quát như tại Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Hàn quốc, Ba Lan, Châu Phi… Chính các hoạt động rộng rãi như vậy thôi thúc nảy sinh Hội Bảo Trợ Ơn Gọi.

6. Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

-   Ý thức mình cần sự góp sức trong việc đào tạo các ơn gọi tương lai, mà cũng ý thức đường hướng Chúa sai đi từng “hai người một”, Tỉnh Dòng Phan Sinh Việt Nam, do sáng kiến của hai nữ tu Cựu Giám Tỉnh Anne Marie Nguyễn Thị HuyềnMarie Madeleine Nguyễn Thị Triệu, đã thành lập Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ năm 2005, và được biết hiện nay con số thành viên tham gia đã tăng lên rất nhiều, có mặt trên khắp đất nước và cả ở nước ngoài.

-  Ngoài việc cầu nguyện để Chúa sai nhiều thợ đến gặt cánh đồng lúa của Người (x. Mt 8, 37-38), các hội viên còn đóng góp hàng tháng, hàng nửa năm, hàng năm vào Quỹ của HBTƠG. Có những “đồng tiền của bà góa” mà Chúa Giêsu khen ngợi trong Phúc Âm là “bà rút từ cái túng thiếu của mình mà đóng góp vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (x. Lc 21,4). Cao quý thay và ý nghĩa thay! Số tiền ý nghĩa này được dùng cho việc đào tạo các ơn gọi trẻ từ Đệ tử, Dự tu cho đến Tiền tập sinh, Tập sinh, giúp các em tiền ăn, tiền học các ngành chuyên môn. Ngoài ra, cũng giúp các em Khấn tạm học thần học hoặc đi thực tập tông đồ, học ngoại ngữ để chuẩn bị đi truyền giáo tại các nước nghèo.

KẾT

Nhân ngày lễ Chân phước Marie de la Passion Bổn mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chúng ta xin ngài chuyển cầu, để Chúa Giêsu và Mẹ Maria chúc lành cho tất cả mọi hội viên đang tham gia góp phần vào sứ mạng truyền giáo phổ quát, và thưởng công bội hậu cho quý hội viên đã được Chúa gọi về được hưởng phúc Nước Trời, như năm cô khôn ngoan được cùng Chàng Rể vào dự tiệc cưới.

-   Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ không mong muốn gì hơn được thấy các ơn gọi Nữ Phan Sinh được Chúa chúc lành và được phát triền không những về lượng mà nhất là về phẩm, để “Tận hiến cho sứ mạng truyền giáo trên khắp hoàn cầu – Dám đáp lại những nhu cầu đa dạng của thời đại – Múc lấy sức mạnh từ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể – Hiến mình trong những công tác phục vụ khiêm tốn và đầy thách đố” ;

-  Với mục đích ưu tiên là “loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”./.

Đức Giám Mục Đa-Minh Nguyễn văn Mạnh.