Làm thế nào để phân định tiếng gọi của Chúa ?

Bạn hãy chân thành và tin tưởng Chúa trong lúc tìm hiểu ơn gọi của bạn. Bạn cũng hãy nhìn về phía trước, nếu đó là ơn gọi, bạn phải bảo vệ ơn gọi đó thế nào. Những gì xảy ra khi bạn theo ơn gọi đó. Ơn gọi là ánh trăng. Cần một hồ nước êm ả. Ơn gọi là áng màu của mây, phải đón gió để nó trôi đi. Ơn gọi là quà tặng, hãy nhận bằng tâm hồn yêu mến vẻ đẹp... Ơn gọi đi tu là vẻ đẹp của ánh sáng trong đêm, bạn đừng để bụi đường toan tính trần thế làm mờ ánh lấp lánh của ngàn sao.

 

Làm thế nào để phân định tiếng gọi của Chúa ?

Chủng sinh hay tập sinh là những người hoàn toàn tự do! Để có thể lắng nghe tiếng Chúa gọi, đây là một vài ý tưởng ngắn gọn chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng, trước hết:

1. Cần phải siêng năng lãnh nhận các Bí tích một cách đều đặn và trung thành(siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hàng ngày nếu có thể được và xưng tội hàng tháng). Việc lãnh nhận các Bí tích chứng tỏ rằng cuộc sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta : đó là suối nguồn tràn đầy Ân sủng của Chúa cho phép chúng ta vượt qua những thử thách trong khi lựa chọn ơn Thiên triệu.

2. Cầu nguyện: cần phải cầu nguyện cá nhân hàng ngày. Hãy dành thời gian để chầu Thánh Thể đều đặn : đó là nơi bạn có thể gặp gỡ Thiên Chúa! Bạn nên gặp gỡ thân mật và cá nhân với Chúa Giêsu Kitô và khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài. Thiên Chúa là một Người Bạn đích thực luôn đồng hành với mỗi chúng ta.

3. Đồng hành thiêng liêng rất cần thiết và thường xuyên ( cần tạo sự tin tưởng với người đồng hành. Nên yêu cầu rõ ràng đường thiêng liêng với người hướng dẫn : quá trình cầu nguyện, tự do cá nhân về điều này hay điều khác...). Ngoài ra, người đồng hành sẽ giúp bạn khám phá ra tác động của Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn từ thời thơ ấu.

4. Đọc sách: cần phải siêng năng đọc Lời Chúa, gương các Thánh, sách Công Vụ Tông Đồ ... Thiên Chúa cũng nói với chúng ta qua Lời của Ngài và Tin Mừng nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta đối với Ngài.

5. Đào tạo: Bước này không cần thiết trong thời gian đầu. Nhưng việc gặp gỡ Đức Kitô như Một Người Bạn sẽ mang lại cho chúng ta sự khao khát hiểu biết về tri thức. Nhận biết Chúa Kitô giúp chúng ta yêu mến Người nhiều hơn. Càng yêu mến Người chúng ta càng bắt chước Người và loan báo về Người!

6. Cam kết trong Giáo Hội. Tình yêu của Giáo Hội được thể hiện qua việc phục vụ vô điều kiện,  hướng về tha nhân, bằng những việc hy sinh như (tình nguyện viện, bác ái xã hội, phụng vụ, tổ chức các nhóm cầu nguyện, hành hương, tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, phục vụ trong các giáo xứ...)

7. Làm chủ cuộc sống. Tập sống trưởng thành nhân bản và trưởng thành thiêng liêng. Biết kiểm soát cuộc sống và sư tự do của mình liên quan đến công việc, gia đình, bạn bè ... và thành kiến của mọi người!

8. Tĩnh tâm. Nên tĩnh tâm trong thời gian dài ( cuối tuần không đủ, một tuần sẽ tốt hơn). Tích cực tham dự các khóa Linh Thao của Thánh Ignatio de Loyola. Tìm kiếm sự thinh lặng, khởi hành từ "sa mạc" phụ trội để lắng nghe điều mà Thiên Chúa nói trong tâm hồn bạn. Cần phải biết tiến lui theo nhịp sống bất thường của cuộc sống đô thị.

