Khi qua đi, tình người ở lại
Hẳn nhiên, khi đặt chân vào cuộc đời này, con người không ai tránh khỏi cái phận người nghiệt ngã : sinh – lão – bệnh – tử. Dù muốn dù không, dù thương tiếc cách mấy ta cũng không thể nào giữ lại được người thân thương của đời ta.
Chỉ trong vài tuần thôi, Giáo Hội Việt Nam, gia đình linh tông huyết tộc đã phải đón nhận những đau thương mất mát của mình.
Dẫu biết rằng tuổi cao sức yếu, dẫu biết rằng bệnh tật lâu năm kéo dài nhưng Đức Cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa rồi cũng phải ra đi. Sự ra đi của Ngài đã để lại cho Giáo Phận Nha Trang nói riêng cũng như Giáo Hội Việt Nam và cách riêng con cháu niềm tiếc thương vô hạn. Những lẵng hoa, điện thư, hiện diện trong Thánh Lễ an táng thật lớn như muốn nói lên, muốn bày tỏ tình thương mến của những người ở lại dành cho Đức Cha.
Chưa kịp nguôi ngoai, chưa có chỗ để lấp đầy nỗi trống vắng niềm tiếc thương vô hạn đó, Giáo Hội Việt Nam và cách riêng Giáo Phận Phan Thiết đã phải ngậm ngùi chia tay với vị chủ chăn đầy nhiệt huyết, lắm yêu thương. Vừa là một Đức Cha, vừa là một nhạc sĩ và một ca sĩ đã đến và cũng đã để lại cho cuộc đời này một tâm hồn bay bỗng thánh thót trong lời ca tiếng hát, tâm tình của mình.
“Thông Vi Vu” – “Một Chút Xíu Thôi” – “Một Chút Thôi” ... gói ghém tình cảm dành cho người cha thân yêu của Giáo Hội, của Giáo Phận và của những đứa con. Cha ra đi và Cha đã để lại nỗi trống vắng và niềm tiếc thương vô hạn. Cứ nhìn dòng người đổ về thành phố biển Phan Thiết, mọi người cảm nhận được tình người còn lại trong một nhân cách, một con người và một giám mục dễ thương. Đi đến đâu cũng thế, vào nhà ai cũng vậy và tiếp xúc với bất kỳ ai, “Thông Vi Vu” cũng để lại một nụ cười, một lòng cảm mến thật da diết.
Ngay hôm cử hành tang Lễ cho cố “Thông Vi Vu”, giáo phận Nha Trang lại đón nhận một tin buồn. Tin buồn đó khởi đi từ ngôi nhà hưu của Giáo Phận khi loan tin Đức Ông Phêrô được Chúa gọi về. Nhiều năm tháng, Đức Ông đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho một Giáo Phận ven biển của đất nước hình chữ S thân thương. Đức Ông vẫn giữ cho mình ngọn lửa của sách vở và vẫn miệt mài viết và viết cho đến ngày không còn viết được nữa. Và, biết bao tình cảm thân thương vẫn còn ở lại với Đức Ông dẫu Đức Ông đã qua đời.
Và rồi cùng trong ngày tang Lễ của Đức Ông, đâu đó ở ngôi Thánh Đường cổ kính của Giáo Phận cũng cử hành Thánh Lễ tạ ơn, tiễn biệt cho một người thân yêu của gia đình kia vừa tạ từ cõi trần về với Chúa.
Nhìn vào Thánh Lễ của bà, nhiều người không khỏi ngạc nhiên hỏi rằng bà có phải là bà cố của cha này cha kia, sơ này sơ kia không vì lẽ sự hiện diện của nhiều linh mục, tu sĩ và cả giám mục nữa. Hỏi ra mới biết bà không có công sinh nhưng bà có công dưỡng, không chỉ dưỡng linh mục mà dưỡng những mảnh đời đơn nghèo bất hạnh.
Trong những ngày mọi người chia buồn và thăm viếng, người ta chợt nhận ra nhiều trẻ em khuyết tật câm điếc và cả không thấy đường cũng đến với gia đình và với bà. Giản đơn, những mái ấm, những đứa trẻ mồ côi khuyết tật muốn sẻ chia chút tình người còn ở lại với gia đình.
Như trong bài chia sẻ trong Thánh Lễ cầu nguyện cho bà tại gia đình, linh mục ấy đã ví von bà như người phụ nữ không chỉ chuẩn bị đèn, dầu cho chính mình mà cho lũ cháu đàn con qua tâm tình chia sẻ cho người nghèo. Ngay như cái thùng tiền mà người ta vẫn thường gọi là phúng điếu đó, thì bà và gia đình vẫn ước nguyện sẻ chia cho mái ấm nuôi dưỡng các em bệnh tật, sida.
Người - dù ai ai bất kể - giám mục, linh mục hay phó thường dân Nam Bộ như cụ bà vừa qua đi vẫn để lại cái mà người ta gọi là tình người. Có được nghĩa tình như thế cũng chỉ do hay nói cách khác là phải do nhân cách sống của mình.
Viết đến đây, tôi lại nghĩ Mỗi con người được sinh ra trên đời đều trải qua các giai đoạn khác nhau của quá trình “Sinh, lão, bệnh, tử”. Đến cuối cùng, rồi ai cũng đi đến kết thúc. Kết thúc có hậu hay không là còn tùy thuộc vào những “tình tiết, cốt truyện” do mỗi người tự tạo ra. Nếu sống tốt thì hệ quả sẽ tốt, và nguợc lại.
Như một câu nói của Bailey: “Khi bạn chào đời bạn khóc, còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho đến khi qua đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười”. Câu nói trên mang ý nghĩa khuyên răn ta nên sống một cuộc đời thật hữu ích, mang đến những điều tốt lành cho mọi người xung quanh, và như vậy, đến cuối đời, ta sẽ được nhận lại những hạnh phúc đã vun đắp.
Đứng trước sự ra đi của quý Đức Cha, Đức Ông và cụ bà thân thương, một lần nữa lại nhắc nhớ nhân cách sống và lối sống của mỗi người. Hãy sống như thế nào đó để dù mình ra đi thì tình người vẫn còn ở lại mãi dài theo năm tháng.
Người Giồng Trôm