9. Trợ giúp phụ: Nên tham gia vào các lớp ơn gọi thuộc thẩm quyền của giáo phận, tham dự các buổi tối cầu nguyện cho ơn gọi, các cuộc hành hương hoặc các bước tìm hiểu ơn gọi. Tích cực tham dự tuầnTam Nhật Vượt Qua hoặc thử nghiệm sống vài ngày trong Chủng viện hay trong Dòng tu... Thiên Chúa thường ban bình an ở những nơi đó và Người luôn chờ, gọi mỗi người chúng ta.

10. Một vài cạm bẫy :

- Sợ không xứng đáng hoặc không có khả năng! Bạn cứ yên tâm vì tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi ... Thiên Chúa biết rõ chúng ta nhất và Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả mọi điều cần thiết cho sứ mạng mà Ngài muốn trao phó cho chúng ta.

- Đừng chờ một dấu hiệu hay sự xác nhận rõ ràng từ Thiên Chúa! Không, Thiên Chúa luôn để cho con cái của Ngài hoàn toàn tự do ... Không ai có thể cản trở sự tự do của chúng ta! Chúng ta phải tìm kiếm từ tận đáy lòng chương trình Tình Yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Người luôn bao phủ chúng ta trong niềm vui.

- Kiêu căng! Đó là thái độ loại trừ Thiên Chúa. Thay vào đó, bạn hãy làm tất cả cho một mình Thiên, hãy khiên tốn để nhận ra những yếu điểm của bản thân. Sau cùng, hãy để Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời bạn.

Sr Maria Thiệu Chuyên - chuyển ngữ từ "Comment discerner l'appel de Dieu sur ma vie? " .

Nguồn: catholique.org

 

 

ƠN GI

Thưa Cha, làm sao Cha biết Cha có ơn gọi đi tu?

Một lần, một người bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi đã hỏi về ơn gọi của tôi.

Băn khoăn về ơn gọi đi tu là băn khoăn về một chuyện rất đẹp. Bạn đang băn khoăn về tâm tình của hai người. Một người gọi và một người đang chờ muốn được gọi.

Đó là tâm tình của hai tâm hồn, hai trái tim nói chuyện với nhau. Người gọi là Chúa và người nghe là bạn.

Ơn gọi là chuyện riêng tư, khi bạn hỏi làm sao tôi biết mình có ơn gọi đi tu. Tôi không biết trả lời bạn sao cho dễ dàng. Trả lời theo ngôn ngữ những sách tu đức, thì tôi không chắc mình biết những điều mình học. Trả lời bằng chuyện đời mình đã đi qua thì tôi lúng túng vì đó là chuyện riêng và không biết bắt đầu thế nào. Trả lời bằng những gì mình đã đi qua thì nó có những vụng về của nó, vì nó riêng tư, nhưng những gì mình đã đi qua thì mình biết rõ hơn.

Vì là chuyện Chúa gọi, nên chuyện ta đang nói với nhau liên hệ tới ơn thánh. Bạn đang đi trên con đường rất đẹp. Nơi nào có ơn thánh, nơi nào có tiếng Chúa là nơi ấy có vẻ đẹp. Một khi bạn băn khoăn không biết Chúa có gọi bạn đi tu không tức là bạn đã ít nhiều đang nghe tiếng Chúa rồi, ít nhiều bạn đang đi vào đường đẹp đó rồi.

Khi trả lời bạn Chúa gọi tôi thế nào. Bạn nhắc nhở tôi về ơn gọi của chính tôi. Bởi thế, trả lời bạn cũng là nhắc cho tôi tiếp tục sống ơn gọi ấy. Cám ơn bạn.

 Bạn có cho rằng khi tiếng Chúa thì thầm gọi đã là quà tặng hay chưa, hoặc bạn phải đợi tới khi đi tu rồi bạn mới cho đó là quà tặng. Với tôi, khi rất mơ hồ nghe tiếng gọi, có thể một chiều nào bâng khuâng với tháp chuông, hình ảnh nóc giáo đường, tôi cho đó đã là quà tặng rồi. Điều đó quan trọng đối với tôi vì câu trả lời cho bạn, tôi dựa trên luận cứ này. Nghĩa là hễ cứ có bóng hình Chúa là có ân sủng rồi.

Muốn nói quà tặng là một ơn thánh, thì để lãnh nhận, tôi cần tâm hồn yêu mến vẻ đẹp. Tiếng gọi là một ơn thánh, thì để nghe, tôi cần một cõi lòng thanh tịnh. Tôi cần chính ơn Chúa để nghe tiếng Chúa. Tôi muốn nói những điều ấy với bạn để bắt đầu trả lời câu hỏi của bạn.

Khi bạn phân vân không biết Chúa gọi bạn thế nào đây. Đầu tiên, bạn dùng trí tuệ để phân tích, rồi bạn có thể xin ý kiến người chung quanh. Điều đó rất đúng. Tôi cũng trải qua con đường đó. Tuy nhiên, có một tâm tư tôi muốn nói với bạn:

Cầu nguyện tha thiết và ngay lành trong tin tưởng.

Cần chính ơn Chúa để nghe tiếng Chúa thì bạn phải phó thác và đơn sơ khi tìm nghe tiếng Chúa. Như tôi đã nói với bạn, tôi ngại khi trả lời bạn vì nó là câu chuyện riêng tư của riêng mình.

Sự phó thác và đơn sơ như nghịch lý với thông minh của trí tuệ. Khi gặp một điều khó khăn, bạn muốn dùng trí tuệ để giải quyết vấn đề. Một người thông minh lại càng muốn giải quyết bằng trí tuệ của mình hơn. Lúc đó, rất có thể bạn nghĩ phó thác cho Chúa, điều ấy tiêu cực quá.Còn tin tưởng là không tính toán theo trần thế, như một bé thơ, điều ấy có vẻ ngây ngô quá. Sống trong xã hội bạn phải tính toán nhiều. Cạnh tranh với cuộc sống, bạn phải cân nhắc, so đo, dè dặt. Người ta gọi đó là khôn ngoan.

Rất có thể bạn cũng áp dụng những nguyên tắc đó vào  ơn gọi đi tu. Hoặc có khi bạn cũng so đo, dè dặt khi nghe tiếng Chúa mà không biết rằng mình đang tính toán với Chúa. Hơi khó để nói cho bạn điều tôi muốn nói, vậy bạn cho tôi nói bằng một kinh nghiệm của riêng tôi.

Vào năm đó, 1983 tôi đã đi hết năm năm thần học, sắp được thụ phong linh mục. Bấy giờ Chúa lại gọi tôi vào một con đường khác: Con đường tu Dòng.

Qua lần này, tôi hiểu hơn thế nào là phó thác, tính toán và ơn gọi. Tân linh mục thường là 26 hay 27 tuổi. Năm tôi  học xong thần học đã là 32. Thay vì thụ phong linh mục, lúc này, tôi cảm thấy đời sống tu dòng thích hợp với tôi hơn.

Tôi mong ngày thụ phong linh mục vì đã chờ đợi bao năm rồi. Bây giờ tới đích lại hoãn lại hay sao ? Hoãn lại biết tới ngày nào? Biết nói sao với Đức Cha nếu bỏ địa phận ra đi. Cái băn khoăn lớn nữa là nhà dòng có nhận mình không. Vì thế, bắt đầu phải “tính toán”.

Một là cứ “âm thầm” liên lạc với nhà dòng, khi họ nhận mình rồi, bấy giờ báo cho Đức Cha biết. Trình bày trước, nếu nhà dòng không nhận, biết chỗ đâu quay về? Đức Cha đã biết ý định mình muốn ra đi như thế, liệu Đức Cha có nghi ngờ ơn gọi của mình không ? Liệu biết đâu ngài mang thành kiến rồi đối xử tệ với mình thì sao đây? Những ý nghĩa ấy làm tôi ái ngại.

Hai là cứ thụ phong linh mục trước đã, rồi vào dòng sau cũng được. Điều này còn chắc hơn nữa vì mình đã là linh mục rồi, có thể nhà dòng quý mến mình hơn. Tôi hỏi ý kiến và có người cũng góp ý với tôi như vậy. Họ bảo phải khôn ngoan mà tính toán.

Xem ra con đường nào cũng có vẻ hợp lý.

Nhưng suy niệm trước Nhà Chầu của Chúa, tôi thấy có dáng dấp của sự thiếu siêu thoát.

Điều làm tôi băn khoăn hơn nữa là bấy giờ tôi vẫn mang student visa. Tôi tỵ nạn bên Âu Châu. Từ Âu Châu qua Mỹ, tôi mất quyền tỵ nạn, không có thường trú nhân. Nếu thụ phong linh mục, sẽ có thường trú nhân ngay, điều này lợi lắm vì tôi có thể làm giấy bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Là người con duy nhất ở nước ngoài, người anh cả của bẩy đứa em, điều đó thôi thúc tôi rất nhiều. Trăn trở ấy cứ bảo tôi thụ phong linh mục đi đã. Những chiều thinh lặng trước Nhà Chầu, tôi thấy Chúa không bằng lòng với cả hai cách tính toán trên.

Những cuối tuần sinh viên đi nghỉ, nhà trường vắng, tôi ở trong phòng với những tính toán. Đã nhiều lần tôi lấy ý kiến người khác để xoa dịu lương tâm mình, nhưng trước Nhà Chầu của Chúa, Chúa vẫn có một tiếng nói riêng. Chúa nói phải siêu nhiên và phó thác.

Bây giờ, tôi muốn nói với bạn về “tiếng nói riêng” này của Chúa là gì. Trong những giờ cầu nguyện, tôi nghe như Chúa nói rằng: “Con hãy dùng trí thông minh mà tính toán trong cuộc đời, nhưng chuyện ơn gọi đi tu, con đừng tính toán”.

Lúc ấy,. nhìn về tương lai thật mù mờ. Làm sao tôi dám gọi niềm tin mà phó thác. Tôi muốn tính toán sao cho đời mình khỏi lỡ dở. Tôi nghe văng vẳng cung điệu đó là, với Chúa, tôi phải lắng nghe tiếng gọi bằng con tim chân thành. Nếu tôi tính toán, đời linh mục của tôi sẽ không trong sáng. Nhưng còn gia đình tôi thì sao. Giữa lúc biết bao người đang qua Mỹ theo diện đoàn tụ dành cho người Việt Nam. Tôi cần tấm thẻ xanh thường trú nhân.

Ơn gọi đi tu là một tự do tuyệt vời, tự do của cả hai trái tim, nơi người gọi và nơi người nghe. Tuyệt đối không thể có tính toán trần thế, vì ơn gọi này không thuộc về trần thế, làm việc giữa trần thế, nhưng không đến từ trần thế.

Tôi phải tìm hiểu ơn gọi trong sự tin tưởng. Trong những ngày đó, cám dỗ của tôi là cứ giấu Đức Cha đi. Mình tự tính toán như thế là đủ rồi. Tôi không muốn nói với bạn là bề trên luôn luôn không thể sai lầm. Có khi bề trên sai lầm.

Điều tôi muốn nói với bạn là sự chân thành và nghe tiếng gọi từ nơi Nhà Chầu vắng.

Tôi tin điều này và có những trường hợp tôi phải tin một cách mãnh liệt, một trong những trường hợp đó là để Chúa hành động trong ơn gọi linh mục của mình. Riêng trong trường hợp của tôi, tôi biết có khi bề trên cũng sai lầm, nhưng ở đây, qua những giờ phút tính toán, tôi thấy Chúa muốn tôi hành động qua Đức Cha. Phải cho ngài biết.

Biết vậy, nhưng tôi phải chiến đấu lắm mới dám trình bày tất cả cho cả Đức Cha địa phận và nhà dòng biết. Tôi đã qua những quyết định thật khó khăn. Chắc bạn muốn biết, vậy Đức Cha nghĩ gì và rồi tôi tiếp tục ơn gọi ra sao ?

Sau khi trình bày xong, Đức Giám Mục địa phận im lặng rồi nói: “Nếu nhà dòng không nhận, thầy vẫn có thể ở trong địa phận của tôi. Nhưng thầy sẽ không được chịu chức. Thầy sẽ đi giúp xứ, bao lâu tôi không biết, cho đến khi tôi gọi”.

Chợt nghe, lòng tôi cũng se sắt, đã xong năm năm thần học rồi, bây giờ lại biết đến bao giờ. Thụ phong linh mục, tôi sẽ có thường trú nhân, tôi nghĩ đến gia đình.

Đối với ơn gọi, ta phải quy phục trước thánh giá bạn ạ.

Những tháng ngày sau đó, tôi chưa biết nhà dòng có nhận tôi không, nhưng tôi thấy mình không có chút gì gian dối trong ơn gọi. Có hơi buồn và trăn trở nhưng tôi thấy mình đi đúng hướng. Khó khăn thì không hết nhưng có bình an. Tôi mơ hồ hiểu bình an mà Chúa nói với các môn đệ không như bình an của thế gian. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy một nỗi niềm nào đó có thể là xót xa xẩy ra về vấn đề bảo lãnh gia đình.

Cũng những tháng ngày sau đó, Đức Cha thương tôi hơn. Có lần ngang qua tiểu bang, phải đợi máy bay ngoài phi trường, ngài lấy taxi vào chủng viện thăm tôi, điều mà chưa bao giờ xảy ra trước đó. Cái thăm rất chân tình không phải để “câu người” nhưng là như người cha giúp đứa con của mình tìm thánh ý Chúa. Tôi nói với Đức Cha:

Con muốn tìm hiểu thánh ý Chúa, con trình bày hết và xin Đức Cha giúp con. Con rất ngại khi nhìn về mấy năm ăn học mà địa phận đã trả cho con.

Đức Cha ôn tồn nói:

Thầy không phải lo gì cả, thầy cứ tìm hiểu thánh ý Chúa đi. Ở đâu cũng là phục vụ cho Giáo Hội.

Năm 32 tuổi tôi mới vào dòng. Lại một con đường mới. Nhà dòng cũng chưa biết tôi thế nào. Nhà dòng cũng cần thời gian để thử thách tôi thêm. Trước khi vào dòng, tôi đã nhìn thấy thời gian dài đằng đẵng ấy, Cha Bề Trên Dòng cho biết ít nhất phải đợi thêm sáu năm nữa. Tôi đã học xong chương trình thần học của địa phận là năm năm. Tôi có thể thụ phong  linh mục và có thường trú nhân ngay. Bây giờ phải đợi thêm sáu năm nữa, tiếp tục đời sinh viên, mà còn dài hơn chính chương trình thần học tôi vừa học xong. Thời gian quá dài làm tôi ngán ngẩm. Có những ngày dài tôi rất ái ngại, hơi hoang vu.

Tôi cũng tự hỏi sau những năm dài ấy mới thụ phong linh mục, lúc đó mới có thường trú nhân, có thể tôi mất cơ hội bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Điều ấy làm tôi lo lắng và buồn nhất. Tôi cảm thấy mơ hồ một điều gì đó sẽ xảy ra. Tôi biết thế.

Và như điều lo xa, điều ấy đã xẩy ra.

Tôi đã mất cơ hội bảo lãnh gia đình.

Thời gian chờ đợi quá lâu. Sau năm năm thần học của địa phận, tôi chờ thêm sáu năm nữa theo chương trình trong dòng. Tất cả sau mười một năm, thụ phong linh mục xong, có thường trú nhân, nhưng phải đợi năm năm để lấy quốc tịch. Thụ phong linh mục xong, tôi đi làm mục vụ bên trại tỵ nạn. Ngày trở về Mỹ, chương trình bảo lãnh đoàn tụ không còn. Điều dự đoán đã xảy ra như vậy. Tôi chấp nhận con đường của riêng tôi.

Tôi không bảo lãnh gia đình qua Mỹ được, tôi nhìn đó như là cả gia đình được tham dự vào ơn gọi của tôi. Tôi quý ơn gọi này.

Nhìn lại những bến bờ, tôi nhờ sáu năm chậm lại này mà gặp gỡ biết bao chuẩn bị tốt làm hành trang cho con đường linh mục của tôi trong tương lai. Lại cũng nhờ thêm sáu năm nữa làm việc mục vụ bên trại tỵ nạn mà tôi chìm sâu hơn vào ơn gọi linh mục. Thanh thoát sau những năm đầu đời mục vụ, rồi mơ hồ lãng đãng, không hẳn sương, không hẳn khói, nhưng nó không là bình minh rất sáng. Những mùa hè về Mỹ giúp tĩnh tâm, có dịp ghé qua những nơi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đông đúc. Khi được mời dâng lễ cưới, họ gởi tôi phong thơ tạ ơn. Ở những cộng đoàn như thế, lòng quý mến của giáo dân Việt với linh mục còn cao quý lắm. Từ đó, có những so sánh, thiếu tâm tình cao thượng của con diều yêu trời mây. Để sống đời linh mục mà không phải chống lại một lười biếng, dễ dãi nào đó, tôi rất nghi ngờ về lối sống thoải mái này.

Tôi không muốn gọi những tháng ngày vất vả tìm hiểu đó là cách Chúa “thử thách”. Tôi muốn gọi đó là con đường Chúa thanh tẩy. Chúa biết những gì tôi cần hơn để chuẩn bị cho đời sống linh mục của tôi. Chúa có cách chuẩn bị riêng cho bạn. Bạn hãy chân thành và tin tưởng Chúa trong lúc tìm hiểu ơn gọi của bạn. Bạn cũng hãy nhìn về phía trước, nếu đó là ơn gọi, bạn phải bảo vệ ơn gọi đó thế nào. Những gì xảy ra khi bạn theo ơn gọi đó.

Ơn gọi là ánh trăng. Cần một hồ nước êm ả.

Ơn gọi là áng màu của mây, phải đón gió để nó trôi đi.

Ơn gọi là quà tặng, hãy nhận bằng tâm hồn yêu mến vẻ đẹp.

Ơn gọi đi tu là vẻ đẹp của ánh sáng trong đêm, bạn đừng để bụi đường toan tính trần thế làm mờ ánh lấp lánh của ngàn sao.

Như tôi đã nói với bạn. Chúa gọi mỗi người một cách riêng tư. Vì riêng tư nên chúng ta đáp trả riêng tư. Vì riêng tư nên nguy cơ có thể xảy đến với bạn không có nghĩa là nguy cơ cho tôi. Tôi quyết định theo tiếng gọi của tôi, nên tôi không được đưa tiêu chuẩn đó vào quyết định của bạn.

Bạn có cho những quyết định của tôi trong cách tìm hiểu ơn gọi như thế là không biết “tính toán” không? Cuộc đời hôm nay họ bảo phải “khôn ngoan” mà sống. Phải “thực tế” mà hành động. Sau cùng, rất có thể họ chối từ niềm trông cậy và phó thác, họ không còn thành thật nữa. Và rồi sự “khôn ngoan” trần thế đi quá sâu vào những công việc siêu nhiên.

Bạn đồng ý hay không vẫn là suy tư của riêng bạn.

Khi bạn tìm hiểu về ơn gọi và bạn hỏi tôi về ơn gọi của riêng tôi, thì tôi phải trả lời bằng kinh nghiệm của riêng mình. Như thế, bạn biết đó, câu trả lời cho bạn, nó chân thành đến từ một trái tim. Và cũng chân thành, tôi xin nói với bạn, hôm nay, tôi rất quý đời sống linh mục của tôi. Tôi hạnh phúc trong ơn gọi. Tôi thấy đời ơn gọi linh mục quá đẹp. Không có gì thay đổi hoặc đánh mất được ơn gọi này. Ngày thơ tuổi nhỏ tôi viết Tình Thơ Thập Giá và Mùa Hoa Trên Thánh Gía Gỗ. Dù ngày xưa tuổi nhỏ, tôi đã mơ hồ thấy rằng thập giá vẫn có tình thơ. Dù chỉ là thánh giá gỗ vẫn nở mùa hoa. Cô đơn của thập giá, tuổi nhỏ, tôi gọi là cô đơn của thi ca. Lời kinh đời linh mục, tôi viết về buổi chiều lẻ loi là lẻ loi thi vị của văn chương. Trải qua một phần đời linh mục, tôi có thể nói, linh mục không thể cô đơn hiểu theo nghĩa là héo hắt, sầu muộn. Lẻ loi của lời kinh linh mục là một huyền nhiệm linh thiêng. Là vẻ đẹp của một đường đi.

Đời linh mục vẫn là một huyền nhiệm tiếp tục gọi tôi vào khám phá. Hạnh phúc vì được khám phá và từ khám phá họ bắt gặp hạnh phúc. Phải chăng đấy chỉ là hai bờ đê của một dòng sông mà nhiều người chọn đi. Có những dòng sông họ phải quyết định ra khơi một mình.

Nguyễn Tầm Thường, S.J.